Người về kẻ ở
Trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, sinh viên năm cuối gánh trên mình rất nhiều nỗi lo về tiền nong, công việc. Cạnh đó, một vấn đề không ít người phải nặng lòng là chuyện tình cảm. Nhận tấm bằng cử nhân với một số người đồng nghĩa với việc phải dứt khoát với tình yêu của mình.
Khi bạn bè đang vắt chân lên cổ cho kỳ thực tập, lại phải chuẩn bị bài luận văn hoặc ôn thi tốt nghiệp thì Hiền, sinh viên trường ĐH V lại lo lắng đến phát ốm chuyện tình yêu của mình. Hiền yêu Huân từ khi cô học năm thứ hai. Huân cùng quê với Hiền, học Ngân hàng, trước cô một khóa. Huân tính làm việc ở Hà Nội một năm, chờ Hiền tốt nghiệp, sau đó hai người sẽ khăn gói về quê. Nhưng công việc Huân suôn sẻ nên giờ đây Huân sẽ không về quê.
lo lớn của các tân cử nhân.
Thế là, thay vì “vắt sức” cho kỳ cuối, Hiền lại phải xin xỏ người yêu suy nghĩ lại. Hiền cho hay: “Mình học ngành xuất bản, ngay thực tập nhiều người còn phải thực tập trái nghề. Rơi vào thời điểm khủng hoảng thế này xin việc ở Hà Nội là điều không tưởng, nhà mình lại có hiệu sách ở quê, chỉ còn con đường về. Nhưng anh ấy đòi ở lại, thế khác nào nói chia tay”.
Cùng tuổi và cùng chuẩn bị ra trường nhưng Mạnh và Thảo cũng đang nhiều khả năng “đường ai nấy đi”. Mạnh học trường Thương mại, quê Thanh Hóa đang có ý định tiến Nam vì anh chị đều lập nghiệp trong đó. Còn Thảo, cô tốt nghiệp ngành báo chí, đủ khả năng để bám trụ ở Hà Nội.
Mạnh chia sẻ: “Cô ấy ở Hưng Yên, là con gái duy nhất trong gia đình, cơ hội ở Hà Nội cũng nhiều, nói cô ấy vào Nam là làm khó cho người ta. Còn mình, thú thật bắt đầu một công việc ở Thủ đô quá khó, vào Nam đã có nền tảng, không đi cũng không được".
Nguyệt, một nữ sinh trường ĐH Luật băn khoăn: "Người yêu em đang làm việc ở TPHCM. Em không biết mình có nên vào Nam không?".
Đồng thời với việc tốt nghiệp, nhiều sinh viên đang phải giải quyết cho xong chuyện tình cảm. Cảnh sinh viên năm cuối thất tình vì thế cũng diễn ra nhiều hơn.
Mây, sinh viên năm ba ĐH Văn hóa cho biết: “Phòng mình có bốn chị năm cuối thì ba chị đang phải “bỏ” người yêu. Tất cả đều vì công việc, mỗi người mỗi tỉnh, người nào về quê người nấy, người ở lại, người về. Chị nào cũng buồn cũng khóc, có chị còn đòi chết”. Rồi Mây lắc đầu: “Chẳng lẽ tình yêu thời sinh viên luôn có thời hạn sao. Thế này em cũng thấy lo quá!”.
Gian nan tìm chung bến đỗ
Đối mặt với cảnh “đường ai nấy đi” nhiều người tìm bằng lối thoát để được ở bên cạnh người mình yêu. Nhưng con đường để đến được đích của họ còn lắm những gian nan.
Không hề nằm trong dự định nhưng khi thời gian nhận bằng tốt nghiệp sắp cận kề, Giang, sinh viên ngành Kế toán, trường Thương mại lên ngay kế hoạch đi học tiếp để được ở lại với người yêu. Người yêu Giang đã đi làm, ra trường nếu cô không ở lại Hà Nội thì chắc chắn cũng đường ai nấy đi. Nhưng với Giang, xin được một công việc ưng ý lúc này ở Thủ đô không phải là dễ. Cô chỉ còn nước chọn cách học tiếp để “giữ chân” người yêu.
Giang nói: “Em sẽ về nhà nghỉ ngơi một thời gian, sau đó xuống học vài khóa đào tạo chứng chỉ về kinh tế chờ đến đợt thi cao học”. Hỏi về việc học tiếp của mình Giang thật thà chia sẻ: “Gia đình em khó khăn, việc học tiếp thật ra không phù hợp với hoàn cảnh của em lắm nhưng giờ chỉ còn cách đó thì em mới có cơ hội tiếp tục ở lại chứ không thì chia tay”.
Còn hơn hai tháng nữa mới đến ngày nhận bằng nhưng Lan, ĐH T.L ngành kiến trúc lại có kế hoạch đến khó hiểu. Bạn trai Lan ở Phú Thọ, đang làm việc ở quê. Lan có khả năng ở lại Hà Nội nhưng anh chàng không hề có ý định chuyển xuống và cũng trong cảnh lấp lửng: “Nếu em về được Phú Thọ thì cưới”. Lan nói với bạn bè, cô sẵn sàng xin về Việt Trì làm... công nhân nhà máy Dệt để được lấy người mình yêu. Dự định của Lan không được ai tán thành.
Hùng, ĐH Bách khoa cũng đang đau đầu vì chẳng biết phải xoay xở thế nào khi cả cậu và bạn gái đều có ý định về quê sau khi tốt nghiệp. Hùng quê ở Bắc Ninh, bạn gái cậu quê Hà Tĩnh. “Quê em nhiều khu công nghiệp, ngành học của em rất phù hợp nhưng bạn gái em cũng đòi về quê” - Hùng nói. Hùng đang tính sẽ theo bạn gái về Hà Tĩnh nhưng đầy lo lắng: “Về nơi xa lạ, công việc lại khó khăn chẳng biết sẽ đi đến đâu. Lại thêm bố mẹ mình cũng đang phản đối kịch liệt”.
Trước khi kết thúc quãng đời sinh viên, bên cạnh nhiều nỗi lo thì chuyện tình cảm cũng đang trở thành một “thách thức” đối với các tân cử nhân, kỹ sư
No comments: