Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. |
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kerry nói rõ: Hoặc là Hoa Kỳ ký hiệp định thương mại tự do Thái Bình Dương bao gồm nhiều lãnh vực, hoặc chấp nhận nguy cơ bị bỏ lại đằng sau trong công cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu.
Ông Kerry nói: “Nếu chúng ta không đạt được các thỏa thuận mậu dịch tự do trong vùng châu Á Thái Bình Dương, thì điều đó không có nghĩa là sẽ không có có thỏa thuận ấy, mà chỉ có nghĩa là chúng ta có thể không dự phần vào các thỏa thuận và có thể không hình thành chúng.
Thương viện đang bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận về thỏa thuận thương mại khổng lồ với 12 quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương, trong bối cảnh các nhà lập pháp vật lộn với rất nhiều vấn đề quyền lợi quốc gia và địa phương có thể bị tác động bởi công cuộc cạnh tranh quốc tế.
Hình thức mới về Hiệp định Thương mại
Nếu được chung quyết, Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TPP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. Theo Viện Brookings, nó sẽ tác động đến 1/3 toàn bộ công cuộc mậu dịch thế giới và khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Ông Kerry mô tả đó là một hiệp định lịch sử.
“TPP không phải là thỏa thuận thương mại kiểu thời ông bà chúng ta. Nó không phải là hiệp định thương mại thời cha mẹ chúng ta. Thậm chí cũng không phải là hiệp định thương mại thời anh chị chúng ta. Đây là một thực thể mới, rất mới, và cuối cùng đây là một hiệp định của thế kỷ thứ 21.”
Hiệp định bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Những người chỉ trích hiệp định gồm các nghiệp đoàn lao động và các tổ chức môi trường, là những người lo ngại rằng hiệp định sẽ đưa tới việc mất đi công ăn việc làm ở Hoa Kỳ và xói mòn các tiêu chuẩn về môi trường.
Sẽ lâm khó khăn nếu không có thỏa thuận
Nhân công tại một nhà máy Boeing ở tiểu bang Washington miền tây Hoa Kỳ đã tụ tập để nghe ông Kerry phản bác những mối quan ngại đó. Ông Kerry nhấn mạnh rằng giải pháp không phải là đóng cửa giao thương, mà là nằm trong việc chuyển hóa hệ thống để nó mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người. Ông cảnh báo về thời buổi khó khăn kinh tế sắp tới nêu như Hoa Kỳ quyết định không tham gia.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Kết quả sẽ là các cửa hàng khép kín và các bảng hiệu ‘đóng cửa’ ở mọi nơi từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ. Chúng ta có thể thấy nhân công bến cảng nhận giấy báo sa thải trong tay thay vì những tàu container nhả khói ra vào các cảng.”
Ông Kerry giải thích: “Giải pháp không phải là rút ra khỏi chính các hiệp định thương mại, hay tìm cách đình chỉ việc toàn cầu hóa, bởi vì đó là điều không thể làm được. Toàn cầu hóa không có tay ga chạy ngược.”
Ông Simon Lester, một chuyên gia về chính sách thương mại và ủng hộ mậu dịch tự do tại Viện Cato, thừa nhận sự quan ngại về việc mất đi công ăn việc làm, nhưng nói xét cho cùng thì Hoa Kỳ sẽ khá hơn với mậu dịch tự do.
Ông Lester nói với đài VOA: “Nó tốt hơn cho giới tiêu thụ, nó hạ thấp giá cả, và mặc dầu có thể gây ra tình trạng mất việc trong một số công nghiệp, nó lại tạo ra công ăn việc làm trong những ngành công nghiệp khác khi chúng ta mở cửa ra thị trường nước ngoài.”
Ông Kerry cũng nói nếu Hoa Kỳ dự phần vào thỏa thuận, Washington sẽ có thể định ra các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, thương mại và môi trường. Không chiếm một chỗ ở bàn thảo luận, theo ông, thì những nước khác sẽ quyết định tương lai và chất lượng mậu dịch quốc tế.
(VOA)
No comments: