vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Vay để trả nợ công: Không phải chỉ là một bước lùi!

Nếu nói chỉ “là bước lùi” thì không chính xác. Phải nói là đường cùng không lối thoát đối với kinh tế của một đất nước như VN hiện nay.

Ngày 2/6, UB Tài chính - Ngân sách nhà nước trình Dự thảo trước Quốc hội Luật ngân sách sửa đổi, trong đó cho phép Chính phủ được đi vay để trả nợ công và một số điều chỉnh về chính sách quản lý nợ công.

Thảo luận về nội dung Luật ngân sách sửa đổi, một số đại biểu QH cho rằng đây là một bước lùi và quan ngại sẽ xảy ra tình trạng vay nợ để trả nợ tràn lan, lún sâu vào nợ nần, vượt qua năng lực phát triển kinh tế để trả nợ...

Vay nợ để trả nợ, nền kinh tế sẽ lún sâu vào nợ nần.
Về ý kiến quan ngại, việc vay nợ để trả nợ sẽ khiến kinh tế lún sâu vào nợ nần là điều đương nhiên không cần bàn cãi. Chẳng có ai ngồi không đi vay để ăn rồi đi vay tiếp để trả nợ mà thoát nợ được cả. Nhưng nếu nói chỉ “là bước lùi” thì không chính xác. Phải nói là đường cùng không lối thoát đối với kinh tế của một đất nước như VN hiện nay.

Nguồn cơn từ đâu?

Đã có không ít “giải trình” về tình trạng khó khăn, mức nợ vay quá lớn và cuộc đổ vỡ kinh tế toàn diện mà Việt Nam đang gặp phải. Nhưng nhìn chung, hầu hết đều vin vào cái cớ là cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu mấy năm trước. Chưa thấy một phân tích, đánh giá nghiêm túc về căn nguyên dẫn đến tình trạng nợ công, ngân sách trống rỗng hiện nay.

Cách đây 8- 10 năm về trước, Chính phủ Việt Nam luôn hào hứng và liên tục đưa ra các thông điệp đầy lạc quan về khả năng tăng trưởng kinh tế quốc gia. Có không ít quan chức đăng đàn vẽ ra bóng dáng “con hổ, con rồng” Châu Á mang tên Việt Nam mà không hề nghĩ rằng nó chỉ là bức tranh vẽ trong tưởng tượng. Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2007-2010 thực tế có xảy ra hay không chưa phải là nguyên nhân chính, mà nó chỉ là nguyên nhân phụ, góp thêm mức độ trầm trọng của nên kinh tế VN gia tăng chút ít mà thôi!

Tại sao?

Để lật lại vấn đề này, cần phải nhìn lại bối cảnh Việt Nam 18 năm trước. Thời điểm 1996, khi công cuộc mở cửa thị trường chính thức khai mở và sau đó là thời kỳ “tăng trưởng nóng”, từ một nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, chuyển qua cuộc “cách mạng” lấy công nghiệp làm chủ đạo trên nền tảng tri thức và công nghệ lạc hậu so với thế giới hàng trăm năm. Lệnh cấm vận từ Mỹ tuy đã được dỡ bỏ một phần nhưng phần quan trọng nhất là tiền tệ và thương mại vẫn còn vướng mắc do các điều kiện về nhân quyền chưa được đáp ứng. Cuộc chạy đua vào WTO được kỳ vọng như một cứu cánh để bay lên từ toan tính: Vào được WTO thì sẽ vay được vốn để đầu tư cho nền kinh tế “thị trường” nửa vời. Giấc mơ “có tiền sẽ làm ra tiền” trong khi chưa có đủ các điều kiện cần thiết về năng lực quản trị - thứ kiến thức tối quan trọng, không thể thiếu trong kinh doanh và phát triển - và hàng trăm thứ khác liên quan những rủi ro khi bước chân vào một thị trường mở là những tiền đề của VN hôm nay.

Dấu hiệu mất kiểm soát về tài chính ở cấp vĩ mô đầu tiên chính là hàng trăm khu công nghiệp khắp các tỉnh thành trên cả nước tiêu tốn hàng triệu tỷ đồng nhưng bỏ hoang vì không có nhà đầu tư. Xuất khẩu gạo của VN bị Thái Lan đẩy xuống mấy bậc lẽ ra phải được xem là lời cảnh báo thiết thực nhưng Chính phủ vẫn say sưa với bất động sản và kỳ vọng vào các khu công nghiệp, vốn FDI.

Có vẻ như giai đoạn này Chính phủ không hề biết bất động sản thực ra tăng trưởng ảo và FDI luôn được cộng cả những lời hứa chưa thực hiện của các doanh nghiệp nước ngoài trong các bản báo cáo (!)

Người ta hào hứng với những khoản thu thuế từ tăng giá của bất động sản, đổ tiền đầu tư vô tội vạ mà không hề biết rằng giá bất động sản tăng chỉ bởi một chiêu trò lừa đảo kinh điển của các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Ai cũng biết giá nhà đất ở Hà Nội, Sài Gòn đắt bậc nhất thế giới khi so với Tokyo, New Yooc..., nhưng không nhận ra thu nhập của người dân Nhật hay Mỹ 40.000 - 50.000 USD có ý nghĩa ra sao khi so sánh với thu nhập của người VN lúc đó (!) Khoản thu vài phần trăm lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản không những không thể bù vào số thất thoát, tồn đọng khổng lồ và còn rơi rụng phần lớn vào túi riêng của quan chức tham nhũng bằng nhiều cách khác nhau. Hầu hết các lĩnh vực đầu tư khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Chỉ riêng thị trường bất động sản, nếu tính các dự án mà các doanh nghiệp nhà nước cả đầu tư đúng ngành và trái ngành đã rút ruột bao nhiêu tiền? Đầu tư sai, ứ đọng, thất thoát vốn vào bất động sản là lổ hổng “nuốt” hầu hết nguồn vốn đầu tư công. Để có nguồn vốn, bắt buộc phải đi vay để bù vào. Kèm với bất động sản là vấn nạn tham nhũng bùng phát. Lợi dụng năng lực quản lý yếu kém, cuộc đua “ăn không chừa thứ gì” giúp cho hàng triệu đảng viên, cán bộ từ thấp đến cao vừa móc túi công quỹ, vừa móc túi dân qua những câu kết và thủ đoạn mà ngày nay gọi là “lợi ích nhóm” đem đến cho giới quan chức những tài sản khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn nhưng cũng nhanh chóng đục khoét ngân sách nhà nước thành trống rỗng.

Tới giai đoạn 2006-2008. Thị trường địa ốc vào giai đoạn đi xuống trước khi lụi tàn, nhưng Chính phủ vẫn còn đang trong cơn say no nê với những báo cáo sặc mùi khẩu hiệu, phớt lờ mọi cảnh báo của các chuyên gia kinh tế dày dạn cả trong và ngoài nước. Nợ công chính thức đe dọa khi phải dùng để nuôi bộ máy tham nhũng cồng kềnh đã sinh ra từ vấn nạn “loạn biên chế” mà một thời báo chí đã cảnh báo.

Cuối 2008-2012 thì cơn bão khủng khoảng kinh tế “quẹt” vào Việt Nam, toàn bộ hệ thống kinh tế VN như cái cây mục ruỗng đã tự sụp đổ đã rã nát chứ không hề là nguyên nhân chính làm cho nó ngã gãy!

Nguồn vốn vay bằng “đánh đổi mọi giá” từ Trung Quốc như muối bỏ biển. Chỉ đủ cho Chính phủ tung hỏa mù “VN thoát khỏi khủng khoảng kinh tế nhanh” cho đến khi lòi ra câu chuyện “đi vay để ăn” hôm nay (!). Khi mà các khoản nợ vay bị lãng quên trong cơn say tranh thủ “ăn” giai đoạn “tăng trưởng” ảo suốt hơn chục năm qua tới hạn phải trả thì cũng là lúc không còn đường nào khác là tiếp tục đi vay (!). Thực tế là bước đường cùng chứ không phải là “bước lùi” như các ĐBQH đặt ra.

Tại sao không?

Nợ công, tham nhũng… là nguyên nhân chính đẻ ra hàng loạt các “chính sách” ngược đời mà hậu quả là người dân VN phải gánh chịu. Tăng giá xăng, điện, nước, dịch vụ, thu phí.v.v. không thể bù đắp cho các khoản chi công khổng lồ hiện tại. Tinh giảm biên chế trên thực tế chỉ là đẩy những người không có thân thế, tiền bạc lo lót ra ngoài để phình ra thêm hàng loạt chức danh, vị trí cho những kẻ cơ hội, luồn lách, con ông cháu cha tham gia vào bộ máy tham nhũng, lợi ích nhóm.

Cắt hàng loạt ưu đãi đầu tư cho các loại hình hoạt động có tính hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khiến cho khu vực kinh tế tư nhân - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - lâm vào bế tắc. Các công cụ điều tiết vĩ mô như kinh doanh vàng, lãi suất, khống chế giá… mất hiệu lực khả thi bởi không được xây dựng trên cơ sở kinh tế thị trường. Các hỗ trợ chỉ nhằm bảo hộ khối doanh nghiệp nhà nước mà không tính tới hiệu quả và khu vực kinh tế lớn nhất là doanh nghiêp vừa và nhỏ vì vướng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”... tiếp tục sẽ ép chính quyền kẹt cứng vào bước đường cùng không lối thoát bởi những thất thoát do lề lối quản lý vô trách nhiệm kiểu “cha chung không ai khóc”.

Hàng loạt câu hỏi bức thiết phải đặt ra là tại sao không tư hữu hóa một phần quyền sở hữu đất đai? Vấn đề này đã được đặt ra khá lâu nhưng không hề được xem xét nghiêm túc. Giảm giá bất động sản bằng công cụ chính sách, kết hợp việc công nhận quyền sở hữu đất đai sẽ cho phép Chính phủ thu về một khoản vốn không hề nhỏ.

Tại sao không kiên quyết chống tham nhũng và rà soát lại biên chế? Nếu không thì mọi nguồn vay nếu có cũng không thể cải thiện được vấn nạn nợ công.

Tại sao không chấm dứt chính sách bảo hộ, tập trung cho khối DNNN, kiến tạo môi trường kinh tế thị trường thật sự để thúc đẩy cạnh tranh, thu hút vốn? Rõ ràng, chấm dứt độc quyền các ngành viễn thông, năng lượng, xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt... là những lĩnh vực thu hút vốn tốt nhất hiện nay.

Tại sao không đẩy mạnh hợp tác kinh tế đa chiều với các nước khác, chấm dứt vay thêm từ TQ để từng bước giảm sự lệ thuộc bởi áp lực trả nợ một mối trong thời gian tới?

Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền lại đang nuôi một giấc mộng mới và tiếp tục đặt cược vào TPP. Tương tự như canh bạc WTO trước đây.

Trước mắt, người dân VN vẫn là oằn lưng cõng thêm các khoản thuế và phí cùng khoản vay ngày càng lớn dù không hế được lợi lộc gì từ nó!

Thiên Điểu

No comments:

Sâu Ciu Blog