vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Vén bức màn bí mật vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên (Phần 2)


     
LTS: Chúng tôi vừa nhận được một bài viết gồm ba phần rất công phu của tác giả Lý Hồng Mạnh gửi đến, trong đó phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên. Đây là phần thứ nhất có độ dài 75 trang A4, độc giả có thể bấm vào đường link để tải toàn bộ tập tin PDF. Dưới đây là một số trích đoạn quan trọng của phần thứ nhất để độc giả tham khảo nhanh - DL.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật của Vietinbank

... Vietinbank có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kế toán, dân sự và hình sự là: Tự ý thanh lý các hợp đồng tín dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật hình sự (do Huyền Như mạo danh, giả mạo chữ ký, giả mạo hồ sơ, dùng các sổ tiết kiệm do chiếm đoạt mà có để cầm cố vay vốn tín dụng) - được xác lập bởi Huyền Như và những người có trách nhiệm của Vietinbank. Đồng thời với việc Vietinbank tự ý tất toán các tài khoản tiết kiệm (các sổ tiết kiệm) của các nhân viên ACB, khi các sổ tiết kiệm này đã bị Huyền Như chiếm đoạt trái pháp luật để cầm cố vay vốn tín dụng của Vietinbank (Vietinbank nhận cầm cố để cho Huyền Như vay tiền) - Khi chưa có phán quyết của tòa án tuyên bố về hợp đồng dân sự vô hiệu, và chưa có quyết định xử lý về tài sản chiếm đoạt (các sổ tiết kiệm) của “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Điều đó cho thấy, những người có trách nhiệm của Vietinbank trong các vụ việc này đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác một cách chủ quan và liên tục: từ việc tham gia xác lập hợp đồng tín dụng (do Huyền Như mạo danh, giả mạo chữ ký), nhận cầm cố sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như chiếm đoạt trái pháp luật, tự ý tất toán sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như chiếm đoạt để cấn trừ khoản tiền mà Huyền Như lừa đảo lấy tiền của Vietinbank. Cho nên, những người có trách nhiệm của Vietinbank liên quan đến vụ việc này có vai trò giúp sức tích cực cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như. Vietinbank tự ý tất toán sổ tiết kiệm có nguồn gốc do Huyền Như phạm tội mà có là vi phạm bộ luật dân sự và bộ luật hình sự, Luật kế toán 2003, Luật các tổ chức tín dụng 2007 (nay là Luật các tổ chức tín dụng 2010). Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần truy cứu trách nhiệm của những người có thẩm quyền ở Vietinbank trong vụ việc này, thu hồi tiền có nguồn gốc “sổ tiết kiệm” để trả lại cho các chủ sở hữu tài sản này...

Lỗi của các cơ quan tố tụng hình sự:

... Một là, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sơ thẩm và phúc thẩm (vòng 1) chưa phân định được sự khác nhau giữa các hành vi: Huyền Như có dấu hiệu chiếm đoạt sổ tiết kiệm (đã xảy ra), Huyền Như chiếm đoạt tiền trên tài khoản tiền gửi tiết kiệm (của sổ tiết kiệm đó – không xảy ra), Huyền Như có dấu hiệu chiếm đoạt tiền vốn tín dụng của Vietinbank (đã xảy ra), Vietinbank có dấu hiệu chiếm đoạt tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB thông qua hành vi tự ý tất toán tài khoản trái pháp luật (đã xảy ra). Do không “phân định” được các hành vi này dẫn đến việc quy kết Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB là một trong những qui kết có tính chất sai trái trọng yếu nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Hai là, qui kết tổng thể từ quyết định ủy thác gửi tiền tiết kiệm của ACB, … đến Huyền Như trong một mối liên hệ thống nhất từ A tới Z (Z chiếm đoạt tiền của A); nhưng lại áp dụng tách án làm phá vỡ mối liên hệ thống nhất thành hai phần tách biệt nhau, làm cho mạch liên kết của vụ án bị cắt đứt đoạn không còn liên hệ được với nhau. Điều này cho thấy, phương pháp tách án của các cơ quan tố tụng hình sự lại mâu thuẫn chống lại chính phương pháp qui kết vụ án của các cơ quan tố tụng hình sự. Đặc biệt là họ vi phạm tính logic đặc thù và quy trình, trình tự tố tụng tội danh theo điều 165 của Bộ luật hình sự.

Ba là, cơ quan tố tụng hình không áp dụng Luật kế toán (2003), dẫn tới vô ý hoặc cố ý tạo điều kiện cho Vietinbank chối bỏ trách nhiệm bồi thường cho khách hàng (có dấu hiệu làm theo kịch bản của kết luận điều tra, cáo trạng và dự thảo bản án). Họ, các cơ quan tố tụng hình sự không nhận thức được tiền trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (tài khoản thanh toán) của khách hàng thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng, và ngân hàng phải chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự trong việc quản lý loại tài sản này - theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, Luật kế toán 2003, Luật các tổ chức tín dụng 1997 (nay là 2010).

Bốn là, trong vụ án Huyền Như liên quan đến nguồn tiền của ACB, thì không được tách án. Nếu trường hợp các hành vi của một số cựu lãnh đạo ACB rất phức tạp, chưa xác minh làm rõ được, trong khi các mãng khác của vụ án Huyền Như đã rõ ràng và chín muồi không thể trì hoãn xét xử lâu hơn được nữa. Thì có thể, người ta được phép tách nội dung “cố ý làm trái” và “gây hậu quả nghiêm trọng” của tội danh theo điều 165 để xét xử chung trong một phiên tòa - chứ không phải tách một vế (nguyên nhân) gộp vào vụ án Nguyễn Đức Kiên, tách vế (kết quả) gộp vào vụ án Huyền Như).

Phải bảo đảm cặp phạm trù (nhân - quả) của điều 165 diễn ra trong cùng một phiên tòa - và Bộ luật tố tụng hình sự phải đáp ứng tính logic của Bộ luật hình sự - nếu Bộ luật tố tụng hình sự chưa bảo đảm được yêu cầu có tính nguyên tắc này, thì phải sửa đổi lại.

Nhìn vào thực tế hồ sơ vụ án, chúng ta thấy các hành vi của một số cựu lãnh đạo ACB ủy thác tiền gửi cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank đã quá rõ ràng và rất đơn giản. Thế mà người ta vẫn cố tình tách án ra khỏi vụ án Huyền Như (để nhập vào vụ án Nguyễn Đức Kiên) - Thì chỉ nhằm vào một mục tiêu giả định là: dồn án cho bầu Kiên, dồn hết hậu quả pháp lý về kinh tế và hình sự của Vietinbank cho Huyền Như (trong xét xử sơ thẩm vòng 1).

Còn tiếp...
     
LTS: Chúng tôi vừa nhận được một bài viết gồm ba phần rất công phu của tác giả Lý Hồng Mạnh gửi đến, trong đó phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ án Huyền Như và vụ án Nguyễn Đức Kiên. Đây là phần thứ hai có độ dài 46 trang A4, độc giả có thể bấm vào đường link để tải toàn bộ tập tin PDF. Dưới đây là một số trích đoạn quan trọng của phần này để độc giả tham khảo nhanh - DL.

3. LỖI TRỌNG YẾU.

3.1. Lỗi trọng yếu của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trong thương vụ với ACBI là:

- Lỗi 1: Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, trước khi ký hợp đồng, đã không kiểm tra đối tượng của hợp đồng, theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự.

Vì thực trạng tài sản của bên bán (ACBI), là cổ phiếu đang cầm cố có đầy đủ hồ sơ và giấy tờ, minh bạch, công khai rõ ràng. Hồ sơ này, được Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (là công ty con chịu sự kiểm soát của Trần Đình Long – chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát) chứng thực bằng văn bản. Nhưng bên mua không đến xem tài sản, không kiểm tra tình trạng pháp lý của tài sản – mà chỉ nhắm mắt ký bừa, muốn mua tài sản của ACBI cho bằng được (có thể nói là với bất cứ giá nào) để thỏa mãn dấu hiệu của lòng tham.

Như vậy, theo quy định tại khoản 3 điều 429 của Bộ luật Dân sự 2005, thì bên mua đã vô trách nhiệm khi ký hợp đồng mua bán tài sản, thì không những bên mua, mà cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không thể qui kết bên bán lừa dối bên mua được.

Bài liên quan
- Lỗi 2: Về mặt pháp lý công khai: Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã chuyển tiền 264 tỷ VND (100 %) cho ACBI khi chưa nhận được tài sản, vi phạm trình tự thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán - được qui định tại điều 428 của Bộ luật dân sự (BLDS). Như vậy, dù hai bên có thỏa thuận thế nào chăng nữa, thì vẫn phải tuân theo và bám sát qui định về trình tự thực hiện nghĩa vụ tại điều 428 BLDS. Đó là: giao nhận tài sản trước, rồi mới thanh toán tiền, hoặc cả hai hành vi này cùng đồng thời xảy ra “tiền trao cháo múc”, hoặc mở rộng ra, thì chỉ được phép thanh toán theo tiến độ thực hiện hợp đồng (nếu hợp đồng có qui định). Qui định của Bộ luật dân sự là pháp luật, không thể hiểu khác được.

Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát không áp dụng biện pháp bảo đảm giao dịch trong thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng.

Khi độ lệch trong hành vi của bên mua càng dao động lớn so với qui định của điều 428 Bộ luật dân sự 2005, thì cũng đồng nghĩa với việc bên mua chấp nhận mức độ rủi ro cao. Nên khách quan mà nói, thì người thứ ba nhìn vào hành vi này càng không thể đánh giá bên bán có dấu hiệu dùng “thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản” của bên mua được - bởi vì bên mua đã chấp nhận mức độ rủi ro cao để thỏa mãn lòng tham của mình.

- Lỗi 3: Về mặt pháp lý không công khai:

Chính lỗi lệch pha quá lớn so với điều 428 của Bộ luật dân sự 2005 của 2 công ty con của Tập đoàn Hòa phát, đã bộc lộ sự “khuất tất” - Khi, Nguyễn Đức Kiên đã tố cáo Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã ký xác nhận quyền sở hữu tài sản của ACBI cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, khi chưa thanh toán tiền mua cổ phiếu cho ACBI. Nếu đúng như lời tố cáo của Nguyễn Đức Kiên, thì Tập đoàn Hòa phát đã thực hiện quy trình mua cổ phiếu sát với điều 428 của Bộ luật dân sự 2005 - là nhận tài sản trước, thanh toán tiền sau.

Nhưng dấu hiệu này, lại cho thấy Tập đoàn Hòa phát đã vi phạm pháp luật - Vì, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã ký chứng thực cho ACBI cầm cố cổ phiếu tại ngân hàng ACB (ACBS) - Nhưng khi chưa được giải chấp, số cổ phiếu này lại được chính Công ty cổ phần Thép Hòa Phát ký chứng thực quyền sở hữu tài sản của ACBI cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát - Đây mới đúng là dấu hiệu của hành vi vi phạm trách nhiệm hình sự, nhưng lại được các cơ quan tố tụng hình sự bỏ qua, mà không truy cứu - Có thể, nó vẫn là dấu hiệu của hành vi cố ý trong kịch bản dồn tội cho Nguyễn Đức Kiên.

Với các lỗi trọng yếu nêu trên, nên khi giải quyết hậu quả, thì Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát cũng không có quyền yêu cầu ACBI bồi thường thiệt hại (nếu có).

Về liên đới chịu trách nhiệm:

Có thể thấy rằng Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát ký hợp đồng là theo lệnh của Trần Đình Long, và ACBI ký hợp đồng là theo lệnh của Nguyễn Đức Kiên.

Như vậy, Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên cũng liên đới chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán giao kết hợp đồng. Trần Đình Long là người có điều kiện nhất trong việc kiểm tra đối tượng giao kết hợp đồng tại ngay tổ chức phát hành là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - là một công ty con chịu sự kiểm soát của Trần Đình Long. Nếu không tự mình làm được, thì Trần Đình Long có thể chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trực tiếp kiểm tra đối tượng của hợp đồng tại ACBI.

Tuy nhiên, đối với loại giao dịch dân sự mà pháp luật qui định phải xác lập bằng văn bản. Thì quá trình giao kết bằng miệng giữa Trần Đình Long với Nguyễn Đức Kiên chỉ mới trong giai đoạn tiền khả thi (chưa có hiệu lực pháp luật). Nhưng khi giao kết mua bán cổ phiếu được xác lập bằng văn bản hợp đồng (giai đoạn khả thi), thì những người đại diện theo pháp luật của Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật - Ở đây là ông giám đốc (hoặc phó giám đốc) Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, và ông Trần Ngọc Thanh giám đốc ACBI (những người đã ký tên trên bản hợp đồng).

Do đó, nguyên tắc là, dù Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên có chỉ đạo hay không chỉ đạo, thì giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và giám đốc công ty ACBI là 2 pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng với nhau, thì phải trực tiếp kiểm tra đối tượng của hợp đồng - vì Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên chỉ mới giao kết hợp đồng miệng - còn đi vào hợp đồng bằng văn bản cụ thể, thì đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của 2 pháp nhân ký kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm như nhau. Vì vậy, các cơ quan tố tụng hình sự chỉ qui kết cho bên bán có hành vi gian dối với bên mua, thì không khách quan, không bình đẳng trước pháp luật, gây ra oan sai vô cùng to lớn.

Nếu am hiểu pháp luật và vận dụng đúng pháp luật, thì đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của 2 pháp nhân ký hợp đồng mua bán cổ phiếu có thể phản ánh lại và từ chối mệnh lệnh của Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên. Vì, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và tính tuân thủ pháp luật cho phép người đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân có quyền từ chối ký kết hợp đồng mua bán. Doanh nghiệp thuê người đại diện và trả lương cho họ để làm việc hợp pháp, phòng tránh rủi ro.

Các luận cứ trên cho thấy, các cơ quan tố tụng hình sự và một vài luật sư cho rằng Trần Ngọc Thanh chỉ là người làm thuê ăn lương, làm theo mệnh lệnh của Nguyễn Đức Kiên. Những nhận định cảm tính này, đã chủ ý dồn tội cho Nguyễn Đức Kiên, có dấu hiệu vi phạm trong việc vận dụng pháp luật, gây oan sai to lớn cho Nguyễn Đức Kiên.

Chỉ trong trường hợp có chứng cứ cho rằng người đại diện theo pháp luật (hoặc đại diện theo ủy quyền) đã từ chối ký kết hợp đồng và báo cáo lại cấp trên, nhưng Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên vẫn tiếp tục ra lệnh ký hợp đồng, thì khi đó mới qui kết hậu quả vụ việc cho Trần Đình Long và Nguyễn Đức Kiên được. Trên thực tế hồ sơ vụ án và diễn biến tại các phiên tòa xét xử, thì trường hợp này là không có.

Việc Trần Đình Long trả lời nước đôi tại phiên tòa sơ thẩm (theo phản ánh của báo chí), là chưa thỏa đáng và không “quân tử nhất ngôn”.Việc HĐXX chưa làm rõ sự trả lời nước đôi của Trần Đình Long, mà đã tuyên án, thì phán quyết đó, còn chứa đựng sự mơ hồ ngay chính bên trong nội dung của bản án.

3.2. Lỗi trọng yếu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự:

Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có 7 lỗi trọng yếu. Trong đó, 4 lỗi đầu là nguyên nhân dẫn đến quy kết Nguyễn Đức Kiên có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (gây ra oan, sai cho ông ta). Lỗi thứ 5 là không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên, nhưng vẫn buộc tội (gây ra oan, sai cho ông ta). Lỗi thứ 6, là hình sự hóa giao dịch dân sự, đây là lỗi to lớn nhất khiến cho các cơ quan tố tụng hình sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật dân sự. Lỗi thứ 7, là có dấu hiệu làm án theo kịch bản:

- Lỗi 1: Khi tiến hành tố tụng hình sự, không xem xét bút tích trên văn bản chứng thực của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, đối với cổ phiếu cầm cố của ACBI - Cổ phiếu, là loại giấy chứng nhận quyền tài sản (vốn cổ phần) - Vốn cổ phần, là loại tài sản được lưu hành dưới hình thức là giấy tờ có giá (cổ phiếu). Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đã không tận tâm xem xét lời của nhân chứng Mai Văn Hà, khi ông này xác nhận, chính ông là đại diện của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát ký chứng thực cho số cổ phiếu cầm cố của ACBI trong năm 2010. Như vậy, tại thời điểm ký chứng thực, ông Mai Văn hà với cương vị là phó giám đốc (đại diện theo pháp luật hoặc là đại diện theo ủy quyền) - Theo khoản 1 điều 93 Bộ luật dân sự 2005, thì pháp nhân con là Công ty cổ phần Thép hòa phát và pháp nhân mẹ là Tập đoàn Hòa Phát vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các giao dịch do người đại diện ký (thực hiện quyền chứng thực).

Bộ luật dân sự 2005:

“Điều 93. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân.

1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. à 2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. à 3. Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”.

Bút tích chứng thực của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát là minh chứng, chứng minh Tập đoàn Hòa Phát biết việc tài sản của ACBI đang cầm cố tại ACB (ACBS). Cho dù tại phiên tòa, vị đại diện của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trả lời không biết, và Trần Đình Long trả lời nước đôi (biết và không biết), hoặc đỗ lỗi cho người đại diện của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát không ghi kết quả chứng thực vào sổ sách và hệ thống báo cáo - thì cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm - Vì, bút tích chứng thực của đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đang có hiệu lực pháp luật, đang được thi hành, hồ sơ được thiết lập đúng trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật, minh bạch và công khai - Tức là, Tập đoàn Hòa Phát, và các công ty con của nó là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đang phải chấp hành chứng thực đó, như là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Vì công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát như là 2 đứa con ruột trong cùng một nhà - Cùng chịu sự kiểm soát, và hướng dẫn của Tập đoàn Hòa Phát và nhận lệnh trực tiếp từ Trần Đình Long trong thương vụ mua cổ phiếu của ACBI.

- Lỗi 2: Khi tiến hành tố tụng hình sự, không xem xét qui trình thực hiện nghĩa vụ mua bán tài sản trên hợp đồng, theo qui định tại điều 428 của Bộ luật dân sự 2005. Đồng thời, không xem xét trách nhiệm của bên mua trong việc xem xét, kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự 2005.

Khách quan mà nói, cả hai bên (mua và bán) đều có quyền và trách nhiệm pháp lý như nhau trong việc kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán. Nhưng cả hai bên đều có sơ suất khi ký hợp đồng mua bán, nên không thể nhận định một trong hai bên lừa dối (gian dối) nhau được - Đó là, do cả hai bên sơ ý không chấp hành việc kiểm tra đối tượng của hợp đồng phải tuân thủ theo qui định tại điều 429 (Bộ luật dân sự 2005), chứ không phải là bên này lừa dối bên kia.

Hồ sơ cầm cố cổ phiếu của ACBI là đầy đủ, đúng pháp luật, công khai và minh bạch đối với bất kỳ ai có quyền, có quan tâm hoặc muốn mua số cổ phiếu này. Đây là chứng cứ hiển nhiên nhất để chứng minh rằng Nguyễn Đức Kiên không có hành vi gian dối hay lừa đảo đối với người muốn mua số cổ phiếu này. Vì pháp luật cho phép người mua có quyền và trách nhiệm, để kiểm tra đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản theo qui định tại điều 429 của Bộ luật dân sự. Nhưng đây lại là chứng cứ hiển nhiên nhất mà các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không thể ngờ đến, và đã bỏ sót. Lỗi này, cũng là một lỗi lớn làm sai lệch hồ sơ vụ án rất nghiêm trọng. Cũng do chính các lỗi này, mà các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không xem xét quyền và trách nhiệm của bên mua, khi ký hợp đồng mua cổ phiếu đang cầm cố. Thiếu sót này dẫn đến cán cân công lý bị đè xuống “đại gia đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên phải chịu một cách rất oan, sai, rất nặng nề.

- Lỗi 3: Không xác minh quá trình Nguyễn Đức Kiên xúc tiến đàm phán giải chấp cổ phiếu cầm cố của ACBI tại ngân hàng ACB (ACBS), theo yêu cầu của Nguyễn Đức Kiên. Do đó, hồ sơ vụ án đương nhiên chưa chứng minh được Nguyễn Đức Kiên có ý đồ “gian dối” hay thật lòng, có “thủ đoạn” lén lút hay công khai minh bạch (ít nhất là theo cảm tính ở góc độ “hình sự hóa quan hệ dân sự”).

Hành vi này của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, có dấu hiệu cố tình buộc tội Nguyễn Đức Kiên (do họ cố tình không thực hiện hành vi xác minh quá trình Nguyễn Đức Kiên xúc tiến đàm phán giải chấp cổ phiếu cầm cố của ACBI tại ngân hàng ACB (ACBS) - dù Nguyễn Đức Kiên đã có lời thỉnh cầu công khai và tha thiết). Sự thiếu khách quan và tính không trung thực của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đã góp phần làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo.

- Lỗi 4: Có dấu hiệu dồn hành vi sai phạm của của giám đốc Công ty ACBI là Trần Ngọc Thanh (đại diện theo pháp luật, hoặc đại diện theo ủy quyền) sang cho Nguyễn Đức Kiên trong việc chấp hành pháp luật khi ký kết hợp đồng mua bán cổ phiếu (hợp đồng khả thi). Theo khoản 1 điều 93 Bộ luật dân sự 2005, thì sai phạm của Trần Ngọc Thanh do pháp nhân chịu trách nhiệm (chứ không phải là Nguyễn Đức Kiên):

“Điều 93. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân.

1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. à 2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. à 3. Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”.

- Lỗi 5: Có dấu hiệu qui kết và buộc tội Nguyễn Đức Kiên có hành vi “chiếm đoạt” tài sản của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát khi không có cơ sở pháp lý và khoa học để chứng minh.

Tra cứu từ điển tiếng Việt (LacViet), chúng ta có kết quả:

Chiếm đoạt (động từ) = “lấy bằng vũ lực hay quyền hành”.

Chiếm (động từ) = “lấy làm của mình bằng sức mạnh hay quyền thế”

Trong khi đó, hợp đồng mua bán cổ phiếu giữa ACBI và Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát là hợp đồng dân sự, xuất phát từ sự tự nguyện và ước muốn giữa các bên - không có yếu tố sử dụng “vũ lực hay quyền hành” để lấy tài sản.

Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được Nguyễn Đức Kiên dùng “vũ lực hay quyền hành” để lấy tài sản của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát - thì không có cơ sở pháp lý để buộc tội Nguyễn Đức Kiên có hành vi “chiếm đoạt tài sản”.

- Lỗi 6: Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên đã tố cáo cơ quan điều tra (cục C46) của Bộ công an, đã có dấu hiệu hình sự hóa giao dịch dân sự.

Lời tố cáo này của Nguyễn Đức Kiên, đã được chúng tôi đối chiếu lại với Bộ luật dân sự 2005. Chúng tôi đã chứng minh lời tố cáo này của Nguyễn Đức Kiên là đúng (bạn đọc xem chi tiết tại nội dung 5. Bộ luật dân sự, định hướng giải quyết vụ việc này” ở phần sau sẽ thấy rõ). Chúng tôi xác định, đây là lỗi cơ bản nhất trong toàn bộ tiến trình của vụ án, là sai lầm lớn nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong những thập niên đầu thế kỷ 21 ở Việt Nam. Lỗi này cần ghi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam, có thể dùng để dẫn chứng trong các giáo trình giảng dạy và đào tạo tại các trường đại học.

- Lỗi 7: Có dấu hiệu, tiến hành tố tụng hình sự theo kịch bản qui kết, dồn tội nặng nề cho Nguyễn Đức Kiên, có dấu hiệu làm án, làm thành tích (như nội dung tố cáo của Nguyễn Đức Kiên), sẽ dẫn đến làm sai lệch hồ sơ, gây oan sai nghiêm trọng. Nội dung này, bạn đọc xem trong bản báo cáo kỳ 1 của chúng tôi.

Các lỗi trọng yếu nêu trên, sẽ được tiếp tục dẫn chứng và phân tích ở những nội dung tiếp theo dưới đây.

Còn tiếp...
     
content 3

Lý Hồng Mạnh
Theo Dân Luận

No comments:

Sâu Ciu Blog