Đoàn Trung Quốc dường như đang có một tiếp cận 'vừa đấm, vừa xoa', 'lửa to rút củi' nhưng trên thực tế vẫn luôn cố 'thu lợi' ngay cả từ các căng thẳng được tạo ra trên Biển Đông và khu vực, theo quan sát của phóng viên BBC đang có mặt tại Shangri-La 2015 ở Singapore.
Tường trình từ Diễn đàn An ninh Khu vực lần thứ 14, phóng viên Hồng Nga của BBC cho hay 'Trung Quốc dường như lắng nghe' ý kiến, kể cả chỉ trích của các đoàn đại biểu khác tại Diễn đàn, trong khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia có đại diện tại Shangri-La đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và cảnh báo Trung Quốc 'vượt ngoài khuôn khổ luật pháp'.
Hồng Nga cho hay đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần này cũng đã có các tiếp xúc, trao đổi song phương với một số đoàn khác trong ngày 29/5 và ngày 30/5 là ngày khai mạc chính thức của diễn đàn, trong đó phái đoàn quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đã gặp gỡ và trao đổi với các đoàn Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ v.v...
Trong những quan hệ quốc tế, những nước lớn và những nước nhỏ khi đưa ra một giải pháp nào đó thì chúng ta cũng có thể đoán được đa phần là các nước lớn được lợi lớn hơn, các nước nhỏ được lợi nhỏ hơn
Hồng Nga, BBC
Theo nguồn tin mà phóng viên chúng tôi thu nhận được từ Diễn đàn này, Trung Quốc đã tiếp tục bị chỉ trích nặng nề về các động thái được cho là làm gia tăng căng thẳng và quan ngại về an ninh trong khu vực, đặc biệt là từ các đoàn Mỹ, Nhật v.v...
'Vẫn còn quá sớm'
Tuy nhiên, vẫn theo Hồng Nga, một số quan chức Việt Nam tham dự Diễn đàn cho rằng 'vẫn còn quá sớm' để cho rằng có thể sẽ xảy ra một cuộc 'xung đột vũ trang', 'đối đầu quân sự' trên Biển Đông và khu vực.
Trả lời câu hỏi, Trung Quốc thực sự muốn gì khi Đô đốc Hải quân, Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc, ông Tôn Kiến Quốc, nói khi gặp gỡ phái đoàn Việt Nam rằng họ tin rằng "thông qua hợp tác, hai bên (Trung - Việt) sẽ có thể giải quyết tranh chấp Nam Hải (Biển Đông)" và liệu sự 'giải quyết' này có thể sẽ tạo ra cục diện có lợi cho Trung Quốc mà phương hại tới Việt Nam hay không, Hồng Nga nói:
"Cái đó phải hỏi ông Tôn Kiến Quốc thì mới biết được chính xác, thế nhưng trong những quan hệ quốc tế, những nước lớn và những nước nhỏ khi đưa ra một giải pháp nào đó thì chúng ta cũng có thể đoán được đa phần là các nước lớn được lợi lớn hơn, các nước nhỏ được lợi nhỏ hơn. Việt Nam là một nước rất là nhỏ so với tương quan của Trung Quốc ở trong khu vực," phóng viên của chúng tôi nhận xét.
(BBC)
No comments:
Post a Comment