Sau hàng loạt sự kiện ngoại giao quốc phòng, đặc biệt là chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dành cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: V.Dũng
* Thưa Thứ trưởng, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông hiện nay?
- Tại cuộc họp báo sáng nay sau hội đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Mỹ, hai bộ trưởng đã nói rất đầy đủ ý nghĩa cũng như kết quả đạt được của chuyến thăm. Kết quả chuyến thăm hôm nay phản ánh đúng thực tế quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, những tiến bộ trong quan hệ Việt - Mỹ trong 20 năm bình thường hóa và 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Một điều chắc chắn được mọi người quan tâm trong cuộc gặp lần này là vấn đề biển Đông. Với tầm nhìn chiến lược của ông Carter cũng như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tôi thấy hai ông nhìn ở góc độ lợi ích của Mỹ cũng như Việt Nam tại khu vực này, trong đó quan hệ quốc phòng mang tính chất trụ cột.
Việt Nam đang phát triển, hội nhập với quốc tế để phát triển đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Còn Mỹ đang tích cực quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ rõ ràng có những đồng minh của mình, nhưng như phát biểu tại Shangri- La, ông Carter nói rằng Mỹ không thể không có những người bạn - đối tác mới ngày càng tin cậy hơn. Sắp tới đây, giữa hai nước có những cuộc gặp cấp cao hơn và nội dung quan trọng hơn.
Về phía Việt Nam, trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang nóng lên, chúng ta cũng muốn biết thực chất Mỹ đang muốn gì ở đây. Liệu những toan tính của họ có phương hại cho chúng ta hay không? Chúng ta đã thẳng thắn nêu với họ những gì Việt Nam cần ở Mỹ, mong muốn Mỹ góp phần bảo đảm hòa bình ổn định lâu dài cho khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc phòng không chỉ mang tính biểu tượng mà cho đến nay Việt Nam và Mỹ đạt được những nội dung hợp tác thực chất, làm hài lòng cả hai bên. Trong thời gian qua, đôi bên đã tiến hành các hợp tác như các hoạt động mang tính chất nhân đạo hòa bình như tìm kiếm cứu nạn, gìn giữ hòa bình, hoặc trên những diễn đàn quốc tế như Shangri-La... Ngoài ra Mỹ cũng nhắc đến việc hợp tác để nâng cao năng lực cho một số quân binh chủng của Việt Nam.
* Khả năng hợp tác về vũ khí quân sự thì sao, thưa ông?
- Ông Carter nói rằng Mỹ sẽ bỏ thêm một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và sẽ sẵn sàng cung cấp những trang thiết bị cho Việt Nam, Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác, chế tạo những trang thiết bị quân sự tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ đề cập đến vấn đề này, cho thấy sự sẵn sàng của Mỹ.
* Như vậy, ông nhận định như thế nào về sự hiện diện của Mỹ không phải bằng lời nói mà bằng hành động thực tế như ở khu vực biển Đông như hiện nay?
- Vấn đề phức tạp trên biển Đông và câu chuyện hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt là hai chuyện khác nhau. Hợp tác dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế, luật pháp, lợi ích của Mỹ và Việt Nam và theo những gì hai bên cùng mong muốn.
Còn sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông hay rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương thì nó không phụ thuộc vào ý chí của Việt Nam nữa mà phụ thuộc vào luật pháp quốc tế và lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực. Ông Carter nói máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục bay, tàu của Mỹ sẽ tiếp tục giương buồm trên tất cả những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như biển Đông. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói rất rõ rằng nếu như tàu bè, máy bay của Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế, không gây phương hại đến hòa bình, ổn định của khu vực, không đe dọa đến an ninh khu vực thì Việt Nam hoàn toàn không có ý kiến gì.
* Vừa rồi khi Mỹ can dự trực tiếp vào tình hình ở biển Đông, có vẻ như Trung Quốc đã có những phản ứng quyết liệt. Bình luận của ông?
- Tôi nghĩ trong tình huống này Trung Quốc đang vừa đi vừa dò xem phản ứng của các bên liên quan như thế nào. Tại sao vậy? Theo tôi, Trung Quốc tự nhận thấy rằng việc họ đang làm ở biển Đông là “có vấn đề” với luật pháp quốc tế, bị quốc tế phản ứng và không chỉ đụng chạm đến quyền lợi của chỉ riêng Việt Nam, mà còn đe dọa đến lợi ích của nhiều nước khác.
* Trong lịch sử các nước lớn đã từng mặc cả sau lưng Việt Nam và chúng ta đã từng bị thiệt hại bởi sự mặc cả đó. Thưa ông, làm thế nào để lịch sử không lặp lại?
- Việt Nam không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình, và điều quan trọng là chúng ta đừng tạo cơ hội cho người khác thỏa hiệp trên lưng mình. Cơ hội tốt nhất để họ mặc cả sau lưng mình là khi mình vào hùa với một bên để chống một bên khác và quá tin tưởng vào một thế lực nào đó. Nếu mình không độc lập tự chủ, phải dựa vào một thế lực nào đó thì sẽ đến khi họ đem mình lên bàn cân để định lượng thế nào và bao nhiêu?
“Họ không thể cứ mãi coi thường dư luận quốc tế”
* Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu bày tỏ quan ngại đặc biệt đến tình hình biển Đông. Chia sẻ của Thứ trưởng về những mối quan ngại này?
- Theo tôi, quan ngại của các đại biểu Quốc hội là rất đúng. Đặc biệt, trong bối cảnh có thông tin cho thấy Trung Quốc đem vũ khí đến các đảo mới tôn tạo. Thậm chí, chúng ta còn lường trước những kịch bản còn phức tạp hơn và không chỉ liên quan đến một mình Việt Nam.
Cùng với việc bày tỏ quan ngại thì chúng ta có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền, trong đó quan trọng là cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lại các hoạt động bồi đắp trên biển Đông. Tôi nghĩ rằng một khi cả cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng như hiện nay thì Trung Quốc phải nghĩ khác, họ không thể cứ mãi coi thường công luận quốc tế, làm những việc trái với luật pháp quốc tế như vậy.
* Khoảng năm năm trở lại đây, diễn biến biển Đông mỗi năm mỗi phức tạp. Ông dự liệu sự căng thẳng ngày một gia tăng sẽ đưa tình hình đi tới đâu?
- Hãy nhìn rộng ra phạm vi quốc tế. Từ sau khi Liên Xô tan vỡ, cuộc đấu tranh giữa hai phe mất đi thì các nguy cơ về an ninh tạm thời không nổi lên ở phạm vi toàn cầu và khu vực mà chủ yếu là giữa các nước với nhau hoặc trong từng nước mà thôi. Nhưng đến thời điểm có những cực khác mạnh lên thì một hình thái mới lại xuất hiện, tức là lại bắt đầu có sự đối đầu giữa hai cường quốc. Sự đối đầu ấy buộc các nước yếu hơn phải lựa chọn về hành vi và câu hỏi quan trọng nhất là có nên đứng về một phía nào hay không? Chính vì vậy, tình hình an ninh lại diễn biến theo chiều hướng phức tạp dần. Chúng ta cứ nhìn vào các diễn đàn an ninh như Shangri-La càng sôi động bao nhiêu thì tình hình càng phức tạp bấy nhiêu.
Trong bối cảnh quốc tế như vậy thì chúng ta như thế nào? Tôi lo ngại nhất là chúng ta bị dính líu đến các đối đầu giữa các nước lớn và chúng ta cần kiên định không đứng về bên nào. Chúng ta phải dành toàn lực để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân mình, nhưng phải luôn giữ độc lập tự chủ và không dính líu đến các toan tính của nước khác.
* Nói là như vậy, nhưng đôi khi định mệnh không buông tha chúng ta, bởi có những xung đột tầm quốc tế lại diễn ra trong nhà mình nên không thể né tránh?
- Thế mới phải nói rằng chúng ta cần khôn ngoan và bản lĩnh. Định mệnh ấy từ đâu đến? Trước hết là bởi vị trí địa chính trị của chúng ta ở khu vực và trên thế giới. Hãy thử nói đến một danh từ thôi, đó là Cam Ranh, các nước lớn đều muốn hiện diện tại vị trí này. Đấy là địa chính trị, còn về lịch sử thì Việt Nam có lịch sử rất phức tạp với nhiều nước lớn. Tôi nghĩ trong bối cảnh này, chúng ta kiên quyết bảo vệ bằng được lợi ích quốc gia của mình, hợp tác theo đúng luật pháp quốc tế chứ không thể ngả nghiêng theo nước nào.
Chạy đua vũ trang?
* Đã có ý kiến dự báo về một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực?
- Điều này là đúng. Nó xuất phát từ nhiều đặc điểm chứ không chỉ là tình hình biển Đông hay biển Hoa Đông. Trước hết phải nói rằng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang phát triển rất mạnh mẽ và vì vậy việc phát triển, phòng vệ, vũ trang của các quốc gia là tất yếu. Thứ hai, đến thời điểm này, các nước (kể cả các nước không có chiến tranh) đều hiểu rằng muốn kinh tế - xã hội phát triển bền vững thì không thể không phát triển một nền quốc phòng mạnh. Thứ ba, quốc phòng ngày càng tham gia vào nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực an ninh phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn... Thứ tư, tình hình khu vực và thế giới đang nóng lên, gây lo ngại cho các quốc gia. Nếu những mâu thuẫn không được giải quyết, các bên thiếu kiềm chế thì nó sẽ nảy sinh tâm lý chạy đua vũ trang.
* Vậy trong bối cảnh đó thì Việt Nam làm gì, thưa Thứ trưởng?
- Từ xưa đến nay, mục tiêu của quốc phòng Việt Nam là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ ổn định chính trị, chống xâm lược từ bên ngoài, chứ không có mục đích nào khác. Phương châm của nền quốc phòng Việt Nam đã được đặt ra từ thời Bác Hồ đó là quốc phòng toàn dân, toàn dân đánh giặc và quân đội là nòng cốt. Kinh qua các cuộc chiến tranh thì chúng ta có thể thấy rõ rằng không có vũ khí nào có thể chiến thắng được thế trận chiến tranh nhân dân để bảo vệ Tổ quốc mình. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ luật pháp quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của mình.
* Tại Shangri-La cách đây hai năm, Thủ tướng nước ta đã đề cập đến việc xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Diễn biến ở biển Đông hiện nay cho thấy Trung Quốc thay vì bồi đắp lòng tin thì họ lại bồi đắp các bãi chìm thành đảo nhân tạo...
- Tôi hiểu rằng khi phát biểu điều ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận thức rằng các bên đang thiếu lòng tin với nhau, và đặc biệt là với những việc như Trung Quốc đang làm ở biển Đông làm xói mòn lòng tin của Việt Nam cũng như nhiều nước khác, vì vậy Thủ tướng kêu gọi xây dựng lòng tin để củng cố hòa bình. Rõ ràng, so với những cam kết, phát biểu của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì những việc như xây dựng các đảo nhân tạo, đem vũ khí ra đó, đang làm xói mòn, làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế.
* Ông có nói điều này với phía Trung Quốc trong cuộc gặp tại Shangri-La vừa rồi?
- Trong cuộc gặp ông Tôn Kiến Quốc (phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - NV), tôi đề cập đến hợp tác quốc phòng song phương đang có những tiến triển tốt đẹp, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ biên giới giữa bộ trưởng quốc phòng hai bên. Những thỏa thuận cần phải được cụ thể hóa để nó đi vào thực tiễn trong quan hệ hai nước, đồng thời không làm gì để phương hại đến quan hệ giữa hai nước.
Khi ông Tôn Kiến Quốc giải thích một số vấn đề về biển Đông, tôi đã nói với ông Tôn Kiến Quốc rằng tôi với đồng chí là những nhà quân sự, vì vậy tôi sẽ không chọn cách ngoại giao để nói với đồng chí. Tôi xin nói thẳng là các đồng chí sai rồi, các đồng chí đã làm phương hại đến quan hệ giữa hai nước. Không thể nói biển Đông là “tiểu cục”, là chuyện nhỏ được, mà đây là chuyện rất lớn mà cả hai bên cần nhận thức đúng đắn vị trí của nó trong mối quan hệ tổng thể để cùng kiềm chế, lựa chọn hành vi phù hợp khi ứng xử với nhau.
Thứ hai, việc Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình là tất yếu. Nhưng với tư cách một nước láng giềng với Trung Quốc thì Việt Nam không bao giờ muốn làm xấu mặt Trung Quốc. Việt Nam không hề muốn có một nước láng giềng Trung Quốc trở thành mục tiêu để thế giới chỉ trích. Việt Nam mong muốn sự phát triển của Trung Quốc là sự trỗi dậy hòa bình như chính lời lãnh đạo Trung Quốc nói. Nhưng đáng tiếc là những việc làm của Trung Quốc ở biển Đông đã gây lo ngại cho Việt Nam và quan ngại cho cộng đồng quốc tế, những việc làm ấy đang làm xấu hình ảnh Trung Quốc.
* Ông nghĩ sao khi một số người bày tỏ sự hả hê với sự can dự của Mỹ và mong muốn tìm ở Mỹ một điểm tựa nào đó?
- Đấy là suy nghĩ rất không nên. Chúng ta có chính nghĩa ở biển Đông, và tiếng nói của chúng ta hợp với xu thế chung của thế giới, khi thấy ai đó có tiếng nói giống tiếng nói của mình và thậm chí là bênh vực mình là rất tốt. Nhưng điều này hoàn toàn khác với việc mình vào hùa với ai đó, để hả hê khi nói về một bên khác. Tôi nghĩ nếu mỗi người Việt Nam nào đó nếu có tâm lý đó thì cần điều chỉnh.
ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện
(Tuổi Trẻ)
No comments:
Post a Comment