Giải thích về việc đang được tín nhiệm cao nhưng xin nghỉ việc, ông Nguyễn Sự nói nếu ông tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức
Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Sự vừa làm đơn xin nghỉ trước tuổi. Ông Sự sinh năm 1957, 37 tuổi Đảng, 21 năm giữ các chức vụ lãnh đạo TP Hội An.
Nhiều người khóc khi nghe tin ông Nguyễn Sự nghỉ
Lại một lần nữa ông Nguyễn Sự làm một việc không giống ai. Trong khi nhiều người chạy đua để giữ chức, giữ ghế thì ông xin nghỉ. Nhiều người đoán già đoán non, thậm chí gọi điện thoại về Hội An hỏi có phải vì ông Sự vì sức ép mà thôi chức?
Hỏi ông thì ông cười, bảo: “Nói thế tội anh em! Không ai ép cả. Chỉ thấy đến lúc mình phải rời vị trí và nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi định nghỉ từ lâu nhưng anh em không cho. Bây giờ anh em vẫn thuyết phục nhưng tôi quyết rồi. Trước khi nghỉ, tôi vẫn hoàn thành tất cả công việc của mình cho đến phút chót”.
Nguyễn Sự làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An từ năm 1994, sau đó thị xã trở thành TP thì ông làm Bí thư Thành ủy. Những câu chuyện về hàng loạt việc làm khác người của ông Sự được người dân nhớ lại và kể hoài không hết. Những câu chuyện đó luôn gắn với tính cách thẳng thắn, bộc trực, liêm khiết, luôn đặt lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên để giải quyết mọi công việc. Tên tuổi của ông luôn gắn với Hội An và sự phát triển của Hội An, là niềm tự hào của người dân Hội An.
Một cán bộ Hội An cho biết cách đây vài tháng, khi ông Sự tuyên bố xin nghỉ, nhiều người đã khóc. Một số người dân nghe tin đã đến tận nhà bày tỏ sự nuối tiếc và lòng biết ơn. Có người định biếu ông một số tiền lớn dưỡng già nhưng ông từ chối. Ông tâm sự: “Mình ghi nhận tấm lòng của người dân đối với mình. Họ nghĩ tới và thương mình là gia tài quý nhất rồi”.
Ông Nguyễn Sự trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ Ảnh: LÊ VIẾT HAI
“Không muốn làm tàu lá chuối”
Những ngày này, tìm ông Sự thật khó. Hội An đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp nên ông rất bận rộn. Khi được hỏi về dự định nghỉ việc, ông Sự cho biết: “Ai làm việc rồi cũng đến lúc nghỉ. Có gì bất thường đâu. Chức vụ có phải cha truyền con nối đâu! Mình được trao chức vụ đó, xong việc thì trao lại để người khác tiếp tục làm”.
Ông Sự kể về triết lý tàu lá chuối. Trong khi những cây khác lá vàng tự động rụng xuống cho lá xanh vươn lên thì tàu lá chuối luôn bám chắc vào thân cây khi đã héo quắt. Những tàu lá chuối héo bám chắc đến nỗi nếu muốn bứt nó ra thì phải cắt bỏ. Ông bảo: “Tôi không muốn làm một tàu lá chuối. Tôi nghỉ lúc này là hơi muộn. Không có gì băn khoăn cả. Nhiều anh em nghĩ như tôi, họ cũng thấy đó là điều bình thường. Ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Mình tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển”.
Sâu sát dân, quyết đoán, hiệu quả
Ông Nguyễn Sự tự nhận chưa am hiểu nhiều về phố cổ, về du lịch nhưng đã có những quyết định đúng đắn về việc tôn tạo giữ gìn nhà cổ và những di sản để phát huy được giá trị lâu dài cho hiện tại và tương lai. Những dự án như đêm phố cổ, phố không động cơ xe máy, treo đèn lồng trên phố… lúc khởi động chưa phải đã nhận được sự nhất trí cao nhưng rồi những lợi ích thiết thực từ những dự án ấy đã khiến người dân Hội An dần tự giác, hào hứng tham gia.
Đầu tiên là việc lập lại trật tự vỉa hè bằng cách lấy sơn vạch đôi cái vỉa hè nhỏ, thuyết phục những người dân ở mặt tiền chia đôi vỉa hè cho người đi bộ và người buôn thúng bán bưng trong ngõ. Việc tưởng dễ dàng nào ngờ gặp sự phản ứng quyết liệt của một số hộ dân. Họ chửi ghê gớm như quyết định đó lấy đi miếng cơm của họ. Ông Sự cùng anh em đi vận động giải thích với từng gia đình để họ hiểu, việc đó là để cho dân sinh hoạt và mưu sinh dễ dàng hơn. Hơn một năm trời không hôm nào ông Sự về nhà trước 24 giờ. Bây giờ không cần những vạch đỏ đó thì trật tự vỉa hè vẫn nguyên như thế!
Việc cấm ô tô vào phố cổ khi đưa ra cũng bị phản ứng dữ dội. Ông Sự giải thích cho dân hiểu tại sao phải cấm, vì nhà cổ xuống cấp, ô tô chạy vào rung động, gây ồn làm nhà cửa bà con nhanh hỏng hơn. Cấm xong ô tô rồi đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày… Từ vài khu phố, nay cả phố cổ mọi người đều vui vẻ chấp hành.
Cán bộ ở Hội An đã quen với cách làm việc của vị lãnh đạo sâu sát, gần dân và hầu như không lệ thuộc vào giấy tờ. Mọi việc được quyết ngay trên thực tế công việc. Nhiều việc ông Nguyễn Sự quyết và triển khai ngay, giấy tờ đi theo sau.
Chẳng hạn, chủ trương Cù Lao Chàm không sử dụng bao ni-lông được triển khai trên một chuyến đi công tác tại Cù Lao Chàm vào tháng 5-2012 của ông Sự. Chứng kiến những bao ni-lông nổi lềnh bềnh sóng táp vào bãi biển, ông nghĩ ngay việc không sử dụng bao ni-lông để gìn giữ môi trường biển. Cuộc họp với UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) hôm đó đã triển khai thực hiện ngay chủ trương này. Nhờ đó, san hô và các sinh vật dưới lòng biển Cù Lao Chàm hồi sinh và phát triển. Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời trở thành điểm hấp dẫn du khách hiện nay.
Trong công việc, ông Nguyễn Sự không hề ngại va chạm để bảo vệ ý kiến đúng đắn. Năm 1995, Hội An đã tổ chức bán vé tham quan nhưng giá rất rẻ, tiền bán vé 1 năm được 52 triệu đồng trong khi chi phí hết 57 triệu. Ông cho xây dựng phương án tăng giá vé gấp 10 lần. Lúc đó, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối quyết liệt, gây áp lực với chính quyền. Đấu tranh nhiều ngày về việc tăng giá vé với cấp trên mà vẫn không được, ông Sự nổi nóng: “Nếu các anh không tán thành, tôi đóng cửa phố cổ không cho vào tham quan”. 10 ngày sau, tỉnh quyết định thông qua phương án đó và ngày đầu tiên tổ chức bán vé, Hội An thu về 13 triệu đồng. Năm đó (1995), Hội An thu 5,7 tỉ đồng từ việc bán vé tham quan.
Không chỉ biết đấu tranh mà ông Nguyễn Sự còn luôn sẵn sàng xin lỗi. Đã không ít lần ông xin lỗi dân về những việc làm hay những quyết định chưa đúng. Ông cho rằng mình không phải là người hoàn hảo và cũng mắc không ít sai lầm. Có thời kỳ Hội An trồng hàng loạt cây hoa sữa khiến người dân phản ứng, ông Sự đã xin lỗi người dân vì chủ trương là do ông đề ra, sau đó sửa sai bằng cách chặt toàn bộ hoa sữa và thay bằng loại cây khác.
Năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có nhiều đóng góp cho Hội An; năm 2012, được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.
Võ Kim Ngân
(Người Lao Động)
No comments:
Post a Comment