HÀ NỘI (NV) .- Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Thuyền khi cơ quan lập pháp của chế độ Hà Nội thảo luận về dự luật mới liên quan tới Tổ chức chính phủ.
Tàu cũ mà Vinashin bỏ hàng triệu USD ra mua rồi mang về Việt Nam bán với giá bán sắt vụn. Công quỹ mất 87,000 tỉ nhưng Thủ tướng Việt Nam – người quyết định rót tiền cho Vinashin chỉ “rút kinh nghiệm”. (Hình: vef.vn)
Ông Thuyền – một đại biểu của dân chúng Lâm Đồng tại Quốc hội CSVN, cho rằng Dự luật Tổ chức chính phủ được trình cho Quốc hội Việt Nam xem xét lần này nhằm thay thế cho dự luật cũ, “quy định quyền hạn của Thủ tướng rất lớn trong khi trách nhiệm rất nhỏ, chỉ là báo cáo công tác trước Quốc hội. Trách nhiệm nhỏ vậy thì tôi cũng làm Thủ tướng được”.
Không chỉ có ông Thuyền nghĩ như vậy. Ông Phùng Đức Tiến - – một đại biểu của dân chúng Hà Nam tại Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh, trách nhiệm phải tương xứng với quyền hạn. Quyền hạn của Thủ tướng tuy rộng song trách nhiệm lại không tương xứng. Phải qui định trách nhiệm của Thủ tướng rõ ràng như qui định trách nhiệm của Bộ trưởng. Nghĩa là Thủ tướng phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Việt Nam, nêu thắc mắc, trách nhiệm của Thủ tướng tiếp tục nhẹ nhàng như vậy thì nếu xảy ra một vụ giống như Vinashin, chẳng lẽ chấp nhận mất 87,000 tỉ đồng cũng chỉ “rút kinh nghiệm” chứ không có ai chịu trách nhiệm?
Ông Huỳnh Văn Tiếp - một đại biểu của dân chúng Cần Thơ tại Quốc hội Việt Nam thỉ yêu cầu phải qui định rõ ràng hơn về trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở.
Ông Tiếp bảo rằng, tham nhũng lan tràn khắp nơi nhưng trong Dự luật mới về Tổ chức chính phủ, trách nhiệm của chính phủ vẫn chưa rõ ràng. Ông Tiếp nhấn mạnh, đó là mong muốn của cử tri. Cử tri đã và vẫn đang thắc mắc tại sao tham nhũng không giảm mà còn tăng nhưng chính phủ không chịu trách nhiệm.
Do thời gian vừa qua, các chuyên gia, dân chúng, báo giới liên tục chỉ trích vì hệ thống công quyền có quá nhiều viên chức cấp phó, Dự luật mới về Tổ chức chính phủ qui định, mỗi bộ không được có quá năm Thứ trưởng. trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thể có sáu Thứ trưởng.
Ông Thuyền phát giác và nhận xét, đó chỉ là “qui định cứng”, ông ta phản đối việc bộ phận soạn thảo Dự luật mới về Tổ chức chính phủ nhét vào dự luật này một “qui định mềm”, theo đó, khi có: “Trường hợp đặc biệt, sáp nhập các cơ quan ngang bộ. Yêu cầu điều động của cơ quan có thẩm quyền” thì “Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tăng số lượng thứ trưởng, phó của các cơ quan ngang bộ”.
Theo ông Thuyền, đó là một “ý đồ phải loại bỏ”. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, không thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những quyền cao hơn, quyết định cho tăng thêm số lượng Thứ trưởng.
Nhiều đại biểu khác của Quốc hội Việt Nam đòi hỏi phải có cả qui định rõ ràng về số lượng Phó Thủ tướng và con số này cũng không nên quá năm người. (G.Đ)
(Người Việt)
No comments:
Post a Comment