Hình ảnh ông Nguyễn Đức Kiên trước tòa. |
LTS: Chúng tôi vừa nhận được một bài viết gồm ba phần rất công phu của tác giả Lý Hồng Mạnh gửi đến, trong đó phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên. Đây là phần thứ nhất có độ dài 75 trang A4, độc giả có thể bấm vào đường link để tải toàn bộ tập tin PDF. Dưới đây là một số trích đoạn quan trọng của phần thứ nhất để độc giả tham khảo nhanh - DL.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật của Vietinbank
... Vietinbank có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kế toán, dân sự và hình sự là: Tự ý thanh lý các hợp đồng tín dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật hình sự (do Huyền Như mạo danh, giả mạo chữ ký, giả mạo hồ sơ, dùng các sổ tiết kiệm do chiếm đoạt mà có để cầm cố vay vốn tín dụng) - được xác lập bởi Huyền Như và những người có trách nhiệm của Vietinbank. Đồng thời với việc Vietinbank tự ý tất toán các tài khoản tiết kiệm (các sổ tiết kiệm) của các nhân viên ACB, khi các sổ tiết kiệm này đã bị Huyền Như chiếm đoạt trái pháp luật để cầm cố vay vốn tín dụng của Vietinbank (Vietinbank nhận cầm cố để cho Huyền Như vay tiền) - Khi chưa có phán quyết của tòa án tuyên bố về hợp đồng dân sự vô hiệu, và chưa có quyết định xử lý về tài sản chiếm đoạt (các sổ tiết kiệm) của “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Điều đó cho thấy, những người có trách nhiệm của Vietinbank trong các vụ việc này đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác một cách chủ quan và liên tục: từ việc tham gia xác lập hợp đồng tín dụng (do Huyền Như mạo danh, giả mạo chữ ký), nhận cầm cố sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như chiếm đoạt trái pháp luật, tự ý tất toán sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như chiếm đoạt để cấn trừ khoản tiền mà Huyền Như lừa đảo lấy tiền của Vietinbank. Cho nên, những người có trách nhiệm của Vietinbank liên quan đến vụ việc này có vai trò giúp sức tích cực cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như. Vietinbank tự ý tất toán sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như phạm tội mà có là vi phạm bộ luật dân sự và bộ luật hình sự, Luật kế toán 2003, Luật các tổ chức tín dụng 2007 (nay là Luật các tổ chức tín dụng 2010). Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần truy cứu trách nhiệm của những người có thẩm quyền ở Vietinbank trong vụ việc này, thu hồi tiền có nguồn gốc “sổ tiết kiệm” để trả lại cho các chủ sở hữu tài sản này...
Lỗi của các cơ quan tố tụng hình sự:
... Một là, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sơ thẩm và phúc thẩm (vòng 1) chưa phân định được sự khác nhau giữa các hành vi: Huyền Như có dấu hiệu chiếm đoạt sổ tiết kiệm (đã xảy ra), Huyền Như chiếm đoạt tiền trên tài khoản tiền gửi tiết kiệm (của sổ tiết kiệm đó – không xảy ra), Huyền Như có dấu hiệu chiếm đoạt tiền vốn tín dụng của Vietinbank (đã xảy ra), Vietinbank có dấu hiệu chiếm đoạt tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB thông qua hành vi tự ý tất toán tài khoản trái pháp luật (đã xảy ra). Do không “phân định” được các hành vi này dẫn đến việc quy kết Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB là một trong những qui kết có tính chất sai trái trọng yếu nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Hai là, qui kết tổng thể từ quyết định ủy thác gửi tiền tiết kiệm của ACB, … đến Huyền Như trong một mối liên hệ thống nhất từ A tới Z (Z chiếm đoạt tiền của A); nhưng lại áp dụng tách án làm phá vỡ mối liên hệ thống nhất thành hai phần tách biệt nhau, làm cho mạch liên kết của vụ án bị cắt đứt đoạn không còn liên hệ được với nhau. Điều này cho thấy, phương pháp tách án của các cơ quan tố tụng hình sự lại mâu thuẫn chống lại chính phương pháp qui kết vụ án của các cơ quan tố tụng hình sự. Đặc biệt là họ vi phạm tính logic đặc thù và quy trình, trình tự tố tụng tội danh theo điều 165 của Bộ luật hình sự.
Ba là, cơ quan tố tụng hình không áp dụng Luật kế toán (2003), dẫn tới vô ý hoặc cố ý tạo điều kiện cho Vietinbank chối bỏ trách nhiệm bồi thường cho khách hàng (có dấu hiệu làm theo kịch bản của kết luận điều tra, cáo trạng và dự thảo bản án). Họ, các cơ quan tố tụng hình sự không nhận thức được tiền trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (tài khoản thanh toán) của khách hàng thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng, và ngân hàng phải chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự trong việc quản lý loại tài sản này - theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, Luật kế toán 2003, Luật các tổ chức tín dụng 1997 (nay là 2010).
Bốn là, trong vụ án Huyền Như liên quan đến nguồn tiền của ACB, thì không được tách án. Nếu trường hợp các hành vi của một số cựu lãnh đạo ACB rất phức tạp, chưa xác minh làm rõ được, trong khi các mãng khác của vụ án Huyền Như đã rõ ràng và chín muồi không thể trì hoãn xét xử lâu hơn được nữa. Thì có thể, người ta được phép tách nội dung “cố ý làm trái” và “gây hậu quả nghiêm trọng” của tội danh theo điều 165 để xét xử chung trong một phiên tòa - chứ không phải tách một vế (nguyên nhân) gộp vào vụ án Nguyễn Đức Kiên, tách vế (kết quả) gộp vào vụ án Huyền Như).
Phải bảo đảm cặp phạm trù (nhân - quả) của điều 165 diễn ra trong cùng một phiên tòa - và Bộ luật tố tụng hình sự phải đáp ứng tính logic của Bộ luật hình sự - nếu Bộ luật tố tụng hình sự chưa bảo đảm được yêu cầu có tính nguyên tắc này, thì phải sửa đổi lại.
Nhìn vào thực tế hồ sơ vụ án, chúng ta thấy các hành vi của một số cựu lãnh đạo ACB ủy thác tiền gửi cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank đã quá rõ ràng và rất đơn giản. Thế mà người ta vẫn cố tình tách án ra khỏi vụ án Huyền Như (để nhập vào vụ án Nguyễn Đức Kiên) - Thì chỉ nhằm vào một mục tiêu giả định là: dồn án cho bầu Kiên, dồn hết hậu quả pháp lý về kinh tế và hình sự của Vietinbank cho Huyền Như (trong xét xử sơ thẩm vòng 1).
Còn tiếp...
LTS: Chúng tôi vừa nhận được một bài viết gồm ba phần rất công phu của tác giả Lý Hồng Mạnh gửi đến, trong đó phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên. Đây là phần thứ hai có độ dài 46 trang A4, độc giả có thể bấm vào đường link để tải toàn bộ tập tin PDF. Dưới đây là một số trích đoạn quan trọng của phần này để độc giả tham khảo nhanh - DL.
3. LỖI TRỌNG YẾU.
3.1. Lỗi trọng yếu của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trong thương vụ với ACBI là:
- Lỗi 1: Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, trước khi ký hợp đồng, đã không kiểm tra đối tượng của hợp đồng, theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự.
Vì thực trạng tài sản của bên bán (ACBI), là cổ phiếu đang cầm cố có đầy đủ hồ sơ và giấy tờ, minh bạch, công khai rõ ràng. Hồ sơ này, được Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (là công ty con chịu sự kiểm soát của Trần Đình Long – chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát) chứng thực bằng văn bản. Nhưng bên mua không đến xem tài sản, không kiểm tra tình trạng pháp lý của tài sản – mà chỉ nhắm mắt ký bừa, muốn mua tài sản của ACBI cho bằng được (có thể nói là với bất cứ giá nào) để thỏa mãn dấu hiệu của lòng tham.
Như vậy, theo quy định tại khoản 3 điều 429 của Bộ luật Dân sự 2005, thì bên mua đã vô trách nhiệm khi ký hợp đồng mua bán tài sản, thì không những bên mua, mà cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không thể qui kết bên bán lừa dối bên mua được.
» Xem thêm |
Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát không áp dụng biện pháp bảo đảm giao dịch trong thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng.
Khi độ lệch trong hành vi của bên mua càng dao động lớn so với qui định của điều 428 Bộ luật dân sự 2005, thì cũng đồng nghĩa với việc bên mua chấp nhận mức độ rủi ro cao. Nên khách quan mà nói, thì người thứ ba nhìn vào hành vi này càng không thể đánh giá bên bán có dấu hiệu dùng “thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản” của bên mua được - bởi vì bên mua đã chấp nhận mức độ rủi ro cao để thỏa mãn lòng tham của mình.
- Lỗi 3: Về mặt pháp lý không công khai:
Chính lỗi lệch pha quá lớn so với điều 428 của Bộ luật dân sự 2005 của 2 công ty con của Tập đoàn Hòa phát, đã bộc lộ sự “khuất tất” - Khi, Nguyễn Đức Kiên đã tố cáo Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã ký xác nhận quyền sở hữu tài sản của ACBI cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, khi chưa thanh toán tiền mua cổ phiếu cho ACBI. Nếu đúng như lời tố cáo của Nguyễn Đức Kiên, thì Tập đoàn Hòa phát đã thực hiện quy trình mua cổ phiếu sát với điều 428 của Bộ luật dân sự 2005 - là nhận tài sản trước, thanh toán tiền sau.
Nhưng dấu hiệu này, lại cho thấy Tập đoàn Hòa phát đã vi phạm pháp luật - Vì, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã ký chứng thực cho ACBI cầm cố cổ phiếu tại ngân hàng ACB (ACBS) - Nhưng khi chưa được giải chấp, số cổ phiếu này lại được chính Công ty cổ phần Thép Hòa Phát ký chứng thực quyền sở hữu tài sản của ACBI cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát - Đây mới đúng là dấu hiệu của hành vi vi phạm trách nhiệm hình sự, nhưng lại được các cơ quan tố tụng hình sự bỏ qua, mà không truy cứu - Có thể, nó vẫn là dấu hiệu của hành vi cố ý trong kịch bản dồn tội cho Nguyễn Đức Kiên.
Với các lỗi trọng yếu nêu trên, nên khi giải quyết hậu quả, thì Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát cũng không có quyền yêu cầu ACBI bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về liên đới chịu trách nhiệm:
Có thể thấy rằng Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát ký hợp đồng là theo lệnh của Trần Đình Long, và ACBI ký hợp đồng là theo lệnh của Nguyễn Đức Kiên.
Như vậy, Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên cũng liên đới chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán giao kết hợp đồng. Trần Đình Long là người có điều kiện nhất trong việc kiểm tra đối tượng giao kết hợp đồng tại ngay tổ chức phát hành là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - là một công ty con chịu sự kiểm soát của Trần Đình Long. Nếu không tự mình làm được, thì Trần Đình Long có thể chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trực tiếp kiểm tra đối tượng của hợp đồng tại ACBI.
Tuy nhiên, đối với loại giao dịch dân sự mà pháp luật qui định phải xác lập bằng văn bản. Thì quá trình giao kết bằng miệng giữa Trần Đình Long với Nguyễn Đức Kiên chỉ mới trong giai đoạn tiền khả thi (chưa có hiệu lực pháp luật). Nhưng khi giao kết mua bán cổ phiếu được xác lập bằng văn bản hợp đồng (giai đoạn khả thi), thì những người đại diện theo pháp luật của Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật - Ở đây là ông giám đốc (hoặc phó giám đốc) Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, và ông Trần Ngọc Thanh giám đốc ACBI (những người đã ký tên trên bản hợp đồng).
Do đó, nguyên tắc là, dù Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên có chỉ đạo hay không chỉ đạo, thì giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và giám đốc công ty ACBI là 2 pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng với nhau, thì phải trực tiếp kiểm tra đối tượng của hợp đồng - vì Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên chỉ mới giao kết hợp đồng miệng - còn đi vào hợp đồng bằng văn bản cụ thể, thì đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của 2 pháp nhân ký kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm như nhau. Vì vậy, các cơ quan tố tụng hình sự chỉ qui kết cho bên bán có hành vi gian dối với bên mua, thì không khách quan, không bình đẳng trước pháp luật, gây ra oan sai vô cùng to lớn.
Nếu am hiểu pháp luật và vận dụng đúng pháp luật, thì đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của 2 pháp nhân ký hợp đồng mua bán cổ phiếu có thể phản ánh lại và từ chối mệnh lệnh của Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên. Vì, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và tính tuân thủ pháp luật cho phép người đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân có quyền từ chối ký kết hợp đồng mua bán. Doanh nghiệp thuê người đại diện và trả lương cho họ để làm việc hợp pháp, phòng tránh rủi ro.
Các luận cứ trên cho thấy, các cơ quan tố tụng hình sự và một vài luật sư cho rằng Trần Ngọc Thanh chỉ là người làm thuê ăn lương, làm theo mệnh lệnh của Nguyễn Đức Kiên. Những nhận định cảm tính này, đã chủ ý dồn tội cho Nguyễn Đức Kiên, có dấu hiệu vi phạm trong việc vận dụng pháp luật, gây oan sai to lớn cho Nguyễn Đức Kiên.
Chỉ trong trường hợp có chứng cứ cho rằng người đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) đã từ chối ký kết hợp đồng và báo cáo lại cấp trên, nhưng Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên vẫn tiếp tục ra lệnh ký hợp đồng, thì khi đó mới qui kết hậu quả vụ việc cho Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên được. Trên thực tế hồ sơ vụ án và diễn biến tại các phiên tòa xét xử, thì trường hợp này là không có.
Việc Trần Đình Long trả lời nước đôi tại phiên tòa sơ thẩm (theo phản ánh của báo chí), là chưa thỏa đáng và không “quân tử nhất ngôn”.Việc HĐXX chưa làm rõ sự trả lời nước đôi của Trần Đình Long, mà đã tuyên án, thì phán quyết đó, còn chứa đựng sự mơ hồ ngay chính bên trong nội dung của bản án.
3.2. Lỗi trọng yếu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự:
Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có 7 lỗi trọng yếu. Trong đó, 4 lỗi đầu là nguyên nhân dẫn đến quy kết Nguyễn Đức Kiên có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (gây ra oan, sai cho ông ta). Lỗi thứ 5 là không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên, nhưng vẫn buộc tội (gây ra oan, sai cho ông ta). Lỗi thứ 6, là hình sự hóa giao dịch dân sự, đây là lỗi to lớn nhất khiến cho các cơ quan tố tụng hình sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật dân sự. Lỗi thứ 7, là có dấu hiệu làm án theo kịch bản:
- Lỗi 1: Khi tiến hành tố tụng hình sự, không xem xét bút tích trên văn bản chứng thực của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, đối với cổ phiếu cầm cố của ACBI - Cổ phiếu, là loại giấy chứng nhận quyền tài sản (vốn cổ phần) - Vốn cổ phần, là loại tài sản được lưu hành dưới hình thức là giấy tờ có giá (cổ phiếu). Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đã không tận tâm xem xét lời của nhân chứng Mai Văn Hà, khi ông này xác nhận, chính ông là đại diện của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát ký chứng thực cho số cổ phiếu cầm cố của ACBI trong năm 2010. Như vậy, tại thời điểm ký chứng thực, ông Mai Văn hà với cương vị là phó giám đốc (đại diện theo pháp luật hoặc là đại diện theo ủy quyền) - Theo khoản 1 điều 93 Bộ luật dân sự 2005, thì pháp nhân con là Công ty cổ phần Thép hòa phát và pháp nhân mẹ là Tập đoàn Hòa Phát vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các giao dịch do người đại diện ký (thực hiện quyền chứng thực).
Bộ luật dân sự 2005:
“Điều 93. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân.
1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. à 2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. à 3. Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”.
Bút tích chứng thực của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát là minh chứng, chứng minh Tập đoàn Hòa Phát biết việc tài sản của ACBI đang cầm cố tại ACB (ACBS). Cho dù tại phiên tòa, vị đại diện của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trả lời không biết, và Trần Đình Long trả lời nước đôi (biết và không biết), hoặc đỗ lỗi cho người đại diện của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát không ghi kết quả chứng thực vào sổ sách và hệ thống báo cáo - thì cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm - Vì, bút tích chứng thực của đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đang có hiệu lực pháp luật, đang được thi hành, hồ sơ được thiết lập đúng trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật, minh bạch và công khai - Tức là, Tập đoàn Hòa Phát, và các công ty con của nó là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đang phải chấp hành chứng thực đó, như là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Vì công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát như là 2 đứa con ruột trong cùng một nhà - Cùng chịu sự kiểm soát, và hướng dẫn của Tập đoàn Hòa Phát và nhận lệnh trực tiếp từ Trần Đình Long trong thương vụ mua cổ phiếu của ACBI.
- Lỗi 2: Khi tiến hành tố tụng hình sự, không xem xét qui trình thực hiện nghĩa vụ mua bán tài sản trên hợp đồng, theo qui định tại điều 428 của Bộ luật dân sự 2005. Đồng thời, không xem xét trách nhiệm của bên mua trong việc xem xét, kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự 2005.
Khách quan mà nói, cả hai bên (mua và bán) đều có quyền và trách nhiệm pháp lý như nhau trong việc kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán. Nhưng cả hai bên đều có sơ suất khi ký hợp đồng mua bán, nên không thể nhận định một trong hai bên lừa dối (gian dối) nhau được - Đó là, do cả hai bên sơ ý không chấp hành việc kiểm tra đối tượng của hợp đồng phải tuân thủ theo qui định tại điều 429 (Bộ luật dân sự 2005), chứ không phải là bên này lừa dối bên kia.
Hồ sơ cầm cố cổ phiếu của ACBI là đầy đủ, đúng pháp luật, công khai và minh bạch đối với bất kỳ ai có quyền, có quan tâm hoặc muốn mua số cổ phiếu này. Đây là chứng cứ hiển nhiên nhất để chứng minh rằng Nguyễn Đức Kiên không có hành vi gian dối hay lừa đảo đối với người muốn mua số cổ phiếu này. Vì pháp luật cho phép người mua có quyền và trách nhiệm, để kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự. Nhưng đây lại là chứng cứ hiển nhiên nhất mà các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không thể ngờ đến, và đã bỏ sót. Lỗi này, cũng là một lỗi lớn làm sai lệch hồ sơ vụ án rất nghiêm trọng. Cũng do chính các lỗi này, mà các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không xem xét quyền và trách nhiệm của bên mua, khi ký hợp đồng mua cổ phiếu đang cầm cố. Thiếu sót này dẫn đến cán cân công lý bị đè xuống “đại gia đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên phải chịu một cách rất oan, sai, rất nặng nề.
- Lỗi 3: Không xác minh quá trình Nguyễn Đức Kiên xúc tiến đàm phán giải chấp cổ phiếu cầm cố của ACBI tại ngân hàng ACB (ACBS), theo yêu cầu của Nguyễn Đức Kiên. Do đó, hồ sơ vụ án đương nhiên chưa chứng minh được Nguyễn Đức Kiên có ý đồ “gian dối” hay thật lòng, có “thủ đoạn” lén lút hay công khai minh bạch (ít nhất là theo cảm tính ở góc độ “hình sự hóa quan hệ dân sự”).
Hành vi này của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, có dấu hiệu cố tình buộc tội Nguyễn Đức Kiên (do họ cố tình không thực hiện hành vi xác minh quá trình Nguyễn Đức Kiên xúc tiến đàm phán giải chấp cổ phiếu cầm cố của ACBI tại ngân hàng ACB (ACBS) - dù Nguyễn Đức Kiên đã có lời thỉnh cầu công khai và tha thiết). Sự thiếu khách quan và tính không trung thực của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đã góp phần làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo.
- Lỗi 4: Có dấu hiệu dồn hành vi sai phạm của của giám đốc Công ty ACBI là Trần Ngọc Thanh (đại diện theo pháp luật, hoặc đại diện theo ủy quyền) sang cho Nguyễn Đức Kiên trong việc chấp hành pháp luật khi ký kết hợp đồng mua bán cổ phiếu (hợp đồng khả thi). Theo khoản 1 điều 93 Bộ luật dân sự 2005, thì sai phạm của Trần Ngọc Thanh do pháp nhân chịu trách nhiệm (chứ không phải là Nguyễn Đức Kiên):
“Điều 93. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân.
1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. à 2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. à 3. Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”.
- Lỗi 5: Có dấu hiệu qui kết và buộc tội Nguyễn Đức Kiên có hành vi “chiếm đoạt” tài sản của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát khi không có cơ sở pháp lý và khoa học để chứng minh.
Tra cứu từ điển tiếng Việt (LacViet), chúng ta có kết quả:
Chiếm đoạt (động từ) = “lấy bằng vũ lực hay quyền hành”.
Chiếm (động từ) = “lấy làm của mình bằng sức mạnh hay quyền thế”
Trong khi đó, hợp đồng mua bán cổ phiếu giữa ACBI và Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát là hợp đồng dân sự, xuất phát từ sự tự nguyện và ước muốn giữa các bên - không có yếu tố sử dụng “vũ lực hay quyền hành” để lấy tài sản.
Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được Nguyễn Đức Kiên dùng “vũ lực hay quyền hành” để lấy tài sản của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát - thì không có cơ sở pháp lý để buộc tội Nguyễn Đức Kiên có hành vi “chiếm đoạt tài sản”.
- Lỗi 6: Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên đã tố cáo cơ quan điều tra (cục C46) của Bộ công an, đã có dấu hiệu hình sự hóa giao dịch dân sự.
Lời tố cáo này của Nguyễn Đức Kiên, đã được chúng tôi đối chiếu lại với Bộ luật dân sự 2005. Chúng tôi đã chứng minh lời tố cáo này của Nguyễn Đức Kiên là đúng (bạn đọc xem chi tiết tại nội dung “5. Bộ luật dân sự, định hướng giải quyết vụ việc này” ở phần sau sẽ thấy rõ). Chúng tôi xác định, đây là lỗi cơ bản nhất trong toàn bộ tiến trình của vụ án, là sai lầm lớn nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong những thập niên đầu thế kỷ 21 ở Việt Nam. Lỗi này cần ghi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam, có thể dùng để dẫn chứng trong các giáo trình giảng dạy và đào tạo tại các trường đại học.
- Lỗi 7: Có dấu hiệu, tiến hành tố tụng hình sự theo kịch bản qui kết, dồn tội nặng nề cho Nguyễn Đức Kiên, có dấu hiệu làm án, làm thành tích (như nội dung tố cáo của Nguyễn Đức Kiên), sẽ dẫn đến làm sai lệch hồ sơ, gây oan sai nghiêm trọng. Nội dung này, bạn đọc xem trong bản báo cáo kỳ 1 của chúng tôi.
Các lỗi trọng yếu nêu trên, sẽ được tiếp tục dẫn chứng và phân tích ở những nội dung tiếp theo dưới đây.
Còn tiếp...
“Xin Ông Thẩm phán cho tôi được nói đầy đủ”(1)
Như đã giới thiệu tại bản báo cáo kỳ 1, chúng tôi bắt đầu loạt bài viết này từ khi đọc lời nói sau cùng của Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 02/6/2014 tại Hà Nội, đến nay đã kéo dài tròn một năm. Mặc dù trước đó, chúng tôi hình như không quan tâm lắm đến vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Bản báo cáo kỳ 3 này, đã cố gắng tổng hợp ghi lại tương đối đầy đủ toàn văn lời nói sau cùng của bầu Kiên. Nếu các bạn xem trên báo mạng Việt Nam thì nội dung lời nói sau cùng được đăng tải đã bị lược bỏ những vấn đề then chốt nhất. Các video ghi âm rõ ràng thì chỉ có độ dài vài phút, riêng có một video ghi âm dài 38 phút 11 giây tương đối đầy đủ thì chất lượng âm thanh không được tốt lắm. Mặc dù vậy, khi chúng tôi truy cập trong tháng 6/2014 đến tháng 7/2014, thì bản video này đã có gần 10.000 lượt người vào xem. Vậy, giờ này, chúng tôi xin được trình làng “bài ca của Nguyễn Đức Kiên” để các bạn thưởng thức nhằm lên giây cót và sức mạnh, để chúng ta tiếp tục dấn thân vào con đường bảo vệ công lý, giải phóng cho dân oan Việt Nam.
Trong bản báo cáo kỳ 3 này, nếu còn những sơ suất không thể tránh khỏi, mong bạn đọc thông cảm cho chúng tôi, bởi các lý do chúng tôi đã trình bày ở phần mở đầu của bản báo cáo kỳ 1.
Soạn giả: Lý Hồng Mạnh, Hà Nội tháng 05 năm 2015. Trong khuôn khổ hoạt động tình nguyện, không lợi nhuận, không được trả tiền, vì mục đích hỗ trợ dân oan Việt Nam.
(Bạn đọc, nên quan tâm đến chất lượng của nội dung bài viết hơn là quan tâm đến chúng tôi - xin cảm ơn trước).
TOÀN VĂN LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA NGUYỄN ĐỨC KIÊN(2) (99,95 %)
“Kính thưa Hội đồng xét xử (HĐXX), tôi rất cảm ơn HĐXX đã dành thời gian cho tôi được nói. Hôm nay, một lần nữa tôi xin HĐXX, xin ông chủ tọa dành thời gian cho tôi được nói những điều tôi rất muốn nói, nói một cách công khai trước tòa ngày hôm nay. Trước khi nói về những điều liên quan vụ án, xin nói đôi lời về hệ lụy, hệ quả liên quan đến vụ án.
(Tòa nhấn mạnh: Lưu ý bị cáo, đây là lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Bị cáo tập trung vào những lời sau cùng của bị cáo để HĐXX vào nghị án ra một phán quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật).
Kính thưa HĐXX, tôi rất hiểu, tôi được phép nói những gì những lời nói sau cùng.
Thưa HĐXX:
Đầu tiên, tôi xin HĐXX cho phép tôi cảm ơn những người bạn, những người thân, những cổ động viên đã giúp đỡ động viên gia đình tôi trong 21 tháng qua. Tôi ghi nhận và trân trọng cái sự giúp đỡ của đồng nghiệp. Hơn hết, Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi cần sự giúp đỡ của bạn bè, của người thân, để giúp vợ tôi vượt qua những khó khăn lúc này - Vì, trong kinh doanh vợ tôi là một người phụ nữ chưa bao giờ phải kinh doanh đang phải đứng trước tình hình tiền mặt trả ngay. Tôi khẳng định rằng tôi không bao giờ phá sản - Những khó khăn, mà vợ tôi hôm nay đang phải đứng ra giải quyết thay tôi là một mặt vô cùng lớn - Nhưng, trách nhiệm trước xã hội, trách nhiệm trước việc mình làm, tôi yêu cầu vợ tôi, và tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này - Nhưng mà, tôi cần sự giúp đỡ của bạn bè, của người thân, trong lúc này.
Những người có thể trong thời gian vừa rồi chưa dám giúp tôi vì sợ liên lụy, hoặc chưa biết rõ bản chất vụ án là như thế nào. Nhưng tôi tin rằng quá trình xét xử, mọi người đã biết được thực chất của vụ án này là gì.
Thứ hai, thưa HĐXX - cho phép tôi được xin lỗi các cổ động viên CLB bóng đá Hà Nội - vì lý do bất khả kháng, đội bóng đã không được tiếp tục thi đấu. Tôi đã yêu cầu vợ tôi tiếp tục duy trì đội bóng trẻ, để một ngày nào đó đội bóng CLB bóng đá Hà Nội sẽ được xây dựng lại - bởi vì đây là cái tâm nguyện của tôi. Trong trường hợp tôi không làm được, con trai cả của tôi sẽ làm thay thế.
Thứ ba, tôi đề nghị các đồng nghiệp của tôi tại Tổng công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ đi tiếp, sẽ làm tốt những gì mà chúng tôi đã dự định trước đây, những gì mà tôi, anh Đoàn Nguyên Đức, anh Thắng đã từng nói chuyện với nhau rất nhiều - Để làm sao, trước khi nhắm mắt xuôi tay, một lần nhìn được đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại World cup. Đây là hoài bão lớn nhất trong tất cả các sự nghiệp của tôi mong muốn.
Thứ tư, cho tôi xin gửi lời tri ân tới tất cả các khách hàng của Ngân hàng Á Châu - những người đã đồng hành cùng tôi trong 20 năm hoạt động tại ngân hàng. Tôi cho rằng, đây là cái điều quan trọng nhất để có tôi lớn lên cùng Ngân hàng Á Châu trong 20 năm qua, mặc dù tôi đang bị buộc tội rất lớn về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng khách hàng của Ngân hàng Á Châu hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ngân hàng này là một ngân hàng được quản trị tốt nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam; (được) - tất cả các hoạt động được công khai minh bạch, và được điều hành có hiệu quả.
Thứ năm,
(Thứ năm), tôi muốn nói với các cổ đông của Ngân hàng Á Châu rằng: việc bắt tôi có những ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi…
(Chủ tọa nhắc nhở: (bị cáo) - lời sau cùng là bị cáo nói với HĐXX - như vậy là ở diễn đàn này bị cáo nói với những bạn bè và những người thân).
Kính thưa HĐXX, thưa…
(Chủ tọa nhắc nhở: Lời sau cùng là bị cáo nói với HĐXX, chứ không phải đoạn này là bị cáo nói với bạn bè, người thân. Bị cáo tập trung vào lời sau cùng).
Tất cả cái này, là hệ lụy của vụ án, (cái hệ lụy của) - Cái hệ lụy của việc bắt tôi như thế nào chắc HĐXX cũng đã biết; (hệ lụy) - cái hệ lụy của bản thân tôi như thế nào - tôi nói rằng, tôi không hề mong muốn, tôi không hề mong muốn. Tôi thực sự mong muốn như thế nào xin HĐXX ghi nhận; xin cho phép tôi nhấn mạnh - xin mong rằng HĐXX đừng có vặn lời tôi khi không cần thiết làm mất đi mạch tư duy của tôi.
(Chủ tọa nhắc nhở: Tòa lưu ý bị cáo, đây là lời nói sau cùng của bị cáo đối với HĐXX về vụ án, chứ không phải là lời sau cùng của bị cáo đối với người thân, với cổ đông của bị cáo. Tòa muốn trọng tâm để bị cáo nói lời sau cùng).
Một lần nữa, xin Ông Thẩm phán cho tôi được nói đầy đủ, vì không đầy đủ thì sẽ không giúp tôi nói lời trọng tâm. Tôi cam đoan với HĐXX, tôi không nói gì những điều tôi đã nói, tôi sẽ nói những điều hoàn toàn mới - những điều tôi chưa được nói. Tôi đề nghị Ông kiên nhẫn và dành thời gian cho tôi.
Trước hết, đối với một số cổ đông nhỏ có thể bị thiệt hại trực tiếp từ việc tôi bị bắt, do một số ngân hàng đã xiết nợ khi giá cổ phiếu xuống. Những thiệt hại này, có thể làm quý vị tan gia bại sản, nhưng tôi lòng thành xin lỗi các quý vị, vì đây là bất khả kháng của tôi - tôi không làm gì khác được. Những cổ đông khác - các cổ đông lớn không có bất kỳ thiệt hại nào, vì đây là những nhà đầu tư lâu dài.
Thứ sáu, đối Với hơn 15 ngàn cán bộ nhân viên Ngân hàng Á Châu, những người mà đã đang giúp Ngân hàng Á Châu làm ra rất nhiều việc thành công trong 20 năm qua. Tôi mong rằng, anh chị em tiếp tục làm việc thật tốt, tận tâm giúp cùng Ngân hàng Á Châu xây dựng đất nước này, xã hội này.
Tôi yêu cầu vợ tôi không bao giờ được bán cổ phần ACB, con tôi không bao giờ được bán cổ phần ACB - Để mong muốn rằng, gia đình tôi sẽ tiếp tục cùng các anh các chị, cùng cán bộ nhân viên xây dựng ACB, để góp phần xây dựng đất nước.
Tôi cũng đã yêu cầu vợ tôi, yêu cầu ban lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ngày hôm nay) không được cắt giảm lương, không được đuổi việc những người này - vì họ là những thành phần lớn, những người đã tạo dựng thành công của Ngân hàng Á Châu ngày hôm nay.
Có thể, chúng tôi có sai sót nào đó, chúng tôi sẽ gánh chịu những sai sót đó. Nhưng Ngân hàng Á Châu - tôi phải nói để HĐXX rõ - họ không bao giờ đứng tên kiện tôi hay tố cáo tôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15 ngàn cán bộ nhân viên này - không ai kiện tôi tố cáo tôi. Còn những người nào mượn danh họ kiện tôi, tố cáo tôi trước sau sẽ bị lôi ra ánh sáng. Tôi hoàn toàn tin rằng họ hiểu tôi, hiểu các nguyên tắc làm việc của tôi tại Ngân hàng Á Châu, hiểu rằng tôi đã đóng góp gì cho Ngân hàng Á Châu hơn 20 năm qua.
Thứ bảy, tôi thành thật và rất mong cán bộ nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thương Tín thông cảm cho tôi - khi gia đình tôi buộc lòng phải bán cổ phần của ngân hàng này. Đây là nỗi đau đớn đối với tôi, vì gia đình tôi không thể một lúc có tiền mặt trả lương cho tất cả mọi người. Tôi đã đồng ý để cho vợ tôi bán cổ phần ở ngân hàng này để trang trải các khoản nợ. Và tôi mong rằng các cán bộ nhân viên hiểu rằng đây là việc làm bất khả kháng - tôi không thể tiếp tục đồng hành cùng các anh, chị được nữa - nhưng một ngày nào đó, một lúc nào đó, tôi tin rằng gia đình tôi sẽ quay lại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Thứ tám, tôi muốn nói với gia đình tôi, mẹ tôi, các em tôi rằng: mọi người hãy thông cảm; vì sao tôi không cho các em tôi kinh doanh, tôi không cho các em tôi nắm giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng - dù tôi hoàn toàn có thể làm được các việc đó. Vì tôi cho rằng, các em tôi chưa đủ năng lực, chưa đủ trình độ để giữ vị trí quan trọng. Nhưng trên hết tôi đã nói với các em tôi nhiều lần - tôi nhìn thấy các rủi ro trong kinh doanh tại Việt Nam, nên tôi không muốn các em tôi phải gánh chịu những rủi ro này.
Thứ chín, tôi muốn nói các con tôi - thưa HĐXX (hôm trước tôi đã nói) tôi biết tôi sẽ bị bắt, nhưng tôi không bỏ chạy; tôi sẵn sàng đứng lại nhận trách nhiệm về những việc mình đã làm - Và tôi đã gọi hai con trai tôi ra, một cháu lúc đó 9 tuổi, một cháu 15 tuổi, cháu thứ ba bé quá tôi không gọi. Tôi nói với cháu thứ hai rằng, có thể con chưa hiểu, nhưng con nhớ rằng có cuộc nói chuyện này của bố với các con. Tôi nói với con trai cả của tôi rằng, con hãy lấy giấy bút ra, ghi lại những gì bố căn dặn (tôi nói rằng, có thể có những rủi ro có thể xảy đến với tôi, tôi không biết lúc nào xảy ra), nhưng con hãy ghi lại những điều bố cần nói: thứ nhất, để làm người tốt phải làm gì; thứ hai, những mong muốn của tôi với các con tôi về việc lập nghiệp kinh doanh như thế nào; thứ ba, con trai tôi sẽ làm người đàn ông trong gia đình, chăm sóc mẹ và các em.
Tôi không bỏ chạy, tôi không trốn chạy trách nhiệm - nhưng tôi tin vào chế độ này, đất nước này có kỷ cương phép nước. Mặc dù thời gian đó rất sớm, tôi hoàn toàn có thể bỏ đi, hộ chiếu tôi có visa rất dài hạn ở khắp các nước trên thế giới; tôi quan hệ rộng rãi ở khắp nơi nhưng tôi không đi, tôi đứng lại, tôi chờ cái gì sẽ đến với mình, tôi chờ chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm.
Thứ mười, cho tôi được nói với vợ tôi vì tôi chưa bao giờ được nói với vợ tôi từ khi vào tù. Tôi nói với vợ tôi khi tôi đề nghị luật sư là: thứ nhất không bao giờ chạy án, không gặp gỡ bất kỳ ai đang giữ các trọng trách trong vụ án ngày hôm nay để xin xỏ bất cứ điều gì cho tôi vì điều đó sẽ nguy hiểm trực tiếp đến các lãnh đạo, đồng thời nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng vợ tôi. Thứ hai, tôi nói với vợ tôi rằng tôi sẽ tự giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ án của tôi. Tôi tin rằng tôi vô tội, tôi tin rằng mình có đủ khả năng, đủ tư duy, đủ đầu óc để chứng minh mình vô tội. Việc tôi biết được cơ quan điều tra bắt tôi không phải thông tin như dư luận xã hội được biết - Mà, được phản ánh ngay trong bút lục hồ sơ vụ án này. Vì cơ quan điều tra đã sử dụng anh Lý Xuân Hải để tố cáo tôi, khống chế anh Lý Xuân Hải để anh ấy tố cáo tôi - Khi, anh ấy là người rất thận trọng, anh ấy báo cáo thường trực HĐQT, tổ chức họp với tôi để thông báo điều đó. Tôi đã đề nghị HĐQT cung cấp tất cả những tài liệu liên quan đến tôi khi cơ quan điều tra yêu cầu. Thứ hai, vì tố cáo tôi nên tôi sẽ không tham gia vào bất kỳ ý kiến nào của thường trực HĐQT. Tôi chỉ đề nghị anh Hải làm văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ công an về những việc mà cơ quan điều tra đang làm với anh Hải.
Những việc này, anh Tuấn, anh Kỳ, anh Hải đều chứng kiến. Khi tôi nói chuyện với anh Hải bằng điện thoại, cơ quan điều tra nghe và đều biết tôi ứng xử như thế nào khi tôi biết tôi sẽ bị bắt - tôi là công dân, tôi lương thiện - không ngần ngại điều đó, sẵn sàng chấp nhận thử thách đến với mình một cách dũng cảm.
(Thứ mười), Tôi rất cảm ơn các nhà báo, các phóng viên đã đưa tin - mong báo chí đưa tin công khai, giúp tôi tìm ra sự thật.
Tôi xin cám ơn cán bộ y tế đã giúp tôi sống qua những ngày khó khăn, cán bộ y tế đã mang thức ăn hàng ngày cho tôi, đã giúp tôi khám sức khỏe ngày 2 lần, tôi có thể giữ được sức khỏe để ngày hôm nay có mặt tại đây (tôi không được đối xử công bằng như những bị cáo khác).
Tôi cũng cám ơn các cán bộ chiến sỹ ở trại T16 đã không gây khó khăn cho tôi.
Thưa HĐXX:
Tôi rất hiểu và rất biết rằng, đứng trước HĐXX không phải là nơi tôi khoe khoang kể công - Nhưng kết luận của cơ quan điều tra, và diễn giải của vị đại diện VKS đã xúc phạm đến tôi, buộc lòng tôi phải nói dù không muốn nói:
Thứ nhất, khi còn rất trẻ, đầu những năm 90 tôi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao một số nhiệm vụ rất khó khăn - Vì lúc đó, tôi có mối quan hệ rất tình cờ, rất đặc biệt với lãnh đạo Nhà nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Việt Nam - Nga rất khó khăn, vì mối quan hệ tình cờ (tôi có), tôi đã làm những việc Đảng, Nhà nước giao gồm 3 việc: việc thứ nhất, làm sao xóa được nợ của Liên xô cũ đối với Việt Nam; việc thứ hai, làm sao nối được quan hệ thương mại Việt Nam – Nga; việc thứ ba, làm sao có thể mua được vũ khí cho quân đội Việt Nam.
Tôi không biết những việc tôi làm có tốt hay không - vì đó là tập thể - lúc đó có rất nhiều người tham gia, nhưng tôi nhận được sự nhận xét của lãnh đạo là tôi làm rất tốt. Tôi không đi sâu vì (đây) liên quan an ninh quốc gia. Người giúp tôi trong 5 năm làm việc này, chính là anh Lê Vũ Kỳ, (người) một trong 2 người trực tiếp dịch cho tôi. Hồ sơ vụ này cơ quan điều tra đã thu giữ đầy đủ, tôi đề nghị cơ quan điều tra hãy trả lại hồ sơ đó cho tôi vì đó là tài liệu cá nhân của tôi.
Việc thứ hai là, đầu những năm 90, ngành điện đã rất nỗ lực để làm sao có thể đưa 4 tổ máy 5, 6, 7, 8 của thủy điện Hòa Bình về Việt Nam đúng tiến độ phát điện góp phần xây dựng đất nước. Tôi và anh Kỳ đã đóng góp quan trọng giúp ngành điện đưa 4 tổ máy này về với giá rẻ nhất, nhanh nhất, đảm bảo tiến độ. Anh Kỳ đã có công rất lớn trong việc này.
Thứ ba, trong những năm 90-95, Tổng công ty may Việt Nam đứng trước những việc là rất nhiều…
(HĐXX yêu cầu nói rõ tâm tư nguyện vọng…)
Kết luận của cơ quan điều tra, một: Cơ quan điều tra nói rằng tôi có ý thức, ý định thâu tóm hệ thống Ngân hàng Việt Nam, lũng đoạn hệ thống Thị trường Chứng khoán Việt Nam (TTCKVN), tôi xin chứng minh không có điều này:
(Thứ nhất), vào những năm (TTCKVN) mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để có thể (bị) thao túng thị trường này - Tôi biết rất rõ những kẽ hở ấy ở đâu, có thể kiếm được rất nhiều tiền từ những kẻ hở đó - nhưng tôi không làm. Tôi cùng bị cáo Lý Xuân Hải đã viết 1 báo cáo gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về hiện tượng này và kiến nghị những việc cần làm. Báo cáo này được ông Lý Xuân Hải gửi tới Tổng bí thư Đỗ Mười - Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã có ý kiến các ngành cấp. Thủ tướng Phan Văn Khải đã có văn bản chỉ đạo các Bộ Tài chính, NHNN, UBCK xem xét… Rồi sau đó, các bộ ngành và Chính phủ có những giải pháp chống việc thao túng giá trong thị trường - đó là việc tôi làm.
(Thứ hai), về việc NHNN - lĩnh vực mà tôi đã hoạt động chính - không phải hôm nay tôi mới nói tại tòa, (hay nói) mà xin HĐXX rằng: ghi nhận tôi đã có những ý kiến đóng góp cụ thể bằng văn bản cho lãnh đạo NHNN ngay từ khi xây dựng đề án báo cáo Bộ chính trị thông qua chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010, tầm nhìn 2015 – 2020 - những báo cáo đó của tôi đều thể hiện bằng văn bản. Ngay cả việc sắp xếp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam, tôi và một số chuyên gia đã có báo cáo gửi cho lãnh đạo Nhà nước đề xuất chấn chỉnh hệ thống đó như thế nào.
Và, tôi xin tận dụng những giây phút hiếm hoi để nói tại phiên tòa ngày hôm nay để nói lời nói sau cùng - đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước giúp tôi lưu ý ba việc rất cần thiết: Một là, việc sắp xếp lại các ngân hàng TMCP không phải là việc sắp xếp số học, không phải cộng các ngân hàng yếu thành ngân hàng mạnh mà cần phải giải quyết thực chất các ngân hàng - nên dùng phương pháp ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu - đó là phương pháp hiệu quả nhất.
(Thứ hai), trong 30 ngân hàng TMCP hiện nay đang hoạt động, trong 5 ngân hàng TM nhà nước đang hoạt động, có 3 ngân hàng TM nhà nước có vấn đề lớn; trong đó có một ngân hàng tên là Vietinbank và có một ngân hàng TM khác. Trong nghiên cứu của tôi có 4 ngân hàng như thế, tôi không nêu tên đích danh ngân hàng nào đang gây nguy hiểm cho hệ thống, nhưng nêu 3 ngân hàng như thế để các lãnh đạo lưu ý.
(Thứ ba), mục tiêu của tất cả các việc chấn chỉnh hệ thống ngân hàng là gì? Để mong muốn rằng hệ thống này hoạt động lành mạnh, đừng để các ngân hàng nước ngoài chi phối để làm mất đi trái tim của nền kinh tế.
Thưa HĐXX, thưa quí tòa:
Về 4 tội danh tôi bị truy tố - tôi sẽ không nói nhiều những tội danh khác, 3 tội danh tôi không nói nữa - nhưng riêng tội lừa đảo chiếm đoạt xin cho tôi được nói kỹ hơn:
Thứ nhất, tôi, anh Thanh, chị Yến không lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai cả. Đây là khẳng định của tôi trước tòa.
(Thứ 2) là sai sót dẫn đến tài sản của công ty bị chiếm đoạt chính là của Công ty Một thành viên Thép Hòa Phát. Thứ hai là, sai sót dẫn đến vụ này là do sai sót của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Số tài sản này không chỉ kéo dài một ngày mà kéo dài 40 ngày, không phải bằng một việc mà bằng một loạt các hành vi - Cái này, không liên quan gì đến việc biết hay không biết của anh Dương, anh Long hay anh Hà, nó hoàn toàn nằm trong ý thức của vị giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát - Và điều đó, tôi cho rằng là sai lầm nghiêm trọng của cơ quan điều tra.
Tại tòa - tôi đã nộp đơn khiếu nại - và hôm nay trước mặt HĐXX, tôi xin kể đích danh những người làm sai phạm hồ sơ vụ án: đó là ông Tiến (Đại tá) Trưởng phòng 10; ông Long (Thượng tá) Phó phòng 10 và 2 điều tra viên khác. Thứ ba, đó là Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra (Cục trưởng C46). Chính họ là những người đã báo cáo sai sự thật lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vụ án này; đó là những người đã đẩy tôi cùng một số người phải ra vành móng ngựa và có thể phải chịu những bản án rất nặng nề khi chúng tôi không phạm pháp - Tôi cho rằng, đơn khiếu nại của tôi đã được ký công khai cần có sự trả lời.
Tôi hiểu sâu sắc rằng, khi tôi nói điều này tức là tôi đã đặt gia đình tôi và tôi vào một mối nguy hiểm vô cùng - nhưng tôi tin vào chính sách, chế độ này. Tôi đặt niềm tin vào 90 triệu dân Việt Nam - những người sẽ bảo vệ tôi và gia đình tôi tốt nhất. Xin phép HĐXX cho tôi được nói như thế, vì tôi ý thức đầy đủ sự nguy hiểm của vấn đề này khi tôi đọc tên các điều tra viên, những người làm trái pháp luật.
Về các tội danh khác, một lần nữa tôi xin khẳng định trước HĐXX, tôi không phạm tội kinh doanh trái phép, tôi không phạm tội cố ý làm trái, tôi không phạm tội trốn thuế. Còn tôi không phạm tội như thế nào trong phiên tòa đã được các LS đưa ra các luận cứ, chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể.
Thời gian không có nhiều, tôi xin HĐXX nêu 1 số kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước:
Thứ nhất, tôi kính đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Trung ương ĐCSVN xem xét toàn diện, cẩn trọng các vấn đề liên quan đến vụ án này (những vấn đề đã nêu tại phiên tòa). Và mong muốn Ông giao cho Ban kinh tế Trung ương, Ban nội chính Trung ương đánh giá lại toàn bộ vụ án để bảo vệ quyền công dân của tôi.
Thứ hai, tôi kính đề nghị ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước CHXHCNVN (Trưởng ban Cải cách Tư pháp) là người đứng đầu, Ông sẽ giúp tôi được minh oan - (giúp)
Thứ ba, tôi kính đề nghị ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ, với cương vị là người điều hành đất nước (tôi mong Ông) có những hành động thiết thực để bảo vệ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, hệ thống doanh nhân Việt Nam (trong đó có tôi) - Những người, đang ngày đêm cố gắng rất nhiều để xây dựng đất nước, đang đóng góp hết sức mình, để làm sao có thể đóng góp xây dựng đất nước - dân có giàu nước với mạnh, nước có mạnh thì quân đội với mạnh, quân đội có mạnh thì mới bảo vệ được đất nước.
Tôi kính đề nghị, ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội - vụ án của tôi liên quan một số nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội - mong Ông quan tâm xem xét trả lời - để xem ý kiến về các văn bản pháp luật của Quốc hội đã ban hành ra sao, như thế nào…cơ quan công quyền đã thực hiện vụ án này như thế nào?
Là một cử tri của phường Quảng An, Tây Hồ - tôi cũng mong rằng các vị đại biểu tôi đã bỏ phiếu, có tiếng nói trong Quốc hội để giúp tôi bảo vệ quyền công dân của một cá nhân cần được đảm bảo.
Tôi đề nghị, lãnh đạo Liên ngành ngành Tư pháp Trung ương - trong đó có Bộ trưởng bộ Công an, một Thứ trưởng bộ công an phụ trách cục C46 hãy xem xét lại, hãy xem xét vụ án này - đừng để thành tích có được (từ vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn) - để có được những tấm huy chương (đánh đổi lại bằng những năm tháng tù giam); đặc biệt là xem xét lại hành vi của các cán bộ điều tra để tránh những vụ án oan nghiệt về sau.
Đề nghị HĐXX:
Thứ nhất, tôi xin kính đề nghị trực tiếp với HĐXX - nếu chưa có đầy đủ thời gian và chứng cứ, tài liệu thì đừng tuyên án vào ngày 5 tháng 6. Vì có những chứng cứ, tài liệu chúng tôi đưa ra cần có sự thẩm định kỹ càng. Tôi cho rằng HĐXX vẫn tuyên vào ngày 5 tháng 6, thì có thể đó là bản án tuyên đã được định từ trước, đó là bản án gây oan nghiệt cho chúng tôi.
Thứ 2, hiến pháp Việt Nam quy định tại điều 31, điều 4 - tôi đề nghị HĐXX chờ sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm sao giúp tôi đảm bảo quyền công dân theo hiến pháp quy định.
Thứ ba, xem xét yêu cầu cơ quan điều tra về việc phong tỏa tài sản của tôi và gia đình - đây là tài sản do mồ hôi nước mắt của tôi làm ra trong 30 năm qua, không liên quan đến vụ án. Nếu như phát sinh nghĩa vụ dân sự của vụ án này thì Công ty B&B là một pháp nhân sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, không cần phong tỏa.
Thứ tư, tôi hoàn toàn tin tưởng vào HĐXX - khi tôi hỏi thư ký tòa thành phần HĐXX là ai, tôi rất mừng là có 1 người là nguyên sĩ quan quân sự, đồng ngũ của tôi. Những đồng nghiệp của bố mẹ tôi… Và đặc biệt là tôi được biết chủ tọa phiên tòa, thẩm phán rất có kinh nghiệm - tôi hoàn toàn tin tưởng.
Dù án xử của các vị như thế nào, có minh oan cho tôi hay như thế nào, thì tôi cũng hiểu: các vị hiểu bản chất vụ án không như cáo trạng nêu.
Tôi đề nghị, HĐXX khi đưa ra những phán xử về tôi (với những đồng nghiệp, nhân viên của tôi) thì hãy nghĩ rằng - Phán quyết của HĐXX, không chỉ liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của tôi - Mà là, minh chứng rõ ràng nhất nước Việt Nam này là đất nước dân chủ, có pháp quyền, người dân được bảo vệ - chúng tôi phải tâm phục khẩu phục chứ không phải gây oan sai cho chúng tôi.
Dù phán quyết của HĐXX như thế nào, tôi có thể nói thật sự là cho tôi được tại ngoại chờ thi hành án. Vì như tôi đã nói, tôi đã không trốn chạy khi có thể trốn chạy - không có lý do gì khi kết tội tôi lại trốn chạy. Vì lý do nhân đạo, tôi xin HĐXX cho phép tôi... Vì những điều cần nói tôi đã nói tại phiên tòa, những điều cần gửi gắm tôi đã gửi gắm lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tại phiên tòa, tôi đã nói tại tòa không cần tranh cãi, không cần phải thông cung gì cả - (có một điều nhỏ) nhưng tôi hiểu những tác hại ngược của nó khi tôi đã nói những điều này tại tòa - Nếu vẫn phải tạm giam, thì tôi đề nghị HĐXX cho tôi chuyển trại sang trại tạm giam (B14?). Tôi cho rằng những việc của cơ quan điều tra sẽ không an toàn cho tính mạng của tôi.
Thưa HĐXX, tất cả những điều tôi đã nói ngày hôm nay là một nhắc nhở, nguyện vọng, cái ước ao, mong muốn của một công dân luôn tuân thủ pháp luật, tin tưởng pháp luật, tôn trọng pháp luật (một cách). Một công dân có những đóng góp nhất định cho nhà nước này, một công dân đã tạo dựng ra rất nhiều doanh nghiệp với chục ngàn lao động, đã đóng góp thuế rất nhiều cho Nhà nước này, những doanh nghiệp này đã được công nhận trong rất nhiều năm chứ không phải là một năm.
Tôi biết thời gian, tôi biết sự kiên nhẫn của... là có giới hạn,
Nhưng tôi tin tưởng vào 90 triệu người dân Việt Nam, tôi tin tưởng vào đất nước này, tôi yêu đất nước này. Những lời nói (tôi nói) ở đây không phài là những...
Tôi chỉ muốn là người dân thường, đóng góp sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng đất nước. Tôi xin cảm ơn HĐXX đã kiên nhẫn lắng nghe”.
Lời kết bản báo cáo kỳ 3:
Chúng ta đã xem xong toàn bộ lời nói sau cùng của Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 02/6/2014 diễn ra tại Hà nội. Trong điều kiện bị nhốt trong tù dài hạn – nhưng, bằng lời lẽ tha thiết, cầu thị - Lời nói sau cùng này, đã toát ra cho chúng ta thấy: con người của ông ta là dũng cảm và chứa chan nhân nghĩa. Điều đó, cho phép chúng ta hy vọng rằng: những người bạn, những người yêu chuộng công lý, tham gia đấu tranh để giải phóng cho dân oan Việt Nam sẽ được ghi nhận, sẽ được đền đáp xứng đáng khi thấy dân oan được giải phóng ra khỏi các nhà tù ở Việt Nam – Dân tộc Việt Nam sẽ ghi nhở mãi mãi những sự kiện hệ trọng này.
Qua lời nói sau cùng nêu trên, Nguyễn Đức Kiên cho rằng vẫn bị oan, sai trong các tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua xem xét sơ bộ, chúng tôi cũng nhận thấy có dấu hiệu oan, sai như vậy. Nhưng để giải oan tất cả, thì phải sử dụng một lượng vốn kiến thức về pháp luật và nghiệp vụ khá nhiều – nếu chúng tôi viết hết, thì các bạn cũng không thể có thời gian để đọc. Vậy, chúng tôi chỉ chọn viết những vấn đề gay cấn nhất – đó là thiếu sót của chúng tôi.
Phần nữa, chúng tôi cũng muốn thấy nhiều bạn khác sẽ tham cuộc gia đấu tranh giải phóng cho dân oan Việt Nam – Nhất là các bạn sinh viên nói chung và sinh viên luật nói riêng. Nên chăng, mong ước của chúng tôi là nên có một diễn đàn trên trang web ở nước ngoài, để cho các bạn sinh viên Việt Nam tham gia bày tỏ chính kiến thì hay biết bao nhiêu. Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm loạt bài viết kéo dài 3 kỳ này của chúng tôi. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều.
Lý Hồng Mạnh
Theo Dân Luận
Dẫn giải chú thích:
(1), (2) Tổng hợp từ các nguồn:
- Toàn bộ lời nói sau cùng của bầu Kiên trước TAND TP Hà Nội (Video dộ dài 38’:11’’), đăng trên: http://tv.doisongphapluat.com/D5Jut79oYn/toan-bo-loi-noi-sau-cung-cua-bau-kien-truoc-tand-tp-ha-noi
- Trước nghị án: ‘Bầu’ Kiên chứng minh không lũng đoạn hệ thống NHVN bài báo của phóng viên Lan Anh, đăng trên: http://www.nguoiduatin.vn/truoc-nghi-an-bau-kien-chung-minh-khong-lung-doan-he-thong-nhvn-a134662.html
- Toàn bộ lời nói sau cùng của bầu Kiên trước HĐXX (Hải Minh Theo Trí Thức Trẻ), đăng lại trên: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/toan-bo-loi-noi-sau-cung-cua-bau-kien-truoc-hdxx-201406021112122206ca34.chn
- “Nói lời sau cùng: Bầu Kiên dặn vợ không bao giờ được chạy án”, bài báo của phóng viên Thu Nguyệt, đăng trên: http://plo.vn/phap-luat-chu-nhat/noi-loi-sau-cung-bau-kien-dan-vo-khong-bao-gio-duoc-chay-an-472612.html
No comments:
Post a Comment