Nổ súng vào máy bay Hoa Kỳ là một hành động chiến tranh, vì vậy một kịch bản như thế rất khó xảy ra.
Jim Sciutto, phóng viên đài CNN có mặt trên chiếc P-8 Hải quân Hoa Kỳ giám sát hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa.
Tờ Lenta của Nga ngày 1/6 đưa tin, trong cuộc trả lời trực tuyến trên trang web Reddit tuần qua, phóng viên đài CNN Jim Sciutto, người đã có mặt trên chiếc máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ giám sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp xây dựng (bất hợp pháp) trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), đã chia sẻ một số trải nghiệm cũng như bình luận của ông về sự kiện này.
Jim Sciutto cho biết, thông điệp của phía Trung Quốc đã thất bại và không có bất kỳ thay đổi nào trong trạng thái tâm lý phi hành đoàn P-8. Những người có mặt trên chiếc P-8 đã nhìn thấy một tàu chiến Trung Quốc bám theo và trên đó có vũ khí có thể tấn công máy bay Mỹ.
Tuy nhiên nổ súng vào máy bay Hoa Kỳ là một hành động chiến tranh, vì vậy một kịch bản như thế rất khó xảy ra. Trong vụ này, Lầu Năm Góc muốn cả thế giới biết về các hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc, đồng thời cho Bắc Kinh thấy rằng Hoa Kỳ lúc nào cũng theo dõi họ, công bố sự thật và Washington đang mất dần kiên nhẫn. Chiến thuật này tỏ ra có hiệu quả.
Tuy không ai muốn xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, nhưng thực tế không loại trừ một kịch bản như vậy nếu một máy bay hay tàu chiến bị chìm trong vùng biển này. Va chạm giữa máy bay trinh sát Mỹ với chiến đấu cơ Trung Quốc đã từng xảy ra năm 2001 ngoài khơi đảo Hải Nam, nhưng bây giờ nếu lặp lại nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
Chiếc máy bay do thám Hải quân Mỹ EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, Trung Quốc sau khi va chạm với một chiến đấu cơ nước này khiến phi công Trung Quốc tử vong. Ảnh: Reuters.
EricRickJoeZhou, một người tham gia thảo luận với Jim Sciutto cho rằng hiện khó có thể xác định căng thẳng Trung - Mỹ trên Biển Đông sẽ dược hạ nhiệt bằng cách nào trong giai đoạn này, bởi lẽ cả hai đều thấy việc làm của họ gắn với lợi ích quốc gia trực tiếp của mình. Ông cho rằng hiện tại không có cách nào khả thi để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bồi lấp và xây dựng các tiền đồn quân sự trên điểm đảo nhân tạo nếu không sử dụng vũ lực.
"Dùng vũ lực" ở đây theo EricRickJoeZhou có hai khả năng. Một là Mỹ ngăn chặn các tàu hút bùn, nạo vét của Trung Quốc không cho chúng hoạt động. Hai là dùng Hải quân, Thủy quân lục chiến chiếm 7 điểm đảo nhân tạo, nhưng điều này sẽ là một tuyên bố chiến tranh nên khó có khả năng xảy ra.
Hiện tại Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự ở Trường Sa càng nhiều càng tốt chứ không chủ động gây ra một cuộc xung đột nóng.
Ngoài Mỹ ra, các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông cũng đang phải đối mặt với thách thức bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) của Bắc Kinh ở Trường Sa. Nhưng bản thân các nước này cũng có yêu sách chồng lấn nhau, tranh chấp chưa thể giải quyết, điều đó ngăn cản bất kỳ hình thức liên minh quân sự nào (chống lại sự bành trướng của Trung Quốc) trong ngắn hạn.
Theo dõi và nghiền ngẫm về chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông, EricRickJoeZhou cho rằng có thể Bắc Kinh không tìm cách lấy việc bồi lấp, xây dựng các bãi đá ngầm như Chữ Thập thành đảo nhân tạo để đòi yêu sách "lãnh hải 12 hải lý" mà là để sử dụng chúng như một tiền đồn có máy bay quân sự.
Với sân bay đang hình thành trên bãi đá Chữ Thập, tới đây Bắc Kinh có thể triển khai một vùng nhận diện phòng không ADIZ. Điều này thể hiện rõ khi chiếc P-8 Hải quân Mỹ bay qua đây, lính Trung Quốc đã không đưa ra cảnh báo máy bay Mỹ "tiếp cận không phận Trung Quốc" mà là tiếp cận "khu vực cảnh báo quân sự", EricRickJoeZhou bình luận.
Hồng Thủy
(Giáo Dục)
No comments: