Ảnh: BBC VN
Cuối cùng ngày 3-6-2015, ông Sepp Blatter tuyên bố từ chức sau khi vừa “tái đắc cử” được bốn ngày chức chủ tịch FIFA (Fédération Internationale de Football Association – Liên đoàn Bóng đá Thế giới), dù bảy thành viên cao cấp dưới quyền bị bắt ngày 27-5-2015 tại Zurich (Thụy Sỹ) để điều tra tham nhũng, 14 quan chức bị nghi ngờ có bàn tay bẩn.
Từ FIFA sang Mafia
BBC đưa tin, theo điều tra của Mỹ nói rằng, giới chức trong FIFA đã nhận hàng triệu đôla trong 20 năm để phân phát các giải đấu và gian lận trong bầu cử, rửa tiền, lừa đảo và chuyển tiền gian lận. Bộ Tư pháp Mỹ nói 14 cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ lên tới 150 triệu đôla.
Họ còn phát hiện nhiều âm mưu, trong đó có cả kế hoạch trao World Cup 2010 cho Nam PhiCựu phó chủ tịch Fifa Jack Warner bị tố cáo đòi 10 triệu đôla từ chính phủ Nam Phi cho việc đăng cai World Cup 2010.
Trước khi bầu, Michele Platini, Chủ tịch UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu), kêu gọi Blatter từ chức, nhưng ông này vẫn “gái đĩ già mồm”, tại sao phải từ chức, làm thế đồng nghĩa với việc ông ta biết những gì xảy ra tại FIFA.
Blatter được hai lá phiếu quan trọng của châu Âu: Tây Ban Nha và Nga. Đích thân TT Putin tuyên bố ủng hộ Blatter. Bắt bớ tại FIFA, kêu gọi chủ tịch từ chức, đó là trò chơi địa chính trị, Putin nói thêm. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu quyền đăng cai cho World Cup 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar dường như xảy ra “không bình thường”. Thụy Sỹ đang điều tra vụ này. World Cup tại Nga đang bị phủ bóng đen trên bầu trời Moscow.
Các nước nghèo và đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin ủng hộ Blatter. Theo luật bỏ phiếu “dân chủ” của FIFA, nước nhỏ vài trăm ngàn dân như Solomon có lá phiếu bầu tương đương với một quốc gia hơn một tỷ người như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Xứ nghèo đói, mong mở mày mở mặt với thế giới thông qua môn bóng đá, sẵn sàng ủng hộ Blatter, vì họ coi chuyện hối lộ, tham nhũng và trộm cắp ở tầng cao là “chuyện bình thường ở huyện”.
Blatter thắng ở châu Á và châu Phi vì từng chia quyền phát sóng tivi và quảng cáo (giá trị gần 6 tỷ đô la tại các World Cup trước) cho các sếp bóng đá tại hai lục địa này. Người ta đang tự hỏi, sau cái quyền đó, tiền có chui vào túi Blatter.
FIFA của Mafia. Ảnh: BBC
Vụ bắt bớ các quan chức FIFA tại Zurich đã làm rúng động hàng tỷ người yêu môn túc cầu. Thật ra lời ong tiếng ve về cách thức FIFA điều hành mang nhiều mầu sắc của tổ chức Mafia mang găng tay trắng. Đã có nhiều điều tra nhưng tất cả trôi vào quên lãng.
Tại sao người Mỹ có thể vươn bàn tay lông lá tới FIFA
Dù là số 1 thế giới trong nhiều chuyện nhưng Hoa Kỳ không phải là cường quốc bóng đá. Lá phiếu của đất nước 320 triệu người có giá trị trong FIFA như nước Lào hay Singapore.
Tuy nhiên, luật pháp Hoa Kỳ cho phép siêu cường này vươn bàn tay lông lá đi khắp thế giới đứng đầu chánh án tối cao, bà Loretta Lynch. Hoa Kỳ có hệ thống tiền xanh (greenback – đô-la) phủ toàn cầu. Họ cho phép bắt giữ bất kỳ ai, tại đâu, thời điểm nào nếu dùng hệ thống nhà bank để chuyển tiền đô la bất hợp pháp. Các quan chức FIFA bị nghi ngờ đã dùng nhà bank Mỹ để thực hiện các giao dịch.
Hoa Kỳ cũng chưa buộc tội các quan chức FIFA về tội hối lộ vì tội danh này chỉ dành cho các quan chức chính phủ làm liều. Tuy nhiên, họ lách luật bắt bớ bằng cách buộc tội những kẻ có dấu hiệu rửa tiền, giao dịch bẩn, mua chuộc qua hệ thống ngân hàng, thông qua luật RICO (Racketeer Influenced and Corrupt Organisations) từng dùng chống lại Mafia.
Họ còn dựa vào luật Travel Act – đi lại nhằm buộc tội những ai đi công cán, dùng các phương tiện và dịch vụ vào mục đích phi pháp. Mọi giao dịch liên quan đến Hoa Kỳ đều là đối tượng điều tra. Ví dụ một nhân viên có tài khoản nhà bank tại Bahamas bay tới New York để lấy 250.000$ tiền hối lộ có thể bị bắt.
Một cách khác mà FBI thường dùng đó là dọa dẫm và mặc cả. Nếu chịu khai ra đồng phạm thì tội danh có thể giảm xuống. Ông Chuck Blazer và mấy ông con trai của cựu quan chức FIFA đã nhận tội và phun bí mật ra những kẻ khác. Có lẽ vì thế mà Blatter thấy nóng đít đã từ chức.
Cách thức mà pháp lý Hoa Kỳ thực thi không được châu Âu đồng thuận, nhất là khai ra đồng phạm nhằm thoát tội dễ làm cho vụ điều tra bế tắc do kẻ bị tình nghi muốn đổ lỗi cho người khác. Chõ mũi vào việc của người khác cũng là điều nên tránh.
Tương lai của môn túc cầu
Sau vụ này, FIFA sẽ phải cải tổ hoặc xây dựng lại từ đầu dù người đứng đầu trong sạch nhưng cách thức tổ chức này hoạt động theo kiểu mafia thì khó mà tránh những lỗi lầm trong tương lai.
Ngay cả Michele Platini có tiếng là trong sạch nhưng báo chí đã phanh phui danh thủ Pháp lừng danh chơi ở vị trí trung phong biết làm thế nào để chơi trò với FIFA nhằm hạ bệ tổ chức này.
Hình ảnh Platini sáng chói bao nhiêu trên sân cỏ thì càng lu mờ bấy nhiêu vì đã ủng hộ Qatar trong World Cup 2022. Ông ủng hộ việc đổi lịch thi đấu sang mùa đông ở Qatar nhằm tránh mùa hè nóng nực ở sa mạc đã làm các câu lạc bộ châu Âu nổi giận vì đang mùa thi đấu ở châu lục này.
Dù Platini khăng khăng bỏ phiếu vì sự tốt đẹp của bóng đá, nhưng không thể chối được rằng, vào tháng 11-2010, 10 ngày trước khi Qatar được chọn cho World Cup 2022, ông ta đã dự bữa cơm thân mật với Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Qatar. Năm sau đó, Pháp được ký kết nhiều hợp đồng xây dựng công nghiệp thể thao, và con trai của Platini là sếp của một công ty sản xuất đồ thể thao của Qatar.
Good bye, Blatter. Ảnh: Internet
Con đường cho bóng đá thế giới còn nhiều chông gai. FIFA, UEFA hay bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, dễ trở thành Mafia nếu lợi ích nhóm tiếp tục len lỏi trong giới quan chức cao cấp và bị đồng tiền làm lóa mắt. Mafia thường thanh toán lẫn nhau hết sức đẫm máu ngay cả khi chẳng có viên đạn nào bắn ra.
Hình như khủng hoảng bóng đán thế giới chưa có lối thoát. Cho đến thời điểm hiện tại, dường như FIFA đang pha phí lòng tin của người yêu trái bóng hai mầu trắng đen nếu sự bẩn thỉu của các quan chức chóp bu là có thật.
Hiệu Minh . 7-6-2015
PS. Bài viết trong thời gian ngắn, chưa được biên tập kỹ, mong bạn đọc thông cảm.
(Blog Hiệu Minh)
No comments: