Để duy trì một xã hội trật tự, mọi thể chế cần được vận hành trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lộng hành và các bất công trong xã hội.
Cũng như nhiều dân tộc khác, lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng xả thân của dân tộc Việt Nam là không cần bàn cãi. Lịch sử hàng ngàn năm qua cho thấy mỗi khi đất nước bị lâm nguy từ các mối đe dọa ngoại bang, chính là lúc lòng ái quốc của dân ta được phát huy mạnh mẽ nhất.
Trước kẻ thù ngoại bang, dân tộc Việt là một khối, nhưng khi hết các mối đe dọa này và được sống cùng nhau trong hòa bình lòng “yêu nước, thương nòi” của chúng ta có còn phát huy sức mạnh và chuyển hướng phục vụ sứ mệnh mới của dân tộc hay không?
Ái quốc trong thời bình
Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường mới khiến cho dân tộc Việt Nam – vốn được coi là nghèo nàn, lạc hậu rất nhiều so với những kẻ xâm lược, lần lượt vượt qua các cuộc chiến với thành quả là hình ảnh của một nước tự do và độc lập. Tuy nhiên, nhìn vào những gì mà đất nước đã làm được trong mấy chục năm hòa bình vừa qua trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa và vận hành xã hội, dường như chưa tương xứng với những gì hằng trông đợi.
Nếu nhìn nhận theo khía cạnh “quản trị”, nhà nước chính là “chủ thể có trách nhiệm” thực thi các chính sách và điều hành vĩ mô thông qua các trụ cột “Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp” trên nền tảng của Hiến pháp. Mục đích là nhằm đảm bảo cung cấp cho người dân – “chủ thể giữ quyền” một môi trường xã hội an sinh, ổn định cùng các cơ hội phát triển bình đẳng và minh bạch. Để duy trì một xã hội trật tự, mọi thể chế cần được vận hành trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lộng hành và các bất công trong xã hội, vốn được xem là một trong các tác nhân gây ra đói nghèo trên toàn thế giới.
Nhiều người hay đổ lỗi cho nhận thức kém hay thiếu hiểu biết của “một bộ phận không nhỏ” người dân về pháp luật. Nhưng hãy nhìn cái cách một số xe thuộc diện được ưu tiên thường xuyên vượt quá tốc độ hay vô tư đi vào đường một chiều trong một ngày trời đẹp và không có nhiệm vụ khẩn, có thể thấy rằng vẫn tồn tại cách ứng dụng các tiêu chuẩn kép trong hành pháp của chúng ta.
Chuyện các lái xe thường xuyên sử dụng sự trợ giúp “gọi điện thoại cho người thân” hoặc “50:50” mỗi khi bị lập biên bản vì vi phạm luật giao thông là minh chứng cho vấn đề “pháp hữu vị thân” trong xã hội Việt ngày nay.
Khi mọi người không bình đẳng với nhau trước pháp luật do những ảnh hưởng của các nhân tố “hậu duệ”, “quan hệ” và “tiền tệ” tạo ra, thì cũng có nghĩa là nhiều người có thể được ưu tiên và không cần phải chịu trách nhiệm mỗi khi làm việc gì đó sai trái hay thậm chí là phạm luật. Khi đó sự minh bạch sẽ bị che lấp và tạo nên tiền đề cho những nhóm có “điều kiện” chi phối các chính sách phát triển của nhà nước, hoặc thậm chí lộng hành trong từng lĩnh vực.
Chính việc cho phép độc quyền của nhà nước trong cung cấp một số dịch vụ công thuộc các lĩnh vực được coi là thiết yếu, cộng với sự lộng hành ngày một tăng của nhiều chủ thể có trách nhiệm vốn xa lạ với khái niệm trách nhiệm giải trình là các điều kiện cần và đủ khiến tham nhũng lan tràn.
Tham nhũng nhưng không phải chịu trách nhiệm giải trình và không bị trừng phạt diễn ra thời gian qua khiến cho một bộ phận những người nắm quyền lực luôn cố gắng chuyển thành các lợi thế để từ đó có thể sinh lợi cho bản thân. Hệ quả của vấn đề này chính là người ta đang đặt đồng tiền vào các giao dịch có vai trò điều hành của nhà nước.
Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường mới khiến cho dân tộc Việt Nam lần lượt vượt qua các cuộc chiến. Ảnh minh họa
Ở đó, người này tìm cách lấy tiền của người kia nhờ vai trò “độc quyền” của mình, để rồi lại sử dụng một phần số tiền đó phục vụ người khác mỗi khi phải cầu cạnh việc gì đó. Một khi đồng tiền được sử dụng như một công cụ bôi trơn trong vận hành xã hội, thì sẽ thật khó cho ai đó có thể chen chân và có được một vị trí mà chỉ nhờ vào năng lực bản thân.
Lòng ái quốc đã bị lấn át và nhấn chìm trong phương châm sống của một bộ phận những “ông quan” thời hiện đại khi họ bận rộn với những toan tính như làm thế nào để có thể lấy lại vốn mình đã bỏ ra và nhanh chóng có lãi. Chất “sĩ phu” của người trí thức ngày nào không còn nữa, mà thay thế bằng lối sống hưởng thụ và thực dụng, do thiếu lòng tin vào sự ổn định của tương lai nên cố gắng vun vén cho gia đình mình khi còn có cơ hội.
Nhìn vào cách một số “công bộc của dân” tiêu tiền từ nguồn vốn vay ODA theo hướng “đâu có tiền là ta cứ tiêu” và “đời cua cua cứ máy, đời cáy kệ cáy đào”, mới thấy rõ ràng rằng nhiều người, vì quyền lợi của bản thân, đã và đang đi ngược lại tinh thần ái quốc. Bởi họ đã làm thất thoát và lãng phí một nguồn lực quan trọng vốn có thể tạo ra động lực giúp đất nước bứt phá nếu được huy động và sử dụng một cách phù hợp.
Khi lãnh đạo khóc
Cần thừa nhận rằng, trong gần 20 năm qua, đã có nhiều thế hệ lãnh đạo và đội ngũ công chức tận tâm phục vụ vì sự phồn vinh của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại, trong đó có việc tham gia vào các cuộc đàm phán song phương và đa phương giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới bên ngoài.
Trong nghề ghiệp đặc thù này, khó có thể đảm bảo rằng tất cả những quyết định mà người tham gia đàm phán đưa ra đều chính xác và mang lại lợi cho quốc gia. Quan trọng là mỗi người cần trang bị cho mình một tinh thần thép và giữ vững nguyên tắc nhất quán “lấy lợi ích quốc gia làm trọng”. Sẽ tốt hơn, nếu đôi lúc chúng ta nhìn lại, đánh giá những gì đang xảy ra trong hiện tại để rút ra những bài học thực tiễn rằng mình đã có thể làm tốt hơn cho quốc gia nếu biết đánh giá đúng đối thủ bằng sự khôn khéo và khả năng nhạy bén.
Kết quả các vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) – mà hai nước ký kết vào đầu tháng 5 vừa qua được nhiều người xem như là một thắng lợi to lớn của phía Việt Nam. Thành tựu này được một lãnh đạo minh chứng bằng câu chuyện một vài người bên đoàn Hàn Quốc đã khóc và xin được rút lại một số điều khoản đã thống nhất trước đó trước khi Hiệp định này được ký vào sáng hôm sau.
Không nghi ngờ về tính chính xác của thông tin này, nhưng khi nhìn câu chuyện này theo một hướng khác thì có thể giải thích được tại sao người Hàn lại có thể xây dựng và phát triển đất nước họ được như ngày hôm nay.
Khi nào Việt Nam chưa có một lãnh đạo ngành lâm nghiệp khóc trước Quốc hội vì nạn chặt phá rừng; lãnh đạo ngành giáo dục tuyên bố chịu trách nhiệm vì suốt gần nhiệm kỳ của mình chất lượng giáo dục quốc gia không biến chuyển, hay những quan chức ngồi trong xe biển xanh sẵn sàng sa thải lái xe nào luôn vi phạm luật giao thông, v.v… khi đó lòng yêu nước của nhiều người Việt trong thời bình vẫn còn nghèo như chính nền kinh tế của chúng ta vậy.
Trần Văn Tuấn
(Tuần Việt Nam)
No comments:
Post a Comment