Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng sự đối đầu quân sự giữa hai nước vì các vấn đề chủ quyền có liên quan đến Biển Đông là không phù hợp với lợi ích của họ. Hai nước đang có đủ những vấn đề nội trị, nhất là Trung Quốc, và các vấn đề quốc tế, nhất là Mỹ, để nhận ra rằng sự thù địch quân sự với một đối tác kinh tế chủ chốt không phải là một ý tưởng hay, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Trong cuộc gặp mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, mặc dù Mỹ không chính thức đưa ra quan điểm đối với những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng lợi ích của Mỹ được bảo vệ thông qua những cam kết với những đồng minh và ổn định khu vực và trực tiếp liên quan đến việc tự do hàng hải của những tuyến đường vận chuyển chủ chốt tại các vùng biển đang có tranh chấp.
Hàng năm, số hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD được chuyên chở qua lại trên các tuyến đường biển thương mại (SLOC) ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc kiểm soát được các SLOC này, các nước có thể bị yêu cầu phải xin phép Trung Quốc để được qua lại. Nếu Trung Quốc can thiệp vào các tuyến đường thương mại này và các nước phải tìm cách khác để vận chuyển hàng hóa, thì điều đó sẽ có những tác động tiêu cực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, việc kiểm soát SLOC không chỉ tạo cho Trung Quốc sức mạnh thương mại đáng kể, mà còn có tiềm năng cho phép nước này ngăn cản các lực lượng hải quân Mỹ. Do vậy, Mỹ cần xem xét cả những hậu quả thương mại và quân sự tiềm tàng từ những tuyên bố lãnh hải mở rộng của Trung Quốc.
Ông Vương Nghị đã nêu rõ quan điểm của Trung Quốc hội nghị diễn ra tại Bắc Kinh tháng 5 năm 2015 rằng: "quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là kiên định và không thể nghi ngờ". Đối với Trung Quốc, quan niệm về toàn vẹn lãnh thổ gắn liền với chủ nghĩa dân tộc và khôi phục lại hình ảnh của mình sau một thế kỷ bị làm nhục bởi sự xâm chiếm của các nước phương tây và Nhật Bản vào năm 1839 – 1949.
Trong số những nước đang có tuyên bố chủ quyền lịch sử và pháp lý đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông thì Trung Quốc là quốc gia tuyên bố chủ quyền lớn nhất, với "Đường Lưỡi bò" bao gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng nhỏ hơn. Cũng không ngạc nhiên khi mà tuyên bố pháp lý của nước này phủ nhận tuyên bố của các nước khác trong tranh chấp. Và, Trung Quốc trong khi đó thì không ngừng xây dựng các đảo nhằm củng cố cơ sở pháp lý khi cho rằng chiếm hữu thực tế là sẽ tạo cơ sở hoàn chỉnh để khẳng định yêu sách về mặt pháp lý.
Do không bên nào mong muốn đối đầu quân sự nhưng cũng không muốn lùi bước, nên nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự có vẻ như chỉ xuất phát chủ yếu từ tính toán sai lầm, hoặc leo thang sau một tai nạn hoặc rủi ro. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tích cực trong các nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp, nguy cơ đối đầu là thực sự. Trung Quốc đang sẵn sàng cho việc sở hữu và kiểm soát Biển Đông, trong khi Mỹ phát tín hiệu phản đối những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Không nước nào mong muốn đối đầu quân sự nên dường như Trung Quốc và Mỹ đang "vờn nhau".
Mặc dù các nước khác có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cũng đang nâng cấp các tiền đồn của họ tại Biển Đông, nhưng các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc là "hung hăng" nhất. Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo gần đá Chữ thập (Fiery Cross Reef) và đá Xu bi (Subi Reef), cả hai đều có khả năng làm thành đường băng, cho thấy Trung Quốc có ý định duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại khu vực này. Giống như năm 2013 tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) xung quanh các đảo mới trên Biển Đông để hạn chế không lưu.
Mặc dù năm 2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyến bố không xem xét lập một ADIZ tại Biển Đông, nhưng tuyên bố này có thể thay đổi nếu một đường băng xuất hiện tại khu vực này. Năm 2013, khi Trung Quốc tự tuyên bố ADIZ tại Biển Hoa Đông, Mỹ đã phái máy bay ném bom B-52 vào khu vực này để biểu thị sự phản đối và không công nhận tuyên bố của Trung Quốc. Có nguy cơ xảy ra vụ tai nạn trên biển và trên không tương tự tại Biển Đông. Tàu hải quân Trung Quốc đã "quấy rối" tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ vào tháng 6/2009. Khả năng số lượng tàu ngầm của Trung Quốc nhiều hơn cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Tương tự trong bài viết gần đây trên trang the Wall Street Journal đã công bố kế hoạch tuần tra trên không và trên biển gần các đảo nhân tạo này, đây là tín hiệu cho thấy một lần nữa Mỹ phản đối yêu sách chủ quyền của trung Quốc.
Ngoài nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự Mỹ-Trung trực tiếp, Mỹ cũng có thể bị lôi kéo vào tranh chấp này thông qua một đồng minh, nhất là Philippines, nước đã tuyên bố ý định mở rộng điều tra và có khả năng khoan thử nghiệm khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Điều này có thể châm ngòi cho một phản ứng của Trung Quốc, dẫn đến đối đầu quân sự với Philippines. Nếu xung đột như vậy xảy ra, Mỹ sẽ phải can dự vì nước này đã ký với Philippines Hiệp ước phòng thủ tương hỗ từ năm 1951.
Do cả hai bên đều giữ lập trường không khoan nhượng, nên quan ngại ngày càng tăng về một cuộc xung đột là không tránh khỏi. Vì thế quốc tế cần có những nỗ lực lớn để tránh kịch bản này. Năm 1998, Mỹ và Trung Quốc đã ký Hiệp định tư vấn hải quân (MMCA) hướng tới việc phát triển những quy định tương tự như các quy định về khả năng xảy ra tai nạn trên biển giữa Mỹ và Liên Xô trước đây thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng ít có tiến bộ hướng đến mục tiêu này và MMCA hầu như không hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin là một mục tiêu giá trị cho các nỗ lực ngoại giao của hai bên.
Mỹ cũng nên hỗ trợ cho các nước trong khu vực như Philippines trong những nỗ lực nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của họ. Tuy nhiên, bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng nên thực hiện cùng với những nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc. Cuối cùng, Mỹ nên chuẩn bị các kế hoạch xử lý khủng hoảng khi tai nạn xảy ra để tránh leo thang. Có lẽ, khía cạnh tích cực nhất trong bối cảnh này là Mỹ và Trung Quốc công nhận rằng một sự đối đầu quân sự không phục vụ cho lợi ích của bất cứ bên nào.
Theo trang mạng ChinaUsFocus
Thùy Anh (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
No comments:
Post a Comment