Miếu Ao, xã Thạch Trị ( huyện Thạch Hà) là 1 trong những ngôi chùa mà chúng tôi có dịp vãn cảnh một số đền, miếu ở vùng bãi ngang huyện Thạch Hà ngày đầu năm mới.
Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều vẻ đẹp tự nhiên. Lúc chúng tôi đến, người vào thắp hương tương đối đông, nhiều người mang theo đồ lễ.
Ảnh minh họa |
Nhiều người tìm đến các đền, chùa, miếu đầu năm chỉ với mục đích duy nhất là cầu tài, cầu lộc. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Tôi nghe rõ hai người phụ nữ đi phía sau nói chuyện hết sức tự nhiên.
- Chị mới đến đây lần đầu, nghe nói nơi này thiêng lắm!
- Thiêng lắm chị à, ở xóm em ai cũng vào đây làm lễ, xin nước thánh.
- Mà miếu này thờ ai vậy em?
- Em cũng không rõ, nhưng vào nơi ghi sớ ta hỏi có lẽ họ biết.
Nói đoạn, họ đi vào miếu để làm lễ, trên tay có cả hoa, đồ lễ và một ít bánh kẹo. Không rõ họ có vào hỏi người quản lý di tích không nhưng một trong hai người còn để tâm đến việc miếu này thờ ai, còn người kia thì mặc dầu đã đi nhiều lần nhưng vẫn không biết. Tôi cũng đã gặp, đã hỏi nhiều người khi họ đến các di tích khác. Câu trả lời cũng gần giống như lời đối thoại mà tôi vừa nghe.
Họ tìm đến các đền, chùa, miếu đầu năm chỉ với mục đích duy nhất là cầu tài, cầu lộc nhưng chẳng hiểu rõ sự tích nơi mình đang mang tấm lòng và vật phẩm đến. Chỉ nghe đồn “nơi này thiêng”, “nơi kia thiêng” là lập tức tìm đến làm lễ, xin thánh thần phù trợ mà chẳng cần biết gốc tích thần thánh đang được thờ. Tâm lý phổ biến này đã tác động không nhỏ tới việc hình thành “phong trào” đi đền, chùa chỉ để cầu an, xin lộc. Đấy là dạng tâm lý cộng đồng đang làm méo mó bản chất của lễ hội.
Nhiều người gọi đó là hiện tượng “mù quáng tâm linh”, dẫn đến sự biến tướng trong các lễ hội, thể hiện qua việc mang thịt và vàng mã lên chùa, bỏ tiền lẻ vào tay Phật, thắp hương vô tội vạ, tăng giá, chen lấn, đánh đập, gây gổ để giành cho được phần lộc thánh… mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.
No comments: