Cuộc chiến tranh chớp nhoáng Mỹ-Trung có thể không xảy ra, nhưng chủ quyền của Việt Nam, an ninh của khu vực thì đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
LTS: Vụ "va chạm" giữa máy bay tuần tra Mỹ và hải quân Trung Quốc mới đây trên Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Liệu có xãy ra một cuộc "chiến tranh chớp nhoáng" giữa hai cường quốc? Việt Nam phải ứng phó thế nào?
Mời quý bạn đọc theo dõi bình luận dưới đây của tác giả Trần Sơn-một nhà bình luận quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Mưu đồ của Trung Quốc
Tong Zhao, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc có thể đã quyết định thực hiện chính sách "thành lũy" ở Biển Đông.
Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành "ao" của Trung Quốc, được bảo vệ bởi tàu nổi và máy bay, nhờ đó tàu ngầm có không gian để thoải mái di chuyển, Zhao nói.
Bắc Kinh đang tìm cách triển khai thêm tàu sân bay, dường như để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, ngăn chặn chiến đấu cơ và máy bay tuần tra Mỹ tiến gần đến khu vực, từ đó củng cố "thành lũy" của mình.
Tuy nhiên, tàu sân bay có thể bị lực lượng đối phương tấn công và đánh chìm. Vì vậy, Trung Quốc đang suy tính coi đường băng nước này xây dựng tại đảo nhân tạo ở Biển Đông như một tàu sân bay không thể chìm.
Màn hình trên máy bay tuần tra P8A Poseidon của Mỹ, cho thấy những hình ảnh về Trung Quốc đang xây đắp cải tạo tại một đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: Reuters)
Theo cây bút Andrew Browne của WSJ, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc bồi đắp và cải tạo quy mô lớn tại Biển Đông còn có nguyên nhân xuất phát từ cái gọi là "Giấc mơ Trung Quốc".
Sau khi lên nắm quyền năm 2012, nhiệm vụ trung tâm của ông Tập là đưa Trung Quốc trở thành nước lớn ngang tầm với Mỹ, từ đó triển khai sức mạnh quân sự ở vùng biển lân cận và xa hơn nữa.
Chính vì vậy, ông Tập cho tiến hành xây đảo nhân tạo ồ ạt trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hoa Kỳ "miệng nói, tay làm"
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích Trung Quốc đang "thách thức" nguyên tắc quốc tế khi tiến hành hoạt động bồi đắp, cải tạo quy mô lớn ở Biển Đông.
"Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ không đặc biệt đứng về phía một quốc gia nào. Chúng tôi ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách công bằng và hòa bình, vì tự do hàng hải.
Ngày nay, những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông", AP dẫn lời ông Biden, hôm 22/5, phát biểu trong một lễ tốt nghiệp tại Học viện Hải quân ở Maryland, Mỹ.
Biden cho biết nhiều sĩ quan hải quân mới sẽ được điều tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế những thách thức đang trỗi dậy, trước khi chúng biến thành xung đột. "60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước năm 2020", ông nói.
Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh tiến hành bồi đắp, cải tạo quy mô lớn tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp sự phản đối quốc tế.
Bình luận của Phó tổng thống Mỹ Biden được đưa ra một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra quân sự tại nơi Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất, bất chấp Bắc Kinh ngăn cản.
"Cuộc chiến tranh chớp nhoáng"?
Talent, một cựu Thượng Nghị sĩ Mỹ, viết một bài đăng trên National Review kêu gọi chính phủ Mỹ phải thực tế hơn trước hành động của Bắc Kinh, vì theo ông, nếu Mỹ tiếp tục dùng chính sách ngoại giao thì chưa đủ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Tim Talent cũng nhấn mạnh sự quyết đoán của Trung Quốc khi nước này luôn coi thường Luật pháp quốc tế, Trung Quốc không hề tin vào trật tự thế giới và từ đó họ luôn mang tâm thế của kẻ mạnh đương nhiên phải được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Tim Talent nhận định, một nhà ngoại giao như ông John Kerry mà vẫn không thuyết phục được Bắc Kinh từ bỏ chính sách bá quyền nước lớn thì Mỹ cần phải xem xét lại toàn bộ các chính sách của mình đối với Trung Quốc, bao gồm cả các giải pháp quân sự.
Mặc dù chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng mối quan hệ của hai nước vẫn ổn định nhưng việc khăng khăng giữ quan điểm Biển Đông thuộc sở hữu của Trung Quốc không thể làm Mỹ yên tâm khi nước này giữ vững lập trường quay trở lại châu Á Thái Bình Dương của mình.
Năm ngoái, khi Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Hoa kỳ đã lên tiếng công khai phản đối. Năm nay, hành động này đang được lập lại và phải chăng đây sẽ là cơ hội cho Mỹ mạnh tay hơn?
TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên khách mời tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho biết nhận xét của ông: "Tôi nghĩ chuyện căng thẳng thì nó sẽ có xu hướng gia tăng nhưng mà xảy ra chiến tranh chớp nhoáng hay là xung đột chớp nhoáng thì tôi nghĩ là khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần.
Tại vì mỗi bên họ vẫn cần một môi trường ổn định, hòa bình hơn là xảy ra các xung đột trực tiếp. Hai bên mặc dù có những mâu thuẫn về lợi ích nhưng cái mâu thuẫn này nó chưa đủ lớn để có thể đưa cả hai bên vào một cuộc chiến".
"Xu hướng lâu dài, thì mâu thuẫn và những cạnh tranh quyền lợi giữa hai nước càng ngày càng gia tăng, nhưng sẽ có những cao trào và cũng sẽ có những bước điều chỉnh để cho nó lắng xuống; và, giống như những cơn sóng nhỏ, nó sẽ khó vượt qua giới hạn để xảy ra các cuộc xung đột.", TS Hiệp cho biết thêm.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng mặc dù cố kềm chế để tìm cái lợi trong tình trạng ổn định nhưng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc cứ tiếp tục thử thách sự kềm chế này.
Nhìn từ Việt Nam
Mặc dù Ngoại trưởng John Kerry thất bại trong việc thuyết phục Bắc Kinh và Jim Talent cho rằng Mỹ phải có những biện pháp quân sự nhưng Đại tá Phạm Xuân Phương, từng công tác nhiều năm trong Cục Chính trị, cho rằng biện pháp ngoại giao vẫn sẽ được hai bên tiếp tục nhằm tránh cuộc chiến tranh chớp nhoáng.
"Thực ra, lúc này không phải là lúc chiến tranh chớp nhoáng nhanh chóng được. Tôi thấy, trong thời đại hiện nay, còn nhiều cách nói chuyện với nhau chán. Thực ra mà nói, thì Mỹ cũng có những cái nguyên tắc của họ", Đại tá Phương nói.
Từ nhận định này, Đại tá Phạm Xuân Phương cho rằng chính Việt Nam cũng phải thay đổi chính sách của mình cho phù hợp với đối sách hiện nay nhằm tự bảo vệ mình.
"Đối với Trung Quốc, chúng ta phải bớt chân phương đi một chút." - Đại tá Phương nêu ý kiến.
"Trong đối sách với Trung Quốc, chúng ta chân phương quá, chúng ta hiền lành quá. Một đối thủ, một đối tác như thế có lẽ không chân phương được. Phải học cái cách đánh dứ.
Đối sách thì tùy tình hình, có lúc thể này có lúc thế khác, nhưng chúng ta phải học lối chơi cao thủ hơn.
Chúng ta đừng tự gò mình trong bất kỳ một công thức nào cả. Trong trường hợp nào đó mà có một nước thứ ba mà họ giang tay với mình thì tại sao mình từ chối, chằng hạn?"
Với việc xây dựng, cải tạo ồ ạt trên các đảo, đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Bắc Kinh đã lộ rõ mưu đồ, dã tâm của mình.
Hoa Kỳ thì không dừng lại ở những ngôn từ mạnh mẽ mà đã quyết đoán hành động.
Cuộc chiến tranh chớp nhoáng Mỹ - Trung có thể không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần, nhưng chủ quyền của Việt Nam, an ninh của khu vực thì đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
TRẦN SƠN
(Giáo Dục)
No comments:
Post a Comment