vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Nhiều phòng tiêm chủng Hà Nội hết vắcxin ngừa thủy đậu- TIN TỨC 24H

Dịch thủy đậu đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã hết vắcxin ngừa bệnh. Nguyên nhân bởi loại vắcxin này được cung ứng theo đường tiêm dịch vụ.

Tại phòng tiêm chủng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm phòng thủy đậu đều nhận được câu trả lời "không có thuốc". Theo một nhân viên tại đây, vắcxin ngừa thủy đậu hết từ nửa năm nay, không rõ khi nào sẽ có lại. Vì thế, những người có nhu cầu tiêm đều được hẹn 1-2 tháng gọi lại.

Các phòng tiêm chủng trên phố Lò Đúc, Ông Ích Khiêm... cũng rơi vào tình trạng tượng tự.

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng nhận định, người Việt Nam chưa có thói quen tiêm vắcxin phòng bệnh. Vắcxin ngừa thủy đậu lại được cung ứng theo đường tiêm dịch vụ nên các đơn vị nhập khẩu không muốn nhập nhiều, sợ không bán được. Vì thế, cứ mỗi khi có dịch nhiều người lại đổ xô đi tiêm, dẫn đến tình trạng thiếu vắcxin. 

Biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả là tiêm vắcxin. Ảnh: N.P.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ y tế), vắcxin phòng bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vắcxin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vì vậy các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời.

Trước thực tế này, Cục đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đăng ký lưu hành để cung ứng đủ vắcxin ngừa thủy đậu. Trước mắt, Cục đã xét duyệt khẩn cấp để công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine-GCC inj (phòng bệnh thủy đậu).

Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vắcxin chủ động lập dự trù, tránh để xảy ra tình trạng thiếu vắcxin, biến động giá dẫn đến khó khăn trong kiểm soát bệnh.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh thủy đậu lây theo đường hô hấp, lan mạnh như sởi. Trường hợp nào đã mắc thì sẽ không bị lại nữa. Biểu hiện của bệnh là lên bọng nước nên dân gian gọi là bỏng dạ. Đây là bệnh lành tính, biến chứng không nặng nề như sởi.

Thời gian ủ bệnh (tính từ khi bắt đầu nhiễm virus đến khi có biểu hiện bệnh đầu tiên) trung bình khoảng 14 ngày. Thủy đậu lây mạnh nhất ở tuần đầu tiên trước khi có biểu hiện.

Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, giữ đường hô hấp, da. Quan trọng là đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.

Hiện Việt Nam chưa sản xuất được vắcxin ngừa thủy đậu. Các loại vắcxin nhập khẩu xuất xứ từ Bỉ, Pháp có giá khoảng 400.000 đồng một mũi. 

 

 

Nguồn: http://www.24h.com.vn/

No comments:

Sâu Ciu Blog