Ts Alan Phan |
Tôi được ông boss cũ mời ghé chơi và giúp ông chút việc tại Panama khoảng đầu 1988. Dù chỉ ở hơn 4 tuần, tôi lang thang khắp hang cùng hẽm tối vì Panama nhỏ như Singapore, chỉ hơn 3 triệu dân. Lúc đó, Panama còn dưới quyền kiểm soát của nhà độc tài Noriega, với danh tiếng khắp Nam Mỹ là một trung tâm rửa tiền, nơi trú ngụ của nhiều drug cartels và quốc nạn tham nhũng trầm trọng.
Mức sống người dân nghèo kém (GDP đầu người dưới $2,000), và tương lai đất nước là một dấu hỏi lớn vì sự kềm kẹp khá khắc nghiệt của bộ máy công an. Tóm lại, Panama thời đó không khác Việt Nam bao nhiêu. Những chuyên gia trí thức đều lắc đầu trước các giải pháp vì gia đình Noriega nắm chặt mọi quyền lực và lợi ích kinh tế. Dù vậy, phần lớn dân chúng đạt “chỉ số hạnh phúc” cao; chịu nhậu nhẹt, cờ bạc, thích thất nghiệp và không quan tâm lắm đến ba cái vụ “tự do-dân chủ” thế giới bên ngoài hay rao giảng.
Ngân sách nhà nước tùy thuộc vào lợi tức thu từ kênh đào Panama (Mỹ xây năm 1914 và chuyển trả cho Panama năm 1977). Quên, còn sự đóng góp của tiền FDI từ 2 khu công nghệ lớn tọa lạc ở ngoại ô thành phố.
Mọi chuyện thay đổi hai năm sau đó khi Mỹ đổ bộ chiếm đóng Panama và bắt giữ Noriega (xin khoan comment về chuyện pháp lý và địa chính trị vì sự phức tạp của vấn đề). Mười tháng sau, Mỹ rút lui toàn bộ và giao quyền kiểm soát lại cho các chính trị gia Panama.
Panama cố gắng xây dựng một thể chế dân chủ kiểu tư bản và mất hơn 3 năm điều chỉnh, tạo ra nhiều rối loạn trong xã hội. Người dân thì đòi hỏi nhiều thứ hơn từ chính phủ, đôi khi vô lý; và nạn tranh dành quyền lực của các phe đảng gây nhiều bất ổn cho một nền kinh tế vốn èo uột. Phần lớn dân số bất mãn với đổi thay.
Tuy nhiên, khi thăm lại ông boss cũ vào 2012, tôi ngạc nhiên với sự tiến bộ vượt bực của Panama so với bức tranh 23 năm trước khi đến Panama lần đầu. Dù vẫn còn những khu ổ chuột với chuyện nhậu nhẹt, đá gà, cướp bóc vặt, Panama đã trở thành một thành phố không kém một thành phố trung bình tại Âu Mỹ. Hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang, hiện đại; đường dây cáp Internet và TV nhanh chóng như Singapore và phần lớn người dân đã gia nhập hàng ngũ trung lưu. Trung tâm tài chánh Panama là điểm đến lớn nhất của Nam Mỹ, vượt mặt Brasil. GDP mỗi đầu người đã vượt ngưỡng 10 ngàn US dollars (khoảng 20 ngàn USD nếu tính theo PPP- Purchasing Power Parity).
Tôi không “nghe” và không “tin” những bánh vẽ các bậc lãnh đạo thích sử dụng hàng ngày để bòn tiền OPM. Dù các bác có tuyên dương một triết thuyết tuyệt vời nào: tư bản hay XHCN; Muslim IS hay dân tộc cực đoan, tôi vẫn sẽ bịt tai để khỏi bị ô nhiễm. Bởi vì tôi rất thực tế: chỉ có kết quả mới là câu nói sau cùng. Tôi dị ứng với những lời lảm nhảm biện hộ như …tại, bị, vì, thế này thế nọ…của người thua cuộc.
Quản trị một doanh nghiệp hay một quốc gia là một hành trình vô cùng khó khăn, nhiều bất ngờ. Yếu tố may mắn cũng góp phần nào vào kết quả. Nhưng tôi vẫn tin rằng, nếu thành thực, bền chí, biết thực hiện một giải pháp đúng lúc và đã có nhiều minh chứng trước đó, cơ hội để thành công vẫn cao hơn là những dối trá để hưởng chút lợi ích cá nhân tạm thời.
Good luck, Panama.
Alan Phan
Panama thiên đường cho người nước ngoài
Tác Giả: Alina Dizik – BBC – 8 May 2015
Một thập niên trước, Panama chỉ là một chỗ ghé qua của những người đã về hưu muốn tìm một nơi nghỉ dễ chịu ở những xứ ven biển gần đó.
Ngày nay, chính môi trường làm ăn được ưu đãi thuế và đang phát triển nhanh chóng của thành phố Panama, thủ đô của quốc gia cùng tên, là lý do khiến nhiều nhà lãnh đạo các doanh nghiệp mở rộng sự hiện diện của công ty họ ở châu Mỹ Latin.
Điều kiện thuận lợi
Người nước ngoài đến Panama bị hấp dẫn bởi khí hậu ấm áp, nhịp điệu cuộc sống chậm rãi hơn và mối liên hệ của đất nước này với cả bắc và nam Mỹ.
Sự tăng trưởng nhanh chóng đã dẫn đến sự ra đời của một loạt các khách sạn, các căn hộ chung cư và văn phòng làm việc hiện đại nhưng nhiều công ty vẫn thiếu nhân lực cần thiết để mở rộng, ông Remy Swaab, giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Thế giới của Panama nói.
Nền kinh tế gắn chặt với đồng đô la Mỹ của Panama đã khuyến khích rất nhiều đầu tư nước ngoài từ những công ty vốn rất lo lắng với việc đầu tư ở những quốc gia có đồng tiền không ổn định.
Cấu trúc thuế thuận lợi và nguồn nhà ở cao cấp cũng là lý do lớn thu hút người nước ngoài vốn rất muốn sống ở nước ngoài mà không mất đi cảm giác sống ở nhà.
Hiện có nhu cầu cao các vị trí trong các ngành hậu cần, vận tải biển, du lịch và phục vụ du khách, bất động sản và cả các vị trí lãnh đạo các chi nhánh khu vực của các tập đoàn lớn.
Chẳng hạn như,tập đoàn máy tính khổng lồ Dell cần cố vấn tài chính cho trụ sở của họ trong khu vực trong khi tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ Proctor & Gamble mới đây đã mở văn phòng ở khu vực Costa del Este gần đó và đang muốn tuyển giám đốc tiếp thị.
Các tập đoàn vận tải biển khổng lồ như COSCO Container Lines và Hanjin đã mở rộng sự hiện diện ở nước này.
Mức lương trung bình của đa số người dân Panama chỉ vào khoảng từ 400 đến 600 đô la Mỹ trong khi người nước ngoài có thể có mức lương đến sáu con số hàng năm.
Các công ty nước ngoài đóng ở Panama được phép dành đến 12% nhân sự của họ cho người nước ngoài.
“Các công ty mở văn phòng ở Panama muốn tìm một mức độ chuyên môn nhất định trong công việc mà lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng được,” Swaab nói.
Ưu đãi cho người nước ngoài
Thành phố Panama đem đến môi trường làm việc hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia, trong đó có tập đoàn sản xuất 3M và công ty hóa chất khổng lồ BASF đóng khu công nghiệp Panama-Pacifico. Đóng ở khu công nghiệp này, vốn rộng 1.400 hectare và cách trung tâm thành phố 10km, các công ty sẽ được miễn thuế rất nhiều.
Nhân viên của hãng PPZ có thể được cấp visa làm việc từ ba đến năm năm thay vì được cấp hàng năm. Panama cũng xây dựng nhưng khu mậu dịch tự do để thu hút những công ty làm trong các lĩnh vực chế tạo, y tế và thậm chí là giáo dục bậc cao.
Các công ty lớn có thể xin visa cho nhân viên chỉ trong có vài tuần lễ còn những ai sống ở Panama đã ba năm có thể xin ở Panama lâu dài.
Nói đến thị trường lao động ở Panama, sự canh tranh đang gia tăng.
Chưa bao giờ có nhiều người nước ngoài muốn lấp chỗ trống những vị trí cần chuyên môn như hiện nay ở Panama, theo Peter LeSar, giám đốc tài chính của Thunderbird Resorts, công ty điều hành các khu nghỉ dưỡng theo chủ đề ở các nước láng giềng.
Để tuyển được người, LeSar, người đã đến Panama 22 năm trước, sử dụng cả các công ty săn đầu người và mạng xã hội LinkedIn.
Các ứng viên phải mất nhiều tháng mới tìm được việc bởi vì chất lượng ứng viên đã được nâng cao, ông LeSar nói thêm, “Nhu cầu của người nước ngoài đến sinh sống và làm việc ở Panama rất cao.”
Các công ty chuyển nhà thường được các tập đoàn thuê để giúp nhân sự cao cấp của họ chuyển nhà và xử lý tất cả mọi việc từ nhà ở cho đến visa.
Mức thuế 0%
Những ai có ý định ở lâu dài nên cân nhắc chuyện mua nhà, thay vì thuê, Kent Davis, giám đốc công ty bất động sản Panama Equity Real Estate khuyên.
Một căn hộ hai phòng ngủ gần biển có giá thuê 2.000 đô la một tháng nhưng mua là 280.000 đô la, Davis, người chuyển đến Panama từ Mỹ tám năm trước nói.
Người nước ngoài cũng được vay tiền dễ dàng như người dân Panama, ông nói thêm. Các gia đình chuyển đến sống ở Panama thường thuê người giúp việc nhà với giá 500 đô la một tháng.
Theo chính sách ưu đãi thuế của Panama, các công ty nước ngoài chứng tỏ được rằng họ có được lợi nhuận bên ngoài Panama và khách hàng của họ là các công ty không phải thường trú ở Panama được hưởng mức thuế 0%.
Bên cạnh đó, những ai làm việc cho công ty nước ngoài không phải trả thuế thu nhập.
Đa phần người nước ngoài tới Panama đều là dân về hưu. “Điều kiện tiên quyết để sống ở đây là có tóc bạc,” Skyler Ralston, người làm công tác tiếp thị cho các doanh nghiệp địa phương, nói và cho biết hình ảnh của Panama đang thay đổi từ từ.
Đối với những người trẻ thì điều này có nghĩa là họ có ít chọn lựa để xây dựng một mạng lưới nghề nghiệp.
Trong khi nhiều kiều dân nói tiếng Anh và không cần biết tiếng Tây Ban Nha trong công việc, nhiều người cảm thấy bị cô lập vì họ không sử dụng được ngôn ngữ địa phương trong giao tiếp hàng ngày.
“Chúng ta chứng kiến một nền văn hóa tuyệt vời nhưng rất khó để mà hiểu được,” một kiều dân ở Panama có tên là Landau cảnh báo.
Về phương diện an ninh, Panama tương đối an toàn so với các nước láng giềng như Colombia và thậm chí là Costa Rica, theo cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng trộm cắp vặt, gian lận thẻ tín dụng và thậm chí cướp giật thường xảy ra.
Nơi đây không phải không có tệ nạn và nhiều cư dân của Panama vẫn sống trong nghèo khổ và bạo lực băng nhóm vẫn xảy ra, Landau cho biết
(Blog Alan Phan)
No comments:
Post a Comment