vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Huỳnh Ngọc Chênh - Trương Duy Nhất: Chính nghĩa đứng về phía chúng ta

Vào ngày nhà báo blogger Trương Duy Nhất bị bắt cách đây tròn 2 năm, tôi tình cờ có mặt tại Đà Nẵng. Lúc một đoàn công an trên 20 người đang lục soát nhà và đọc lệnh bắt khẩn cấp anh thì tôi còn nghe một người quen ở Đà Nẵng khẳng định với tôi rằng Trương Duy Nhất là an ninh. Trước đó thì tôi nghe khá nhiều người nói đến tai tôi rằng TDN là người của tổng cục 2. Tôi không tin lắm vì biết chắc rằng cũng những người đó đi rỉ tai ở chỗ khác rằng tôi cũng là an ninh.

Khi TDN bị 17 nhân viên an ninh của cơ quan điều tra bộ công an áp giải lên máy bay ra Hà Nội thì một doanh nhân có cỡ ngồi cùng khoan hạng C với TDN, thấy anh ngồi cùng với một đám an ninh đã chào hỏi: "Nhất ra Hà Nội công tác à?" Nhất nghiêm nghị trả lời: "Ừ, đi công tác". "Lâu không?" "Chưa biết, khi nào xong việc thì về". Lúc ấy doanh nhân đó đã mở cờ trong bụng về phát hiện động trời của mình: Blogger nổi tiếng TDN là một an ninh gộc của bộ, đi công tác ra Hà Nội cùng với một đoàn an ninh bằng vé máy bay hạng C. Có lẽ doanh nhân nầy chưa kịp tiết lộ bí mật động trời nầy cho bạn bè thì tối đó vào mạng mới hay TDN bị bắt.

Blogger Trương Duy Nhất tại nhà riêng với tấm ảnh khi anh ra tòa.
"Vì sao bị bắt dẫn độ ra Hà Nội mà được đi máy bay hạng C?" Tôi thắc mắc, Nhất nói: "Vì đi khẩn cấp làm gì có vé máy bay nếu không mua vé hạng C". Thế đấy bộ công an khẩn cấp điều 17 nhân viên an ninh của cơ quan điều tra bay vào Đà Nẵng để áp giải TDN ra Hà Nội, vào ra toàn bằng vé hạng C trong khi lực lượng an ninh của thành phố Đà Nẵng cũng "đông như quân Nguyên" nhưng không dùng đến. Người ta xài tiền thuế của dân một cách vô tội vạ khi nhân danh lý do an ninh.

Nhất kể, họ ập vào nhà anh bằng một lực lượng hùng hậu trên 20 người gồm an ninh bộ, công an thành phố, công an quận và công an phường. Ghê gướm thật, một blogger với vũ khí chỉ là cái bàn phím nhựa mà được đối xử còn hơn một nghi phạm giết người có trang bị súng ống.

Buổi chiều, TDN bị áp giải ra sân bay Đà Nẵng, tay anh không bị còng. Phóng viên báo Tuổi Trẻ ngửi ra tin Nhất bị bắt sớm nhất, đã lên phục kích tại sân bay. Nhất thấy phóng viên đó, cũng quen với anh, lấp ló nấp sau hàng cột chĩa ống kính ra chụp, anh ngoắc tay nói, ra đây chụp chứ sợ gì. Báo Tuổi Trẻ đã có tấm ảnh đầu tiên của Nhất khi bị bắt. Trong tấm ảnh đó, Trương Duy Nhất hiên ngang ngẫng cao đầu bước đi giữa hai an ninh áp giải cúi gầm xuống mà nhìn như hai nhân viên đi theo bảo vệ yếu nhân.


Đây là đòn tiến công đầu tiên của nhà báo blogger Trương Duy Nhất. (Tấm hình do phóng viên báo Tuổi Trẻ chụp đăng lên báo TT, sau đó trang Nguyễn Tấn Dũng ăn cắp đăng lại và đóng dấu Nguyễn Tấn Dũng.org vào)

Hình ảnh đó là đòn tiến công đầu tiên của Nhất trong một trận chiến ác liệt mà anh phải đối mặt, một trận chiến kinh hồn suốt hai năm trời đối diện với hàng loạt sĩ quan điều tra có số má của bộ công an, đối diện với quan tòa chỉ biết nghe lệnh trên, đối diện với các quản giáo khe khắt của trại giam và đối diện với chính những người bạn tù được "cài cắm" nằm cùng phòng với anh. Một cuộc chiến kéo dài hơn như cuộc đua marathon mà anh phải đơn độc chiến đấu và không cho phép anh lơ là bất cứ phút giây nào, không cho phép anh gục ngã trước bao nhiêu áp lực của cường quyền, không cho phép anh sa chân lỡ bước trước bao nhiêu cái bẫy thâm độc giăng ra. Anh nói: "Tôi mà sa vào bẫy, tôi mà gục ngã, thì đời tôi bị vùi ngay xuống hố đen bùn nhơ, tôi sẽ sống kiếp con vật cho đến hết cuộc đời còn lại". Anh đã phải chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng vào ngày anh được trả tự do như mọi người đã thấy, khi anh bị cưỡng chế bí mật đưa lên vùng núi rừng hoang vắng trên đường Hồ Chí Minh giữa một đám vừa công an vừa côn đồ. Anh nói, nếu anh không thắng được trận cuối đó thì chưa biết bây giờ anh đã ra sao.


"Anh chiến đấu trên nguyên tắc như thế nào?" tôi hỏi, Trương Duy Nhất nói: "Xuyên suốt trong hai năm, tôi phải chiến đấu để cho họ thấy rằng tôi không có tội mà tội phạm chính là những kẻ đã ra lệnh bắt tôi, đã giam tôi và đã xử tôi. Ngay cái hình ảnh báo Tuổi Trẻ đăng khi tôi bị đưa ra sân bay thì tôi cũng đã gởi đến mọi người một thông điệp: Tôi không có tội."

Anh chỉ tấm hình lộng kiếng treo trên tường phòng khách và nói: Tôi đã qua được cuộc chiến khốc liệt đó vì tôi biết chính nghĩa đứng về phía chúng ta.

"Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang" - Nhà báo Trương Duy Nhất

                                            Trương Duy Nhất và mẹ hiền sau ngày anh ra tù

Tôi bay ra Đà Nẵng vì chuyện riêng gia đình, nhân tiện ghé thăm Trương Duy Nhất với tình cảm của một người ngưỡng mộ và cảm phục anh, đồng thời cũng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm ở tù của anh để phòng cho bản thân sau nầy, bởi dưới thể chế ở cái thời đảo điên nầy bất cứ lúc nào mình cũng có thể vào tù.

Tôi cũng hoàn toàn không có ý định viết gì về Trương Duy Nhất, bởi trước một cây bút như anh, một blogger lừng lẫy, một người đấu tranh bất khuất đã qua lò luyện đan, thì mình chỉ múa rìu qua mắt thợ. Làm sao viết cho hay bằng chính TDN kể lại chuyện chính anh đã trãi nghiệm qua 2 năm nung nấu trong lao tù. Anh đã hun đúc những điều ấy trong 4 tập nhật ký dày cộm mà an ninh đã thô bạo đè anh xuống cướp mất đi khi anh vừa mới bước ra khỏi cửa phòng giam chưa kịp ra đến cổng nhà tù.

Nhưng những gì anh trao đổi với tôi trong vòng chưa đến một giờ, giữa sự cắt khúc của những cuộc điện thoại liên tục điện đến hỏi thăm mà anh không thể nào từ chối, đã thôi thúc tôi phải viết cái gì đó. Rất tiếc trí nhớ tôi không còn tốt để ghi ra hết những gì anh kể, và khi đó quá xúc động với anh, tôi đã quên rằng trong điện thoại cùi bắp của mình vẫn có chức năng ghi âm.

Nhưng không sao, nhớ ra cái gì tôi viết ra cái đó, còn những cái gì tôi không nhớ, chắc chắn anh sẽ viết.

Anh kể, suốt từ lúc anh bị bắt cho đến khi ra tù, anh tuyệt đối không viết, không ký bất cứ một văn bản nào có hai từ XIN và CHO. Tất tất mọi việc anh đều yêu cầu, yêu cầu nhân viên bắt khẩn cấp anh phải tuân thủ luật, yêu cầu nhân viên hỏi cung phải thế nầy thế khác, yêu cầu quản giáo phải đáp ứng các đòi hỏi cần thiết của anh...Anh nói: Công việc của các anh là phải phục vụ tôi đúng với pháp luật chứ không phải các anh ban cho tôi hay là tôi phải cầu xin các anh.

Áo quần anh bị buộc cởi ra để lại bên ngoài nơi tạm giam, anh yêu cầu phải đưa tất cả vào nơi giam anh vì "tôi không tin các ông các ông giữ chúng vệ sinh sạch sẽ" và "đề phòng khả năng các ông lén bỏ thứ gì đó vào trong áo quần tôi mà tôi không biết". Chính vì vậy mà khi ra tù anh đã mặc lại chính cái áo thun đỏ vạch đen mà vào ngày bị bắt anh đã mặc. Cũng nhờ vào đó mà chị Phượng, vợ anh đã thoáng nhìn ra anh khi anh bị cưỡng bức lên xe cứu thương bí mật và lén lút chạy vù ra cổng để đưa anh lên vùng rừng núi hoang vu vào ngày anh được tự do. Biết chắc là chồng mình đang ngồi trên xe cứu thương dù chỉ thoáng qua, chị Phượng và con đã đuổi theo kịp thời đến nơi người ta thả anh ra giữa đám côn đồ.

                                   Trương Duy Nhất chiến đấu đến giây phút được trả tự do

Người ta dụ dỗ và khuyên anh đừng thuê luật sư, anh dứt khoát đòi luật sư, người ta bảo anh viết đơn xin gởi lên bộ công an sẽ xem xét giải quyết, anh nói "tôi không xin xỏ ai hết, không có bộ nào được quyền xem xét ban phát, đó là quyền lợi của tôi, tôi yêu cầu phải có luật sư" rồi anh viết giấy yêu cầu thuê luật sư Trần Vũ Hải gởi ra cho vợ. Giấy yêu cầu ấy không bao giờ đến tay chị Phượng, thay vào đó chị Phượng chỉ nghe nói anh không cần luật sư. Nhưng may quá, chị Phượng kể: "Như có thần giao cách cảm giữa tôi và anh Nhất, tôi linh cảm rằng anh Nhất bảo tôi phải ra Hà Nội thuê luật sư chứ đừng thuê luật sư tại Đà Nẵng, tôi ra Hà Nội nhờ anh Phạm Xuân Nguyên, anh giới thiệu cho tôi thuê đúng luật sư Trần Vũ Hải".

Nếu Lê Thị Phương Anh bị nhân viên hỏi cung của công an Đồng Nai hành hung, nắm đầu ghì xuống bàn, khủng bố bằng cách nhốt chung với tù hình sự đầu gấu để chúng hành hung chị như chị đã kể, thì Trương Duy Nhất cho biết anh không hề bị như vậy. Anh nói, anh được như vậy vì anh cứng rắn đấu tranh ngay từ đầu không để bị khuất phục.

Nhất kể, có một lần một viên chức hỏi cung hung hăng đập tay xuống bàn hăm dọa, anh nghiêm mặt nói: Anh khuyên tôi không được mất bình tỉnh mà chính anh đã mất bình tỉnh. Tôi phản đối cách hành xử thô bạo thiếu kiềm chế và vô văn hóa của anh. Tôi cho anh biết nếu anh còn tiếp tục làm việc tôi với thái độ đó tôi yêu cầu thay đổi điều tra viên. Còn chẳng may anh gây ra thương tích cho tôi lúc đập bàn, tôi kiện khởi tố anh. Sau đó thì điều tra viên ấy bỏ ra ngoài và được thay bằng một điều tra viên khác vào làm bộ vuốt ve xoa dịu anh theo kiểu ông ác ông thiện mà chúng ta hay nhìn thấy trên phim Mỹ. Trương Duy Nhất cho biết đó là cái đập bàn duy nhất trước mặt anh của điều tra viên trong suốt một năm làm cái gọi là điều tra anh.

Anh cũng cho biết, anh không hề bị khủng bố bằng cách giam chung với tù hình sự đầu gấu trong suốt quá trình tạm giam để điều tra. Họ không dám làm vậy với tôi vì sợ tôi sẽ tố cáo, anh nói, một khi mình nắm luật và cứng rắn không chịu khuất phục, không để cho họ phĩnh phờ dụ dỗ thì họ không dám hành xử bậy bạ với mình.

Nhất nhận tất cả những bài anh viết trên blog Trương Duy Nhất, thậm chí anh còn trưng ra những bài viết mà anh đã không đăng lên, nhưng xuyên suốt trong quá trình điều tra cũng như ra tòa anh kiên quyết không cho rằng nội dung những điều anh viết là sai phạm, anh viết đúng người đúng việc, những đối tượng bị anh viết mới chính là tội phạm của đất nước, những sự việc anh nêu lên là sai trái có thật cần phải thay đổi để cứu nguy đất nước.

Sau hai phiên tòa kết án, anh đưa về thi hành án tại trại giam ở Nghệ An. Ngày đầu tiên quản giáo buộc anh ra nghe quản giáo giảng dạy để cải tạo, anh phản ứng ngay. "Đây là trại giam chứ không phải là trại cải tạo, tôi không mắc gì phải cải tạo, kẻ cần cải tạo là những kẻ đưa tôi vào đây. Hơn nữa các anh chẳng có trình độ gì hơn tôi mà dạy tôi, chẳng ai dạy được ai ở đây".

Trong trại giam, Nhất yêu cầu được đọc sách báo, được nhận sách báo cần thiết do người nhà gởi vào, được nhận bút giấy để ghi chép và viết lách, anh đã viết đến 4 tập nhật ký mà sau đó đã bị cướp như chúng ta đã biết. Tù nhân được xem tivi đến 9 giờ tối thì tắt, nhưng Nhất yêu cầu được xem đến khuya. Quản giáo nại nội quy của trại không cho, Nhất yêu cầu đưa ra nội quy và nói việc giam giữ tù nhân là phải thực hiện theo luật pháp quy định, không có cơ quan nào được quyền đưa ra nội quy kể cả bộ công an, mà pháp luật thì quy định rằng phải giam giữ tù nhân phù hợp với đặc điểm của mỗi người, tôi là người làm báo, người viết lách, cần có nhiều thông tin nên phải xem tivi nhiều hơn. Cuối cùng trại giam cũng để cho Nhất được xem tivi đến khuya miễn không làm phiền đến hai bạn tù cùng buồng.

Một lần Nhất bị thoát vị đĩa đệm không đứng và đi được phải đưa đến bệnh viện y học dân tộc của địa phương để chữa trị. Tại bệnh viện có phòng giam riêng cho tù nhân bị bệnh, mà theo Nhất là bẩn còn hơn chuồng súc vật, sau khi đưa lên khám bác sĩ, tù nhân phải đưa về đó nằm. Khi bác sĩ chẩn bệnh, Nhất nói với bác sĩ: Tôi bị bệnh nặng, không đứng dậy đi lại được, như bác sĩ đã chẩn đoán, cần nằm một chỗ để điều trị liên tục, tôi đề nghị bác sĩ hãy dùng quyền của mình ra y lệnh cho tôi nằm lại đây. Quản giáo đi theo phản đối tức khắc, Nhất và anh ta cãi cọ nhau kịch liệt, nhưng vị nữ bác sĩ ấy nói, tôi quyết định cho bệnh nhân được nằm lại đây để chữa trị. Quản giáo nháo nhào gọi điện thoại khắp nơi xin lệnh, cuối cùng phải để Nhất nằm lại, không đưa xuống phòng giam riêng của tù nhân, nhưng yêu cầu phải bố trí cho Nhất phòng riêng, không được nằm chung phòng với các bệnh nhân khác. Bác sĩ nói vậy thì có phòng riêng theo yêu cầu. Nhất được đưa lên phòng đặc biệt, có máy lạnh, ti vi. "Tôi được hưởng 21 ngày trong điều kiện cao cấp như vậy mà không phải trả tiền, vì khi tôi yêu cầu gởi hóa đơn cho gia đình thanh toán thì họ không dám. Nguyên tắc khi tù nhân nhập viện thì người nhà được báo để đến chăm sóc, nhưng họ giấu nhẹm người nhà của tôi nên họ phải chịu".

Vào ngày mồng một tết vừa rồi, một đoàn quản giáo trại giam do một đại tá công an dẫn đầu vào trại thăm và cho quà tết cho tù nhân. Tù nhân được đưa ra sân ngồi để nghe chúc tết và nhận quà. Sau màn nhận quà là màn các quản giáo đến từng chỗ bắt tay tù nhân. Nhất đứng lên ngoảnh đít đi vào trước khi các quản giáo kịp đến bắt tay. Quản giáo thấy vậy đến hoạnh họe Nhất tại sao mất lịch sự như vậy, anh nói: Đó không phải là những đối tượng tôi chìa tay ra bắt.

Huỳnh Ngọc Chênh
(còn nữa)

(Blog Tự Zo)

No comments:

Sâu Ciu Blog