vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Nhà cầm quyền Trung Quốc cô lập tộc người Duy Ngô Nhĩ bằng cách nào?

Ethnic Uyghur students and their Han Chinese teacher during class in Korla, 13 September 2003, in western China's Xinjiang region.  (FREDERIC J. BROWN/AFP/Getty Images)
Học sinh người Duy Ngô Nhĩ và giáo viên người Hán trong một lớp học ở Korla, ngày 13 tháng 9 năm 2003 (FREDERIC J. BROWN/AFP/Getty Images)

Gần đây, chính quyền thành phố Y Ninh tại Tân Cương – một tỉnh nằm về phía cực tây của Trung Quốc, đã gửi một thông báo chung cho toàn thể 440.000 cư dân để yêu cầu họ nộp hộ chiếu đến Cục An ninh địa phương. Tờ báo Deutsche Welle đăng tin rằng nếu họ không nộp trước ngày 15 tháng 5, thì hộ chiếu của họ sẽ không còn giá trị nữa. Không có bất lỳ lời giải thích nào kèm theo sắc lệnh này. Vì vậy, người ta cho rằng đây có thể là một cái mới nhất trong chuỗi dài danh sách những chính sách đàn áp được gây ra bởi nhà nước độc đảng Trung Quốc.

Y Ninh, cũng gọi là Ghulja, nằm gần biên giới Trung Quốc – Kazakh thuộc phía tây bắc của Tân Cương, là tỉnh lớn nhất của Trung Quốc và cũng là quê hương của 47 trong số 55 dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Trong đó, 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã chiếm gần một nửa dân số của khu vực này.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, có rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi thuộc nhóm ngôn ngữ Turkic đã bị đàn áp vì sắc tộc và tôn giáo của họ. Thậm chí cho đến tận bây giờ, dù đã trải qua nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài tồi tệ nhất của Mao Trạch Đông, thì tộc người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang bị phương tiện truyền thông nhà nước sỉ nhục vào những phong tục tập quán truyền thống của họ. Chẳng hạn như tục để râu của đàn ông, hay tục đeo khăn trùm đầu tượng trưng cho phẩm giá của người phụ nữ. Họ thậm chí còn bị cưỡng ép ăn thịt heo, điều này được coi là rất ô uế trong văn hóa Hồi giáo.

Kiểm soát phong trào

 Dilshat Rexit – phát ngôn viên của Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, nói với tờ báo Deutsche Welle: “Chính phủ Trung Quốc đang lo lắng rằng người Duy Ngô Nhĩ sau khi trở về từ chuyến du lịch nước ngoài, họ sẽ có một sự hiểu biết tốt hơn về tình trạng của mình và có một ý chí mạnh mẽ hơn để phản đối chính phủ”.

Chính quyền Trung Quốc đã ban hành quy định từ chối cấp giấy phép du lịch cho những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng. Trên bình diện rộng hơn, người Duy Ngô Nhĩ thường bị từ chối phục vụ khi cố gắng đặt phòng khách sạn hoặc mua vé máy bay, vé tàu lửa tại các vùng khác nhau của Trung Quốc, bởi quan niệm cho rằng họ như là những kẻ khủng bố.

“Việc hạn chế cấp hộ chiếu đã cho thấy rằng chính quyền đang thiếu đi sự tự tin khi sự cai trị của họ ở Tân Cương đang bị đe dọa”, phát ngôn viên Rexit nói.

Tsering Woeser – nhà văn kiêm nhà hoạt động Tây Tạng nổi tiếng, nói với tờ Deutsche Welle rằng cô đã bị từ chối nhiều lần kể từ năm 1997 khi nộp đơn xin hộ chiếu mới. Nỗ lực mới nhất của cô trong năm 2012 đã được kết thúc khi một sĩ quan cảnh sát nói rằng cô đã bị Cục An Ninh liệt vào danh sách đen những người không được phép ra nước ngoài.

Cô Woeser nói: “Không được cấp hộ chiếu thì cuộc sống của tôi cũng chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể [bởi quy định mới]. Cô đã phải từ chối lời mời tham gia chương trình sáng tác văn học tại Mỹ và Đức do cô không thể ra nước ngoài.

“Giáo dục song ngữ” hay là sự huỷ diệt cả một dân tộc?

Ngoài việc tịch thu hộ chiếu ở Y Ninh, các chính sách ngôn ngữ và giáo dục ở Tân Cương đã thể hiện rằng ĐCSTQ đã cố tình gây chia rẽ để cô lập cộng đồng dân tộc thiểu số này, đồng thời phá hoại bản sắc văn hóa của họ.

Người Duy Ngô Nhĩ thuộc tộc người Turkic có cùng chung ngôn ngữ và nền văn hóa gần gũi với các sắc dân Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan và các quốc gia khác.

Theo một báo cáo của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (UHRP) được công bố vào ngày 20 tháng 5: “ĐCSTQ đã đặt bản thân mình vào vai trò trung tâm để định đoạt đặc tính của người Duy Ngô Nhĩ” nhằm đồng hóa họ vào một “bản sắc văn hóa rộng lớn hơn của Trung Quốc”.

Tác động nổi bật của việc đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ nằm trong cái gọi là chính sách “giáo dục song ngữ”, trong đó tuyên bố sự bình đẳng của cả hai thứ tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Quan thoại, nhưng trên thực tế thì họ lại cố tình hạn chế sử dụng tiếng địa phương.

Một luận văn với tựa đề “Tiếng nói của người Duy Ngô Nhĩ về nền giáo dục: Chính sách đồng hóa “Giáo dục song ngữ” của Trung Quốc áp đặt lên Đông Turkestan” bao gồm 4 tiểu luận được viết bởi những người Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi, mô tả trải nghiệm của họ khi bị cuốn theo cái chính sách “được thiết kế để biến đổi học sinh Duy Ngô Nhĩ ở tất cả các cấp độ của nền giáo dục bằng cách loại bỏ tiếng mẹ đẻ của họ, thay vào đó là vận dụng tiếng phổ thông trong lớp học, và đặt ra một thách thức cơ bản đối với việc gìn giữ bản sắc riêng biệt của người Duy Ngô Nhĩ”.

Vào những năm 1990, lần đầu tiên “Giáo dục song ngữ” được tích cực triển khai trong các trường học tại Tân Cương. Ngoài việc bổ sung thêm nhiều thời gian để dạy tiếng Quan thoại, các chương trình đào tạo địa phương cũng được thay đổi để nhồi sọ những tiết học chính trị. Và nhiều giáo viên người Hán được ưu tiên tuyển dụng, mặc dù họ không thể nói tiếng Duy Ngô Nhĩ.

“Mặt khác, đối với nhiều giáo viên Duy Ngô Nhĩ, buộc phải biết nói lưu loát cả hai tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Quan thoại, và bất kỳ giáo viên Duy Ngô Nhĩ nào không biết nói tiếng Quan thoại thì phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp”, luận văn nêu rõ trong phần mở đầu.

“Chính sách giáo dục song ngữ của Trung Quốc đã thực hiện tại Đông Turkestan không có chút nào là song ngữ cả. Thực tế thì nó là một sự giáo dục đơn thuần bằng tiếng Quan thoại”, Alim Seytoff  – Giám đốc của UHRP cho biết trong một tuyên bố được thực hiện tại Washington, DC.

Năm 2004, tiếng Quan thoại đã trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính thức tại tất cả các trường tiểu học và trung học ở Tân Cương. Và trong năm 2010, hàng tỷ nhân dân tệ rút từ ngân sách nhà nước đã được đổ vào để tài trợ cho các chương trình song ngữ tại 1.700 trường mẫu giáo. Vào tháng 2 năm nay, 450.000 trẻ em của các trường mẫu giáo đã được giáo dục theo cách này với nguồn kinh phí trên, trong đó có hơn 1.000 trường mầm non song ngữ mới mở, báo cáo cho biết.

Chúng ta đều là người Trung Quốc

Mặc dù ĐCSTQ luôn hô hào bình đẳng dân tộc và sắc tộc, nhưng trên thực tế thì nhiều học sinh người Duy Ngô Nhĩ nhận được cơ hội và cách đối xử rất khác so với học sinh người Hán.

Vào năm 2013, Ilham Tohti – một học giả nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ, hiện đang thụ án chung thân tại một nhà tù Trung Quốc, đã viết một bài tiểu luận đưa ra những quan điểm của ông về kích cỡ của các lớp học thuộc hệ phổ thông trung học tại thành phố Atush. Cùng một kích cỡ lớp học, nếu xét mức độ trung bình, thì lớp học của người Duy Ngô Nhĩ có đến 50 học sinh, nhưng chỉ có 30 học sinh trong lớp học của người Hán. Điều này phản ánh sự khác biệt trong việc phân bổ nguồn kinh phí, họ luôn theo chiều hướng là thiên vị người Hán.

Một trong những bài tiểu luận viết bằng tiếng Trung Quốc được UHRP chọn để đăng trong bản công bố của mình là của một tác giả giấu tên. Bài tiểu luận cho rằng chương trình giáo dục song ngữ đã khiến nhiều đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ không thể nói thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình.

Tác giả đã viết: “Ngay cả khi tôi muốn nói hai câu [bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ ], thì đột nhiên ngôn từ của tôi đã trở nên rời rạc, và thậm chí tôi phải mất một thời gian dài để thốt ra những từ đơn giản nhất”.

Khi được hỏi lý do tại sao không thông thạo tiếng mẹ đẻ của mình, nhiều người sẽ trả lời không một chút do dự: “Bạn có biết lịch học của chúng tôi được sắp xếp dày đặc đến mức độ nào không? Tôi thậm chí còn không thể theo kịp lịch học của mình, nói gì đến chuyện có đủ năng lượng để nói tiếng mẹ đẻ?”.

Khi viết về những năm ngồi trên giảng đường đại học của mình, tác giả này đã đề xuất một cuộc thảo luận về việc phân biệt sắc tộc và phân biệt đối xử trong phạm vi rộng lớn hơn tại Trung Quốc, bất chấp văn hóa và bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ đang dần trở nên nhạt nhòa:

“Rất nhiều người luôn lải nhải cái câu: “Chúng ta đều là người Trung Quốc”. Nhưng ngay sau khi có một điều gì đó xảy ra liên quan đến dân tộc của chúng tôi, họ nhanh chóng cô lập chúng tôi lại. Thực tế của cuộc sống không ngừng nhắc nhở rằng chúng tôi không thể trở thành người Hán, và chúng tôi cũng chưa bao giờ được đối xử bình đẳng như người Hán”.

Trong khi người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số khác đang nhanh chóng thay thế tiếng bản địa bằng tiếng Quan thoại, thì người Hán sống ở Tân Cương hiếm khi học tiếng Duy Ngô Nhĩ và thậm chí còn từ chối khi có cơ hội. Còn các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thì quy chụp rằng ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ không có khả năng lột tả những khái niệm hiện đại và thậm chí còn tuyên bố rằng việc không nói được tiếng Quan thoại là tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố.

“Rõ ràng cái lối tư duy này đã ăn sâu vào não của họ, và chúng tôi sẽ mãi mãi khác biệt so với họ”, nhà bình luận người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục viết: “Cho dù bạn có thể nói chuẩn tiếng Quan thoại giỏi đến mấy, cho dù bạn có những bạn thân là đàn ông và phụ nữ người Hán nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, thì bạn vẫn khác biệt so với họ”.

Leo Timm, Epoch Times

(Đại Kỷ Nguyên)

No comments:

Sâu Ciu Blog