Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Dân sự Tây Ban Nha bắt giữ một phần từ thánh chiến trong một chiến dịch chống khủng bố tại Barcelona. Nguồn: EPA.
Quyết định từ bỏ hòa bình và thịnh vượng tương đối để đổi lấy chiến tranh tàn bạo và sự bất ổn dường như là phi lý. Nhưng những người trẻ, được sinh ra và lớn lên trong những xã hội dân chủ, đang càng ngày hưởng ứng lời kêu gọi của những tổ chức giết chóc như Nhà nước Hồi giáo (IS), rời bỏ quê hương và gia đình của họ để tham gia các cuộc thánh chiến ở những nơi xa xôi. Tại sao nền dân chủ lại đánh mất lòng trung thành của những tâm hồn nổi loạn này, và làm thế nào nó có thể giành lại được trái tim và khối óc của những người đã đi chệch hướng?
Triết gia Friedrich Nietzsche từng viết rằng con người thà có lý trí với hư vô còn hơn là không có lý trí (Xem Friedrich Nietzsche, “Third Essay: What Do Ascetic Ideals Mean?” On the Genealogy of Morality, 1887). Những nỗi thất vọng nặng nề về cái chết, bất lực, và vô vọng đều ít hấp dẫn hơn nhiều so với sự mãnh liệt – ngay cả khi sự mãnh liệt đó được tìm thấy trong bạo lực, chết chóc, và sự hủy diệt.
Tóm lại, vấn đề ở đây là về ý nghĩa, sự hiện diện của những điều thúc đẩy chúng ta, kết nối chúng ta với những người khác, và sắp đặt cuộc sống của chúng ta. Nếu thiếu đi ý nghĩa – chẳng hạn như nếu các lý tưởng và thể chế dân chủ thất bại trong việc đưa ra một ý nghĩa đủ rõ ràng về cộng đồng và mục đích – con người sẽ đi tìm ý nghĩa ở những nơi khác, đôi khi điều đó đưa họ đến những nguyên nhân ác độc.
Đây là sự thách thức văn hóa mà nền dân chủ ngày nay đang phải đối mặt, và những người mong muốn duy trì sự tự do và lời hứa của các xã hội dân chủ đang làm ngơ thách thức đó, điều gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Người ta nên nhận ra thách thức này, không chỉ do những chỉ trích mà nó thể hiện về điều kiện sống trong các quốc gia dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, mà còn vì bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng là một cơ hội – trong trường hợp này là để lấy lại ý nghĩa trọng tâm của nền dân chủ.
Lời kêu gọi của các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo đối với những người trẻ lớn lên tại các quốc gia dân chủ đã nêu bật sự chênh lệch trong những xã hội này về cơ hội giáo dục và kinh tế, điều đang làm nảy sinh những hoài nghi, từ bỏ, và sự giận dữ trong những con người vốn đang cảm thấy họ bị nhốt bên ngoài rìa giới tinh hoa xã hội. Những cảm giác vô vọng và tuyệt vọng trong thâm tâm đã kích động chủ nghĩa cực đoan ở bên ngoài.
Giới tinh hoa ở các nền dân chủ tiên tiến – như những người thuộc top 1% dân số có thu nhập cao nhất – khó có thể cảm thấy thoải mái trong những điều kiện như vậy. Ngay cả những người đi khắp toàn cầu, từ nền văn hóa hay thị trường này tới nền văn hóa hay thị trường khác, cũng phải cân nhắc về những đứa con của họ. Chúng sẽ tiếp nhận nền văn hóa nào? Chúng sẽ có được hi vọng cho tương lai từ đâu?
Những người bảo vệ nền dân chủ hiện nay không chỉ phải xác định làm thế nào để tạo ra việc làm và đảm bảo sự thịnh vượng về vật chất cho những người trẻ ngày nay, mà còn phải xác định làm thế nào để nuôi dưỡng tâm hồn của họ trên hành trình cuộc đời. Nếu họ thất bại, như chúng ta đã thấy, những kẻ khác sẽ lấp đầy khoảng trống (trong tâm hồn những người trẻ tuổi), nhiều khả năng là bằng tiếng gọi bạo lực nhân danh tương lai của chúa cứu thế.
Để giành chiến thắng trong cuộc chiến khó khăn này, các xã hội dân chủ phải nhìn xa hơn những chiến thắng trên chiến trận và tập trung giành được trái tim và khối óc (của những người trẻ tuổi) thông qua sức mạnh của những ý tưởng và lời hứa về ý nghĩa sống – như những gì mà Nhà nước Hồi giáo đã làm. Quan điểm cho rằng các nền dân chủ có thể chống lại những lực lượng với những bộ máy ý thức hệ có nguồn lực phong phú và phương tiện truyền thông khôn khéo như vậy chỉ bằng những khẩu súng chắc chắn sẽ thất bại. Đây là cuộc chiến của những ý nghĩa, và nó chỉ có thể chiến thắng bằng những ý tưởng truyền cảm hứng cho hi vọng, hành động, và sự gắn kết của bản thân và cộng đồng.
Nỗ lực này nên bắt đầu bằng một nhóm công khai được ủy quyền bao gồm những nhà khoa học chính trị, nhân chủng học, thần học, triết học, và nghệ sĩ, cùng những người khác, đến từ khắp các phe phái chính trị, được triệu tập từ các trường đại học và các tổ chức tương tự trên thế giới. Trong một thời gian nhất định, họ sẽ có một báo cáo rõ ràng bằng văn bản cho công chúng.
Báo cáo đó cần kiên trì và trung thực giải quyết những câu hỏi chủ chốt về sức sống của nền dân chủ hiện nay. Điều gì nằm ở cội nguồn của đời sống dân chủ? Làm thế nào để thể hiện, thực hiện, xây dựng, và giữ gìn nó một cách tốt nhất? Thông điệp tốt nhất của nền dân chủ về hi vọng, và những lời hứa đáng tin cậy về tương lai hưng thịnh là gì? Điều gì là các nguồn gốc văn hóa, trí tuệ, và tâm linh sâu sắc cho sự tự do, khoan dung, và năng suất?
Chúng ta đang sống trong một thời đại nguy hiểm. Với những lý tưởng dân chủ đang bị đe dọa trên toàn thế giới, ngay ở cả trong những quốc gia dân chủ, thì những nền tảng văn hóa và tư tưởng chung của chúng không thể bị coi nhẹ. Không thể để ý nghĩa và sự tồn tại của cuộc sống trong một nền dân chủ phai mờ.
Những thách thức phía trước đòi hỏi một sự phản ứng có phối hợp từ những nhà tư tưởng sâu sắc nhất và những nghệ sĩ sáng tạo nhất của chúng ta. Đó là mục đích của chúng ta ngày nay; chúng ta phải theo đuổi nó quyết liệt như cách mà những kẻ thù của dân chủ đang theo đuổi mục đích của chúng.
Nguồn: Richard K. Sherwin, “Democracy’s Missing Meaning,” Project Syndicate, 15/05/2015.
Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Richard K. Sherwin là Giáo sư Luật tại Trường Luật Đại học New York, và là tác giả của các cuốn sách Visualizing Law in the Age of the Digital Baroque: Arabesques & Entanglements và When Law Goes Pop: The Vanishing Line between Law and Popular Culture. Chú thích trong ngoặc đơn là của người hiệu đính.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
No comments: