Ngày 18/5, tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) ở Paris đã diễn ra cuộc thảo luận với chủ đề “Triển vọng giải quyết vấn đề Biển Đông nhìn từ luật pháp và lịch sử”. Liên quan đến đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế của Philippines, ông Antonio T. Carpio cho rằng tranh chấp giữa các quốc gia ở Biển Đông với Trung Quốc đi theo hai trục là tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển. Vụ kiện của Philippines chỉ tập trung vào vấn đề tranh chấp biển theo UNCLOS.
Những thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ, đặc biệt là tại các thực thể mà Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất đều là thực thể đảo chìm. Đây là những thực thể đảo chỉ được hưởng những quy chế thấp nhất trong UNCLOS, thậm chí không đủ 12 hải lý. Theo quan sát của Philippines đối với 7 đảo san hô mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo thì rõ ràng là không chỉ có mục tiêu dân sự mà còn có mục tiêu quân sự bởi nó có đủ cả bãi đỗ cho máy bay, bệ phóng tên lửa và thậm chí còn là những đài chỉ huy cho "Con đường tơ lụa trên biển" trong tương lai. Với sự hiện diện của các căn cứ quân sự đồn trú trên 7 đảo này thì phương tiện quân sự của Trung Quốc có thể sẽ vươn tới Australia.
Một điểm khác mà Philippines và dư luận cần chỉ trích Trung Quốc là hoạt động cải tạo của Trung Quốc đang hủy hoại môi trường. Những đảo này phải mất đến 30 triệu năm mới hình thành, là kết quả của sự kiến tạo địa lý do núi lửa và thuộc di sản chung của nhân loại vì nằm trên khu vực biển khơi. Như thế, để hình thành những đảo đó phải cần tới 30 triệu năm, nhưng Trung Quốc chỉ mất 2 tháng để phá hủy hoàn toàn. Đó là điều không chỉ Philippines mà tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, kể cả các quốc gia không có biển (như Thụy Sỹ), cần phải lên tiếng phản đối. Hoạt động cải tạo của của Trung Quốc là vi phạm UNCLOS theo các Điều 60, 87 và 90. Vì thế, tất cả các nước có cơ sở để can dự. Những bằng chứng mà Philippines đưa ra phục vụ không chỉ cho Philippines mà còn cho tất cả các nước liên quan.
Tất cả các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo thậm chí không được hưởng quy chế 12 hải lý theo UNCLOS, thậm chí không được hưởng quy chế "khu vực an toàn 500m", điều đó có nghĩa là các quốc gia như Mỹ có thể tiến vào sâu hơn. Bên cạnh đó, hiện không có cơ sở pháp lý nào cho cái gọi là "Đường 9 Đoạn" của Trung Quốc nên có thể nói Bắc Kinh đang tiến hành một "vụ trộm" ở tầm cỡ toàn cầu đối với di sản của nhân loại. Kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy rằng thế giới không nên để cho Trung Quốc được phép viết lại luật quốc tế.
Diễn giải về "Đường 9 Đoạn" được Quốc dân đảng (Đài Loan) đưa ra từ những năm 1946-1947, ông Antonio T. Carpio cho rằng cùng lắm những đảo đó chỉ được hưởng những quy chế 3 hải lý chứ không phải là vùng biển như cách nói của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (tiến sĩ về luật) có cùng quan điểm với Quốc dân đảng từ những năm 1946-1947 và rất gần với quan điểm của UNCLOS. Philippines hài lòng với quan điểm đó của Đài Loan. Nếu Trung Quốc đồng ý với quan điểm của Đài Loan thì tranh chấp hiện nay sẽ khác đi nhiều và sẽ được giảm thiểu xuống trở thành tranh chấp lãnh thổ thuần túy (chứ không phải tranh chấp lãnh hải/chủ quyền biển).
Trung Quốc vẫn nói là khuyến khích các bên "gác tranh chấp cùng khai thác", nhưng thực tế Trung Quốc lại thể hiện quan điểm nước lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nói thẳng rằng Trung Quốc là nước lớn, còn tất cả các nước khác đều là nước nhỏ. Từ xuất phát điểm đó, Trung Quốc yêu cầu "gác tranh chấp cùng khai thác", nhưng vấn đề là các nước phải nhượng bộ chủ quyền cho Trung Quốc. Đó là điều mà Philippines không thể. Thực ra, tất cả các nước đều hiểu Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành "Vùng đất Thánh" để làm nơi ẩn náu lý tưởng cho các phương tiện quân sự. Theo dự báo của ông Antonio T. Carpio, Trung Quốc sẽ có tuyên bố về "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên Biển Đông ngay sau khi họ hoàn thành căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough.
Về phía Mỹ, sau tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010, Washington bắt đầu quan tâm hơn đến tranh chấp ở Biển Đông. Chính quyền Mỹ đã ký UNCLOS, nhưng quốc hội nước này lại chưa phê chuẩn. Mỹ luôn quan tâm đến nguyên tắc của UNCLOS là tự do hàng hải (đi lại trên biển) nên sẽ tiếp tục theo lập trường là thúc đẩy tự do hàng hải. Washington chịu nhiều sức ép phải phê chuẩn UNCLOS vì có vấn đề là một số nước mở rộng Bắc Cực dính đến Alaska của Mỹ. Nếu Mỹ không phê chuẩn UNCLOS thì khó bảo vệ được lợi ích của chính họ ở khu vực đó.
Ông Carpio nói rằng tất cả các đảo mà Việt Nam mở rộng đều là đảo thật sự và được hưởng quy chế đảo thực sự theo công ước Liên hợp quốc. Do vậy, những gì Việt Nam đang làm hoàn toàn phù hợp với UNCLOS. Đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), từ năm 2002, khu vực này đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhưng đây lại là một văn bản không mang tính ràng buộc. Đến nay chưa thể có được một dự thảo cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy vậy, ngay cả khi có COC thì COC không có mục tiêu giải quyết tranh chấp mà cũng chỉ là một cơ chế ràng buộc để kiểm soát bất đồng, kiểm soát tranh chấp sao cho các bên không bắn giết lẫn nhau. Do vậy, dù là có COC hay không thì Philippines vẫn cứ phải sử dụng UNCLOS và hệ thống trọng tài của UNCLOS.
Ông Antonio T. Carpio đi đến kết luận rằng các quốc gia cần phải nhấn mạnh đến quan điểm của Đài Loan và chuẩn bị tinh thần đón nhận phán quyết của tòa án quốc tế, và các nước cũng nên tuân thủ phán quyết đó. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép quốc tế để tuân theo. Các nước ASEAN nên đi theo hướng là tất cả tranh chấp cần phải được tòa án quốc tế phân xử. Đây là một lối thoát cho ASEAN.
Ông Antonio T. Carpio - chuyên gia luật thuộc Tòa án Tối cao Philippines, trình bày tại Hội thảo Biển Đông tại do Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) tổ chức.
Duy Anh (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
No comments:
Post a Comment