vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Nam gọi điện cho ông Thời, nói đã mua cho ông này 22 vé số trúng thưởng giải đặc biệt và được ông Thời trả 2,453 tỷ đồng. Tiếp đó, bằng hình thức tương tự, Nam lừa đảo chiếm đoạt của 6 nạn nhân khác.

Bị cáo Phan Quý Nam tại tòa (ảnh: Người Lao Động).
Ngày 30/7, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Phan Quý Nam (33 tuổi), trú TP.Huế, nguyên Phó trưởng Văn phòng đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa tại Huế 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải bồi thường cho các bị hại hơn 6,6 tỷ đồng.
Tháng 8/2012, Nam gọi điện cho ông Nguyễn Văn Thời (chủ tiệm vàng ở Huế) nói đã mua cho ông này 22 vé số trúng thưởng giải đặc biệt (loại vé 5.000 đồng) và được ông Thời trả 2,453 tỷ đồng. Tiếp đó, bằng hình thức tương tự, Nam lừa đảo chiếm đoạt của 6 nạn nhân khác ở TP.Huế hơn 4,2 tỷ đồng.

Kết quả nghiên cứu hộp đen cho thấy lái tàu đã nghe điện thoại và xem bản đồ trước khi con tàu bị lật làm 79 người chết.
Ngày 30/7, Tòa án Tối cao Galicia, Tây Ban Nha ra thông báo cho biết kết quả điều tra 2 chiếc hộp đen trên con tàu bị lật hồi tuần trước khiến 79 người thiệt mạng cho thấy con tàu chạy với vận tốc 192 km/h trước khi xảy ra tai nạn.
Thông báo của tòa án cho biết: "Vài giây trước khi xảy ra tai nạn, phanh tàu đã được kích hoạt. Tốc độ ước tính của con tàu vào thời điểm bị trật bánh là 153 km/h."
Ngoài ra, lái tàu Francisco Jose Garzon Amo cũng đang nói chuyện điện thoại với các nhân viên của công ty xe lửa Renfe và có vẻ như đang xem bản đồ lúc tai nạn xảy ra.
Lái tàu Garzon Amo nghe điện thoại trước khi xảy ra tai nạn
"Vài phút trước khi tàu bị trật bánh, lái tàu nhận được cuộc gọi trên điện thoại công vụ để nhận những chỉ dẫn về tuyến đường tới Ferrol. Từ nội dung của cuộc hội thoại và âm thanh nền, có vẻ như lái tàu đã xem một tấm bản đồ hoặc một tài liệu nào đó."
Báo chí Tây Ban Nha cho biết người lái tàu này đã thú nhận trước tòa án hôm Chủ nhật là đã có một lúc mất tập trung khi đang lái tàu. Tờ El Pais viết: "Ông này tin rằng mình đang đi nhầm tuyến đường và bắt đầu hãm tốc độ nhưng không kịp."
Hạn chế tốc độ tại nơi con tàu này bị trật bánh tại khu vực ngoại ô Santiago de Compostela là 80 km/h. Con tàu 8 tòa này lao ra khỏi đường ray tại một khúc cua và cày vào bức tường bê tông bên cạnh đường ray, tạo ra một khung cảnh hỗn độn kinh hoàng.
Hãng xe lửa Renfe cho biết tất cả hệ thống theo dõi và an ninh trên con tàu này đều hoạt động tốt trước khi tai nạn xảy ra. Trên những chuyến tàu tốc độ cao luôn có một hệ thống an ninh phức tạp tự động giảm tốc độ nếu con tàu chạy quá nhanh.
Tai nạn xảy ra tại khúc đường nơi hệ thống an ninh tại chỗ chỉ tự động dừng những con tàu có tốc độ vượt quá 200 km/h, và quyết định giảm tốc độ hay không tùy thuộc vào lái tàu.
Một điều tra viên xem xét buồng lái của con tàu tai nạn
Ông Rafael Rico, người phát ngôn hiệp hội lái tàu Semaf ở Galicia cho biết trước đó lái tàu Garzon Amo đã từng than phiền rằng hệ thống an ninh tại cung đường này không tự động hãm tất cả các chuyến tàu cao tốc.
Ông Rico nói: "Ông ấy từng nói rằng thật không thể tin được khi tốc độ không được kiểm soát tại cung đường đó, và lái tàu không thể giảm tốc từ 200 km/h xuống 80 km/h mà không có sự giám sát của hệ thống an ninh."
Lái tàu Garzon Amo đã có kinh nghiệm 30 năm làm việc tại hãng xe lửa Renfe, trong đó 13 năm làm lái tàu, và ông này đã đi qua cung đường này 60 lần trước khi xảy ra tai nạn.
Tòa án đã truy tố ông Garzon Amo 79 tội giết người do bất cẩn trong chuyên môn và cho ông này tại ngoại nhưng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách.

Chẳng cần chờ đến khi thế gọng kìm của Mỹ và Nhật Bản siết chặt, từ lâu Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động vũ trang cho các lực lượng hải quân và không quân nhằm từng bước thực hiện mục tiêu bá quyền trong tương lai.
Trung Quốc đang nuôi tham vọng nâng cấp tiềm lực quân sự lên mức hàng đầu khu vực. 
Những biểu hiện mới nhất của việc này chính là việc Trung Quốc gấp rút cho thành lập và đưa vào hoạt động lực lượng tuần duyên mới gồm 11 đội tàu và trên 16.000 quân. Là sự kết hợp của 3 lực lượng hải giảm, ngư chính và hải tuần nên một khi đi vào hoạt động, lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm vì "các đơn vị xưa nay không được phép trang bị vũ khí thì nay cũng đã có quyền", theo lời của Giáo sư quan hệ quốc tế Yang Mian tại trường Đại học Truyền thông Trung Quốc.
"Dù được đặt tên là tuần duyên nhưng lực lượng này lại được phép trang bị vũ khí hạng nhẹ. Những va chạm với các nước láng giềng sẽ tăng cao", nhà nghiên cứu Arthur Ding ở Đài Loan cũng nhận định sau khi ghi nhận năng lực trên biển của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu Arthur muốn ám chỉ tới việc Trung Quốc gần đây đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh sau nhiều năm tân trang từ một con tàu cũ mua lại của Ukraine; việc nước này đẩy mạnh các hoạt động của tàu lặn Giao Long; tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật; và đặc biệt nhất là mới đây Trung Quốc đã  ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 cùng 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Ba.
Nói là đặc biệt vì nhìn bề ngoài, đây đơn thuần chỉ là một hợp đồng mua bán vũ khí, nhưng trên thực tế lại là hạng mục hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử quan hệ Trung - Nga.
Cụ thể, với hạng mục mua tàu ngầm lớp Lada, Trung Quốc đã nhắm "một mũi tên trúng nhiều đích" khi chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên mang tên St. Peterbourg cũng vừa mới chỉ được phiên chế vào lực lượng hải quân Nga từ năm 2010.
Theo tính toán của Trung Quốc, mục đích đầu tiên của việc sắm tàu ngầm lớp Lada là giúp nước này đa nguyên hóa đội tàu ngầm để làm tăng thêm các biện pháp và hiệu quả tấn công.
Thứ hai, việc sở hữu tàu ngầm lớp Lada sẽ gây khó khăn hơn cho các đối thủ trong việc đối phó với các hoạt động tấn công của Trung Quốc. Rõ ràng, với hợp đồng vừa ký với Nga, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ hai sở hữu tàu ngầm lớp Lada vốn được thiết kế hoàn thiện hơn cả thế hệ tàu ngầm lớp Kilo vốn đã nổi danh trên thế giới.
Thứ ba và cũng quan trọng nhất là việc sắm tàu ngầm lớp Lada sẽ cho phép Trung Quốc tập trung phát triển tàu ngầm hạt nhân. Với các ưu điểm vượt trội so với các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân sẽ trở thành đơn vị chủ lực của hải quân Trung Quốc trong tương lai, đồng thời giúp nước này thể hiện sức mạnh "trên cơ" so với các đội tàu ngầm thông thường của các nước nhỏ và yếu hơn trong khu vực.
Đó là với hạng mục sắm tàu ngầm lớp Lada. Còn với hạng mục mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35, Trung Quốc cũng có những toan tính tương tự.
Theo phân tích của tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 7/2013 phát hành ở Hồng Kông, việc Trung Quốc "tậu" được Su-35 có ý nghĩa quân sự lớn lao không chỉ ở việc không quân nước này sẽ có cơ hội sở hữu loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4++ uy lực, mà còn tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-20 ở trong nước.
Theo đó, trước mắt Su-35 sẽ làm tăng thêm sức mạnh hải quân và không quân Trung Quốc khiến cho cán cân sức mạnh trong khu vực nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Phlippines, hay cả khu vực Đông Nam Á sẽ lần đầu tiên phải đối mặt với ưu thế công nghệ của không quân Trung Quốc.
Về lâu dài, với khả năng "đánh cắp" công nghệ của mình, Trung Quốc sẽ chẳng mấy chốc áp dụng gần như chính xác những công nghệ của Su-35 cho J-20 và nâng cấp loại máy bay gắn mác nội địa này thành máy bay chiến đấu thế hệ 5 với tốc độ bay siêu thanh.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa J-20 trở thành thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 đầu tiên trong khu vưc.

Khi đó, không quân Ấn Độ, Philippines và Đài Loan sẽ càng bị đẩy xuống hàng thứ yếu do mới chỉ sở hữu những tính năng cơ bản tương đương loại máy bay chiến đấu thế hệ 3 của Trung Quốc. Nhật Bản tuy khá hơn nhưng cũng sẽ ở "thế đuối" vì những công nghệ quân sự đi trước của Nhật Bản hiện nay không theo kịp sự thay đổi của không quân Trung Quốc
"Một khi sở hữu Su-35 và phát triển thành công J-20, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ dẫn trước không quân Nhật Bản và không quân Ấn Độ ít nhất là nửa thế hệ trở lên", tạp chí Kanwa Defense Review nhận định.
Theo thiết kế, Su-35 được trang bị động cơ công suất lớn với lực đẩy tăng tốc lên tới 14.500 kg. Loại máy bay này còn được gắn radar IRBIS-E có cự ly tìm tiếm gấp 4 lần loại trang bị cho máy bay Su-30 MKK của không quân Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, Su-35 còn có thêm hệ thống radar hàng không mảng định pha chủ động (AESA), khiến cho chương trình nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ dành cho Đài Loan cũng sẽ trở nên vô dụng.
Vậy là, khi lắp ghép tất cả các hoạt động nâng cấp tiềm lực quân sự của Trung Quốc, nhất là với sự xuất hiện của Su-35 và tàu ngầm lớp Lada, không khó để nhận ra rằng Trng Quốc sẽ làm thay đổi toàn bộ môi trường chiến lược ở khu vực Đông Á, gồm cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Điều này tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hoạt động căng thẳng và những vụ va chạm trong khu vực, nhất là ở những vùng biển tranh chấp nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế.
 "Với những lợi thế này, việc tuần tra trên biển của Trung Quốc sắp tới sẽ thường xuyên hơn và gắt gao hơn", nhà nghiên cứu của Đài Loan Arthur Ding nhận định sau khi nói rằng những vụ va chạm với các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền và ngay kể cả với các lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng sẽ tăng lên.
Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, với các chiến hạm lớn có tầm bắn ngày càng xa, có thể trụ lại hay tuần tiễu trên các vùng biển tranh chấp trong thời gian dài; với một lực lượng tuần duyên mới hùng hậu và có hỏa lực mạnh để tăng cường trấn áp trên biển; và một lực lượng không quân uy lực trước hầu hết các đối thủ, "chó sói" nay sẽ không cần phải "đội lốt cừu" trên Biển Đông và Hoa Đông.
Tuy nhiên, tính toán và đe nẹt chỉ là một vế của vấn đề, vì thực tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều lực cản hơn là nước này nghĩ.

Tuần này, 7 thứ trưởng Bộ GTVT bắt đầu xuất quân "vi hành" tới các địa phương nắm tình hình và giải quyết việc đảm bảo an toàn giao thông, quản lý vận tải.
Bất thường ở Bộ Giao thông
Những ngày qua, trụ sở Bộ GTVT thiếu đi không khí người ra- người vào nườm nượp vốn có, đặc biệt là từ khi, kế hoạch cả 7 thứ trưởng của bộ "vi hành" 21 tỉnh thành được công bố. Nhiều phòng làm việc của cơ quan chức năng, như thanh tra, Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông (ATGT), Vụ Pháp chế… đóng cửa. Có phòng, chuyên viên vắng quá nửa. Gọi điện di động, đa số đổ chuông, nhưng không nghe; hoặc nghe, nhưng chỉ nói vội, đang ở tỉnh này, tỉnh kia.
Cánh phóng viên giao thông liên hệ làm việc với phòng, ban chức năng của Bộ GTVT rất khó khăn. Có lãnh đạo vụ còn nói: "Bọn tôi giờ làm việc đến ngộp thở. Phải đi tiền trạm nắm bắt tình hình cơ sở chuẩn bị cho chuyến làm việc của thứ trưởng". Nữ Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Lê Minh Châu từ chối cuộc gặp: "Tôi đang công tác tại Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình. Đi kiểm tra thực hiện công tác an toàn giao thông, theo chỉ đạo hơn tuần nay rồi".
Dù chưa vào cao điểm "đi tỉnh" của 7 thứ trưởng theo kế hoạch, nhưng phòng Thứ trưởng Lê Đình Thọ nằm ở gác 2 tối om, khóa im ỉm. Phía đối diện, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng đã vắng nhiều ngày. Gọi điện, Thứ trưởng Thọ báo đang đi công tác nhiều tỉnh miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... "Ở địa phương có những công trình đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ; tình hình giao thông phức tạp... do đó, tôi phải có mặt để nắm bắt và thúc đẩy. Lịch công tác do cấp trên chỉ đạo đã sẵn sàng cho các thứ trưởng khác không riêng gì tôi", ông Thọ nói.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Bảo An.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện - người thường trực điều phối chương trình 7 thứ trưởng về 21 tỉnh cho biết: Lịch trình, địa điểm làm việc của từng vị thứ trưởng đã được lên kế hoạch chi tiết. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lần này phụ trách đoàn đi kiểm tra tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương..., Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường "kéo quân" lên phía Bắc làm việc với Sơn La, Điện Biên...
Ngoài kiểm tra về ATGT, vận tải như công bố, các thứ trưởng cũng sẽ kiểm tra thêm về công tác đào tạo, sát hạch lái xe... Sau khi các đoàn kiểm tra của các cục, vụ chuyên môn làm việc xong với địa phương, từ ngày 31/7 đến giữa tháng 9, các thứ trưởng sẽ luân phiên "đi tỉnh". Họ sẽ làm việc trực tiếp với các chủ tịch UBND tỉnh để đưa ra kết luận và giải pháp khắc phục. Sau đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo bộ trưởng và công khai kết quả.
Quan chức tỉnh đố dám can thiệp thứ trưởng?
Vấn đề quan chức địa phương, thậm chí cả trung ương can thiệp vào công việc của đoàn thanh tra Bộ GTVT được ông Huyện "kêu" nhiều lần tại Ủy ban ATGT quốc gia. Ông Huyện cho biết, đến nay, các đoàn "tiền trạm" chưa gặp có trường hợp quan chức địa phương nào can thiệp, nhờ vả.
Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Phó chánh thanh tra GTVT Thạch Như Sỹ nói gấp gáp: "Tôi đang ở Huế. Tỉnh này là tỉnh thứ 9 rồi; đi từ ngày 15/7 đến nay. Phải thanh tra thực tế, hoàn thành báo cáo để kịp với thời gian thứ trưởng vào làm việc". Ông Sỹ "bật mí", đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm và đã ra các quyết định xử phạt ngay. Riêng tại Huế, theo ông Sỹ, đã đề nghị xử phạt các đơn vị với số tiền 350 triệu đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công, người công tác ở bộ vào hàng lâu nhất trong các thứ trưởng, cho rằng, ATGT là vấn đề hệ trọng, được cả hệ thống chính trị quan tâm. Khi Bộ GTVT cử các thứ trưởng đi làm việc với người đứng đầu tỉnh, các quan chức nếu có ý định can thiệp cũng khó dám bộc lộ. "Mong muốn là đừng ai can thiệp để chúng tôi làm việc một cách công tâm. Nếu ai can thiệp, tôi khẳng định luôn là không được. Thực tế, từ khi kế hoạch thanh tra được công bố, chưa có ai gọi điện hỏi dò hay can thiệp. Chỉ có các nhà báo gọi điện hỏi để đi cùng đưa tin. Tôi sẵn sàng mời báo chí đưa tin và giám sát" - ông Công nói.
Bộ GTVT không đồng ý xây bến xe tạm
Trao đổi với Tiền Phong về đề xuất xây dựng bến xe tạm tại Ngã ba Pháp Vân (Hà Nội), Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, qua tham khảo ý kiến một số cơ quan chuyên môn quan điểm của Bộ là không đồng ý. Trả lời câu hỏi, liệu có "vi hành" đến địa điểm này không, Thứ trưởng Thọ nói: "Tôi sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ xuống kiểm tra trước. Nếu cần thiết phải xuống, lúc đó sẽ tính cụ thể".

Chiều 29/7, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có quyết định đình chỉ công tác hai cán bộ được xem là có liên quan tới vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B vào sáng 20/7.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định việc đình chỉ 2 cán bộ này không phải do họ có lỗi mà chỉ là một bước trong quá trình điều tra. Sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng, các bước tiếp theo đối với hai cán bộ này mới được tính đến.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bác sĩ Lê Thị Kim Phượng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hải Thuận, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để phục vụ công tác điều tra. Sau khi có kết quả điều tra cuối cùng từ phía cơ quan công an, sẽ xem xét và xử lý nghiêm minh đối với những đơn vị, cá nhân nếu có vi phạm.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị công bố kết luận ban đầu về vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B
Trước đó, chiều 22/7, hai cán bộ này cũng đã thôi làm việc chuyên môn để phục vụ công tác điều tra. Ngày 26/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh này tạm đình chỉ công tác cá nhân trực tiếp, gián tiếp có liên quan.
Biên bản làm việc ngày 22/7 của đoàn chuyên gia Bộ Y tế và địa phương đã chỉ rõ một số sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị như sau: bảo quản vắc xin chưa đúng quy định, để vắc xin cùng sinh phẩm khác, không ghi chép quản lý vắc xin hàng ngày; không lưu vỏ, lọ theo quy định, không triển khai tiêm vắc xin tại phòng tiêm.

Nước trên hồ thuỷ lợi dã dâng cao mấy ngày trước đó nhưng có ai ngờ nó phá vỡ luôn cả cái bờ đập tràn. Thế là nước ào xuống ầm ầm như thác đổ, cuốn trôi mọi thứ, kể cả những tảng đá lớn trên đường.
Đập thủy lợi Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã bị vỡ làm hàng chục ha lúa và hoa màu bị vùi lấp… Những trận mưa lớn kéo dài liên tiếp từ ngày 26/7 đến trưa ngày 28/7 đã gây ra không ít thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng Tây Bắc.
Bất ngờ vỡ đập
Ông Giáp Văn Lý - một hộ dân sống gần bên chân đập Hoàng Tân cho biết: "Nước trên hồ thuỷ lợi dã dâng cao mấy ngày trước đó nhưng có ai ngờ nó phá vỡ luôn cả cái bờ đập tràn. Thế là nước ào xuống ầm ầm như thác đổ, cuốn trôi mọi thứ, kể cả những tảng đá lớn trên đường.
Chỉ trong ít phút, khu dân cư, ruộng sản xuất, đường làng ngõ xóm ngập chìm trong nước. Tất cả í ới gọi nhau chạy lũ vì chả ai biết nước sẽ dâng cao đến mức nào. May mà chỉ mấy tiếng sau, nước từ từ rút. Kiểm lại không nhà ai thiệt hại về người nhưng hoa màu, tài sản thì bị cuốn đi nhiều. Sống dưới chân đập, nghĩ lại thấy thật kinh hoàng".
Đập tràn hồ thủy lợi Hoàng Tân bị vỡ do mưa lũ
Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Sơn Dương, vụ vỡ đập tràn hồ thuỷ lợi Hoàng Tân đã làm 7,8 tấn xi măng chuẩn bị làm đường bê tông nông thôn ở xã Ninh Lai bị đông cứng (do nước tràn ngập); hàng chục ha lúa, hoa màu bị đất, đá vùi lấp; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết; hơn 7,6ha diện tích ao cá của người dân bị tràn bờ…
Con đập này được xây dựng gần 30 năm nay và mới được nâng cấp năm 2010. Đập có tổng chiều dài 36m, chiều cao ngưỡng tràn 3m, kết cấu bằng đá xây bọc bê tông cốt thép. Công trình phục vụ tưới tiêu cho gần 300ha lúa và hoa màu của bà con nhân dân trong xã Ninh Lai.
Lâu nay đập vẫn đảm bảo an toàn nhưng do lượng tích nước mấy ngày qua liên tục tăng dẫn tới sự cố vỡ đập. Trước đó, mưa lớn cũng đã gây ngập úng dài cả trăm mét trên tuyến Quốc lộ 37 ở đoạn đường thuộc thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương.
Nước lũ lên đỉnh điểm
Trưa ngày 28/7, nước lũ ở Sơn La đã lên đến đỉnh điểm. Ngay tại TP.Sơn La, từ 10-12 giờ trưa ngày 28/7, nước mưa đã gây lũ cục bộ trên một số đường phố chính. Suốt dọc 2 phường Quyết Tâm và Quyết Thắng, nước dâng cao tới hơn 1m. Tại tiểu khu 3 phường Chiềng Cơi, TP.Sơn La, ông Nguyễn Văn Hoan, một hộ dân bị ngập nước cho biết:
"Nước dâng nhanh quá, chỉ một loáng đã mấp mé mặt giường ngủ kê trong nhà. Tôi huy động con, cháu lội qua sân ra đường đứng cho chắc ăn. Bao nhiêu năm nay mới lại có trận lũ to thế này. Mấy chục hộ dân dọc suối này nhà ai cũng ngập cao hàng mét nước, hỏng hết đồ đạc, gia súc bị cuốn trôi và chết nhiều".
Đến cuối giờ chiều ngày 28/7, thông tin cho biết có 2 người dân tộc Mông ở bản Pa Phách, xã Đông Sang huyện Mộc Châu, Sơn La bị nước cuốn trôi. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phối hợp tìm được 1 người còn sống, hiện 1 người vẫn đang mất tích.
Đến 16 giờ ngày 28/7, nước lũ vẫn chưa rút hết khỏi nền nhà anh Trần Văn Chính ở tổ 1, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La. Anh Chính cho biết: "Nước suối dâng nhanh đến nỗi khi mọi người báo tin, tôi còn không tin nhà mình ngập…".
Nhiều phố chính trong TP.Sơn La cũng bị ngập nước khá sâu, người, xe qua lại rất vất vả. Trên đường Trường Chinh (Quốc lộ 6), đường vào bản Cọ (phường Chiềng An), đường vào phường Chiềng Cơi…
Đến cuối ngày 28/7, nước vẫn rút rất chậm và mưa lại xuất hiện. Ông Lò Văn Hải, phường Chiềng Cơi, buồn rầu: "Mấy ngàn mét ruộng lúa mới cấy, ao cá đang lớn của tôi thế là mất sạch. Nhiều hộ khác cũng thiệt hại lớn, không biết kêu ai bây giờ".

Hôm nay, hàng triệu cử tri Campuchia tham gia cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu chọn 123 nghị sĩ Quốc hội khóa V. Kết quả bầu cử sẽ được công bố vào 18 giờ cùng ngày trong một cuộc đua tranh gay cấn giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập.

Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V diễn ra sôi động và gay cấn hơn so với các kỳ bầu cử trước.
Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia, có khoảng 9,67 triệu cử tri, trong đó hơn 50% cử tri trong độ tuổi 18 - 35, đăng ký bỏ phiếu tại 19.000 điểm bầu cử trên cả nước. Cuộc bầu cử diễn ra dưới sự giám sát của hơn 24.000 quan sát viên, trong đó có hơn 60 quan sát viên quốc tế.
Khác với các kỳ bầu cử trước, cuộc bầu cử Quốc hội lần này chỉ có 8 trên tổng số 42 chính đảng tham gia tranh cử, ít nhất kể từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra năm 1993. Giới phân tích cho rằng nhiều đảng đã tự nhận thấy không còn đủ thực lực để tranh đua trên chính trường do thiếu uy tín hoặc khả năng tài chính.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này lại được đánh giá là có phần gay cấn hơn 4 kỳ bầu cử trước vì sẽ được chứng kiến "cuộc đua tam mã" giữa đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) của Chủ tịch Quốc hội Chea Sim và Thủ tướng Hun Sen; đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập do thủ lĩnh chính trị lưu vong Sam Rainsy đứng đầu; và đảng bảo hoàng FUNCINPEC do Công chúa Norodom Arun Rasmey - con gái út của cố Quốc vương Norodom Sihanouk - làm Chủ tịch.
Một tuần trước ngày bầu cử, chính trường Campuchia có trở nên đặc biệt sôi động sau sự trở về của thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy hôm 19/7 nhờ lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihamoni theo đề nghị trước đó của đích thân Thủ tướng Hun Sen. Nhiều cuộc vận động tranh cử quyết liệt đã được đảng đối lập CNRP đồng loạt tổ chức trên toàn quốc với sự "ra quân" của Sam Rainsy và "phó tướng" Kem Sokha, nhưng không vì thế mà có thể đảo ngược mức tín nhiệm cao dành cho đảng CPP cầm quyền trong đại đa số 14,2 triệu người dân đất nước Chùa Tháp.
 "Tôi ủng hộ CPP vì Thủ tướng Hun Sen đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho đất nước này, nhất là cho sự phát triển của thành phố Phnom Penh", cử tri Tam Tivita chia sẻ.
 "Tôi ủng hộ CPP vì đảng này có đường lối chính trị rõ ràng, tốt. Đảng CPP đã mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, đưa đất nước ổn định và phát triển như ngày nay. Đường lối chính trị của Đảng CPP phù hợp với người dân, hướng đến sự phát triển và thịnh vượng", một cử tri khác là anh Pit Karona nói.
Báo giới Campuchia cũng có những nhận định tương tự về lợi thế dành cho CPP.
 "Sự thật, CPP có lợi thế rất rõ ràng, bởi vì họ có một đường lối quần chúng đúng đắn, trong khi các  đảng khác thì không", Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia Pen Samithy nhấn mạnh.
 "CPP sẽ tiếp tục ở thế thượng phong trên chính trường Campuchia. CPP đang cầm quyền sẽ về nhất, tiếp đó là đảng đối lập CNRP", phóng viên hãng truyền hình CTN Kheav Kola khẳng dịnh.
Các cuộc thăm dò ngay trước thềm bầu cử cũng cho thấy CPP có nhiều cơ hội về nhất trong cuộc bầu cử lần này, cho dù sự trở về của Sam Rainsy vào phút chót cũng đã khiến phe đối lập tập hợp được thêm một số tiếng nói ủng hộ.
 "Tôi ủng hộ đảng Cứu quốc Campuchia CNRP vì đảng này có chính sách tốt, chủ trương chống tham nhũng, mang lại cơ hội giáo dục tốt cho người dân và cho phép tự do bày tỏ quan điểm", sinh viên Duong Sowan nói trong chiến dịch tranh cử quyết liệt của CNRP vào phút chót.
"Điểm quan trọng nhất đối với tôi là đảng CNRP mang lại sự bình đẳng cho người dân, cho dù họ là công nhân, công chức hay nông dân", ủng hộ viên của CNRP Lun Leakhena chia sẻ.
Với sự ủng hộ tăng lên của một bộ phận cử tri, tất nhiên đảng đối lập CNRP đang nuôi dưỡng tham vọng giành chiến thắng. Tuy nhiên, nếu có thì đây chỉ là bước tiến so với chính đảng này trước đó, vì theo nhận định của giới phân tích, CNRP chỉ có thể giành thêm được một số ghế so với 29 ghế hiện nay và không đủ  1/3 số ghế tối thiểu theo luật định để trở thành phe đối lập chính trong cơ quan lập pháp cao nhất nước, trừ đảng này liên minh với các đảng khác.
Nhận định trên không phải không có cơ sở khi xét đến những thành tựu phát triển thực tế của chính phủ Campuchia trong nhiều năm qua:
Thứ nhất, sau 28 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP đã vực dậy Campuchia từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, nhờ các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, dệt may, xây dựng và nông nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2012, dù kinh tế khu vực và thế giới có nhiều khó khăn do khủng hoảng nhưng Campuchia vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 7%. Campuchia đang phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 lên 1.080 USD, so với mức 990 USD trong năm ngoái.
Trong số các bạn hàng của Campuchia, Mỹ đứng ở vị trí số 1 khi nhập tới1//2 sản lượng hàng may mặc xuất khẩu của nước này. Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất, còn Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 2,7 tỷ USD cho vay ưu đãi và viện trợ tính đến hết năm 2012.
Thứ hai, Campuchia khác biệt về văn hóa và tôn giáo so với Ai Cập, Tunisia hay Libya. Mặc dù ông Sam Rainsy từng đến Tunisia hồi tháng 7/2011 để học công nghệ tổ chức "Mùa Xuân Arab" và đe dọa sẽ nhập khẩu công nghệ biểu tình này vào Campuchia một khi thua cuộc, song Campuchia không phải là một nước Bắc Phi. Dưới sự dẫn dắt của đảng CPP cầm quyền và Thủ tướng Hun Sen trong 28 năm qua, Campuchia luôn được điều hành chặt chẽ bằng pháp luật, duy trì công bằng xã hội và có nền quản trị tốt để tăng cường nền móng hòa bình và dân chủ quốc gia.
Thứ ba, chính phủ Campuchia cũng luôn thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết vĩnh viễn, đồng thời chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực. Đến nay, Campuchia đã gia nhập đại gia đình ASEAN và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Campuchia có đủ môi trường hòa bình cần thiết cho sự phát triển trong nước.
Tất nhiên, bên cạnh những thành quả, chính phủ hiện nay của Campuchia cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại như: căng thẳng xã hội gia tăng, tỷ lệ người nghèo cao, nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi và tranh cãi chưa có hồi kết với Thái Lan về chủ quyền đối với ngôi đền cổ 900 năm tuổi Preah Vihear.
Tuy nhiên, nếu tổng hợp lại thì những thành tựu vẫn chiếm thế chủ đạo. Vì vậy, dù phe đối lập của ông Sam Rainsy và Phó tướng Kem Sokha có đẩy mạnh các chiến dịch vận động tranh cử trong những ngày cuối, dù họ có lớn tiếng đe dọa biểu tình hay tảy chay kết quả bầu cử thì điều đó cũng không thể làm thay đổi nguyên vọng của đại đa số cử tri Campuchia trong việc muốn đất nước đảm bảo tính liên tục của các chính sách lớn, vì sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế.
Điều này lại chỉ có thế thực hiện được khi đảng CPP và Thủ tướng Hun Sen được tiếp tục giao trọng trách "chèo lái" đất nước trong ít nhất 5 năm tới, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Cả một đời tần tảo lo con, chăm chồng, nhưng bà chưa bao giờ được một ngày sống yên ổn. Lấy phải người đàn ông vũ phu, nát rượu, cuộc sống với bà là một chuỗi ngày dài vô tận phải chịu đựng nỗi tủi cực âm thầm.
Đỉnh điểm của bi kịch dồn đến, khi gã chồng "máu lạnh" đã nhẫn tâm giết chết vợ mình rồi dựng hiện trường giả, sau đó mới đi báo chính quyền. Căm phẫn hơn, sau khi gây tội ác, hắn còn ung dung đi mua rượu về ngồi uống và nghe nhạc...
40 năm sống trong "địa ngục trần gian"
Trở lại thôn 3, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) trong một chuyến công tác, hỏi người dân về vụ án ông Tranh giết vợ, không ai không biết. Dường như, sự tàn nhẫn của hung thủ và những bi kịch quá sức tưởng tượng mà nạn nhân phải hứng chịu trong vụ án này đã trở thành nỗi ám ảnh không thể phai mờ trong ký ức người dân. Có lẽ vì vậy, mà dù thời gian trôi qua đã làm dư âm sự việc dần lắng lại, nhưng khi nhắc lại hành động của gã chồng ác thú, ai cũng tỏ rõ sự căm phẫn không giấu diếm.
Giờ đây bà Lụa (em gái nạn nhân) là người lo hương khói cho bà Thuận. Ảnh: D.K.
Theo những người dân địa phương kể lại, thì nạn nhân Lê Thị Thuận thời trẻ vốn nổi tiếng trong vùng là thiếu nữ ngoan hiền, xinh đẹp. 20 tuổi, bà bỏ qua biết bao chàng trai theo đuổi để gửi trọn trái tim mình cho ông Trần Ngọc Thanh. Cả thôn 3 lúc ấy xôn xao, bởi trong khi bà Thuận nhan sắc mặn mà, thì ông Thanh nổi tiếng là người tính nết hung tàn, lại từng trải qua một đời vợ. Ngày bước chân lên xe hoa bất chấp những dị nghị, bà Thuận có lẽ đã tin rằng tình yêu của mình sẽ giúp cảm hóa một mảnh đời. Nhưng bà không thể ngờ, quyết định sai lầm ấy lại đẩy chính bản thân vào chuỗi ngày dài tủi nhục.

Ăn ở với nhau được ba mặt con (2 trai, 1 gái – PV), nhưng suốt từ ngày "góp gạo thổi cơm chung", bà Thuận chưa bao giờ được chồng dành cho một cử chỉ ngọt ngào. Không chỉ nghiện rượu, tối ngày lê la say xỉn tại các quán nhậu, gã còn chửi bới, đánh đập vợ như cơm bữa. "Ngậm đắng nuốt cay", bà Thuận cố gắng làm lụng nuôi nấng các con nên người. Nhưng khổ nỗi, một tay người đàn bà lam lũ, dù sớm hôm tần tảo, cũng chẳng thể lo nổi cuộc sống sung túc cho 5 miệng ăn trong gia đình. Kinh tế túng bấn, cả ba đứa con trong nhà đều chỉ học đến hết lớp 3 thì phải bỏ giữa chừng. Thiếu sự dạy dỗ, lại thường xuyên tiếp xúc với người cha rượu chè, hai đứa con trai lại làm bà tan nát cõi lòng khi đua đòi lêu lổng theo đám bạn hư hỏng. Được một thời gian, chúng cũng giống như ông Tranh, tối ngày say xỉn bên chai rượu.

Bà Mai, một người cùng thôn, kể lại: "Bà Thuận vốn là một người sớm hôm lam lũ. Thường ngày, bà vào rừng đốn củi rồi tới chiều lại mang ra chợ bán. Số tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, nhưng cha con ổng đều lấy đi mua rượu uống cả". Không chỉ thế, mỗi lần bà Thuận không đưa đủ tiền mua rượu và mồi nhậu, ông Tranh lại "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Trên khuôn mặt bà Thuận, vì thế chẳng mấy ngày không hằn vết bầm tím. "Mọi người có hỏi, bà lại nói giấu cho chồng là bị ngã. Song cả cái thôn này, ai còn lạ gì chuyện ông Tranh bạo ngược đánh vợ. Tội lắm chú ạ", chị Hương (hàng xóm sát vách nhà bà Thuận) ngao ngán tâm sự.
Tháng ngày buồn thảm cứ thế trôi. Bà Thuận đã từng le lói hy vọng khi đứa con thứ Trần Ngọc Nghiên lấy vợ và hứa hẹn tu chí. Nhưng chỉ được thời gian ngắn ngủi, hắn lại khiến người mẹ nát lòng bởi thói say xỉn, càn quấy. Trong một lần bị ma men dẫn lối, Nghiên nổi thú tính, hãm hiếp rồi giết chết một cô bé mới 14 tuổi cùng làng, giấu xác trong bụi cây ven đường. Cái giá phải trả cho hắn là án tử, vĩnh viễn loại khỏi đời sống xã hội. Còn với bà Thuận, cuộc đời từ đây cũng chỉ còn là chuỗi ngày u ám và tủi nhục. Về nhà bị chồng đánh đập, nhưng ra đường, bà cũng không dám ngẩng mặt nhìn ai vì dằn vặt trước tội ác kinh hoàng của đứa con mình.
Chết trong uất ức
Không chịu nổi sự dày vò của người chồng vũ phu và lời ra tiếng vào của người đời, bà Thuận đã nhiều lần bỏ nhà ra đi, về ở với người em gái ở cuối thôn hòng thoát khỏi chốn địa ngục và quên đi tất cả. Mỗi lần như thế, ông Tranh lại tìm tới, ngọt nhạt dỗ dành để bà nguôi lòng trở về. Nhưng chẳng được mấy ngày, mọi chuyện lại đâu hoàn đấy. Tính khí hung tàn của một kẻ say xỉn, ham ăn lười lao động không thể nào cải tạo được. Có lần bà bỏ đi, tìm đến đón về không được, gã lại dùng vũ lực đánh vợ không thương tiếc. Thậm chí, khi bà Thuận kiên quyết không về, ông Tranh còn vác dao đến dọa sẽ giết, đồng thời dùng lửa đốt luôn nhà em gái bà. Hoảng quá, bà Thuận lại lủi thủi làm theo lời gã chồng hung hãn.
Đối tượng Trần Ngọc Tranh. Ảnh: Duy Khánh
Cuộc sống địa ngục cứ thế trôi đi với bà Thuận cho đến một ngày đầu tháng sáu vừa qua. Cái buổi trưa định mệnh ấy, như nhiều lần khác, bà Thuận vừa đi làm về là dốc hết tiền vào cửa hàng tạp hóa mua chút rượu cho chồng rồi về nhà nằm nghỉ. Đi chơi về đến nhà, nhìn vào chai thấy vợ mua ít rượu lại chưa chịu cơm nước, gã chồng vũ phu điên tiết chửi bới. Chưa hả cơn giận, ông Thanh tiếp tục vớ lấy cây gỗ đánh mạnh vào sau gáy bà Thuận, khiến người phụ nữ tội nghiệp tử vong ngay tại chỗ.
Điều khiến người dân nơi đây phẫn nộ là sau khi gây án, hung thủ chẳng những không ăn năn mà còn ung dung lên chính quyền trình báo vợ mình mình chết vì… trúng gió. Giữa lúc cơ quan chức năng hối hả đến khám nghiệm hiện trường, thì gã chồng "máu lạnh" vẫn tiếp tục vác chai đi mua rượu. Một người hàng xóm (giấu tên – PV) bức xúc kể lại: "Ai cũng tưởng là ông ta đem về để thắp hương cho vợ mới mất. Nhưng không ngờ, bên xác người vợ còn chưa kịp lạnh, gã và thằng con cả mở nhạc xập xình ngồi nhâm nhi, mặc cho hàng xóm xung quanh đôn đáo chạy lại lo chuyện hậu sự cho bà Thuận".

Nhưng sự tàn nhẫn của gã chồng "máu lạnh" cuối cùng cũng phải trả giá. Tại hiện trường, sau khi phát hiện thấy hàng loạt dấu hiệu bất thường trên thi thể bà Thuận, cơ quan chức năng đã kết luận cái chết của nạn nhân là do bị sát hại. Kẻ trình báo gian dối về nguyên nhân cái chết, không ai khác chính là ông Tranh, từ đó nổi lên như đối tượng nghi vấn hàng đầu. Bị triệu tập xét hỏi, hắn ban đầu vẫn nằng nặc phủ nhận cái chết của vợ liên quan đến mình. Nhưng sau quá trình đấu tranh khai thác với hàng loạt bằng chứng không thể chối cãi, gã chồng bất nhân đã phải cúi đầu nhận tội.

"Cả cuộc đời bà lầm lũi kiếm tiền nuôi gia đình, đến lúc chết lại chết như thế này thì thật là quá đau lòng. Khi sống thì bị đánh đập, còng lưng ra để kiếm ăn cho cả nhà, đến lúc chết lại bị hắt hủi. Hôm đó, tôi còn nghe ông bảo mấy người đưa bà về mà hương khói. Ông với bà đã ly dị rồi nên không có trách nhiệm gì nữa cả. Đến lúc cơ quan chức năng điều tra hung thủ giết bà Thuận chính là ông Tranh, thì những ai có mặt hôm đó chỉ muốn bắn ông ngay tại chỗ để người dân được hả giận", chị Hương bức xúc nói.

Điều đau buồn hơn nữa là sau khi công an Quảng Nam bắt tạm giam ông Tranh, người con cả vẫn chỉ vùi mình trong men rượu chứ không hề nghĩ đến chuyện lo tang ma cho mẹ. Trước cảnh ấy, bà Lê Thị Lụa (em gái bà Thuận) lại phải đứng lên, một tay lo hậu sự cho chị gái mình. "Hôm công an đưa cha nó đi, thằng con cả lại tiếp tục uống rượu. Nó còn bảo không thể lo tang ma cho mẹ nó vì nhà hết người. Nghĩ chuyện nhà chị gái, mà tôi cũng nát hết cả gan ruột", chị Lụa kể chuyện với giọng đầy chua chát.
Lưới trời lồng lộng

Ngày 2/6, công an Quảng Nam nhận được báo cáo về việc bà Lê Thị Thuận (SN 1954, trú tại thôn 3, xã Phú Thọ, Quế Sơn, Quảng Nam) chết bất thường tại nhà riêng. Sau khi nhận được tin báo, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm xác định: Sau lưng có vết thâm tím tụ máu dưới; nạn nhân chết do vỡ lá lách, ngập máu ở bụng. Nhận định có án mạng, phòng PC45 đã tập trung lực lượng điều tra truy xét. Đến khoảng 22h30' cùng ngày đã xác định được đối tượng gây án là Trần Ngọc Tranh (SN 1955, trú tại thôn 3, xã Phú Thọ, Quế Sơn), là chồng bà Thuận.

Trước lời kêu gọi của quân đội, hàng triệu người Ai Cập ủng hộ chính quyền mới hôm qua đã xuống đường. Xô xát với những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi lại nổ ra khiến ít nhất 7 người chết và hơn 100 người bị thương.
Theo hãng tin AP, lượng người Ai Cập xuống đường tham gia tuần hành theo kêu gọi của quân đội nước này trong ngày hôm qua là đông nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua. Trong khi đó, cựu Tổng thống Morsi đã chính thức bị điều tra vì một loạt cáo buộc, bao gồm giết người và mưu đồ cùng nhóm quân sự Hamas của Palestine.
Hàng triệu người Ai Cập tuần hành ủng hộ quân đội tại quảng trường Tahrir
Các cáo buộc này có liên quan đến một vụ vượt ngục trong cuộc nổi dậy năm 2011, chống lại nhà độc tài Hosni Mubarak. Khi đó các tay súng đã tấn công nhà tù Wadi el-Natroun ở phía Tây Bắc Cairo, phóng thích các tù nhân, trong đó có ông Morsi và khoảng 30 nhân vật của phong trào Anh em Hồi giáo. Các công tố viên cho rằng Morsi và Anh em Hồi giáo đã bắt tay với Hamas trong cuộc cướp ngục khiến 14 binh lính bị thiệt mạng này.
Hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA khẳng định ông Morsi bị điều tra vì đã hợp tác với Hamas "để thực hiện các hành động chống lại nhà nước, tấn công các đồn cảnh sát và sỹ quan quân đội, cướp ngục, phóng hỏa trại giam và giúp các phạm nhân trốn trại, bao gồm ông Morsi, cũng như các mưu toan sát hại các sỹ quan, binh sỹ và tù nhân".
Trong khi đó những người ủng hộ vị Tổng thống bị lật đổ vẫn không có dấu hiệu rút lui dù số lượng người tuần hành nhỏ hơn rất nhiều. Các cuộc tuần hành tại Cairo trong đêm qua hầu hết diễn ra trong hòa bình, nhưng tại thành phố Alexandria 7 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, các quan chức cho biết.
Khuya ngày hôm qua tại Cairo, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông hàng trăm người ủng hộ ông Morsi, một dấu hiệu cho thấy sự không nhân nhượng mới đối với các cuộc biểu tình trên đường phố.
Những tuyên bố của cơ quan công tố trong việc điều tra chống lại ông Morsi có thể sẽ dọn đường có một vụ khởi tố chính thức, thậm chí đưa ra xét xử. Đây cũng là những lời đầu tiên về tình trạng pháp lý của vị cựu Tổng thống kể từ sau khi ông bị lật đổ hôm 3/7.
Suốt từ đó đến nay, cả phe ủng hộ ông Morsi lẫn những người ủng hộ chính quyền mới đều nỗ lực để chứng tỏ sự hậu thuẫn của công chúng mình đang có. Tuy vậy, trong ngày hôm qua tại nhiều thành phố khắp Ai Cập, kể cả những nơi ít khi diễn ra các cuộc tuần hành, hàng triệu người đã xuống đường ủng hộ quân đội.
Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Abdel-Fattah el-Sissi đã kêu gọi người dân xuống đường để trao cho ông quyền ngăn chặn "chủ nghĩa khủng bố tiềm tàng" bởi những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo.
Tại quảng trường Tahrir, những bức ảnh ông el-Sissi đeo kính đen tươi cười xuất hiện dày đặc. Một số tấm biểu ngữ mang hình ông còn kèm theo dòng chữ "sự yêu mến của nhân dân".
Lực lượng an ninh được huy động dày đặc sau khi ông el-Sissi tuyên bố bảo vệ người tuần hành trước các cuộc tấn công của phe đối lập. Nhiều xe tăng xuất hiện gác trước lối vào quảng trường Tahrir trong khi cảnh sát đóng chốt ở các khu vực khác.
"Quân đội có mặt để bảo vệ nhân dân. Họ không hề nói dối", Ezzat Fahmi, 38 tuổi, có mặt trong đám đông nói. Ông nói rằng el-Sissi đã kêu gọi tuần hành "để toàn thế giới có thể thấy người Ai Cập không còn muốn phong trào Anh em Hồi giáo chút nào".
Trong khi đó Tổng thống tạm quyền Adly Mansour khẳng định với kênh truyền hình tư nhân al-Hayat rằng chính phủ của ông sẵn sàng chào đón bất kỳ phe phái nào, nhưng sẽ không chấp nhận tình trạng không luật pháp, các tuyến đường bị chặn và tấn công vào các cơ quan chính phủ. Ông kêu gọi những người ủng hộ ông Morsi về nhà và cam kết họ sẽ không bị truy xét hay bắt giữ.
"Tôi không thể thương lượng với bất kỳ kẻ nào đã phạm tội. Nhưng với những ai bị xúi giục hoặc những người muốn trở thành một phần của xã hội, chúng tôi chào đón họ", ông Mansour nói trước khi tuyên bố: "Nhà nước phải can thiệp trước tình trạng vô pháp luật một cách mạnh mẽ hơn".
Không lâu sau tuyên bố này, cảnh sát đã tiến vào giải tán nhưng người ủng hộ ông Morsi tại một cây cầu vượt chính ở Cairo. Trong khi đó Bộ trưởng nội vụ Ai Cập Mohammed Ibrahim khẳng định trên truyền hình rằng đám đông biểu tình ngồi tại đền thờ Hồi giáo Rabaa sẽ bị giải tán bằng các phương thức hợp pháp. Dù không giải thích rõ nhưng ông cho biết người dân khu vực này đã gửi nhiều khiếu nại tới cảnh sát về tình trạng tụ tập.
Một số hình ảnh về các cuộc tuần hành tại Ai Cập ngày 26/7
Người tuần hành ủng hộ quân đội đốt pháo hoa tại Cairo
Một người biểu tình thể hiện sự ủng hộ quân đội
Trực thăng được huy động để bảo vệ người biểu tình
Người tuần hành ủng hộ chính phủ mới trên một cây cầu tại Cairo
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi vẫn quyết bám trụ

Bên ngoài các phòng ngủ ở tiệm vàng Đức Anh được bao quanh bởi biển hiệu quảng cáo kín mít. Trên mỗi căn phòng chỉ có cửa sổ nhỏ hứng gió từ bên ngoài, không có cửa thoát hiểm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tiệm vàng Đức Anh là một ngôi nhà 6 tầng được xây kiên cố. Tầng 1, phía trong nhà có cửa cuốn, bên ngoài lớp cửa cuốn có thêm một cửa kính. Trên mặt tiền tầng 2, cũng được lắp một lớp kính dày. Phía bên ngoài các căn phòng được bao phủ bởi biển hiệu quảng cáo, chỉ có duy nhất một cửa sổ nhỏ hứng gió ở bên ngoài. Điều đặc biệt, tại mỗi tầng ở trong căn nhà, không có ban công, không có cửa thoát hiểm.

Phía trên tầng tum có cửa thoát hiểm nhỏ nhưng bị khoá kín. Bao quanh là một hàng rào sắt kín mít, kiên cố. Chính vì ngôi nhà được thiết kế giống một cái "lô cốt" nên khi gặp hoả hoạn, các nạn nhân đã gặp khó khăn trong việc thoát thân.
Tiệm vàng Đức Anh bị bịt kín mặt tiền bởi biển quảng cáo cỡ lớn, không còn lối thoát
Ngay sau khi đám cháy xảy ra, công an thành phố Hạ Long có mặt hỗ trợ lực lượng cứu hoả, bảo vệ hiện trường đám cháy. Đại tá Lê Duy Tấn, trưởng công an thành phố Hạ Long cho biết, trong quá trình tham gia cứu hoả tại hiện trường, việc chữa cháy và cứu người trong ngôi nhà gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng công an đã phải đập lớp kính ở tầng 2 để phun nước vào bên trong ngôi nhà. Sau 30 phút xảy ra vụ cháy, ngọn lửa mới được dập tắt.

Đại tá Tấn cho hay, trần tầng 1 của ngôi nhà được gắn thạch cao, bốn bên bức tường được ốp lát bằng gỗ dán tường, cùng với đó là hệ thống dây điện chằng chịt. Do vậy, khi xảy ra hoả hoạn, ngọn lửa cháy lan nhanh, khói toả lớn lên các tầng trên, nên những người thân trong nhà chủ tiệm vàng đã không kịp trở tay.
Tầng 1 của tiệm vàng có cửa cuốn và cửa kính kiên cố
Theo đại tá Tấn, dù lửa cháy không quá lớn, nhưng do nhà xây kín từ tầng 1 đến tầng 6 nên khói lùa từ dưới lên làm các nạn nhân chết ngạt. Ở tầng 4, nơi mẹ vợ và các con anh Đức ngủ, cũng không thấy có vết cháy mà ở bốn bức tường chỉ thấy khói đen bám vào.

"Khi các chiến sĩ công an phá được cửa vào phòng ngủ của các cháu nhỏ thì thấy bốn cháu đã tử vong nằm sát cửa. Do đó, có thể do cửa khóa chặt, khi phát hiện cháy, bà ngoại và các cháu không mở cửa ra được nên bị ngạt khí", đại tá Tấn nói.
Bên trên tầng 2 không có ban công hay cửa thoát hiểm
Cùng chứng kiến đám cháy trong đêm, bà Nguyễn Thị Minh, chủ số nhà 51, sát vách với tiệm vàng Đức Anh nói: "Nếu tiệm vàng Đức Anh có hành lang, cửa sổ lớn hơn một chút thì những người trong nhà đã nhảy được sang nhà tôi thoát thân. Hơn nữa, thiết kế ngôi nhà giống như lô cốt, lại còn có tấm kính cách âm bên ngoài tầng 2. Khi phát hiện cháy, người dân ở ngoài đã hô lớn, nhưng những người trong nhà vẫn không hề hay biết".
Chạy dọc tuyến đường 25/4, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chúng tôi ghi nhận nhiều ngôi nhà có thiết kế theo kiểu "lô cốt" giống như tiệm vàng Đức Anh. Những ngôi nhà này đều được thiết kế dạng nhà ống, cao tầng, mặt tiền bịt kín bởi các tấm biển quảng cáo cỡ lớn hoặc có cửa sổ nhưng rất nhỏ. Hai bên hông và lưng nhà không còn lối thoát hiểm nào khác.
Tầng trên cùng được quây hàng rào sắt kín, không lối ra
Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ ngôi nhà trên đường 25/4 cho biết, nhà bà mới xây từ năm 2010, do là nhà gần mặt đường nên nhà bà kinh doanh thêm cơ sở mát-xa. Khi mở cơ sở, nhà bà đã lắp thêm tấm biển quảng cáo lớn trước mặt tiền để "hút khách" đi đường.

"Thú thực là khi lắp biển quảng cáo lớn bịt kín mặt tiền, chúng tôi cũng không nghĩ đến chuyện sau này có hoả hoạn xảy ra. Tuy nhiên, sau khi nghe người thân nói chuyện thoát hiểm ở tiệm vàng Đức Anh, tôi mới thấy giật mình và sợ. Giờ thì tôi đã nghĩ đến phương án làm biển quảng cáo nhỏ hơn, đồng thời có chỗ thoát hiểm ở từng phòng ở chính ngôi nhà của mình", bà Thảo chia sẻ.
Một cơ sở mát-xa trên đường 25/4 lắp biển quảng cáo lớn che hết ban công và lối thoát hiểm
Theo đại tá Tấn, phần lớn những ngôi nhà trong phố ở tỉnh Quảng Ninh đều xây dựng theo kiểu nhà ống để vừa tiện kinh doanh vừa tiết kiệm đất. Tuy nhiên, chỉ có những toà nhà công sở là có chỗ thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn, còn nhà dân thì chiếm số ít.
"Chỉ có số ít nhà dân khi xây dựng chú trọng đến chuyện thoát hiểm của ngôi nhà, còn lại phần đa họ không để ý. Thậm chí, nhiều nhà do nghĩ đến chuyện lợi nhuận kinh doanh, còn lắp tấm biển quảng cáo lớn, làm che khuất cả lối thoát hiểm ở ban công của ngôi nhà. Đến khi xảy ra hoả hoạn thì họ lại trở tay không kịp", đại tá Tấn nói.
Ngôi nhà xây quá kiên cố, hoặc không có lối thoát hiểm ở các phòng ngủ như tiệm vàng Đức Anh vừa xảy ra hoả hoạn chỉ là một trong số hàng ngàn ngôi nhà khác. Do đó, đây cũng chính hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều ngôi nhà khác xây theo lối kiến trúc nhà ống nhưng không có ban công, thoát hiểm ở các phòng ngủ hoặc lắp đặt biển quảng cáo vây kín mít trước mặt tiền các toà nhà.
Vào 2h sáng ngày 26/7, tại tiệm vàng Đức Anh ở tổ 10, khu 3, phường Hòn Gai, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, khiến 5 người thiệt mạng, 5 người bị thương. 3 cháu bé con của vợ chồng chủ tiệm vàng Đức Anh là  Nguyễn Đức Tiến (SN 2002), Nguyễn Đông Vũ (SN 2005) và Nguyễn Tiến Minh (SN 2007) đều thiệt mạng trong vụ cháy. Mẹ vợ và cháu vợ của vợ chồng chủ tiệm cũng bị tử vong trong vụ cháy.
Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng công an thành phố Hạ Long cho biết, nguyên nhân ban đầu gây cháy là do chập điện. Cụ thể, khu vực cháy sâu, rộng nhất và điểm phát hỏa đầu tiên được xác định xuất phát từ biển hiệu quảng cáo đặt ở vị trí tiếp giáp giữa tầng 1 và tầng 2 của tiệm vàng Đức Anh. Qua khám nghiệm ban đầu về mặt nghiệp vụ cũng cho thấy khu vực chập điện cháy sâu nhất là tấm biển quảng cáo có sử dụng đèn Led.
Khi ngọn lửa bùng lên, đám cháy đã lan lên các tầng trên của ngôi nhà toả khói lớn. Tại thời điểm đó, những người trong nhà phát hiện ra, định chạy lên tầng trên thoát nạn nhưng không được do khói nhiều kèm theo hơi lửa bốc lên. Do vậy, có thể những người ở trong nhà đã do chết ngạt.

Sâu Ciu Blog