Ts Alan Phan |
(Khi hành động, bạn nên “đốt cháy” toàn diện, như một ngọn lửa trại lớn, để xóa tan dấu vết của mình – When you do something, you should burn yourself up completely, like a good bonfire, leaving no trace of yourself – Shunryu Suzuki)
Thấm thoát ngày lễ dài Memorial Day đã qua. Ở Mỹ, đây là báo hiệu của một mùa hè sắp đến. Các trường đại học bận rộn với lễ mãn khóa và những bài diễn văn “commencement” (từ giã và khởi sự) của các tên tuổi; cha mẹ học sinh lo chương trình chơi hè cho con em vì không thể để chúng quậy phá suốt ngày khi trường đóng cửa; thị trường tài chính chậm lại vì các tay tay chơi quan trọng đang thong dong du lịch; và ngay cả chính trị, đây là lúc những chuyên gia tranh cử lo vận động tiền bạc sau hậu trường chuẩn bị cho cuộc chiến sẽ khởi động vào mùa thu.
Một bài hát ngày xưa nói lên tất cả tâm trạng của người và vật, “those hazy, lazy, crazy days of summer”. Cá nhân tôi cũng gần như đóng cửa với ngoại cảnh: giao lại công việc kinh doanh và cả blog Góc Nhìn cho các bạn phụ tá trẻ, tìm vài cuốn tiểu thuyết để thư giãn đầu óc thay vì lan man với những headlines của mạng lưới truyền thông, chăm sóc sức khỏe thường xuyên hơn vì cần hồi phục nhanh trong mùa nghỉ và tập luyện tâm thần mỗi ngày, mong đạt được cái “bình an nội tại”, một ước muốn lớn nhất bây giờ.
Dĩ nhiên, những Emails và điện thoại từ Việt Nam của bạn bè cũng như những BCA tiếp tục theo đuổi. Ngoài các tin hậu trường, ai cũng muốn nghe những bình luận, phân tích về chuyện Nga-Mỹ-Trung, chuyện Biển Đông, chuyện đại hội, chuyện TPP, chuyện tỷ giá…Tôi chỉ vắn tắt,” con thiên nga đen đã bay mất rồi”. Hãy chuẩn bị cho những nhàm chán của tháng ngày lê thê…hãy học cách sống chung và an phận với ô nhiễm và trì trệ…hãy định vị lại đời mình và tìm một kế hoạch sáng tạo hơn, có thể là trong một môi trường mới.
Tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc khoảng 9 bài viết về các đề tài “ Khi bắt đầu bằng zero” trong mùa hè này. Trong cái nhìn tích cực về tương lai, tôi đã bỏ qua những sự kiện lặt vặt của điều kiện vĩ mô (không bao giờ theo dự đoán hay mong muốn của mình) để chăm chú vào những nguyên lý căn bản cho một thành công bền vững của sự nghiệp cá nhân; và ngay cả cho gia đình và xứ sở. Tôi cũng cần cho riêng mình, sự đúc kết, tóm lược và nghiên khảo thêm về những gì quan trọng hơn trong cuộc sống “thực”; thay cho những chém gió, dù lề Đảng hay lề “phản động”, chỉ để tiêu hao tháng ngày.
Một vài điều cần nhớ trước khi bắt đầu:
- Định vị lại thế đứng hiện tại và đừng hoang tưởng
Tôi sẽ nói nhiều về câu hỏi, “thực sự bạn muốn gì cho mình” trong những bài tới. “Biết” đích đến của hành trình là đã vẽ được một bản đồ có phương hướng, khoảng cách… để khởi hành. Nhưng dĩ nhiên, phải biết mình đang ở đâu trên cái “road map” để hiểu rõ thêm thời gian, công sức và sự hổ trợ cần thiết để hoàn tất con đường định mệnh.
Cái “tôi” (ego=bản ngã) luôn luôn to đùng, nhất là ở các ông. Nhiều lúc, già rồi, tôi vẫn còn tật xấu là hay hoang tưởng về những thành bại hay ảnh hưởng của mình trên xã hội.
Một chuyện khá buồn cười tôi vẫn kể cho bạn bè. Cách đây 2 năm gì đó, tôi đón một chiếc taxi từ đường Nguyễn Trãi Q3 về trung tâm thành phố. Khi xuống xe, móc tiền ra trả, bác tài không nhận, nói cuốc xe này cho tôi hân hạnh mời “người nổi tiếng”. Mũi tôi phồng to vì một bạn lái xe suốt ngày mà có thì giờ đọc bài của ông già Alan? “Anh nhận xét về tôi như thế nào?” Bác tài đáp,” Đôi khi Hoài Linh nó diễu hay hơn ông; nhưng tôi thích lối hài của ông hơn. Mà xin lỗi, tôi không sao nhớ được tên ông? Thanh Việt gì đó phải không?” Tôi chống chế cho qua,” Không, tôi là Hoài Linh đây mà”. Tôi và ông cùng cười, lắc đầu rồi chia tay. Có khuôn mặt giống một “vua hề” của sân khấu Việt cũng tiết kiệm cho tôi được 60 ngàn đồng (3 đô la).
Gần đây, báo Người Việt xuất bản lại cuốn “42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ và Trung Quốc” của tôi, trong một phiên bản Mỹ đầy đủ hơn bản Việt Nam đã bị ban tuyên giáo kiểm duyệt khá nhiều. Tôi hào hứng viết thêm vài đoạn cùng hình ảnh nhậy cảm cho hải ngoại. Khi hoàn tất, tôi hỏi anh bạn phụ trách phát hành về những thành công của nhà sách Người Việt? Đáp,’’ Cuốn sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức bán hơn 20 ngàn cuốn…” “Best-seller của các anh hả?” “Không, cuốn Chuyện Cười (tổng hợp 500 chuyện tiếu lâm trên Net) bán chạy hơn nhiều…” “Còn cuốn sách của tôi? Các anh nghĩ là sẽ tiêu thụ được bao nhiêu?” “May lắm sẽ bán được 500 cuốn cho chú”. Thêm một “humble pie” mình phải nuốt trựng vậy.
Một thực thể lớn hơn như một gia đình hay một quốc gia cũng không nằm ngoài thông lệ. Chúng ta luôn hãnh diện quá cường độ về những lời khen, dù đó chỉ là những câu nói trong phép ứng xử lịch sự. Tệ hại nhất là khi bộ máy tuyên truyền trả tiền (hay qua một trao chác quyền lợi nào khác) để có những PR bơm thổi cho thực tại cần che giấu. Sau một thời gian, chính mình lại tin rằng những lời dối trá ban đầu mới chính là “sự thực”. Đây là một hoang tưởng rất phổ biến trong giới chính trị, show-biz và “chuyên gia, trí thức”.
Câu nói của Tôn Tử về “biết mình, biết người” nghe đơn giản, nhưng là một trở ngại lớn cho những “ego” quá cao.
- Không có hành động thì không thể thay đổi được điều gì
Phải biết phân biệt rõ ràng về “nói và làm”. Đây là một tật xấu tôi vẫn hay phạm phải khi lười biếng và thờ ơ. Nhất là khi kế hoạch mình hoàn tất tốt hơn dự tính, khi các biện luận trở nên thuyết phục và quá nhiều người khen thưởng sau khi nhận giải trình. Say men thành tựu, tôi lè phè trong việc thực hiện, thích giao việc lại cho người khác và tự cho là kế hoạch hay đến vậy thì một “thằng ngu” cũng đạt mục tiêu.
Tôi đã vỡ mặt nhiều lần khi rơi vào tình thế này. Lời “nói” có tuyệt vời đến đâu cũng không tạo nên cơm cháo gì nếu việc “làm” không tích cực, năng động và bền bỉ. Hành động là yếu tố tối ưu cho mọi thành công.
Thực tình, tôi luôn băn khoăn về sự bùng nổ của thông tin và ý kiến trong thời đại số. Dù biết rằng quy trình nghiên khảo không thể khả dụng nếu chất lượng và số lượng không bao trùm đầy đủ cho đề tài; nhưng khi chúng ta quá chú tâm vào “lời nói”, dù dưới dạng giải pháp (luôn phức tạp), chúng ta quên đi rằng “hành động” mới là con thuyền vận chuyển đưa chúng ta ra khơi. Mà hành động thì lúc nào cũng nhiêu khê, không trơn tru như trên trang giấy vẽ.
Trên bình diện quốc gia, tôi để ý là những xứ nào “léo nhéo” suốt ngày, không để yên cho người dân yên ổn “làm việc” thường là những quốc gia tâm thần, yếu kém và tự ti. Lãnh đạo ở những nơi này thích đọc diễn văn với những lời hoành tráng vô nghĩa, thích cắt băng khánh thành dự án này kia, thích lên TV báo chí, thích dự hội nghị tiệc tùng lễ hội , thích ký quyết nghị công văn (chưa bao giờ đọc qua)…và quan trọng nhất, là thích các phong bì đủ loại từ đàn em. Tôi có nói là nếu chúng ta mua 1 triệu con rô bót để thay thế, số tiền đầu tư sẽ có tỷ lệ hoàn trái rất cao, khi so với “lương và lộc” của các ông bà quan chức này. Ít nhất, chúng ta còn có thể “program” cho rô bót ít nói lại (dĩ nhiên bác sĩ chuyên về bệnh thính giác sẽ mất khách gần hết).
- Muốn độc lập thì phải tự lập, đừng trông đợi vào người khác hay ngoại cảnh mới
Sau hơn chục năm lăn lộn trên trường kinh doanh và làm việc cho các công ty, tôi học được một điều là “không nên tin hoàn toàn vào một lời hứa hay cam kết nào của bất cứ ai”; dù từ những người bạn thân nhất hay những thành viên gia đình gần nhất. Có thể họ rất thành thực khi hứa và không thay đổi ý định, nhưng tình huống có thể thay đổi và họ không sao giữ lời được. Ngay cả với những hợp đồng hay bảo đảm ký kết trên giấy tờ. Rất nhiều lần, tôi có thể thắng kiện dễ dàng khi đối thủ phạm lỗi; nhưng như người Mỹ thường nói,” you can’t get blood from a stone” (bạn khổng thể rút máu từ một cục đá). Tôi đành phải ngậm bò hòn làm ngọt và chịu lỗ.
Sự nghiệp cá nhân của bạn hay thịnh vượng của doanh nghiệp bạn tùy thuộc phần lớn vào khả năng nội tại và bản lĩnh biết thay đổi để thích hợp với môi trường. Một nền kinh tế vĩ mô và một cơ chế hay chính sách của quốc gia có thể đảo lộn những dự tính của kế hoạch, nhưng một doanh nhân bén nhậy phải có Plan B nằm sẵn trong túi. Hiểu rằng trong một quốc gia “khó tính” như Việt Nam luôn chứa đựng nhiều bất ngờ và mình thì có thể không đủ quyền lực hay quen biết để giải quyết. Cũng may là phần lớn các bạn trẻ chưa đủ “lông cánh” để kinh doanh trên diện “đại gia”, nên ảnh hưởng của biến động cũng nhỏ và dễ đối phó hơn. Hãy nhớ bài học của các con khủng long triệu năm trước: chúng bị hủy diệt nhanh chóng trong khi những con côn trùng nhỏ có thể sống sót thêm vài trăm năm rồi biến thể.
Hãy tự xây thành lũy bảo vệ sự nghiệp và doanh nghiệp bằng những cải thiện thường xuyên cho kỹ năng và hiệu quả. Xây bằng chính đôi tay mình; để có tự tin khi phải cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm nhất. Tùy thuộc quá nhiều vào một đối tác, vào một nhà cung cấp, vào một khách hàng, vào một ngân hàng…là tiềm năng cho những hiểm họa đợi chờ.
Nếu đang đối mặt với suy sụp, săn tay áo lên và thực hiện những thay đổi cần thiết. Đừng đợi chờ một hoàn cảnh nào mới và tươi đẹp hơn sẽ xuất hiện để cứu mình ra khỏi hố sâu. Như tôi nói từ đầu,”có lẽ con thiên nga đen đã bay mất rồi?”
Tôi hơi buồn cười khi đọc những bình luận gần đây về phe thân Mỹ và phe thân Trung Quốc trong trò đu dây của Việt Nam. Một bạn cho rằng nhược tiểu luôn phải lựa chọn để đứng về phe của một siêu cường. Mỹ, Trung Quốc, Liên Âu, Nhật-Hàn hay ASEAN …luôn luôn có nhiều thứ để đổi chác với chúng ta vì lợi ích quốc gia của họ. Không có bữa ăn nào miễn phí. Hãy bình tâm mà chơi trò barter (đổi chác) trong nghiêm túc, thành thực và dựa trên lợi ích của chính mình. Giải pháp duy nhất là cải tiến thường trực bằng “hành động” những khả năng nội tại để mình không còn là “nhược tiểu”. Những ‘xin-cho”, mặc cảm tự ti, năn nỉ ỉ ôi, khoác loác… chỉ làm đối thủ khinh thường. Chúng ta không cần theo Mỹ, theo Trung hay thoát Mỹ, thoát Trung. Chúng ta chỉ cần thoát khỏi cái mặc cảm nhược tiểu như Singapore, Hàn Quốc đã làm; và hành xử theo lợi ích của đa số người dân.
Bài học cần nhớ là Mexico và Canada đều là láng giềng của siêu cường Mỹ. Canada tương đối ít dân và ít tài nguyên hơn Mexico nhiều. Tuy nhiên, Mỹ xem Canada như một đồng minh ngang hàng; trong khi Mexico bị dè bỉu và lợi dụng? Lý do: sức mạnh nội tại.
- Hành trình nào cũng đầy những hoa hồng và gai nhọn: chân phải cứng đá mới mềm.
Sau cùng, trước khi khởi hành, phải biết là mình sẽ đối mặt thường xuyên với thử thách và khó khăn từ mọi phía. Trong khi chúng ta đợi chờ để hưởng thụ trái quả ngọt ngào của hạt giống vừa trồng, chu kỳ sinh tồn và tăng trưởng sẽ hứng chịu nhiều vấn nạn, từ sâu bọ đến thời tiết. Rồi cuối cùng, lại tùy thuộc vào thời điểm của thị giá hay xu hướng tiêu dùng. Chu kỳ chỉ vài tuần cho cây hành, nhưng lên đến nhiều thập niên cho cây sâm. Hoài bão càng cao thì rủi ro càng lớn.
Không có một thành tựu nào bền vững mà không đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý chí bám trụ. Để vượt qua những thất vọng và mất mát, chúng ta cần con tim đam mê và tinh thần sắt thép. Cuộc chiến bây giờ trở thành một tranh đấu bằng tâm linh và niềm tin. Nó khó khăn hơn ngàn lần những thu tóm về tài sản hay quyền lực. Sức mạnh mềm vô hình nhưng lại là yếu tố quyết định cho mọi đổi thay trong thế trận và định mệnh.
Sau khi thoát ra khỏi gộng kềm của các lãnh đạo chân đất và giáo điều 20 năm trước, Việt Nam đã cố gắng “đổi mới”, nhưng lại theo kiểu chém gió lười biếng. Sao chép kế hoạch kinh tế đã thành công tại Trung Quốc, các vị lãnh đạo mới nghĩ rằng quốc gia sẽ tăng trưởng tự nhiên bằng nghị quyết và khẩu hiệu. Các nhóm lợi ích thì khôn ngoan rút tỉa thâu nhặt mọi trái quả vừa chín tới, không kiên nhẫn đợi mùa thu hoạch. Cả nước “nhậu nhẹt” mừng đại thắng, vay mượn tứ phương để “đầu tư” kiểu OPM, mà quên phát triển kỹ năng nội tại hay tài sản mềm. Hậu quả có lẽ là phải chịu sự lệ thuộc vào FDI và ông anh Trung Quốc, phải “hy sinh” thêm vài thế hệ để thay đổi tư duy và văn hóa, phải xếp hàng sau cùng trong ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.
Không muốn trả giá bằng mồ hôi và công sức, chúng ta sẽ trả bằng nước mắt và lòng tự trọng.
&&&&&&&&
Dù sao, hè đã đến. Những cành phượng vĩ chắc đã bắt đầu khoe sắc màu rực rỡ ở quê nhà. Gió biển California cũng đã bắt đầu ấm lên và những cánh hải âu săn mồi chí chóe ngay vừa rạng sáng. Hè là thời gian của thiền tịnh và suy tư về những lựa chọn khi chúng ta quay về với công việc vào đầu tháng 9. Liệu chúng ta có can đảm và nghị lực để thay đổi? Theo kinh nghiệm quá khứ, câu trả lời có lẽ là “không”. Nhưng ít nhất, ông già Alan cũng tự sướng là mình đã đốt lên một que diêm, thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối. Bao nhiêu bạn trẻ sẽ theo tôi?
Những “bonfires” (lửa trại) tại các bờ biển vào những đêm không trăng sao vẫn luôn là biểu tượng của những ngày hazy, lazy, crazy days of summer.
Alan Phan
(Blog Alan Phan)
No comments: