Chị Hồng đang nhận lại tiền tại ngân hàng, Ảnh: TPO
Dường như câu chuyện về ‘tỷ phú ve chai’, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1978, Q.Tân Bình, Tp HCM), đang kết thúc có hậu cho người nhặt được vì chiều nay 2-6-2015, công an quận Tân Bình đã gọi điện cho chị Hồng, thống nhất phương án trả tiền và thực hiện trao tiền cho chị. Các tờ báo còn tường thuật trực tiếp sự kiện kéo dài cả năm nay và tốn không biết bao giấy mực.
Ngày 21-3-2014, chị Hồng nhặt được số tiền 5 triệu yên Nhật trong hai thùng loa cũ. Gia đình chị đã giao số tiền nhặt được cho cơ quan công an giữ. Ngày 28/4/2014, công an quận Tân Bình làm thủ tục thông báo công khai để ai là người sở hữu số tiền đến nhận. Một năm sau ngày thông báo mà không ai tới nhận thì sẽ chuyển cho tòa án áp dụng pháp luật dân sự để định đoạt số tiền trên.
Có một bà tên là Phạm Thị Ngọt đưa đơn nói rằng số tiền trên là của chồng bà người Nigeria nhưng không chứng minh được quan hệ vợ chồng của hai người. Vì thế công anh sẽ phải giao lại số tiền 5 triệu yen cho chị Hồng.
Có lẽ phía sau câu chuyện 5 triệu yên còn nhiều tình tiết chỉ có người trong cuộc mới biết được. Chả hiểu hơn một năm qua, chị Hồng có yên thân đi nhặt ve chai như trước hay bị vụ 5 triệu yên quấy rầy. Hy vọng chiều nay 2-6-2015, mọi việc sẽ ổn thỏa, không có sự cố giấy tờ ở phút chót.
Nếu số tiền 1 tỷ VNĐ về tài khoản của chị mua bán ve chai, thì đây làm một thành công lớn của vị luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Mọi đối đáp, đơn từ, các buổi làm việc với công an, chị Hồng đều thông qua luật sư.
Đúng vào thời điểm này, Quốc hội đang họp và trên các trang mạng xã hội đang tranh luận sôi nổi về quyền im lặng của những đối tượng đang bị điều tra hình sự.
Diễn đàn mạng thường viện dẫn luật Miranda của Hoa Kỳ về quyền im lặng được có năm 1966 theo Tu chính Án thứ năm của Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ ra đời năm 1791.
Cảnh sát Mỹ được đào tạo và có một tờ in sẵn khi hỏi nghi can “Ông/bà có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng có thể được dùng để chống lại anh trước tòa.
“Ông/bà có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu không thể tìm được luật sư, ông/bà sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”.
Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) là tướng tá công an đã kịch liệt phản đối quyền này và viện dẫn ra trình độ dân trí Việt Nam thấp.
Các vị phản đối quyền im lặng nên tham khảo vụ chị ve chai thuê luật sư sẽ rõ hơn về trình độ hiểu luật pháp của người dân. Rất nhiều vụ dân oan được tư vấn pháp lý chuyên nghiệp đã thắng tại tòa hoặc thông qua những thỏa thuận hai bên cùng có lợi.
Trên VNE bài viết của luật sư Thái Bảo Anh với đoạn kết rất thú vị “Tôi ủng hộ việc áp dụng quyền im lặng cho những người bị điều tra vì quyền đó là công cụ đơn giản nhất mà bất kể một người nào, dù trình độ văn hoá hay địa vị xã hội ra sao, dù ở đâu và với phương tiện nghèo nàn đến mấy cũng áp dụng được. Vì sao lại như vậy? Vì tôi tin rằng số người tốt đông hơn rất nhiều những kẻ xấu và những người tốt, những người vô tội xứng đáng được luật pháp bảo vệ. Tất nhiên, quyền im lặng không bao giờ là tuyệt đối, người bị điều tra có quyền im lặng tới khi họ có được các công cụ bảo vệ khác mà pháp luật cung cấp hoặc tạo điều kiện cho họ.”
Chỉ một một vài hướng dẫn nhỏ mà chị ve chai đã làm được hai việc (1) Nộp tiền cho công an theo luật định và chờ đợi phán xét của chính quyền và tòa án; (2) Đấu tranh đòi lại số tiền vô thừa nhận cũng theo luật.
Đừng coi thường dân trí người dân mà lạm quyền. Bỏ phiếu chống lại quyền im lặng, rất có thể một hôm nào đó, chính người ủng hộ rơi vào sự trớ trêu, khi thấy mình phải mở miệng vì những thao tác nghiệp vụ do chính mình dạy đám đàn em, không còn thời gian sửa chữa cho cuộc đời.
Bảo vệ quyền im lặng là bảo vệ chính mình.
HM. 2-6-2015
(Blog Hiệu Minh)
No comments: