Nhiều người coi sở hữu một biển số xe “đẹp”, “độc” không chỉ thể hiện đẳng cấp mà còn mang lại “số may”.
Biển đẹp, biển độc
Bức ảnh chụp một vị Bí thư Huyện uỷ bên chiếc xe có biển số “cực đẹp” 92P1-999.99, đã khiến dư luận “dậy sóng”. Sự “dậy sóng” của dư luận cũng là lẽ thường tình khi mà quy trình cấp biển số xe ở huyện này chỉ mới tới đầu số 041, nhưng chiếc xe của vị quan chức này đã nghiễm nhiên nhảy tới mức 99999, tức là còn cách xa tít tắp mới tới đầu số này.
Dư âm câu chuyện về vị Bí thư huyện uỷ bất chấp quy định để có được biển số “cực đẹp” chưa kịp lắng xuống, thì báo Vietnamnet ngày 27/5 đưa tin: Ở Hà Nội, có hai chiếc xe hơi đắt tiền hiệu Ranger Rover có chung một biển số “độc” 30A-369.89 tung tăng “lượn” khắp phố phường thủ đô mà không bị cơ quan chức năng xử lý.
Từ chuyện vị Bí thư Huyện uỷ được “ưu ái” cấp một biển số “cực đẹp” đến hiện tượng hai xe sang chung một biến số “độc” ở Hà Nội đã khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề không mới, nhưng vẫn gây không ít ồn ã. Đó là việc mua bán, cò mồi trong khâu cấp biển số xe hiện nay. Thực tế cho thấy, đây là một hiện tượng đã xuất hiện khá lâu và ít nhiều đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Những chiếc biển kiểm soát với những con số “đẹp”, “độc” thường có giá trị rất lớn so với những chiếc biển kiểm soát thông thường khác.
Quan niệm về số “đẹp”, “xấu” dường như vốn xuất phát từ văn hoá truyền thống mang đậm ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa. Ví dụ như số 3 (tài), 6 (lộc), 8 (phát), 9 (cửu), 39, 79 (thần tài) và người ta cho rằng, ai sở hữu những con số này thì sẽ nhận được nhiều may mắn và tài lộc trong cuộc sống.
Hai chiếc xe cùng mang 1 BKS. Ảnh: Thành Long/VietNamNet
Vì vậy mà đối với nhiều người, sở hữu một biển số xe “đẹp”, “độc” không chỉ thể hiện đẳng cấp mà còn mang lại “số may”. Có thể nói rằng, vẫn đang tồn tại một bộ phận không nhỏ từ người dân cho đến ngay cả những cán bộ, quan chức đặt niềm tin vào các con số kiểu này.
Khác với số điện thoại được pháp luật coi là một loại tài sản thuộc sở hữu cá nhân, biển số xe chỉ được coi là một phương thức để các lực lượng thi hành pháp luật quản lý các phương tiện giao thông. Vì vậy mà mọi hành vi mua, bán, tặng biển số xe đều được coi là vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, tình trạng mua bán biển số xe đẹp vẫn diễn ra một cách lén lút thông qua đội ngũ “cò” biển số.
Tôi từng có lần đi đăng ký biển số xe và nhận được không ít lời gạ gẫm mua biển số đẹp từ các “cò” xung quanh địa điểm ấy. Mặc dù hiện nay việc cấp biển số xe đã được số hoá bằng cách bấm số ngẫu nhiên, nhưng thật khó để tin rằng những biển số đẹp sẽ được cấp cho chủ xe một cách tình cờ.
Có nên đấu giá “biển đẹp”?
Hiện tượng mua bán, cò mồi biển số xe không ít trên mặt báo và rất được dư luận quan tâm. Xung quanh câu chuyện này, một ý kiến nhận được rất nhiều sự đồng tình là nên công khai bán đấu giá biển số xe đẹp.
Thực tế cho thấy, hình thức bán đấu giá biển số xe đã từng được các bộ, ngành chú ý từ lâu. Năm 2008, tỉnh Nghệ An đã triển khai thử nghiệm bán đấu giá biển số xe đẹp và thu về số tiền hơn 2,8 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Nhưng đáng tiếc là sau vài tháng triển khai, việc đấu giá đã bị “tuýt còi” do vấp phải những tranh cãi và thiếu quy định về mặt luật pháp.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp phối hợp nghiên cứu, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về việc bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe. Nhưng cho đến nay, thông tư này vẫn chưa thể ban hành do vẫn còn vướng mắc những tranh cãi về mặt pháp lý.
Nhìn ra thế giới, đã có những kinh nghiệm về việc áp dụng đấu giá biển số xem và đem lại hiệu quả. Chẳng hạn, theo BBC, trong 25 năm đầu tiên thực hiện sáng kiến bán biển số “cá nhân hóa”, Cơ quan Cấp phép Phương tiện và Tài xế Anh (DVLA) đã thu về cho ngân sách nước Anh hơn 2 tỉ bảng (gần 3 tỉ USD). Vào ngày 14/5 vừa qua, Cơ quan này ra thông báo họ vừa bán đấu giá thành công biển số xe “KR15 HNA” với số tiền kỷ lục là 233.000 bảng Anh (khoảng 8 tỉ đồng) cho một nữ doanh nhân.
Nhu cầu về biển số xe đẹp là điều hoàn toàn có thật. Vậy tại sao thay vì để những khoản lợi nhuận phi pháp từ việc buôn bán chúng rơi vào tay “cò mồi”, chúng ta không tổ chức bán đấu giá công khai.
Điều này sẽ giúp tăng thu ngân sách, phục vụ công ích cho xã hội. Từ góc nhìn của người viết, biến một nhu cầu có thật trở thành một cơ chế được quy định rõ ràng trong pháp luật là điều rất nên cân nhắc thực hiện.
Trần Thông
(Tuần Việt Nam)
No comments: