THANH HÓA (NV) - Dư luận đang xôn xao vụ một đại gia từ Hà Nội cùng đoàn xe hơi căng bảng đòi nợ bạc tỷ một đại gia khác ở địa phương. Cả hai người này từng nức tiếng với thú chơi máy bay tư nhân xa xỉ.
Chiếc xe mang băng rôn đòi nợ trong sân tổng công ty Ðông Á,
Thanh Hóa. (Hình: báo Lao Ðộng)
Tờ Lao Ðộng đưa tin, chiều 26 tháng 5, một xe hơi căng băng rôn... đòi nợ xuất hiện trong khuôn viên tòa nhà của tổng công ty bất động sản Ðông Á, trên đường Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa, với nội dung, “Yêu cầu ông Cao Tiến Ðoan phải trả cho công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) 31 tỷ và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỷ.”
Phía đòi nợ còn căng to ảnh ông Cao Tiến Ðoan, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị, tổng giám đốc tổng công ty Ðông Á, bên cạnh băng rôn.
Ngay khi xuất hiện chiếc xe, rất nhiều người dân đến xem, chỉ trỏ. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông...cũng có mặt để giữ gìn trật tự, ngăn xô xát.
Tuy nhiên, khi một số nhà báo có mặt để đưa tin thì liền bị một nhóm thanh niên xưng là bảo vệ của Tổng công ty Ðông Á ngăn cản và đe dọa “nếu chụp ảnh sẽ bị thu máy.” Hầu hết phóng viên đều dạt ra ngoài, sau đó bí mật chụp hình bằng nhiều cách khác nhau.
Ðiều làm cho người dân quan tâm nhiều hơn chính là cả hai đại gia của cả hai phía đòi nợ và bị đòi nợ đều là những người từng được truyền thông nhiều lần gọi là đại gia Việt, có thú chơi máy bay cá nhân nổi tiếng.
Theo truyền thông Việt Nam, ông Cao Tiến Ðoan từng xuất hiện nhiều lần trên truyền thông với hình ảnh doanh nhân thành đạt.
Dư luận biết đến ông là một người “đi lên từ trẻ chăn trâu.” Qua nhiều thử thách, nhiều bận trắng tay nhưng đến nay ông Ðoan đang có tòa biệt thự “Bạch ốc” rộng hơn 50,000m2, ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa, cùng nhiều xe Mercedes cổ và nhiều xe máy phân khối lớn.
Ðặc biệt, điều khiến nhiều người “sốc” nhất là năm 2011, ông đặt mua về Việt Nam 4 chiếc máy bay trực thăng gồm 2 chiếc dạng cánh bằng của Cộng Hòa Czech và 2 chiếc do Mỹ sản xuất.
Trong khi đó, phía đòi nợ là ông Cao Văn Sơn cũng là một đại gia với thú chơi máy bay và là người đầu tiên nhập máy bay tư nhân vào Việt Nam.
Ông Sơn là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của công ty KVS. Cũng như ông Ðoan, ông Sơn từng gây dư luận xôn xao khi năm 2011, nhập cảng 10 chiếc máy bay cá nhân vào Việt Nam, khiến cho cơ quan hải quan Việt Nam khi đó hết sức lúng túng vì chưa có tiền lệ nhập cảng máy bay cá nhân. (Tr.N)
(Người Việt)
No comments:
Post a Comment