Đại diện của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết Trung tâm chưa hề dùng từ "cơn bão số 13".
Lúc 16h chiều nay (6/11), nhiều công sở, cơ quan, công ty đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho cán bộ, nhân viên về sớm để tránh bão số 13. Nhiều người dân cũng hối hả về nhà tránh bão.
Một số người dân ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều công sở, trường học đã cho nhân viên nghỉ từ 16h chiều tránh bão. Những người đi làm về lúc 18h được tận hưởng đường phố thông thoáng "như ngày tết".
Nhằm đối phó với cơn bão có khả năng đổ bộ vào TP.HCM, từ sáng sớm ngày 6/11, tại huyện Cần Giờ, gần 4.000 người dân cư ngụ tại các nơi nguy hiểm đã được di tản đến nơi an toàn. Trong khi đó, tại Khánh Hòa, chiều nay, hơn 250.000 học sinh đã được nghỉ học để đề phòng bão. Còn tại các tỉnh khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu... hàng nghìn tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn, nhiều hoạt động công cộng tạm ngưng...
Tuy nhiên, bản tin mới nhất do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương phát đi lúc 17h30 ngày 6/11 là "tin áp thấp nhiệt đới gần bờ", không phải "tin bão".
Nhiều trường học cho học sinh, sinh viên nghỉ học "tránh bão" (Ảnh: Thanh Phương)
Người dân di tản tránh "bão" (Ảnh: Thanh Phương)
Trao đổi với PV, đại diện của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cũng cho biết, Trung tâm chưa hề dùng từ "bão số 13", chỉ gọi là "áp thấp nhiệt đới".
Theo bản tin của TT Dự báo KTTV TƯ, hồi 16 giờ ngày 06/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.
Tàu thuyền vào bờ trú "bão" tại Cà Mau
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 06/11 phổ biến khoảng 40 – 100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm.
Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 7, ở Cam Ranh (Khánh Hòa) có gió giật mạnh cấp 6.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 4 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: TT Dự báo KTTV TƯ)
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 16 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6 – 7.
Từ gần sáng mai (07/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
No comments:
Post a Comment