HÀ NỘI (NV) .- Quốc Hội CSVN chuẩn bị thông qua một dự luật có tên là “Luật An Toàn Thông Tin” nhằm siết chặt sự kiểm soát không gian ảo trên internet hơn nữa.
Các mạng xã hội như Skype, Viber, Wechat v.v... qua điện thoại thông minh giúp người sử dụng trao đổi, tiếp cận thông tin với người khác nhanh chóng. (Hình: Internet)
Báo Thanh Niên hôm Thứ Năm 4/6/2015 tường thuật một phiên họp ở Quốc hội CSVN, Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son trình bày rằng “mục tiêu của dự luật này là nhằm hoàn thiện pháp luật về an toàn thông tin (ATTT) theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này”.
Trên bản tường thuật của VietnamNet về cùng vụ việc, ông Nguyễn Bắc Son không giấu diếm một sự thực là các thông tin đa dạng “ngoài luồng” đang được truyền đi trên internet qua các mạng xã hội mà chế độ của ông đang bất lực. Ông gọi đó là “Các mối đe dọa đối với 'Việt Nam' đến từ các nhóm hoạt động với động cơ chính trị”, “ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế...”.
Dự luật “An Toàn Thông Tin” đã được soạn thảo xong từ đầu năm ngoái, đã được trình cho nhà cầm quyền trung ương duyệt xét vào Tháng Hai 2014 sau khi chế độ Hà Nội ra nghị định 72 ngày 15/7/2013 “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”.
Nghị định 72 bị dư luận trong ngoài nước đả kích dữ dội vì tính cách độc tài của CSVN muốn độc quyền thông tin kể cả thông tin trên mạng internet. Tuy nhiên, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật thông tin trên mạng ảo, Hà Nội vẫn không thể khống chế được mọi hình thức dịch vụ cung cấp, trao đổi thông tin mà người ta ở bất cứ đâu, lúc nào, chỉ cần nhìn trên màn hình của điện thoại thông minh, là đều có được dễ dàng, nhanh chóng.
Nghị định vừa kể cấm các cá nhân, tổ chức chia xẻ thông tin ngoại trừ đưa thông tin của cá nhân mình trên các mạng xã hội như blog, facebook, twitter v.v... Thậm chí, còn đòi các công ty cung cấp dịch vụ internet, các mạng xã hội ở ngoại quốc phải lập văn phòng ở Việt Nam để nhà cầm quyền kiểm soát, một điều họ đến nay không làm được.
Sau khi ban hành Nghị định 72, ngày 12/11/2013, Hà Nội lại đưa tiếp “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” mà tùy loại “tội” có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Về mặt hình sự, nhà cầm quyền Việt Nam quy chụp các người sử dụng internet để viết blog trình bày quan điểm cá nhân về các vấn đề thời sự, chuyển thông tin, vào các tội “Phá hoại chính sách đoàn kết...” (Điều 87), “Tuyên truyền chống nhà nước...” (Điều 88), “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” (Điều 258) cùng một số điều luật khác để bỏ tù người dân.
Trang mạng “Chân Dung Quyền Lực” gây rúng động dư luận gần đây với hàng triệu lần độc giả vào đọc tin tức thâm cung bí sử của thượng tầng đảng và nhà nước CSVN. (Hình: Người Việt)
Một số người viết blog nổi tiếng như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, bị giam giữ hoặc đã bị kết án tù vì điều 258.
Theo tờ Thanh Niên, vẫn thấy chưa kềm chế nổi và thiên hạ vẫn không sợ, dự luật “An toàn thông tin” được chuẩn bị để “ngăn chặn những hành vi lợi dụng mạng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phân định trách nhiệm rõ của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTT…”
Báo Thanh Niên nói sau khi nghe Bộ trưởng 4T trình bày, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội khi “thẩm tra về dự luật An toàn Thông tin” đã đề nghị đưa các dịch vụ như Viber, Skype, Wechat “vào luật An Toàn Thông Tin”. Lý do được nêu ra là các dịch vụ này rất phổ biến nên “nguy cơ mất ATTT qua các dịch vụ này là rất cao”.
Làm thế nào để kiểm soát và khống chế được không gian ảo nhằm phục vụ cho nhu cầu thông tin tuyên truyền một chiều, cho đến nay, vẫn còn là một thách thức rất lớn mà CSVN vẫn lúng túng.
Ngày 28/8/2014 Bộ Công an loan báo thành lập “Cục an ninh mạng”. Không thấy có một chi tiết nào được loan báo về cái “Cục” này. Nó được dùng để theo dõi, đánh phá các tổ chức cá nhân bị coi là “thù địch” hay “phản động” trong ngoài nước, hay gồm những gì khác, không ai biết.
Trước những bản phúc trình hàng năm của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do thông tin trên thế giới, ngày 24/4/2015, ông Nguyễn Bắc Son khi tiếp xúc với cử tri (mà ông cũng là một 'đại biểu quốc hội' thành phố Hà Nội) đã khoe rằng “Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.
Ông Son khoe như vậy vì trước đó 3 ngày, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) ở New York đưa ra bản phúc trình nói Việt Nam là một trong 10 nước ít tự do báo chi nhất thế giới bên cạnh các nước độc tài, quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín khác như Eritrea, Bắc Hàn, trung Quốc, Cuba, Iran, Ả rập Saudi, Azerbaijan. (TN)
(Người Việt)
No comments: