VietnamDefence - Mua được Klub, Việt Nam có trong tay cả 3 vũ khí chống hạm đáng sợ nhất của Nga: Yakhont/Bastion-P phóng từ bờ biển, Kh-35E/Uran-E phóng từ máy bay và tàu chiến mặt nước; và nay là Klub (Club-S) phóng từ tàu ngầm.
Tên lửa Klub của Hải quân Việt Nam
Trung Quốc đang làm ầm ĩ với Liên Hợp Quốc, Việt Nam và Nga về thương vụ được hé lộ đôi chút bán tên lửa hành trình Klub phóng từ tàu ngầm cho Việt Nam. Trung Quốc tức tối về chuyện Nga bán 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo cho Việt Nam vào năm 2009. Nga và Việt Nam đã giữ im lặng về việc bán 50 tên lửa Klub, nhưng cuối cùng tin cũng lộ ra, một phần vì 28 quả tên lửa Klub đã được bàn giao cùng với 3 tàu ngầm Kilo, trang Strategypage (Mỹ) đưa tin hôm 31/5/2015.
Các tên lửa chống hạm 3M54 (còn gọi là SS-N-27, Sizzler hoặc Klub/Club) của Nga còn có ngắm bắn các mục tiêu trên đất liền và nguy cơ đó làm Trung Quốc lo sợ.
Klub hiện đang được sử dụng trên các tàu ngầm của Ấn Độ, Algeria, Việt Nam và được xem là vũ khí rất hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều đó không phải luôn luôn như vậy. Ấn Độ (một khách hàng lớn mua Klub) đã nổi giận với người Nga trong quá khứ vì những thất bại liên tiếp của Klub trong 6 lần phóng thử vào năm 2007. Các vụ thử này được tiến hành ngoài khơi bờ biển Nga, sử dụng tàu ngầm INS Sindhuvijay lớp Kilo của Ấn Độ. Tàu ngầm này đã đến Nga vào năm 2006 để nâng cấp. Ấn Độ từ chối trả tiền cho việc nâng cấp hay nhận lại tàu ngầm chừng nào nào Nga khắc phục được các trục trặc với tên lửa, điều mà Nga cuối cùng đã làm được.
Với trọng lượng 2 tấn và được phóng từ ống phóng lôi 533mm trên tàu ngầm lớp Kilo sub, các tên lửa 3M54 mang đầu đạn nặng 200 kg. Các biến thể chống hạm có tầm bắn 300 km và có tốc độ lên tới 3.000 km/h trong vài phút cuối cùng giai đoạn bay cuối. Ngoài ra, còn có các biến thể phóng từ máy bay và tàu nổi. Biến thể tấn công mặt đất không có với tốc độ cao ở giai đoạn bay cuối nên có thể mang đầu đạn lớn hơn, nặng 400 kg.
Điều khiến 3M54 trở nên đặc biệt nguy hiểm khi tấn công tàu là trong giai đoạn bay tiếp cận cuối cùng (bắt đầu khi các tên lửa cách mục tiêu là khoảng 15 km), tên lửa bất ngờ tăng tốc. Cho đến lúc đó, tên lửa bay ở độ cao khoảng 30 m, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Cộng với tốc độ cao ở giai đoạn cuối, nghĩa là nó vượt qua 15 km cuối cùng trong chưa đầy 20 s, khiến cho các loại vũ khí phòng thủ tên lửa hiện tại khó khăn hơn trong việc đánh chặn tên lửa.
3M54 Klub tương tự với các tên lửa chống hạm thời chiến tranh lạnh của Nga như 3M80 Moskit (Sunburn) và P-700 Granit (Shipwreck) được đưa vào trang bị vào cuối chiến tranh lạnh. Các tên lửa này được xem là “các sát thủ tàu sân bay”, nhưng chưa biết cần bao nhiêu tên lửa này bắn trúng một tàu sân bay để loại khỏi vòng chiến hay đánh đắm nó.
Tuy nhiên, các tên lửa Nga chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và có tiếng là tính năng thất thường. Kiểm soát chất lượng chưa bao giờ là thế mạnh của Liên Xô, nhưng người Nga đang cải thiện được tình hình, ít nhất là trong các lĩnh vực dân sự. Các nhà sản xuất quốc phòng dường như thích nghi chậm hơn. Người ta tin rằng, các tàu chiến Trung Quốc không có phương tiện phòng vệ hiệu quả chống lại các tên lửa như Klub vì thế họ phản đối Nga bán cho Việt Nam.
Các tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước 2.300 tấn khi chạy nổi, trang bị 6 ống phóng lôi và có thủy thủ đoàn 52 người. Chúng có thể chạy ngầm khoảng 700 km với tốc độ chạy êm trong 5 km/h. Tốc độ chạy ngầm tối đa là 32 km/h. Mỗi tàu Kilo mang 18 quả ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm hoặc tên lửa hành trình Klub (phóng ngầm từ các ống phóng lôi). Tàu Kilo có có thể hoạt động ngoài biển liên tục 45 ngày đêm, có thể chạy xa 12.000 km ở độ sâu kính tiềm vọng (sử dụng ống thông hơi để lấy không khí) và tốc độ 12 km/h.
Sự kết hợp giữa đặc tính chạy êm và các tên lửa hành trình làm cho tàu ngầm Kilo trở nên rất nguy hiểm với các tàu sân bay Mỹ. Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Rumani, Algeria, Việt Nam và Iran đều đã mua Kilo. Lý do chính để họ mua Kilo là chúng có đơn giá chỉ bằng khoảng một nửa tàu ngầm tương đương của phương Tây. Kilo có tính năng rất giống với tàu ngầm diesel đẳng cấp thế giới, cỡ 1.800 tấn Type 209 của Đức.
Với các tên lửa Klub, quân đội Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Nga sở hữu cả 3 loại tên lửa hành trìn chống hạm tiên tiến và đáng sợ nhất hàng đầu thế giới, trong đó có một loại dưới âm là Kh-35E trang bị cho hệ thống tên lửa Uran-E lắp trên tàu mặt nước và phóng từ các máy bay Sukhoi, 2 loại siêu âm là Yakhont trang bị cho hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P và Klub phóng từ tàu ngầm Kilo.
Nếu trong đầu các chiến lược gia quân sự Việt Nam, như báo chí đưa tin, thực sự tính toán mua thêm hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E, triển khai sản xuất biến thể thế hệ mới của Kh-35E là Kh-35UE với tầm bắn xa gấp đôi (260 km), mua sắm tên lửa BrahMos (có các loại phóng từ mặt đất, tàu nổi, tàu ngầm, máy bay; có các biến thể đánh biển và đánh mục tiêu trên đất liền) thì Việt Nam sẽ có tiềm lực tên lửa chống hạm mạnh nhất và hệ thống phòng thủ chống hạm toàn diện nhất khu vực.
Nếu tính đến yếu tố thực tế là tất cả các loại tên lửa chống hạm của Việt Nam đều có chế độ bắn ứng dụng chống mục tiêu bờ (như Ấn Độ đã sử dụng tên lửa chống hạm P-15 tấn công quân cảng Karachi của Pakistan năm 1971), hay khả năng cải tiến các tên lửa chống hạm thành vũ khí tấn công mặt đất chuyên dụng (như Ấn Độ đã chế tạo BrahMos tấn công mặt đất), thì một công đôi việc, không chỉ Trung Quốc phải đau đầu tính toán nếu mưu toan gây sự trên Biển Đông mà cả Mỹ cũng khó có thể lặp chiến tranh Việt Nam 2.0 từ hướng biển.
Rõ ràng, vũ khí không phải tất cả, nhưng nó là một trụ cột trọng yếu cho hòa bình (ARMA PACIS FULCRA) và muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh (SI VIS PACEM, PARA BELLUM)!
(VietnamDefence)
No comments: