vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Blog: Tình già

“Bà chỉ mong bà chết sau ông. Lo liệu xong cho ông mồ yên mả đẹp rồi thì bà sống ra sao cũng được. Chứ ông mà chết sau bà thì tội ông quá”.




Nghe bà vừa sụt sùi chấm nước mắt vừa nói, bọn trẻ đứa nào đứa nấy đều quay đi giấu tiếng cười khùng khục trong cổ. Trời ơi, ông bà già ngót nghét 70 rồi mà còn sến súa tình cảm quá. “Chuyện, bà ngoài 60 mới được làm vợ mà” - có đứa ra vẻ thạo tin phán vậy.

Lạ quá. Bà đẹp như vậy, gương mặt đằm thắm, già rồi mà khối đứa con gái còn chạy mướt không kịp, sao muộn chồng? Hay tại bà đành hanh kẻ cả quá? Cứ nhìn cách bà “hành” ông thì biết. “Lấy cho em cái màu tím kia mà. Cái váy màu kem của em anh giặt riêng ra nhé, đừng vò với áo đỏ mà bị lem màu...”. Tiếng bà vóng vót vọng xuống, bọn trẻ hình dung ra ngay bà đang giãy nảy lên với ông. Còn ông chắc hẳn vừa mỉm cười vừa ôm chậu quần áo đi giặt. “Ôi trời, đã bảo mỗi ngày chỉ được một chén rượu thôi mà. Uống nhiều thế để thành sâu rượu chắc” - tiếng bà vừa cất lên đã thấy ông tiu nghỉu, lủi thủi cầm chiếc quạt lảng ra ngoài vườn.

Cả ngày chỉ nghe tiếng bà nói, rặt không thấy ông nói câu nào. Bà lại rất nghiêm khắc. Lũ trẻ đang tuổi lớn tuổi ăn tuổi yêu, bà thì cấm tiệt không có chuyện hẹn hò trong nhà bà. Trai ở dãy nhà của trai, gái ở dãy nhà của gái. Không có chuyện gái một mình tiếp bạn trai trong phòng. Cũng không có chuyện trai tự dưng đưa bạn gái ở đâu về ngồi lâu lâu một chút.

Nhưng ông bà thì tình cảm quá đỗi. Sáng sớm ra đã thấy bà thánh thót: “Anh dậy đánh răng rửa mặt rồi xơi cháo em đã nấu”. Rồi hai ông bà dắt nhau đi chợ. Về nhà là bà phân chia việc cho ông nhặt rau hoặc đãi gạo. Nửa buổi thấy bà nũng nịu: “Em đau tay quá, anh bóp tay giùm em nhé”. Chiều đến: “Anh cất giúp em quần áo vào nhà đi kẻo sương”. Còn đến tối nhất định dù ông đang xem tivi hay đọc báo hay ngắm trăng, thể nào cũng phải “vào kỳ lưng cho em”. Ông bà già rồi còn tắm chung. Bọn trẻ hé mắt dòm vào nhà, bấm nhau cười hí hí.

Bà lại ghét ồn ào, cấm bọn trẻ mở nhạc to, nhất là thứ nhạc tây tàu xập xình và thứ nhạc thời thượng nghe phát ớn lỗ tai. Nhưng bà chúa nghiện món phim Hàn Quốc. Lúc nào cũng phải có ông xem cùng. Vừa xem vừa sụt sùi chấm nước mắt nước mũi. Đến đoạn cao trào, bà còn khóc ngất. Ông bối rối chỉ biết nắm tay bà bóp nhè nhẹ. Rồi bọn con gái xem ké thấy ông cũng mũi đỏ phập phồng, vai khẽ rung rung lén quay đi nhấc kính, lau mắt. Bọn con trai nghe kể phì cười, kêu ông sến sẩm. Bọn con gái nguýt dài, tình già còn gấp ba tình trẻ làm bọn con trai xịu cả mặt lại.

Nhiều đứa thương ông, đâm ghét lây cả bà. Nhất là những đứa mới đến, cứ nghe tiếng bà lanh lảnh dọc hai dãy nhà “Đầu tháng rồi, các con cho bà xin tiền nhà nào” là giả vờ ngủ, gọi thế nào cũng không dậy. Nhưng chây ì đến đâu cũng chẳng thoát. Có đứa ngồi lì trong nhà vệ sinh, bà cũng cứ đứng chờ, tê chân, nóng quá đành phải nhao ra. Đêm ấy nó nằm ngửa mặt lên trời ước gì một ngày không nghe thấy tiếng bà.

Thế mà điều ước linh ứng. Một ngày, hai ngày, một tuần liền không thấy bà nũng nịu, giận hờn, trách cứ, sai bảo gì ông nữa. Lại có rất nhiều người lạ vào ra. Bà ốm nặng rồi. Ông cũng suy sụp hẳn. Đôi vai cao lớn, hiên ngang, vầng tóc bạc hào hoa kiêu hãnh ngày nào chùng cả xuống. Bà đi nhanh quá. “Thế là em không giữ được lời hứa sẽ chăm sóc anh cho đến khi anh nhắm mắt xuôi tay rồi. Thôi em đi trước, hẹn kiếp sau chúng mình sẽ làm vợ chồng ngay từ lúc còn son trẻ”. Bà nói xong rồi đi. Ông òa khóc.

Đám tang bà, toàn họ hàng của ông. Ông nhờ mấy đứa trẻ mặc áo xô, chít khăn trắng đi sau quan tài cho bà khỏi tủi. Đám xong rồi nhà cửa trống tênh toang. Ông cặm cụi đi quét những vòng vôi trắng lên từng gốc cây. Ông dặn bọn trẻ chờ vài ngày nữa cho cây bớt buồn đau rồi tha hồ ra hái quả. Ngày thường còn bà, cấm đứa nào được lai vãng. Thế mà giờ nhìn quả chín lúc lỉu trên cây, chả đứa nào buồn hái.

Quá ngày đóng tiền nhà từ lâu, không còn tiếng nhắc nhở, giục giã. Nhà trên đóng cửa im ỉm, vắng lặng đến tái tê. Ngày hai buổi ông lủi thủi cầm chiếc xô con ra mộ bà, tỉ mẩn chăm sóc đám hoa mới trồng. Ông vật vờ như cái bóng, có lúc còn tưởng ông không tồn tại nữa. Mấy đứa trẻ rón rén lên nộp tiền nhà, gặp ông ngồi như hóa đá trước bàn thờ bà. Tấm ảnh thờ chụp bà hồi còn trẻ, đẹp mặn mà, cười rạng rỡ. “Bà xưa là con chánh tổng, xinh đẹp, giỏi giang nhất vùng, lại thông thạo chữ nghĩa, nói năng khéo léo. Tưởng được bà yêu là phúc tổ mấy chục đời cho ông. Vậy mà thời thế thay đổi, ông không được phép lấy bà. Bà qua thời xuân sắc trong đơn lẻ. Mãi

mấy chục năm mới gặp lại nhau. Bà vẫn mong chết sau ông để ông khỏi chôn hai đời vợ. Vậy mà...”. Những đứa con trai cứng rắn nhất cũng bất giác quay đi giấu dòng nước mắt đang lăn dài trên má.

Năm mươi ngày bà, các con ông, đều định cư ở nước ngoài, giờ về đón ông theo. Bọn trẻ nghe thì mừng cho ông. Chứ ông sống đơn chiếc lủi thủi trong căn nhà đã quá nhiều dấu ấn của bà, chịu sao nổi. Rồi chúng chợt thảng thốt, vậy mình sẽ ở đâu? Mấy đứa rụt rè ra nhìn ông ứa nước mắt trước tấm biển ghi chữ “bán nhà”, thầm ước gì mình có nhiều tiền để mua đặng lấy chỗ cho ông có khi nào trở lại viếng mộ bà, được đứng ở sân tưởng còn được nghe bà trách cứ: “Cơm anh cắm nhiều nước vậy thành cháo rồi. Nấu cơm bao lâu vẫn chưa thạo”...

No comments:

Sâu Ciu Blog