Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 5 năm 2015. (Saul Loeb / AFP / Getty Images)
Tại một cuộc họp công khai bất thường ở Bắc Kinh, lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình lại một lần nữa làm rõ vấn đề ai là người kiểm soát chế độ; theo ông Tập, chế độ Trung Cộng đang đối mặt với “tình thế lịch sử mới” và “những nhân tố rủi ro không thể dự đoán được”.
Phát biểu vào ngày 19 tháng 5 tại Đại Lễ đường Nhân dân Trung Quốc để vinh danh những nhân viên an ninh quốc gia, những người ông gọi là “những vệ sĩ đáng kính và những anh hùng vô danh” mà “Đảng và nhân dân sẽ không bao giờ quên”, vị lãnh đạo 61 tuổi yêu cầu lực lượng an ninh phải “tuyệt đối trung thành” với sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc họp và những nhận xét của ông Tập được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đây là một động thái hiếm gặp của một chế độ thường giữ kín thông tin về các cơ quan an ninh.
Theo Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước, ông Tập tự thừa nhận rằng Trung Quốc đang trong thời kỳ “cải tổ theo chiều sâu”, thực hiện nhà nước pháp quyền và áp dụng kỷ luật cứng rắn đối với Đảng viên.
Yêu cầu các cơ quan an ninh quốc gia phải tuân lệnh
Các nhà quan sát cho rằng những lời nói của ông Tập thể hiện nhận thức và mối quan tâm của ông đối với những mâu thuẫn sâu sắc trong cơ cấu quyền lực lực của chế độ cũng như trong chiến dịch chống tham nhũng.
Các binh sĩ Trung Quốc điều chỉnh vị trí trước khi thực hiện nhiệm vụ vệ binh danh dự bên ngoài Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 15 tháng 5 năm 2015 (Greg Baker/AFP/Getty Images)
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình đang tìm kiếm những người ủng hộ tận tụy. Sau cuộc thanh trừng khốc liệt kéo dài hơn hai năm trong Đảng, chính phủ và các ngành công nghiệp quốc doanh, câu tục ngữ Trung Quốc “giết gà dọa khỉ” đã đi vào tư tưởng của các quan chức Trung Quốc
Nhà bình luận chính trị độc lập Hứa Bồ nghĩ rằng có thể ông Tập Cận Bình thiếu niềm tin vào Bộ An ninh quốc gia, một trong những cơ quan tình báo của chế độ.
“Tăng Khánh Hồng, một quan chức cấp cao của Đảng, đã giám sát các đối thủ chính trị của ông ta qua Bộ An ninh quốc gia”, ông Hứa nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Ông Tăng Khánh Hồng cùng với nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng là những nhân vật đang bị chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đe dọa.
Cả Bộ Công An và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương là hai cơ quan lún sâu trong nạn tham nhũng trầm trọng. Lãnh đạo của hai cơ quan này, Lý Đông Sinh và Lệnh Kế Hoạch, là những quan chức bị cách chức trong chiến dịch chống tham nhũng. Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Mã Kiến đã bị thanh trừng vào tháng 1 năm nay. Những quan chức này đều có mối quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân và phe phái của ông ta. Chẳng hạn như Lý Đông Sinh từng là cốt cán thao túng các hoạt động tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công trong những năm đầu của chiến dịch đàn áp môn tu luyện tinh thần này do Giang khởi xướng, và sau đó Lý trở thành lãnh đạo phòng 610 – một lực lượng an ninh bí mật của Đảng có nhiệm vụ xoá sổ Pháp Luân Công. Mã Kiến được biết đến là người có quan hệ mật thiết với Tăng Khánh Hồng – hầu cận chính của Giang. Lệnh Kế Hoạch, phụ tá lâu năm của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, cũng bị cáo buộc là một nhân vật nằm trong mạng lưới chính trị này – một mạng lưới về cơ bản là muốn giành được quyền lực tối cao trong Đảng.
Hai cựu Thứ trưởng khác của Bộ An ninh quốc gia là Khâu Tiến và Lục Trung Vĩ cũng đã bị thanh trừng.
Năm 2012, ông Lục Trung Vĩ bị bắt giữ vì cấp dưới của ông đã gửi những thông tin tình báo về chính trị, kinh tế và chiến lược quân sự của Trung Quốc cho Hoa Kỳ, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin.
Cựu Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Hứa Vĩnh Dược cũng bị thay thế bởi ông Cảnh Huệ Xương vì những vấn đề liên quan.
“Ông Tập Cận Bình đang cố gắng làm trong sạch Bộ An ninh quốc gia. Bộ An ninh đang trong tình trạng hoảng loạn, nhưng họ biết sự an toàn của mình sẽ được đảm bảo nếu họ tuyên thệ trung thành vói ông Tập”, theo lời ông Hứa Bồ.
“Trong suốt Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (là kỳ Đại hội mà ông Tập Cận Bình được bầu lên nắm quyền), các cá nhân được bầu lên đảm nhận những chức vụ khác nhau trong chính phủ đều là kết quả của sự thỏa hiệp chính trị giữa các phe phái khác nhau. Một số lãnh đạo các cơ quan chính phủ không nhất thiết là những người trung thành với ông Tập và ông Tập cũng đặc biệt không thích họ. Đối với một vị trí quan trọng như Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, tôi nghĩ ông Tập muốn đưa một người mà ông có thể tin tưởng ngồi vào vị trí này”.
Leo Timm, Epoch Times và Frank Fang, Epoch Times
(Đại Kỷ Nguyên)
No comments:
Post a Comment