Đồng hành với học sinh
Ngay từ những ngày đầu năm học, các nhà trường đã đồng hành với học sinh trong công tác định hướng, chủ động lên kế hoạch, bố trí giáo viên… Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố bản quy chế tuyển sinh 2015 chính thức, việc chuẩn bị hành trang cho các em càng trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.
Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia
Hầu hết học sinh đã nắm vững những điểm mới trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
Thầy Nguyễn Tiến Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quảng Chí (Kỳ Anh) cho biết: “Song song với các hoạt động ôn luyện, trường chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn học sinh đăng ký tổ hợp vào các trường đại học sao cho thuận lợi. Ngoài thông báo cho các đối tượng thí sinh được cộng điểm, ưu tiên…, việc rà soát, củng cố hồ sơ cũng được nhà trường đặt lên hàng đầu để đảm bảo quyền lợi cho gần 400 học sinh. Năm nay, hồ sơ của các em được chuyển ra Bộ, sẽ khó khăn hơn trong việc bổ sung, sửa chữa sai sót nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, kiểm tra, rà soát thật kỹ ngay từ đầu”.
Thầy Lê Quốc Châu - giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang) cho biết: “Trường chúng tôi đã tổ chức 2 lần thi thử cho học sinh với phương châm nghiêm túc, chặt chẽ và đề thi khó hơn so với mức bình thường. Kết quả không ngoài dự đoán khi chỉ có 68/240 em đạt. Đây không chỉ là cơ hội giúp các em tích lũy kinh nghiệm trong thi cử, mà từ đó để thầy cô giáo và học sinh cố gắng hơn nữa trong giảng dạy và ôn luyện”.
Hồi hộp, háo hức
Những điểm mới trong quy chế của kỳ thi THPT quốc gia đã được nêu rõ, qua hướng dẫn của các thầy cô giáo và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, học sinh đều đã nắm vững. Nhưng thực tế, áp lực của kỳ thi vẫn đang đè nặng trong suy nghĩ của không ít thí sinh.
Em Tô Đình Dũng – học sinh Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà) cho biết: “Được các thầy cô giáo hướng dẫn ôn luyện cụ thể và trong quy chế mới cũng nêu rõ đề thi có cấu trúc tương tự như đề thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng năm 2014 với kiến thức bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không đánh đố, lắt léo… nhưng em vẫn thấy hồi hộp. Đặc biệt với những dạng đề theo hướng mở (các môn xã hội), vận dụng kiến thức thực hành (các môn tự nhiên) và năm nay điểm liệt cũng cao hơn trước (1 điểm) nên em nghĩ mình cần phải cố gắng rất nhiều”.
Cùng suy nghĩ ấy, em Nguyễn Thị Nhi - Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (Lộc Hà) chia sẻ: “Theo các thầy cô giáo dự đoán, đề thi năm nay sẽ khó hơn và có tính phân loại cao hơn nên em rất lo. Lâu nay, chúng em dường như chỉ biết vùi đầu vào sách vở mà quên mất một điều là việc học phải đi đôi với hành. Chính vì thế, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, em cần phải bổ sung kiến thức xã hội”.
Thực tế, việc sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng thành một kỳ thi chung sẽ có nhiều thuận lợi. Đó là thầy và trò có động lực để đổi mới phương pháp dạy và học, tiết kiệm được chi phí cho Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện cái mới chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Xu thế của Sở là sẽ chỉ có 1 hội đồng thi ở khu vực trung tâm tỉnh nên việc đi lại của học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ không tránh khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, việc giảm áp lực, thay đổi hình thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh là rất cần thiết. Trên tinh thần ấy, việc thực hiện đổi mới trong kỳ thi 3 chung lần đầu tiên này đang được dư luận hết sức quan tâm và kỳ vọng về tính nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Theo báo Hà tĩnh
No comments:
Post a Comment