Việc soạn thảo và ban hành luật về trưng cầu ý dân đã được đặt ra từ lâu, nhiều lần, đến nỗi có người gọi đây là món nợ của cơ quan lập pháp đối với dân.
Dù có biện minh thế nào, cũng không thể phủ nhận trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.
Việc soạn thảo và ban hành luật về trung cầu ý dân đã đặt ra từ lâu vẫn chưa thực hiện được. Ảnh minh họa: VTV
Trên thế giới, đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Việt Nam ghi nhận vấn đề này ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946), cho đến Hiến pháp năm 1992, nhưng chưa có một cuộc trưng cầu ý dân nào diễn ra trên thực tế. Hiến pháp 2013 đã một lần nữa quy định về hình thức dân chủ trực tiếp này.
Việc soạn thảo và ban hành luật về trưng cầu ý dân đã được đặt ra từ lâu, nhiều lần mà vẫn chưa làm được, đến nỗi có người gọi đây là món nợ của cơ quan lập pháp đối với dân, món nợ.
Trong bối cảnh đó, Dự án Luật Trưng cầu ý dân được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ hợp thứ 10 năm 2015.
Trưng cầu ý dân về điều gì?
Nhiều người cho rằng, chỉ nên quy định khái quát về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, trao cho Quốc hội quyết định đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân tùy thuộc vào hoàn cảnh tại từng thời điểm, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được.
Đối chiếu với các nước có trưng cầu ý dân, 65 nước không quy định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân, mà tùy thuộc vào kiến nghị trưng cầu ý dân của các chủ thể có thẩm quyền, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật; một số nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với Hiến pháp; một số nước khác thì quy định cụ thể những vấn đề phải trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, nếu chỉ quy định ở mức độ chung chung, không cụ thể hóa vấn đề nào, trong tình huống nào, điều kiện nào, bối cảnh nào Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân thì sẽ dễ xảy ra thực tế "giẫm chân tại chỗ" như trong 70 năm qua.
Quy định như vậy có thể dẫn đến thiếu trách nhiệm rõ ràng trong việc phải bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; sự tùy nghi trong quá trình ra quyết định; không trưng cầu ý dân trong khi thực tế đòi hỏi phải để dân quyết định về vấn đề đó.
Như vậy, để cân bằng giữa hai cực, có thể quy định về các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân vừa khái quát, vừa cụ thể ở mức đủ để ràng buộc trách nhiệm, bám sát các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đó là các vấn đề về Hiến pháp; những nội dung mới tác động trực tiếp đến chủ quyền quốc gia; quyền con người, quyền công dân trong các dự thảo luật; các điều ước quốc tế quan trọng do Quốc hội phê chuẩn; về những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước có nhiều ý kiến rất khác nhau thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trưng cầu ý dân đưa ra hai phương án, trong đó người dân chưa có quyền đề xuất trưng cầu ý dân. Như vậy vai trò của người dân vẫn còn mang tính thụ động, vì việc có được bày tỏ ý kiến, biểu quyết về các vấn đề đó hay không hoàn toàn phụ thuộc vào một số cơ quan nhà nước.
Để tăng cơ hội cho cử tri thể hiện ý chí, cần giảm tỷ lệ ĐBQH đủ để đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý. Ảnh minh họa: Giang Huy/ VOV
Sự giới hạn cũng tỏ ra không phù hợp với xu hướng trên thế giới về lĩnh vực này, cũng như với định hướng mở rộng dân chủ trực tiếp của Hiến pháp 2013. Có thể do Ban soạn thảo lo ngại nếu cho phép người dân đề xuất thì có thể sẽ phải tổ chức quá nhiều cuộc trưng cầu ý dân, cũng như có thể có những đề xuất gây mất ổn định chính trị.
Tuy nhiên, những lo ngại đó thiếu cơ sở, bởi lẽ, các chủ thể có quyền đề xuất, còn Quốc hội có quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu. Như thế, số lượng và nội dung các cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn có thể được kiểm soát, đặc biệt khi mà điều khoản khác của Dự thảo đã quy định rõ phạm vi những vấn đề được trưng cầu ý dân.
Vì vậy, cần quy định thêm một tỷ lệ hoặc một số lượng công dân nhất định được quyền đề nghị trưng cầu ý dân về những vấn đề đã nêu ở trên.
Ngoài ra, để tăng cơ hội cho cử tri thể hiện ý chí, cần giảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội đủ để đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân, vì tỷ lệ 1/3 tổng số ĐBQH mới có quyền này là quá cao, nhất là trong điều kiện ở Việt Nam.
Còn tiếp....
Nguyễn Đức Lam
(Tuần Việt Nam)
No comments:
Post a Comment