Việc Trung Quốc đang biến những bãi cạn trên quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự để chiếm Biển Đông khiến Mỹ không thể ngồi yên.
Một loạt hành động, biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn hành động của Trung Quốc mà chúng ta đã được chứng kiến. Đó là, dùng máy bay, tàu chiến tuần tra để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (như việc đưa máy bay B-52 vào vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập trên vùng biển Hoa Đông); bật đèn xanh cho Nhật Bản được xây dựng quân đội mang tính tấn công và sẵn sàng tác chiến tại Biển Đông khi lợi ích quốc gia của Mỹ, Nhật Bản bị xâm hại; nước Úc cũng chính thức can thiệp quân sự vào Biển Đông cùng với một liên minh tuần tra Biển Đông của Indonesa, Malaysia và Singapo đang sẵn sàng. Điểm nhấn đặc biệt chú ý là Liên minh quân sự mạnh, trụ cột của Mỹ tại châu Á-TBD là Mỹ-Nhật Bản- Úc đã chính thức sẵn sàng can thiệp quân sự trực tiếp vào Biển Đông.
Các biện pháp và hành động của Mỹ và liên minh đối đầu với Trung Quốc do tính chất không thể thỏa hiệp, nên tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và rất dễ xảy ra xung đột. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục bồi lấp các đảo đá, bãi cạn xây dựng các căn cứ quân sự thì sự có mặt lực lượng quân sự của Mỹ-Nhật Bản-Úc sẽ xuất hiện dày đặc hơn, áp lực sẽ giáng xuống Trung Quốc lớn hơn.
Tuy nhiên, khi Mỹ chưa ra hết những quân bài trong tay mình thì còn quá sớm để trả lời câu hỏi liệu xung đột quân sự có xảy ra hay không. Và đây có thể là 2 “biện pháp hòa bình” của Mỹ trên Biển Đông theo kiểu Mỹ của Bộ trưởng QP, ông A. Carter đưa ra tại Shangri-la mới đây.
Bán vũ khí, máy bay săn ngầm cho Việt Nam.
Phải khẳng định rõ là Việt Nam không muốn làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng trên Biển Đông, muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam phải xây dựng một lực lượng Hải quân mạnh, hiện đại để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh hải, biển đảo. Việc mua sắm máy bay, tàu ngầm, tên lửa đối hải…là chỉ tự vệ và chỉ hoạt động trong vùng trời, vùng biển Việt Nam, là nhu cầu tất yếu mà không nhằm gây thêm căng thẳng trên Biển Đông.
Việt Nam đã mua sắm vũ khí của Nga, của Tây Âu và giờ mua thêm vũ khí của Mỹ để đa dạng hóa vũ khí, lựa chọn những loại vũ khí tốt, phù hợp, phục vụ yêu cầu chiến thuật phòng thủ là chuyện bình thường. Vì thế, quốc gia nào phản ứng tiêu cực với năng lực, sức mạnh của Hải quân Việt Nam là vô lý, nếu như không có ý đồ xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nếu Mỹ sẵn sàng bán máy bay săn ngầm hiện đại cho Việt Nam hoặc bất kỳ loại vũ khí nào khác mà Việt Nam cần thì Việt Nam cũng sẵn sàng mua.
Quan điểm của Mỹ, ngoài việc thu được tiền ra, Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam nhằm mục đích là Việt Nam sẽ ngăn chặn được mưu đồ, hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và đây cũng chính là quan điểm nhận thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam là quan điểm dựa trên chiến lược phòng thủ, tự vệ mà đối tượng tác chiến là những ai xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chẳng hạn, chống ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam là một nhiệm vụ sống còn, quyết định sự thành bại của hệ thống phòng thủ xa bờ (chống tiếp cận). Do đó, không mua máy bay chống ngầm của Mỹ thì Việt Nam mua của các nước khác loại tốt nhất có thể, ngoài lực lượng hiện có của Nga ra…để đa dạng hóa vũ khí, để tăng cường sức mạnh chống ngầm là không phải bàn cãi. Đương nhiên, khi có thêm P-3C Orion thì tàu ngầm đối phương sẽ “suy nghĩ 2 lần” khi xâm nhập vào vùng biển Việt Nam vì với tính năng kỹ, chiến thuật của nó, ngay cả khi P-3C Orion bay tuần tra trên bờ biển Việt Nam vẫn tạo ra sức răn đe lớn cho kẻ thù trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Mỹ biết Việt Nam cần gì và Mỹ biết Trung Quốc sợ điều gì, Mỹ muốn Việt Nam được trang bị mạnh lên để ngăn chặn Trung Quốc…là ý đồ của Mỹ, là quyền nhận thức của Mỹ. Nhưng với Việt Nam, ai ủng hộ chủ quyền biển đảo Việt Nam là đối tác, là bạn, ai hỗ trợ, bán cho Việt Nam những loại vũ khí tối tân để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc mà không có bất cứ điều kiện gì, nằm trong khả năng tài chính, thì Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận, mua, không băn khoăn với một tinh thần “Thà nuôi quân đội mình, còn không sẽ phải nuôi quân đội người khác”.
Bán vũ khí cho Đài Loan và…
Vào tháng 3/1979, thông qua “Luật quan hệ với Đài Loan”, Mỹ cam kết bảo vệ kinh tế, chế độ xã hội và an ninh cho Đài Loan. Trung Quốc đã “thử” cái cam kết này trong các lần “khủng hoảng eo biển Đài Loan” nhưng không thành công vì Mỹ tỏ ra hiếu chiến hơn hẳn. Đến nay, vấn đề Đài Loan vẫn là chủ đề nhạy cảm nhất, quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.
Mỗi khi Mỹ có ý đồ bán vũ khí cho Đài Loan là Trung Quốc nổi giận lôi đình, phản đối kịch liệt và không khó để nhận thức là khi đó Mỹ chơi “con bài Đài Loan” để buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp một vấn đề gì đó. Chúng ta đã rõ khi năm 2010, Mỹ đe bán cho Đài Loan gói vũ khí 6,4 tỷ USD và gần đây nhất, ngày18/12/2014, Tổng thống Barack Obama đã đặt bút ký phê chuẩn “Dự luật chuyển giao tàu chiến hải quân”, mở đường cho việc bán 4 tàu khu trục nhỏ Mỹ không còn sử dụng cho Đài Loan khi trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Oliver Hazard Perry cho Đài Loan đã khiên cho Trung Quốc rất tức giận.
Đúng thôi, vì Đài Loan là “lợi ích cốt lõi”, là lãnh thổ của Trung Quốc, bán vũ khí cho Đài Loan chẳng khác nào phủ nhận “một Trung Hoa”, “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Trung Quốc, làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia”, khiến Trung Quốc không giãy lên như “đỉa phải vôi” mới là chuyện lạ.
Rõ ràng là việc bán vũ khí cho Đài Loan ra sao, như thế nào, thời điểm…là một đòn cực hiểm “2 trong 1” (chính trị và quân sự) của Mỹ giáng vào Trung Quốc.
Xét trong mối quan hệ song phương Trung-Mỹ, thì xử lý, hóa giải miếng đòn này vô cùng khó khăn nếu như không nói là bế tắc. Do đó, về lý thuyết, Mỹ có thể tạo ra một cuộc nội chiến tại Trung Quốc (Đại lục và Đài Loan). Tuy nhiên, xét trên mối quan hệ đa phương, chiến lược toàn cầu, thì không phải không có cách để hóa giải, Trung Quốc có thể “bán đứng” ai đó hay thỏa hiệp điều gì đó nhằm bảo vệ lợi ích an ninh cốt lõi, then chốt, của mình như đã từng khi chưa đủ thế lực để đối đầu tay đôi với Mỹ.
Như vậy có thể nói, trên Biển Đông sẽ có rất nhiều “biện pháp hòa bình” trước khi phải dùng biện pháp chiến tranh. Biện pháp hòa bình mà Mỹ sẽ sử dụng như trên sẽ đồng thời tạo thế lực cho Mỹ trước thềm một cuộc xung đột quân sự. Do đó, hãy còn quá sớm để nói tới một cuộc xung đột Trung-Mỹ xảy ra trên Biển Đông khi Mỹ chưa tung ra hết những “biện pháp hòa bình”. Mới đây nhất, khi Biển Đông nóng lên sục sục thì bà Thái Anh Văn, thủ lĩnh Đảng Dân tiến của Đài Loan thăm Mỹ 12 ngày kể từ ngày 29/5, Hoàn Cầu thời báo đang lo sợ trước tuyên bố của 2 cố vấn thân cận của bà Thái Anh Văn là Trương Húc Thành và Kha Thừa Hanh: “Đảng Dân tiến sau khi cầm quyền sẽ từ bỏ chủ trương tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông”.
Quả thật, nếu vậy thì không có gì xấu và nguy hiểm hơn với Trung Quốc. Đài Loan vẫn là một vấn đề hóc hiểm nhất, là tử huyệt của Trung Quốc mà Mỹ quá hiểu.
Liệu trên Biển Đông, Trung Quốc có “lùi” không khi không muốn Việt Nam, mà đặc biệt là Đài Loan được Mỹ vũ trang hùng cứ một phương?
Lê Ngọc Thống
Chuyên gia - Kỹ sư chỉ huy-Hoa tiêu. Nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.
(Blog Lê Ngọc Thống)
No comments: