vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - Vụ án kinh hoàng.

Đã 23 năm trôi qua, nhưng người dân miền Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn còn nhớ như in cái ngày xảy ra vụ án kinh hoàng đó.

Liệu có thêm hai ông Chấn? - Vụ án kinh hoàng
             Cụ Trần Anh Điền (giữa) bố của nạn nhân Trần Văn Việt trong vụ án ngày 29/11/1992.

Và, cũng trong suốt quãng thời gian đó, bố của nạn nhân trong vụ án đó vẫn kêu oan cho hung thủ... 
Nguồn gốc của vụ án bắt nguồn từ một vụ tranh chấp đất đai. Chẳng là xã Phú Phúc có hai “miền” là miền Thanh Nga (gồm các đội 1; 2; 3) và miền Nhân Phúc (gồm các đội 4; 5; 6; 7; 8).

 Cuối năm 1976, HTXNN Nhân Phúc xã Phú Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 HTXNN Thanh Nga và Nhân Phúc, có quy mô 584 ha đất canh tác, 1.222 hộ xã viên với 5.009 nhân khẩu. 

Nhưng do HTX hợp nhất làm ăn không hiệu quả, nên xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như trước. Nguyện vọng này được cấp trên chấp nhận.

 Cụ Trần Anh Điền, 81 tuổi, xã viên HTX miền Nhân Phúc, cho biết: Khi tách HTX hợp nhất ra làm hai, lẽ ra đất của HTX nào góp vào HTX hợp nhất bao nhiêu, được trả lại nguyên vẹn bấy nhiêu, thì không xảy ra chuyện gì.

 Đằng này huyện lại lấy 56 mẫu đất của Nhân Phúc giao cho Thanh Nga canh tác. Xã viên Nhân Phúc không chịu, vì thế mà xảy ra tranh chấp. 

Vụ tranh chấp khiến cho mâu thuẫn giữa hai miền ngày càng trầm trọng. Tháng 1/1992, một số người quá khích của miền Thanh Nga đã kéo sang, đánh 7 người của Nhân Phúc bị thương phải đi viện. Đó là các ông Thông, ông Vót, bà Ngọc, ông Thân, ông Côi, ông Hải, ông Mưu, trong đó ông Vót, bí thư chi bộ đội 4 (Lý Nội) bị đánh gẫy tay.

 Bà con miền Nhân Phúc đã có đơn gửi công an huyện Lý Nhân, yêu cầu phải xử lý, giải quyết dứt điểm vụ hành hung này. Tuy công an huyện có hứa, nhưng rồi cuối cùng không giải quyết gì, khiến cho mâu thuẫn ngày càng leo thang. Theo cụ Điền và một số bà con, một số phần tử quá khích người Thanh Nga càng được đà lấn tới, họ phá lúa, phá ngô, phá đay trên cả những diện tích đất canh tác của Nhân Phúc không được cắt về cho Thanh Nga.

 Đỉnh điểm là vụ án khủng khiếp, xảy ra tại bãi Bạc Hà ngày 29/11/1992. Anh Trần Ngọc Chương, người Nhân Phúc, có mặt tại đó, đã ghi lại trong lời làm chứng của mình: “Khoảng 14 giờ ngày 29/11/1992, tại bãi Bạc Hà, xã viên Nhân Phúc ra trồng màu trên khu đất được quản lý và canh tác hợp pháp của mình thì xã viên Thanh Nga kéo sang, bắt máy phải ngừng cày và cản không cho xã viên Nhân Phúc sản xuất. Hai bên dùng đất ném nhau. Tôi nhìn rõ bên Thanh Nga có Cự, Toàn, Hồng…

 Sau khi dùng đất ném nhau được một lúc, tôi có nghe Hồng nói: “Lý Nhân khôn hồn thì về hết đi không tao tung chết hết”. Sau lời Hồng nói, bà con Nhân Phúc yêu cầu công an sang bắt Hồng (lúc đó tại bãi có 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân). Công an đã sang ôm Hồng, nhưng bị dân Thanh Nga ném đất và đánh, nên lại chạy về bên người Nhân Phúc.

 Lúc này tôi lại nghe Cự gọi Hồng: “Lý Nội ra đây rồi”, và tôi nhìn rõ Cự, Hồng, Toàn và một số dân Thanh Nga khác chạy ngược lên phía Thanh Lan (khu ruộng xóm 4). Lúc này tôi cũng chạy lên đứng gần anh Hòa - công an huyện Lý Nhân được khoảng vài phút. Đột nhiên anh Hòa ấn tôi nằm xuống (lúc nằm xuống, hai người đều quay đầu về phía dân Thanh Nga) thì lựu đạn nổ.

 Sau tiếng nổ, tôi đứng dậy, thấy mình vẫn an toàn, tôi khâm phục trước sự quan sát tinh tường và nghiệp vụ của anh Hòa công an huyện. Khi thấy nhân dân Nhân Phúc bị thương nhiều, các anh công an huyện hỏi tôi: “Có biết tên ném lựu đạn kia là ai không?

 Tôi nói với công an huyện: Nó là Cự con ông Thơ ở Thanh Nga. Công an lại hỏi tôi: Có biết nó bao nhiêu tuổi không? Tôi trả lời: Nó khoảng 37 tuổi. Anh công an hỏi rồi lấy vỏ bao thuốc lá ghi tên, tuổi Cự và nói với nhân dân cứ yên chí, chúng tôi có máy ảnh, đã chụp được ảnh rồi”

. Như vậy, căn cứ vào lời của nhân chứng này, thì 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân đã nhìn rõ người ném lựu đạn về phía xã viên Nhân Phúc, chỉ không biết tên, tuổi, nên mới hỏi anh Chương “Có biết tên ném lựu đạn kia là ai không”.

 Trái lựu đạn nổ đã làm anh Trần Văn Việt (con trai cụ Trần Anh Điền) chết và 21 người (tất cả đều là người Nhân Phúc) bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng như anh Trần Ngọc Ngọc (SN 1973), từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Ngọc bị thương ở chân và đầu, phải điều trị nhiều tháng ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện nay không đi lại được, người hóa ngơ ngẩn. 

10-38-07_nh-trn-ngoc-ngoc-nguoi-bi-thuong-nng-nht-trong-vu-n
                 Anh Trần Ngọc Ngọc, người bị thương nặng nhất trong vụ án ngày 29/11/1992

 Sau buổi chiều ngày 29/11/1992, Trần Văn Cự đã bỏ trốn. Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”, khởi tố bị can đối với Cự về hai hành vi trên, đồng thời ra lệnh truy nã Cự trên toàn quốc. Lệnh truy nã này được báo Nam Hà số thứ Ba, ngày 9/2/1993 đăng nguyên văn. 

 Thế nhưng ngày 23/2/1993, Trần Ngọc Thanh (tức Thủy), SN 1974, người xóm 4 (Lý Nội) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và di lý về Công an tỉnh Nam Hà (sau ngày 29/11/1992, Thanh nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị trên) để điều tra về hành vi “giết người”.

 Đồng thời ngày 27/5/1993, Trần Văn Vót, SN 1949, đang là Bí thư chi bộ xóm 4 (Lý Nội) cũng bị bắt tại trụ sở UBND xã Phú Phúc để phục vụ điều tra về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”.

 Kết luận điều tra của Công an tỉnh Nam Hà ghi rõ: Trần Văn Vót là người đã tàng trữ, và đưa trái lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném vào đám đông bà con xã viên Nhân Phúc vào chiều 29/11/1992, gây nên cái chết cho anh Trần Văn Việt và làm bị thương 21 người (?)
 (Còn nữa).

Vũ Hữu Sự

(Nông Nghiệp)

No comments:

Sâu Ciu Blog