Nhật Bản sẽ cùng tham gia vào một cuộc tập trận quân sự lớn giữa Mỹ và Australia. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ an ninh ngày càng thắt chặt giữa 3 nước trên khi căng thẳng leo thang vì những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh minh họa
Trong khi chỉ có 40 sĩ quan và binh lính Nhật Bản tham gia vào các cuộc tập trận liên quan đến 30.000 binh lính Mỹ và Australia trong đầu tháng 7 tới thì giới chuyên gia cho rằng, đây là động thái cho thấy mức độ Washington muốn củng cố mối quan hệ hợp tác trong các liên minh an ninh ở Châu Á như thế nào.
Cuộc tập trận hai năm một lần mang tên The Talisman Sabre sẽ diễn ra ở các khu vực xung quanh Autralia với những bài tập về chiến dịch hải quân, đổ bộ, các chiến thuật của lực lượng đặc nhiệm và chiến tranh thành phố.
"Tôi cho rằng, Mỹ đang tìm cách thuyết phục các đồng minh phải hành động nhiều hơn”, ông Euan Graham – Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế ở Viện Lowy, Sydney, nhận định.
"Có một sự cân xứng rõ ràng giữa Nhật Bản với tư cách là mỏ neo phía trên của Tây Thái Bình Dương và Australa với tư cách là mỏ neo ở phía nam".
Cả 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản đều bày tỏ họ quan ngại về tình trạng tự do đi lại trên biển và trên không ở khu vực Biển Đông đang nóng bỏng bởi các tranh chấp. Trung Quốc đang làm các nước đặc biệt lo ngại về việc xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam – nơi vốn là một hành lang vận chuyển sống còn ở Biển Đông.
Một số chuyên gia an ninh nhận định, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách áp đặt những giới hạn trên không và trên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam một khi Bắc Kinh hoàn thành việc xây dựng các cơ sở trái phép, trong đó có ít nhất một đường băng quân sự. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố, nước này “có mọi quyền” để thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông giống như ở biển Hoa Đông trước đây nhưng những điều kiện hiện nay chưa cho phép điều đó.
Những binh lính Nhật Bản tham gia cuộc tập trận vào đầu tháng 7 tới với Mỹ và Australia sẽ mang danh nghĩa quân đội Mỹ trong khi 500 binh lính New Zealand sẽ tham gia vào đội quân của Australia, Lực lượng Quốc phòng Australia cho biết như vậy trên website của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani bác bỏ những thông tin cho rằng, cuộc tập trận sắp tới của họ với Mỹ và Australia là nhằm vào Trung Quốc, nói rằng Tokyo đơn giản chỉ muốn củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ và Australia.
"Mối quan hệ hợp tác ba bên chưa từng có”
Mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Canberra và Tokyo đã nở rộ dưới thời Thủ tướng Tony Abbott và Shinzo Abe, với Nhật Bản được xem như là ứng cử viên hàng đầu trong việc giành được hợp đồng cung cấp tàu ngầm thế hệ mới cho Hải quân Australia. Giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội Mỹ đã công khai ủng hộ việc thắt chặt một mối quan hệ quân sự như vậy giữa hai đồng minh của họ là Nhật Bản và Australia.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nhấn mạnh mục tiêu của Washington là củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các đồng minh của họ trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng này.
"Để mở rộng tầm với của những liên minh quân sự đó, chúng ta đang bắt đầu khởi động một mối quan hệ hợp tác ba bên chưa từng có”, ông Shear cho biết.
"Trong một số trường hợp, mối quan hệ hợp tác này sẽ trực tiếp đem lại lợi ích cho các công việc của chúng ta liên quan đến an ninh hàng hải. Ví dụ như chúng ta đang hợp tác 3 bên với Nhật Bản và Australia để củng cố, tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á đồng thời khai thác sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng giữa các nước”.
Việc giành được hợp đồng tàu ngầm sẽ là một cú thúc đẩy lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và có khả năng sẽ mở đường cho việc Nhật Bản bán các vũ khí hiện đại, tối tân của nước này cho các nước khác như Philippines và Việt Nam – những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, giới các nhà phân tích đã nhận định như vậy.
Australia cũng hy vọng sẽ ký được một thỏa thuận với Nhật Bản trong năm nay, trong đó cho phép đưa binh lính của mỗi bên vào nước kia để tham gia tập trận, tờ Sydney Morning Herald đưa tin.
Những thỏa thuận như trên sẽ trở nên phổ biến hơn khi hai nhà lãnh đạo Abbott và Abe đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước trước khi họ rời nhiệm sở, nhà phân tích Graham ở Viện Lowy cho hay.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có những tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng quyết liệt theo đuổi việc tranh giành chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông.
Những hành động của Trung Quốc gây lo ngại đặc biệt cho các nước láng giềng xung quanh và cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh này, các nước bị ảnh hưởng có xu hướng liên kết, bắt tay nhau để đối phó với Trung Quốc.
Kiệt Linh (tổng hợp)
(VnMedia)
No comments:
Post a Comment