vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Gìn giữ nét đẹp chợ quê Hà Tĩnh

1. Người Đồng Lộ (Thạch Hà) quê tôi chẳng thể nhớ nổi chợ Trùa có tự bao giờ, chỉ biết người già, trẻ nhỏ trong làng khi lớn lên đã thấy chợ họp theo phiên ở bên một bãi đất trống dọc bờ sông, cạnh một ngôi chùa chỉ còn là phế tích. Dường như chẳng ai có thể nhớ chợ quê (mình) sinh ra từ lúc nào, nhưng có điều chẳng thể quên, chợ quê là trung tâm văn hóa của cộng đồng. Chợ là hồn của quê.

Ngày bé, mỗi lần đến phiên, nội tôi lại mở sập lúa xúc vài mủng gàu (một dụng cụ đo lường làm bằng tre), hoặc buộc túm đôi gà trống kiến, vài buồng cau đem ra chợ bán. Thế đấy, chợ quê trước hết là nơi giao thương, buôn bán những nông sản, thổ sản của địa phương. Đó là thóc, gạo, nải chuối, bó rau, đàn gà con, gánh rơm… của chợ vùng đồng bằng; là mớ cá, mớ tôm còn tươi nguyên, óng ánh ở chợ miền biển, hoặc là túi thổ cẩm, khăn voan, mật ong, sa nhân, những cây kim, hạt muối quý báu từ miền xuôi mang lên miền núi. Lớn lên, tôi còn được biết đến các chợ nổi ở miền Đông, miền Tây Nam bộ mỗi lần họp bồng bênh trên sông, xuồng ghe tấp nập với cây trái, tôm cá – những đặc sản của một vùng kênh rạch phù sa trù phú…

Xưa, người miền xuôi đi chợ, thường cho tất cả hàng hóa vào đôi thúng, đôi sọt rồi quang gánh lên đường, có khi đội thúng lên đầu, cắp mủng vào nách, hoặc chất lên chiếc xe thồ cũ mèm kẽo kọt đi từ sáng sớm. Chợ quê thường họp từ tinh mơ, đến lúc mặt trời lên quá cây sào (7-8h) thì vãn…

Chợ quê, không chỉ là nơi dành cho những người quê đến bán thổ sản mà còn thu hút người ở nơi khác đến bán buôn các loại hàng hóa như: nồi đất, vải, hàng xén… Do đó, nó tạo sự giao thương, mở rộng giữa người bản địa và người vùng khác, không “khép kín”, bó buộc.

Nhưng không đơn thuần là nơi mua bán các mặt hàng. Nó còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi người thân, bạn bè, thông báo tin tức… Chợ miền núi là nơi hò hẹn, là ngày hội của những làn điệu Sli, lượn; của tiếng khèn sáo, điệu nhảy điêu luyện, váy áo, dù nón rực rỡ sắc màu của các chàng trai, cô gái Tày, Nùng, Mèo, Thái… Chợ miền xuôi (thường được mở ở đình làng, bãi đất trống, dưới hàng cây cao râm mát, trên bến, dưới thuyền…). Người ta, đến chợ có khi là để được tận mắt thấy:

Những cô hàng xén răng đen,

Cười như mùa thu tỏa nắng
(Hoàng Cầm)

Hay là để lại được nghe ông xẩm mù ngồi bên cổng chợ hát Phụ tử tình thâm; nghe ông lão bán thuốc lào nghêu ngao rao hàng; xem bà lão miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay hướng dẫn cô cháu gái cách têm trầu cánh phượng… Trai khôn chọn vợ chợ đông. Chợ còn là nơi trai làng trên, gái làng dưới làm quen tìm hiểu, là nơi anh em, bạn bè gặp gỡ, trao đổi tin tức, gửi nhau đồng quà, tấm bánh cho người thân.

Có thể nói, ngày chợ là một ngày sinh hoạt kinh tế và văn hóa của người quê. Những người nông dân quanh năm vất vả với ruộng đồng, đồi nương muốn thay đổi không khí, môi trường… để có thể tiếp tục công việc hàng ngày. Vì thế, chợ quê đã đáp ứng được nhu cầu đó. Và mỗi vùng đất đều có một cái chợ riêng, chợ quê chính là hồn của quê. Cái hồn Việt ấy trải dài từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, tạo nên một nét đặc sắc trong văn hóa người Việt.

Những hình ảnh tại phiên chợ Sa cuối cùng trong năm:


 Chợ được họp ngay trên cầu Ngòi bên đường vào trung tâm du lịch văn hóa Cổ Loa


Lá dong gói bánh chưng, thứ không thể thiếu trong phiên chợ cuối cùng của năm nên người buôn bán khắp nơi đổ xô về họp chợ


Chú Nguyễn Văn Sự, quê ở Mê Linh, chuyên bán mo cau cho biết: “Để chọn được chỗ ngồi bán hàng tôi phải đến từ 3h sáng. Phiên chợ cuối cùng trong năm nên rất đông, không có chỗ để ngồi đâu.”


40 nghìn một quả bưởi bày mâm ngũ quả


Đồ ở chợ quê giá rất “mềm”


Các cụ già mua trầu cau


Bà Thế, xóm Trại, Cổ Loa mang bán cau trồng được


Hai chị em bà Út đã gần 90 tuổi vẫn mang bưởi nhà ra chợ bán


Phiên chợ quê ngày cận Tết ở đây không thể thiếu những phẩm oản đỏ chót


Những buồng chuối cũng được pha và bán ngay tại chợ


Chú Long bán chiếu luôn miệng mời chào khách


Sắm hoa cảnh chơi Tết


Chợ đào bán dạo

2. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, nhà hàng, siêu thị mọc lên như nấm, chợ quê vẫn còn chỗ đứng của nó. Bởi chợ quê phần đông là dành cho những người quê đi bán sản vật của nhà mình, để rồi mua lấy những gì đang cần… Tuy nhiên, chỗ đứng ấy đang có nguy cơ bị thu hẹp, mai một bởi sự “tấn công” của quá trình đô thị hóa.

Hầu hết chợ quê hôm nay đã được quy hoạch xây dựng một cách thuận tiện, đàng hoàng, khang trang. Hàng hóa đa dạng, đầy ắp các chủng loại. Cạnh chợ là các “phố” mua sắm, ăn uống, vui chơi… Cho nên, bây giờ, mọi người thường để ý đến hàng hóa, giá cả nhiều hơn là trò chuyện. Sự giao lưu giữa người bán hàng với người mua hàng gần như là rất ít. Khác với ngày xưa, chưa có điện thoại, internet, nên chợ là nơi trao đổi thông tin rất quan trọng, không đi chợ coi như bị mù tịt về thông tin. Đi chợ mới biết nhà nọ có đàn lợn nái vừa mới đẻ, sang mua con giống về nuôi. Đi chợ mới biết ở làng trên, nhà A vẫn còn dư lạc giống, hay sắp tới xã huy động dân làm thủy lợi…

Câu ca: Trai khôn tìm vợ chợ đông… dường như đã trở thành quá vãng ở vùng chợ quê miền xuôi. Chợ bây giờ không còn là nơi trai gái tìm hiểu, mà xô bồ khác xưa… Sự thân thiện, đẹp đẽ và đầy ắp tình người của chợ xưa dường như đã bị mai một. Người đi chợ bây giờ luôn “thấp thỏm” bị lừa mua phải hàng đắt, hàng dỏm, hết thời hạn sử dụng… Người bán bây giờ không ít kẻ gian manh. Thế là ngôn ngữ “kẻ chợ” – thứ ngôn ngữ ngày xưa người đi chợ rất ít dùng, bây giờ có khi lại “thông dụng”, làm cho nét đẹp văn hóa chợ quê bị ảnh hưởng.

Chợ quê bây giờ cũng đang dần đánh mất vẻ đẹp vốn có bởi rác thải và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày xưa, ở chợ, người ta gói hàng bằng các loại lá, không ảnh hưởng đến môi trường: lá môn dùng gói ruốc, lá chuối gói bánh đúc, bánh mướt, thịt lợn… Còn bây giờ, túi ni lông xuất hiện, tràn lan khắp nơi, gây ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, mỹ quan của chợ. Rồi đến thực phẩm không rõ nguồn gốc; chân trâu, bò, thịt thối được “tẩy rửa” qua hóa chất; rau, củ quả ngập thuốc bảo quản của Tàu được đem về chợ quê tiêu thụ…

Theo Đề án “Phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”, hiện nay, khu vực nông thôn của Hà Tĩnh có 247 xã, thị trấn, trong đó 155 xã có chợ, 92 xã không có chợ. Theo quy hoạch phát triển chợ, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 có 187 xã quy hoạch chợ nông thôn mới. Thiết nghĩ, trong quá trình quy hoạch, triển khai xây dựng mới, các cơ quan chức năng cần tính đến các tiêu chí để bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp của chợ quê.

MAI HOÀNG - Báo Hà Tĩnh

No comments:

Sâu Ciu Blog