12 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục dựa trên điểm thi toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 do OECD thực hiện. OECD.org
Vừa qua Tổ chức Hợp tác và phát triển gọi tắt là OECD, căn cứ vào kết quả kỳ thi toán và khoa học do tổ chức này thực hiện, xếp Việt nam đứng hạng thứ 12 về giáo dục, trên cả các cường quốc công nghiệp như Mỹ và Úc. Tin này cũng được nhiều người Việt nam đón nhận với sự tự hào về ngành giáo dục của mình. Tuy nhiên nhiều ý kiến của những người Việt nam làm việc trong ngành giáo dục trong và ngoài nước lại không phấn khởi như vậy. Sau đây là ghi nhận những ý kiến đó do Kính Hòa thực hiện.
Kỳ thi không thể đại diện cho ngành giáo dục
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một nhà nghiên cứu giáo dục độc lập tại Sài gòn cho biết về quan điểm của bà về thứ hạng khá cao của Việt nam trong bảng xếp hạng của OECD vừa qua:
“Gần đây kết quả Việt nam đứng hạng thứ 12 do OECD xếp hạng thì kết quả đó làm nóng dư luận ở Việt nam, nhưng theo tôi thì đa số không nhìn chuyện đó một cách tích cực. Tất nhiên cũng có những ý kiến khác nhưng ít, mà đại đa số cho rằng kết quả đó không phản ánh đúng thực trạng.”
Kỳ thi do OECD tổ chức là dành cho các thành viên của mình, đa số là các quốc gia đã phát triển cao, nhưng những nước khác ngoài tổ chức cũng có thể tham gia, và đó là trường hợp của Việt nam.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khi được hỏi về bảng xếp hạng này thì ông phân tích những vấn đề yếu kém của Việt nam như thiết bị trường học, trình độ giáo viên và đi đến kết luận là trình độ giáo dục Việt nam không thể ở thứ hạng cao như vậy được.
Nhưng mà kết quả mà OECD đưa ra không phải là sai, nó dựa trên cách đánh giá mà đa số người Việt nam trong giới (giáo dục) cho là một cách đánh giá phiến diện. Cái cách đó tình cờ trùng hợp với Việt nam vì Việt nam nhấn mạnh đến toán. Toán ở trình độ thấp học một một cách máy móc, biết công thức rồi làm
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Australia, người thường xuyên theo dõi tình hình giáo dục tại Việt nam thì bảng xếp hạng của OECD được dựa trên một kỳ thi gọi là PISA với các môn toán và khoa học cho lứa tuổi 15. Theo Giáo sư Tuấn thì chỉ lấy kết quả một kỳ thi với một số ít môn học như vậy, dù là kết quả ấy được thống kê một cách nghiêm túc cũng không thể phản ánh được thực trạng một nền giáo dục. Theo ông việc đánh giá một nền giáo dục cần phải có những chỉ tiêu khác như là chuyện bình đẳng trong giáo dục, chuyện học sinh bỏ học, chuyện sau khi ra trường thì đi làm việc như thế nào,…
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh giải thích thứ hạng cao vừa qua của Việt nam trong kỳ thi của OECD:
Đội thi Toán quốc tế đạt thành tích cao |
“Nhưng mà kết quả mà OECD đưa ra không phải là sai, nó dựa trên cách đánh giá mà đa số người Việt nam trong giới (giáo dục) cho là một cách đánh giá phiến diện. Cái cách đó tình cờ trùng hợp với Việt nam vì Việt nam nhấn mạnh đến toán. Toán ở trình độ thấp học một một cách máy móc, biết công thức rồi làm.”
Mục đích của một nền giáo dục là gì?
Tiến sĩ Lê Dũng, hiện dạy toán tại Đại học Texas ở San Antonio thì so sánh mục đích của nền giáo dục Việt nam và Mỹ nơi ông đang sinh sống:
“Kiểu ở Việt nam là thi để có kết quả trong chuyện học. Ở Mỹ này thì học để ra làm việc. Vì vậy với hai cái tiêu chí như vậy thì hai bên khác xa nhiều lắm. Thành ra nếu nhìn một bên chỉ với chuyện học thôi thì cái đánh giá của OECD đúng. Dựa vào kết quả đó là đúng, còn nếu nói là để ra làm việc thì cái đó sai.”
Ông Lê Dũng nói thêm là những vấn đề trong cuộc sống rất là phức tạp, không thể giải giỏi những bài tập toán mà có thể giải quyết những vấn đề đó một cách tốt đẹp được.
Một lý do khác được nhiều người đưa ra để giải thích kết quả cao của Việt nam trong kỳ thi OECD là sự tập trung cả hệ thống chính trị để chuẩn bị cho kỳ thi đó. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói:
“Có sự quan tâm của Bộ, rồi sự chỉ đạo,v.v… Nói chung là mình tham gia cái gì thì mình cũng rất là thành tích.”
ở Việt nam là thi để có kết quả trong chuyện học. Ở Mỹ này thì học để ra làm việc. Vì vậy với hai cái tiêu chí như vậy thì hai bên khác xa nhiều lắm. Thành ra nếu nhìn một bên chỉ với chuyện học thôi thì cái đánh giá của OECD đúng. Dựa vào kết quả đó là đúng, còn nếu nói là để ra làm việc thì cái đó sai
Tiến sĩ Lê Dũng
Theo tìm tòi của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, thì truyền thông Việt nam cũng từng đưa tin về sự chuẩn bị kỳ thi này của các cấp trong ngành giáo dục Việt nam, từ chuyện nghiên cứu đề thi, cho đến tuyển chọn các học sinh. Và Giáo sư Tuấn căn cứ vào các chỉ số thống kê về thí sinh do OECD đưa ra thì các học sinh Việt nam rất đồng nhất, tức là được tuyển lựa một cách kỹ lưỡng hơn các quốc gia khác.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng than phiền về chuyện học thi này cũng như những gì mà ông thấy đáng lẽ ra phải được ngành giáo dục Việt nam thực hiện:
“Ở Việt nam nhiều lúc học cái kiểu như gà đá. Tức là có những bài vở người ta học rồi người ta làm bài nhanh chóng như thế, mà thể lực thì không chú ý, khả năng phát triển trí tuệ độc lập suy nghĩ, tìm tòi thì không có.”
Và ông cho rằng với thực trạng học hành hiện nay thì học sinh Việt nam sẽ càng học càng lùi đi, chứ không giống như kết quả tốt đẹp của kỳ thi quốc tế.
Tiến Sĩ Lê Dũng hiện vẫn trợ giúp cho các sinh viên tại Việt nam tìm học bỗng ở Mỹ có nhận xét về sinh viên Việt nam và cách học của người Việt nam:
“Những em ở Việt nam qua đây một hai năm đầu thì rất bỡ ngỡ trong chuyện làm việc với bạn bè, thiếu hẳn cái đó! Ở Mỹ người ta đào tạo những con người biết làm việc với nhau, chuyện đó rất quan trọng mà những nước như Việt nam rất là thiếu.”
Ông nói là những người cầm chịch ngành giáo dục Việt nam nên lựa chọn, nếu mục tiêu là những cuộc thi thì chương trình giáo dục hiện nay là đáp ứng được cho yêu cầu đó, còn nếu để làm cho một xã hội phát triển hơn thì cần phải thay đổi.
Khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi ông Lê Dũng có nói vui là nếu các giảng viên ở đại học Texas ở San Antonio của ông mà sang thi đại học ở Việt nam thì nắm phần chắc là rớt.
Kết thúc buổi nói chuyện, trở lại với môn Toán là lĩnh vực của ông và cũng là điểm quan trọng của kỳ thi do OECD tổ chức, ông Lê Dũng nói là sinh viên Việt nam có thể giải hàng ngàn bài tập của một phép toán nào đó, nhưng thường thì không biết phép toán ấy được đặt ra để làm gì.
Kính Hòa
(RFA)
No comments:
Post a Comment