Hôm nay, hàng triệu cử tri Campuchia tham gia cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu chọn 123 nghị sĩ Quốc hội khóa V. Kết quả bầu cử sẽ được công bố vào 18 giờ cùng ngày trong một cuộc đua tranh gay cấn giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập.
Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V diễn ra sôi động và gay cấn hơn so với các kỳ bầu cử trước.Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia, có khoảng 9,67 triệu cử tri, trong đó hơn 50% cử tri trong độ tuổi 18 - 35, đăng ký bỏ phiếu tại 19.000 điểm bầu cử trên cả nước. Cuộc bầu cử diễn ra dưới sự giám sát của hơn 24.000 quan sát viên, trong đó có hơn 60 quan sát viên quốc tế.
Khác với các kỳ bầu cử trước, cuộc bầu cử Quốc hội lần này chỉ có 8 trên tổng số 42 chính đảng tham gia tranh cử, ít nhất kể từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra năm 1993. Giới phân tích cho rằng nhiều đảng đã tự nhận thấy không còn đủ thực lực để tranh đua trên chính trường do thiếu uy tín hoặc khả năng tài chính.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này lại được đánh giá là có phần gay cấn hơn 4 kỳ bầu cử trước vì sẽ được chứng kiến "cuộc đua tam mã" giữa đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) của Chủ tịch Quốc hội Chea Sim và Thủ tướng Hun Sen; đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập do thủ lĩnh chính trị lưu vong Sam Rainsy đứng đầu; và đảng bảo hoàng FUNCINPEC do Công chúa Norodom Arun Rasmey - con gái út của cố Quốc vương Norodom Sihanouk - làm Chủ tịch.
Một tuần trước ngày bầu cử, chính trường Campuchia có trở nên đặc biệt sôi động sau sự trở về của thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy hôm 19/7 nhờ lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihamoni theo đề nghị trước đó của đích thân Thủ tướng Hun Sen. Nhiều cuộc vận động tranh cử quyết liệt đã được đảng đối lập CNRP đồng loạt tổ chức trên toàn quốc với sự "ra quân" của Sam Rainsy và "phó tướng" Kem Sokha, nhưng không vì thế mà có thể đảo ngược mức tín nhiệm cao dành cho đảng CPP cầm quyền trong đại đa số 14,2 triệu người dân đất nước Chùa Tháp.
"Tôi ủng hộ CPP vì Thủ tướng Hun Sen đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho đất nước này, nhất là cho sự phát triển của thành phố Phnom Penh", cử tri Tam Tivita chia sẻ.
"Tôi ủng hộ CPP vì đảng này có đường lối chính trị rõ ràng, tốt. Đảng CPP đã mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, đưa đất nước ổn định và phát triển như ngày nay. Đường lối chính trị của Đảng CPP phù hợp với người dân, hướng đến sự phát triển và thịnh vượng", một cử tri khác là anh Pit Karona nói.
Báo giới Campuchia cũng có những nhận định tương tự về lợi thế dành cho CPP.
"Sự thật, CPP có lợi thế rất rõ ràng, bởi vì họ có một đường lối quần chúng đúng đắn, trong khi các đảng khác thì không", Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia Pen Samithy nhấn mạnh.
"CPP sẽ tiếp tục ở thế thượng phong trên chính trường Campuchia. CPP đang cầm quyền sẽ về nhất, tiếp đó là đảng đối lập CNRP", phóng viên hãng truyền hình CTN Kheav Kola khẳng dịnh.
Các cuộc thăm dò ngay trước thềm bầu cử cũng cho thấy CPP có nhiều cơ hội về nhất trong cuộc bầu cử lần này, cho dù sự trở về của Sam Rainsy vào phút chót cũng đã khiến phe đối lập tập hợp được thêm một số tiếng nói ủng hộ.
"Tôi ủng hộ đảng Cứu quốc Campuchia CNRP vì đảng này có chính sách tốt, chủ trương chống tham nhũng, mang lại cơ hội giáo dục tốt cho người dân và cho phép tự do bày tỏ quan điểm", sinh viên Duong Sowan nói trong chiến dịch tranh cử quyết liệt của CNRP vào phút chót.
"Điểm quan trọng nhất đối với tôi là đảng CNRP mang lại sự bình đẳng cho người dân, cho dù họ là công nhân, công chức hay nông dân", ủng hộ viên của CNRP Lun Leakhena chia sẻ.
Với sự ủng hộ tăng lên của một bộ phận cử tri, tất nhiên đảng đối lập CNRP đang nuôi dưỡng tham vọng giành chiến thắng. Tuy nhiên, nếu có thì đây chỉ là bước tiến so với chính đảng này trước đó, vì theo nhận định của giới phân tích, CNRP chỉ có thể giành thêm được một số ghế so với 29 ghế hiện nay và không đủ 1/3 số ghế tối thiểu theo luật định để trở thành phe đối lập chính trong cơ quan lập pháp cao nhất nước, trừ đảng này liên minh với các đảng khác.
Nhận định trên không phải không có cơ sở khi xét đến những thành tựu phát triển thực tế của chính phủ Campuchia trong nhiều năm qua:
Thứ nhất, sau 28 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP đã vực dậy Campuchia từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, nhờ các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, dệt may, xây dựng và nông nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2012, dù kinh tế khu vực và thế giới có nhiều khó khăn do khủng hoảng nhưng Campuchia vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 7%. Campuchia đang phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 lên 1.080 USD, so với mức 990 USD trong năm ngoái.
Trong số các bạn hàng của Campuchia, Mỹ đứng ở vị trí số 1 khi nhập tới1//2 sản lượng hàng may mặc xuất khẩu của nước này. Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất, còn Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 2,7 tỷ USD cho vay ưu đãi và viện trợ tính đến hết năm 2012.
Thứ hai, Campuchia khác biệt về văn hóa và tôn giáo so với Ai Cập, Tunisia hay Libya. Mặc dù ông Sam Rainsy từng đến Tunisia hồi tháng 7/2011 để học công nghệ tổ chức "Mùa Xuân Arab" và đe dọa sẽ nhập khẩu công nghệ biểu tình này vào Campuchia một khi thua cuộc, song Campuchia không phải là một nước Bắc Phi. Dưới sự dẫn dắt của đảng CPP cầm quyền và Thủ tướng Hun Sen trong 28 năm qua, Campuchia luôn được điều hành chặt chẽ bằng pháp luật, duy trì công bằng xã hội và có nền quản trị tốt để tăng cường nền móng hòa bình và dân chủ quốc gia.
Thứ ba, chính phủ Campuchia cũng luôn thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết vĩnh viễn, đồng thời chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực. Đến nay, Campuchia đã gia nhập đại gia đình ASEAN và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Campuchia có đủ môi trường hòa bình cần thiết cho sự phát triển trong nước.
Tất nhiên, bên cạnh những thành quả, chính phủ hiện nay của Campuchia cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại như: căng thẳng xã hội gia tăng, tỷ lệ người nghèo cao, nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi và tranh cãi chưa có hồi kết với Thái Lan về chủ quyền đối với ngôi đền cổ 900 năm tuổi Preah Vihear.
Tuy nhiên, nếu tổng hợp lại thì những thành tựu vẫn chiếm thế chủ đạo. Vì vậy, dù phe đối lập của ông Sam Rainsy và Phó tướng Kem Sokha có đẩy mạnh các chiến dịch vận động tranh cử trong những ngày cuối, dù họ có lớn tiếng đe dọa biểu tình hay tảy chay kết quả bầu cử thì điều đó cũng không thể làm thay đổi nguyên vọng của đại đa số cử tri Campuchia trong việc muốn đất nước đảm bảo tính liên tục của các chính sách lớn, vì sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế.
Điều này lại chỉ có thế thực hiện được khi đảng CPP và Thủ tướng Hun Sen được tiếp tục giao trọng trách "chèo lái" đất nước trong ít nhất 5 năm tới, nếu không muốn nói là lâu hơn.