vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Mỹ đứng trước sự lựa chọn mới trong chính sách đối với Myanmar

Sau “thời kỳ trăng mật” kéo dài gần ba năm, “thành quả dễ dàng có được” trong quan hệ Mỹ-Myanmar đã không còn. Chính sách ngoại giao của Chính quyền Obama đối với Myanmar cũng bắt đầu đứng trước cục diện “tiến thoái lưỡng nan”, thay vào đó Mỹ áp dụng chính sách “có điều chỉnh” linh hoạt hơn.

Tháng 3/2011, Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền và bắt đầu tiến trình dân chủ hóa Myanmar. Chính quyền Obama đã nhận thấy thời cơ để Myanmar cải cách, coi Myanmar là một khâu đột phá quan trọng để “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, thực hiện chính sách tiếp xúc với Myanmar theo nguyên tắc “hành động đổi lấy hành động”, quan hệ hai nước cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, sau “thời kỳ trăng mật” kéo dài gần ba năm, “thành quả dễ dàng có được” trong quan hệ Mỹ-Myanmar đã không còn. Mỹ phát hiện ra rằng Myanmar vẫn chưa đi vào con đường dân chủ như nước này kỳ vọng, công cuộc cải cách của Myanmar đã lại đi vào khó khăn. Chính sách ngoại giao của Chính quyền Obama đối với Myanmar cũng bắt đầu đứng trước cục diện “tiến thoái lưỡng nan”, thay vào đó Mỹ áp dụng chính sách “có điều chỉnh” linh hoạt hơn, chuyển từ khích lệ là chính sang gia tăng sức ép. Bất đồng giữa hai nước tăng lên, quan hệ Mỹ-Myanmar có phần bị đình trệ. Trong tương lai gần, chính sách của Obama đối với Myanmar có thể sẽ có những điều chỉnh nào đó cho phù hợp với tình hình mới, nhưng vẫn đứng trước rất nhiều ràng buộc khó khăn về cả đối nội và đối ngoại, trong hai năm tới quan hệ hai nước khó có thể có được bước đột phá mới.

Chính sách của Chính quyền Obama đối với Myanmar đang có xu hướng cứng rắn hơn 

Mỹ tăng cường sức ép trong chính sách đối với Myanmar

Cùng với cuộc tổng tuyển cử sắp đến gần, Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ càng gia tăng sức ép, với thái độ có xu hướng cứng rắn đối với Myanmar trong vấn đề chuyển đổi chính trị và nhân quyền.

Khi đề cập đến Myanmar, giới chức Mỹ không còn tập trung ca ngợi thành tựu cải cách của Myanmar như trước đây mà có tương đối nhiều bài viết nhấn mạnh các thách thức nước này đang phải đối mặt. Ngày 15/5/2014, Obama một lần nữa tuyên bố kéo dài “Đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia”, trong đó tiếp tục hạn chế các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các công ty và cá nhân Myanmar là sân sau của quân đội, cấm nhập khẩu ngọc thạch từ Myanmar. Ngày 16/6/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu trước truyền thông rằng Myanmar cần phải cải cách hiến pháp càng sớm càng tốt và cho phép công dân tự do bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, Mỹ sẽ sớm cùng Chính phủ Myanmar trao đổi về vấn đề sửa đổi hiến pháp. Sau đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowsky dẫn đầu đoàn quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính tới thăm Myanmar, cùng với lãnh đạo Chính phủ và quân đội Myanmar thảo luận về các vấn đề then chốt như làm thế nào đảm bảo cuộc bầu cử được tự do và công bằng cũng như vai trò của quân đội trong Chính phủ Myanmar, mục đích nhằm gây sức ép lên quân đội nước này. Khi tới tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 8/2014, Ngoại trưởng John Kerry cũng công khai nhấn mạnh Chính phủ Myanmar cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách dân chủ, cải thiện nhân quyền để đảm bảo cuộc tổng tuyển cử năm 2015 có thể được tiến hành trong điều kiện tự do, công bằng và đáng tin cậy.

Liên quan đến vấn đề người dân tộc thiểu số Rohingya, khi tới thăm Myanmar vào tháng 4/2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel đã bày tỏ thái độ không hài lòng đối với việc Chính phủ Myanmar trục xuất các tổ chức như “Bác sỹ không biên giới” (MSF) ra khỏi bang Rakhine. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng Chính phủ Myanmar cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn bạo động tại bang Rakhine. Trong bài phát biểu tại Malaysia ngày 27/4/2014, ông Obama khẳng định “công cuộc chuyển đổi của Myanmar sẽ không thể thành công nếu các tín đồ đạo Hồi bị đàn áp”. Tháng 5/2014, việc Quốc hội Myanmar khởi thảo dự luật hạn chế việc kết hôn giữa những người không cùng tôn giáo đã gây ra làn sóng chỉ trích tại Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ hết sức quan ngại về sự việc này. Cũng trong tháng 5/2014, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết số 418, yêu cầu Chính phủ Myanmar chấm dứt phân biệt đối xử đối với người Rohingya, tôn trọng nhân quyền đối với các nhóm sắc tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ tiếp tục gây áp lực đối với Myanmar.

Myanmar ngày càng bất bình trước hành động can thiệp của Mỹ

Myanmar cho rằng sửa đổi hiến pháp là vấn đề nội bộ và không hài lòng với những hành động cứng rắn nhằm can thiệp vào nội bộ Myanmar của Mỹ. Trước những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, người phát ngôn của Tổng thống, Bộ trưởng Thông tin Myanmar U Ye Htut đã đáp trả rằng việc sửa đổi hiến pháp như thế nào là trách nhiệm của quốc hội và nhân dân Myanmar, đây không phải là việc Mỹ “nên xen vào”. Sau khi Obama tuyên bố kéo dài lệnh trừng phạt đối với Myanmar thêm một năm, Chính phủ Myanmar đáp trả cho rằng việc này không gây nhiều ảnh hưởng, theo người phát ngôn của Tổng thống U Ye Htut, vấn đề trên sẽ không làm tổn hại sự phát triển của Myanmar. Một nghị sỹ Myanmar phát biểu trước truyền thông rằng Obama liên tục tuyên bố Mỹ ủng hộ tiến trình cải cách của Myanmar và hoàn toàn tin tưởng vào công cuộc cải cách này, song lại quyết định kéo dài lệnh trừng phạt thêm một năm trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chính sách của Mỹ đối với Myanmar dường như đang tự mâu thuẫn, thực ra Mỹ chỉ quyết định dựa theo lợi ích của chính mình.

Việc Mỹ can thiệp khá nhiều vào vấn đề mâu thuẫn tôn giáo của Myanmar cũng làm dấy lên sự chống đối ở nước này. Sau chuyến thăm của Obama đến Myanmar cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ vấn đề biên phòng Chính phủ Liên bang Myanmar, Trung tướng Thet Naing Win đã đại diện Chính phủ Myanmar lên tiếng chỉ trích việc ông Obama đưa ra những nhận xét vô lý về vấn đề người dân tộc thiểu số Rohingya trong bài diễn thuyết tại Đại học Yangon. Sức ép của Mỹ đã gây phản tác dụng, xung đột tôn giáo tại Myanmar vẫn nghiêm trọng, thậm chí lan tới khu vực biên giới với Bangladesh.

Nội bộ Myanmar cũng bày tỏ sự bất bình đối với việc Obama “tranh công” trong cuộc cải cách ở nước này. Trong bài diễn thuyết tại Học viện quân sự West Point ngày 28/5/2014, ông Obama cho rằng sáng kiến ngoại giao của Mỹ là động lực cho cải cách dân chủ tại Myanmar, nếu như cuộc cải cách này thành công, Myanmar sẽ là đối tác mới mà Mỹ không tốn một viên đạn. Rất nhiều học giả Myanmar tỏ ra không đếm xỉa trước phát ngôn trên của ông Obama. Một ủy viên của Đảng đoàn kết thống nhất và phát triển Myanmar cầm quyền (USDP) đã phản bác cho rằng ý kiến của ông Obama là “tự đánh trống, tự thổi kèn”, đồng thời cho rằng cuộc cải cách của Myanmar là kết quả của sự tự chủ đạo và nỗ lực tự thân của nước này mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ phía Mỹ. Người phát ngôn của đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) U Nyan Win lại cho rằng cái mà Washington thực hiện đối với Myanmar chẳng qua là chính sách “cây gậy và củ cà rốt”.

Nguyên nhân quan hệ Mỹ-Myanmar vẫn còn tồn tại trở ngại trên nhiều phương diện

Trong những cải cách mạnh mẽ của Myanmar thời kỳ đầu, chính sách tiếp xúc của Chính quyền Obama nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nội bộ nước này, do vậy chỉ trong thời gian ngắn Mỹ đã dỡ bỏ phần lớn lệnh trừng phạt đối với Myanmar, hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, do đà cải cách của Myanmar bị chậm lại, các vấn đề xã hội cũng vẫn nổi cộm, nội bộ nước Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả của chính sách này. Mâu thuẫn giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng đã khiến Obama khó có thể tiếp tục tiến gần Myanmar về mặt ngoại giao. 

Tiến trình cải cách của Myanmar đang chững lại

Công cuộc cải cách của Myanmar đã bước vào giai đoạn khó khăn, ở vào giai đoạn mới “lấy sửa đổi hiến pháp làm trung tâm”, có liên quan đến các vấn đề mấu chốt như tư cách của tổng thống cầm quyền, thể chế liên bang và vai trò của quân đội, phải nói là “tiến thoái lưỡng nan”. Các đảng phái tại Myanmar mặc dù bày tỏ thái độ tích cực đối với việc sửa đổi hiến pháp, nhưng vẫn không thể đạt được đồng thuận đối với việc sửa đổi hiến pháp như thế nào, xu thế hiệp thương đối thoại đang yếu đi, các cuộc đấu đá nhau công khai và ngấm ngầm đang gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng đất nước hỗn loạn do tiến trình dân chủ hóa quá nhanh mang lại, Chính quyền Thein Sein tuyên bố công cuộc cải cách Myanmar đã bước vào giai đoạn thứ ba lấy ổn định chính trị làm trung tâm, đồng thời làm cho tốc độ cải cách chậm lại rõ rệt, nhất là trong vấn đề sửa đổi hiến pháp.

Ngày 6/6/2014, Ủy ban thực hiện sửa đổi hiến pháp của Myanmar đã tiến hành bỏ phiếu phủ quyết điều 59 - hiến pháp sửa đổi, trong đó quy định ứng cử viên tổng thống không được phép có thân nhân (vợ, chồng, con cái) mang quốc tịch nước ngoài. Nếu nghị quyết này được quốc hội thông qua thì điều này có nghĩa là Quốc hội Myanmar sẽ không tiến hành thảo luận về việc sửa đổi điều khoản trên trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2015, khả năng tranh cử tổng thống của bà Aung San Suu Kyi cũng vì thế không còn. Trong phương án Ủy ban thực hiện sửa đổi hiến pháp đệ trình cũng không đưa ra điều khoản liên quan đến việc quân đội tự động chiếm 25% ghế nghị sỹ trong quốc hội. Hiện nay các cuộc thảo luận về hiến pháp tại Myanmar chủ yếu tập trung vào điều 436, nghĩa là liệu việc sửa đổi hiến pháp có hay không cần sự thông qua của hơn 75% số nghị sỹ quốc hội. Đảng NLD và các đảng phái khác đang tính toán coi đây là bước đột phá để giảm thiểu những bất cập trong việc sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, điều khoản này có liên quan đến lợi ích quan trọng của quân đội nên việc thỏa hiệp sẽ rất khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Myanmar U Shwe Mann từng đề xuất kế hoạch hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp trước tháng 6/2015. Căn cứ vào tình hình hiện tại, Myanmar rất khó có thể tiến hành sửa đổi hiến pháp thực sự trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2015. Nếu hiến pháp không được sửa đổi, Myanmar sẽ không thể đạt được tiêu chí chế độ dân chủ theo yêu cầu của Mỹ. Các nhà phân tích Myanmar bình luận “có đánh bóng thì cũng chỉ duy trì được vài năm”, mặc dù chính sách đối với phong trào dân chủ Myanmar được nới lỏng, nhưng do chịu sự hạn chế của hiến pháp năm 2008 nên sẽ không thể thực hiện được một cuộc chuyển đổi dân chủ. Để làm được điều này, Myanmar cần phải sửa đổi một số điểm trong hiến pháp 2008 không phù hợp với tiêu chí dân chủ của Mỹ, trước khi sửa đổi hiến pháp, Myanmar không thể đạt được chế độ dân chủ thực sự. 

Mỹ muốn lợi dụng thời điểm trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar, đốc thúc nước này sửa đổi hiến pháp thực sự. Từ đầu năm 2014 đến nay, những biểu hiện của Myanmar trong vấn đề sửa đổi hiến pháp khiến Mỹ cảm thấy không hài lòng, Mỹ thất vọng về triển vọng cải cách dân chủ của Myanmar. Mỹ mong muốn quân đội Myanmar hoàn toàn rút khỏi chính trường và trở thành quân đội chuyên nghiệp trung lập về chính trị để thực hiện dân chủ thực sự. Tuy nhiên, quân đội vẫn là thế lực có thực lực nhất tại Myanmar và sức ảnh hưởng của lực lượng này rất khó suy giảm. Chính Tổng thống Thein Sein từng nói rằng quân đội luôn “chiếm một vị trí đặc biệt” trong nền chính trị tương lai của Myanmar. Trong vài năm tới, Myanmar vẫn sẽ tiếp tục thực hiện “nền dân chủ có kỷ luật” dưới sự lãnh đạo của các chính trị gia quân đội.

Mâu thuẫn tôn giáo ở Myanmar rất sâu sắc

Myanmar vẫn chưa giải quyết được vấn đề xung đột vũ trang của các nhóm sắc tộc thiểu số, hai năm gần đây mâu thuẫn tôn giáo ngày càng nghiêm trọng hơn. Myanmar là quốc gia Phật giáo với 90% dân số là tín đồ Phật giáo, những người Hồi giáo thiểu số sống xen lẫn với tín đồ Phật giáo chiếm đa số. Tháng 6/2012, tại bang Rakhine đã bùng phát xung đột bạo lực nhằm vào người Rohingya, nhanh chóng diễn biến thành các cuộc xung đột đẫm máu giữa các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo trên toàn lãnh thổ Myanmar, tính đến nay đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, 140.000 người mất nhà cửa, trong đó đa số nạn nhân là người Hồi giáo. Tại bang Rakhine, những người Rohingya bị buộc phải di cư, không thể vượt biên và cũng không thể tự do nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế, điều kiện sống của họ hết sức khó khăn.

Mâu thuẫn tôn giáo tại Myanmar rất khó giải quyết, chính phủ nước này lo ngại sự chống đối đến từ số đông tín đồ Phật giáo nên cũng không dám mạnh tay giải quyết. Trong cuộc điều tra dân số đầu năm 2014, việc Tổng thống Thein Sein tuyên bố không thừa nhận quốc tịch của người Rohingya mà họ phải đăng ký dưới thân phận “là người Bangladesh” đã dẫn đến một cuộc xung đột. Tuy nhiên, lập trường của phe đối lập và chính phủ trong vấn đề này không có nhiều khác biệt, thái độ né tránh mơ hồ của Aung San Suu Kyi cũng đã vấp phải nhiều sự chỉ trích. Có thể nói xung đột tôn giáo gia tăng là cái giá cho dân chủ hóa ở Myanmar, là sự bùng phát những phản kháng của người dân đã được tích tụ trong thời gian dài. Mức độ phức tạp trong giải quyết vấn đề tôn giáo ở Myanmar đã vượt xa vấn đề vũ trang trong các nhóm sắc tộc thiểu số, nếu xử lý không ổn thỏa nó sẽ cản trở tiến trình cải cách dân chủ và sự ổn định của Myanmar trong thời gian tới.

Mỹ liên tục chỉ trích Chính phủ Myanmar về vấn đề người Rohingya, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều nghị quyết, các quan chức Bộ Ngoại giao và Đại sứ Mỹ tại Myanmar cũng đã nhiều lần đến thăm các khu vực như bang Rakhine. Trước sự can thiệp của Mỹ, chính phủ, giới tinh hoa và đông đảo người dân Myanmar đều bày tỏ sự bất bình. Theo quan điểm của Mỹ, hành động đàn áp người Rohingya của Myanmar đã vi phạm nhân quyền, cần phải ngăn chặn. Tuy nhiên chính phủ và người dân Myanmar vẫn cho rằng vấn đề người Rohingya là vấn đề chủ quyền, chính trị của Myanmar, việc đuổi người Rohingya là nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước và địa vị của Phật giáo, đồng thời phản đối sự can dự của các thế lực bên ngoài như Mỹ. Đại diện của một tổ chức phi chính phủ ở Myanmar đã bình luận rằng Mỹ luôn coi vấn đề người Rohingya là vấn đề nhân quyền, nếu Chính phủ Myanmar không xem xét vấn đề này từ góc độ nhân quyền thì sẽ cảm thấy là Mỹ có thành kiến.

Trở ngại từ nội bộ nước Mỹ gia tăng

Truyền thông Mỹ liên tục bình luận rằng vấn đề sửa đổi hiến pháp của Myanmar không có tiến triển, vấn đề nhân quyền tại các khu vực dân tộc thiểu số thì nghiêm trọng, tự do báo chí có xu hướng bị thắt chặt, tiến trình cải cách đang đi thụt lùi. Các tổ chức dân chủ, nhân quyền của Mỹ và các nhóm người dân tộc thiểu số Myanmar tại Mỹ cũng liên tục kêu gọi Chính quyền Obama thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với Chính quyền Myanmar. Tuy nhiên, e rằng thế lực lớn nhất cản trở Mỹ và Myanmar tiếp xúc hơn nữa lại chính là Quốc hội Mỹ.

Trước thời Obama, quyền chủ đạo thực thi chính sách của Mỹ đối với Myanmar nằm trong tay quốc hội nước này. Thời kỳ Hillary Clinton là Ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát huy vai trò dẫn dắt xuất sắc trên phương diện tiếp xúc với Myanmar, Quốc hội Mỹ cũng đạt được sự đồng thuận hiếm thấy giữa hai đảng trong vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi hai nhân vật chủ yếu đẩy mạnh tiếp xúc với Myanmar - Ngoại trưởng Hillary và Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell – mãn nhiệm, vai trò của Quốc hội có xu hướng lớn mạnh trở lại.

Các nghị sỹ Mỹ cho rằng những lợi ích Obama mang lại cho Myanmar là quá nhanh và quá nhiều, chính sách tiếp xúc vẫn chưa làm cho chính quyền, đặc biệt là quân đội Myanmar có thay đổi gì, Mỹ cần tỏ thái độ cứng rắn trở lại, thậm chí hơn 70 nghị sỹ đã liên kết với nhau yêu cầu chính phủ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đối với Myanmar. Tháng 7/2014, lãnh đạo đảng Cộng hòa thuộc Thượng viện Mỹ McConnell, người từng rất ủng hộ chính quyền mới của Myanmar, đã có bài phát biểu dài, trong đó phê phán điều 59 của hiến pháp Myanmar hạn chế tư cách ứng cử viên tổng thống là không công bằng, và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc điều khoản này có thể sẽ không được sửa đổi trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đồng thời nhấn mạnh nếu không đảm bảo được cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng, các lệnh trừng phạt còn lại của Mỹ đối với Myanmar sẽ không thể được dỡ bỏ. 

Bất đồng giữa Quốc hội và Chính phủ Mỹ trong chính sách đối với Myanmar ngày một lớn, đồng thời kiềm chế chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực của Myanmar. Tháng 1/2014, Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo ngân sách năm tài khóa 2014, trong đó đưa ra một loạt điều kiện mới trong dự toán ngân sách đối với Myanmar, bao gồm Myanmar phải đạt được tiến bộ trong các vấn đề sửa đổi hiến pháp và nhân quyền. Chính quyền Obama vốn toan tính thông qua Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) tăng thêm ưu đãi thương mại đối với Myanmar, song dự thảo ngân sách trên đã cản trở việc hình thành các hạng mục viện trợ thương mại trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các công ty của Mỹ hiện đang có tình trạng “tự xử phạt”, lo ngại các lệnh trừng phạt về đầu tư đối với Myanmar có thể được khôi phục bất cứ lúc nào, thiếu niềm tin vào khung pháp lý và điều kiện cơ sở hạ tầng của Myanmar. Bên cạnh đó, Myanmar yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, song đa số các doanh nghiệp lớn có thực lực liên doanh với doanh nghiệp Mỹ đều bị liệt vào danh sách trừng phạt, điều này đã gây trở lại hơn nữa cho đầu tư của Mỹ vào Myanmar. Trong tương lai gần, đầu tư của Mỹ vào Myanmar rất khó gia tăng rõ rệt, kim ngạch đầu tư khó có thể đuổi kịp và vượt qua các nước như Trung Quốc, Nhật Bản.

Do chịu sự hạn chế của các đạo luật trừng phạt, cấp bậc nhân sự giao lưu quốc phòng giữa Mỹ và Myanmar rất thấp, hơn nữa chủ đề đối thoại cũng chỉ tập trung vào các vấn đề như cải cách dân chủ, nhân quyền, hình thức cũng chỉ hạn chế ở các lớp nghiên cứu, bồi dưỡng. Trong phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 12/2013, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trước mắt không đề nghị khôi phục Chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế (IMET) với Myanmar. Ngày 2/4/2014, Quốc hội Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết H.R.4377, tức là “Đạo luật dân chủ và nhân quyền Myanmar năm 2014”, nội dung bao gồm ngừng viện trợ an ninh cho Myanmar trong hai năm tiếp theo, điều kiện khôi phục viện trợ là Myanmar phải xây dựng chế độ giám sát dân sự đối với quân đội, quân đội phải ngừng ngay các hành động đàn áp nhân quyền, chấm dứt quan hệ quân sự với Triều Tiên. Ngày 9/9, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã đưa ra xem xét dự thảo nghị quyết trên. Trước đó, ngày 9/7, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa Ed Royce đã đề nghị Chính quyền Obama chấm dứt hợp tác quân sự với Myanmar cho đến khi chính quyền nước này thay đổi thái độ đối với những người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.

Các nghị sỹ Quốc hội Mỹ tỏ thái độ hoài nghi đối việc liệu Myanmar có thể tiến hành cuộc tổng tuyển cử 2015 một cách công bằng, tự do, khả năng đồng ý hủy bỏ dự luật trừng phạt đối với Myanmar trước cuộc bầu cử là rất thấp. Do chịu sự hạn chế bởi dự luật trừng phạt của Quốc hội Mỹ nên quan hệ kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Myanmar khó có thể tiến triển rõ nét trong thời gian ngắn. Chính quyền Obama đang đối diện với rất nhiều mối lo “loạn trong giặc ngoài” như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cục diện rối ren ở Trung Đông, nên có lẽ Mỹ sẽ không thể tiêu hao quá nhiều nguồn lực chính trị và ngoại giao vì vấn đề Myanmar.

Chính quyền Obama cần đưa ra sự lựa chọn mới trong chính sách đối với Myanmar

Mặc dù nhận thấy quan hệ Mỹ-Myanmar có phần bị đình trệ, nhưng do chịu sự ràng buộc bởi chính sách đối nội và đối ngoại, chính sách của Chính quyền Obama đối với Myanmar rõ ràng đã tách rời giữa mục tiêu và năng lực, nghĩa là Mỹ hy vọng Myanmar có thể quay lại phe cánh do Mỹ đứng đầu, song tài chính của Mỹ có hạn, các cuộc đấu đá giữa các chính đảng, sự cảnh giác và dè chừng của Myanmar đối với việc các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ nước này… đều khiến không gian vận hành chính sách của Chính quyền Obama đối với Myanmar bị hạn chế. Thời gian tới, Mỹ sẽ đưa ra lựa chọn mới trong các vấn đề bầu cử và lựa chọn người đứng đầu của Myanmar.

Lôi kéo tập đoàn cầm quyền Myanmar

Mỹ ý thức được rằng cuộc tổng tuyển cử năm 2015 rất khó đạt được kết quả như nước này mong đợi, đó là đưa bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền. Mặc dù Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) rất được chào đón ở Myanmar, song lại thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước và lớp trẻ kế tục, triển vọng cầm quyền trong tương lai là rất đáng lo ngại. Tổng thống đương nhiệm Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội Thura U Shwe Mann là những ứng cử viên nặng ký cho cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới, nhất là ông Thein Sein có uy tín tương đối cao và có thái độ ôn hòa với phương Tây, nếu Thein Sein tái cử thì đây sẽ là cục diện có lợi nhất đối với Mỹ.

Chính quyền Obama cũng hiểu rằng việc sửa đổi hiến pháp ở Myanmar còn rất nhiều khó khăn và các nước bên ngoài rất khó can thiệp trực tiếp. Myanmar đã sẵn có các yếu tố dân chủ cơ bản, vấn đề Mỹ cần chú trọng là duy trì xu thế dân chủ hóa tại đây mà không cần thiết đòi hỏi kết quả của một cuộc bầu cử đặc biệt. Chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Myanmar của Mỹ David Steinberg chỉ ra rằng khả năng Myanmar sửa đổi hiến pháp trước cuộc tổng tuyển cử 2015 là rất thấp, Mỹ không thể vì thế mà phủ nhận cuộc bầu cử, chỉ cần cuộc bầu cử đảm bảo tự do, công bằng, sau đó hiến pháp hiển nhiên sẽ được sửa đổi. So với việc thực hiện dân chủ, Mỹ hiện nay càng cần bảo vệ lợi ích địa chiến lược lâu dài tại Myanmar. Mỹ cũng lo ngại nếu thúc đẩy quá gấp gáp các vấn đề như sửa đổi hiến pháp và dân chủ hóa, quân đội Myanmar có thể sẽ “không giữ lời hứa”, ví như Myanmar sẽ lại do quân nhân nắm quyền, thậm chí rơi vào hỗn loạn chia rẽ, lúc đó Mỹ sẽ đành phải bất lực đứng nhìn.

Do vậy Mỹ đã bày tỏ thái độ với Myanmar rằng chỉ cần cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, Mỹ sẽ thừa nhận kết quả bầu cử, không quan tâm việc ai sẽ trúng cử và sẽ tiếp tục hợp tác với Myanmar. Xuất phát từ lợi ích thực tế, Chính quyền Obama cũng bắt đầu thực hiện chính sách hai mặt với đảng cầm quyền và đảng đối lập Myanmar. Một mặt, Mỹ tiếp tục gây sức ép với chính phủ và quân đội Myanmar, yêu cầu họ nhượng bộ trong các vấn đề sửa đổi hiến pháp và bầu cử như tư cách ứng cử của bà Aung San Suu Kyi, tỷ lệ số ghế của quân đội trong quốc hội… Mặt khác, khẳng định đảng cầm quyền và quân đội đã phát huy vai trò tích cực trong công cuộc cải cách đất nước, đồng thời đẩy mạnh tiếp xúc nhưng sự ủng hộ trực tiếp đối với bà Aung San Suu Kyi có phần giảm đi. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến từ năm 2013 đến nay bà Aung San Suu Kyi tích cực tới thăm châu Âu và các nước láng giềng châu Á.

Gia tăng ảnh hưởng đối với cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Myanmar

Trọng điểm công tác của Mỹ đối với Myanmar thời gian gần đây là nỗ lực đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong cuộc bầu cử 2015. Khi tham dự hàng loạt hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đầu tháng 8/2014, Ngoại trưởng John Kerry đã bày tỏ: “Cuộc bầu cử năm 2015 sẽ là thời điểm để toàn thế giới dự đoán phương hướng tiến lên của Myanmar. Cần làm cho cuộc bầu cử lần này mang tính bao dung, đáng tin cậy, cởi mở, tự do, công bằng và mọi người dân đều có thể tham gia, từ đó làm cho nó trở thành một cuộc bầu cử có uy tín, định hướng cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình trong năm 2016”. Ông Kerry còn mời Chủ tịch quốc hội và lãnh đạo một số ủy ban cấp cao Myanmar tới thăm Mỹ nhằm thảo luận về việc làm thế nào đảm bảo cho cuộc bầu cử được công bằng, minh bạch.

Huấn luyện truyền thông và xã hội dân sự, nâng cao năng lực giám sát bầu cử các bộ phận này là một biện pháp quan trọng để Mỹ gây ảnh hưởng lên cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar. Tháng 3/2013, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tuyên bố chương trình viện trợ “Quan sát tiến trình bầu cử và chính trị của Myanmar” có thời hạn 3 năm, với mục đích giúp đỡ Chính phủ Myanmar cải thiện việc quản lý công tác bầu cử nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử năm 2015 diễn ra tự do, công bằng, công tâm, thúc đẩy giáo dục cử tri. Năm 2013, Mỹ đã cung cấp công nghệ và ủng hộ về năng lực, giúp đỡ hơn 300 tổ chức xã hội dân sự và 5.800 người tham gia tiến trình chính trị và chuyển đổi Myanmar. Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua chương trình “Các tổ chức chính trị và sự tham gia của công dân” (iPACE), hỗ trợ việc đào tạo cho các nhà hoạt động sở tại về các thể dân chủ có liên quan và hướng dẫn công dân tham gia để nâng đỡ một “xã hội dân sự” có tính tham gia, tính đại diện và có năng lực. Chính quyền Obama còn cấp ngân sách 88,45 triệu USD trong năm tài khóa 2015 để ủng hộ tiến trình chuyển đổi chính trị và kinh tế cũng như tăng cường năng lực cho “xã hội dân sự” của Myanmar.

Tóm lại, Mỹ đã nhận định cuộc tổng tuyển cử năm 2015 là “đá thử vàng” có ảnh hưởng đến việc Myanmar đi theo hướng nào. Trước khi tương lai chuyển đổi dân chủ của Myanmar được sáng tỏ, Mỹ vẫn kiên trì chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với nước này. Mỹ có toan tính kép trong mục tiêu chính sách đối với Myanmar, vừa có ý đồ chiến lược rõ rệt nhằm vào Trung Quốc, đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, vừa mong muốn dựng lên “hình mẫu dân chủ” mới của Mỹ. Tuy nhiên, biện pháp gây ảnh hưởng lên Myanmar của Mỹ vẫn có hạn, đầu tư ngoại giao cho Myanmar cũng là “lực bất tòng tâm”, việc thực hiện mục tiêu nói trên thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Mỹ sẽ phải đứng trước một lựa chọn quan trọng trong thời gian dài, đó là ưu tiên cho việc đặt quan hệ Mỹ-Myanmar trong vòng chiến lược để đối trọng với Trung Quốc hay ưu tiên cho việc thúc đẩy cải cách dân chủ của Myanmar. 

Mỹ không phải là động cơ chính khiến Myanmar tiến hành cải cách, càng không phải nhân tố then chốt nhất để Myanmar hoàn thành thành công dân chủ hóa, triển vọng cải cách của Myanmar vẫn được quyết định bởi chính nước này. Myanmar nhận thấy trở ngại để bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Mỹ còn rất lớn và Mỹ cũng rất khó mang lại lợi ích thực sự cho nước này. Trong thời gian tới, Myanmar sẽ tiếp tục kiên trì chính sách ngoại giao độc lập theo chủ nghĩa dân tộc, đồng thời dựa vào ASEAN, coi trọng hơn nữa mối quan hệ với châu Á, nhất là các nước láng giềng, điểm này không thể thay đổi do nguyên nhân ý thức hệ hay lợi ích cá nhân.


Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”, Trung Quốc.

Hoàng Lan (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Bài do cộng tác viên của TTHN - Sơn Tano sưu tầm

No comments:

Sâu Ciu Blog