Chiến thắng ở Rogers Cup nhắc nhở một điều: Nadal cũng là nhà vô địch thực sự trên sân cứng.
Việc ba năm qua không thể thắng nổi Djokovic trên mặt sân cứng sau bốn lần gặp nhau ở các trận chung kết (trong đó có chung kết US Open và Australian Open) khiến người ta chỉ nhớ tới Nadal như ông Vua sân đất nện.
Và dù Nadal thống trị danh danh sách những người đoạt Masters nhiều nhất với 24 danh hiệu (trước Rogers Cup 2013) nhưng chỉ có năm trong số đó là trên sân cứng đôi khi cho thấy việc ATP duy trì tỉ lệ ba trong số chín giải Masters mỗi năm được tổ chức trên mặt sân đất nện là một diễm phúc cho tay vợt người Tây Ban Nha.
Bởi thế mới có cơ sở để ghi nhận mới chỉ 14 danh hiệu Masters nhưng đã có 4 chức vô địch ở các sân đất nện (tương ứng với tỉ lệ giải đấu) cho thấy Djokovic toàn diện hơn hẳn nếu không tính Grand Slam.
Trên sân cứng Nadal cũng là ƯCV hàng đầu
Và điều này cũng tương đối đúng với Federer, người đã có sáu lần vô địch các Masters đất nện bên cạnh 15 lần khác đăng quang trên sân cứng.
Nếu biết rằng có bốn Masters Nadal chưa từng chiến thắng đều là các giải sân cứng (Thượng Hải, Cincinnati, Miami và Paris), thì Djokovic chỉ còn thiếu đúng Cincinnati đang diễn ra ở bang Ohio, Mỹ để hoàn tất bộ sưu tập chín Masters của riêng anh, thì 25 danh hiệu của Nadal quả là không đồng nghĩa với sự thống trị.
Cũng là nhà vô địch trên sân cứng thực thụ
Nhưng chiến thắng Djokovic trong trận bán kết rồi đè bẹp chuyên gia giao bóng Milos Raonic trong trận chung kết Rogers Cup hoàn toàn không phải là sự chứng tỏ cái mới. Nó chỉ là sự nhắc nhở lại một điều: Nadal đã là nhà vô địch thực sự trên sân cứng từ trước kia rồi.
Tháng 9-2010, Nadal vô địch US Open sau khi đánh bại Djokovic trong một trận đấu mà tay vợt người Serbia bất lực tới mức đập vợt ngay cả khi Nadal ghi điểm trực tiếp winner.
Tháng 2-2009, Nadal khuất phục Federer ở Australian Open sau khi anh đã chơi một trong những trận bán kết dài và hay nhất trong lịch sử Grand Slam với một chuyên gia sân cứng (dù là người Tây Ban Nha), Verdasco qua năm set.
Trong số bốn giải đấu thuộc hệ thống Masters mà Nadal chưa từng nếm mùi vô địch, có những lý do riêng.
Djokovic vừa thua tâm phục khẩu phục
Cincinnati vì diễn ra và kết thúc đúng một tuần trước khi US Open khởi tranh nên hiếm khi nào các tay vợt hàng đầu đặt nặng chuyện thành bại ở đấy, ngoại trừ Federer ở thời đỉnh cao với những tố chất đặc biệt của một thiên tài "chỉ cần nhún nhảy vài cái khởi động là có đủ mềm và nhanh để đánh năm set " (lời của Federer mới đây).
Nên trong mười năm qua, ngoài Federer huyền thoại, chỉ có đúng Andy Roddick vô địch Cincy và US Open trong cùng một năm.
Nên nhớ, ngay cả Djokovic trong năm 2011 đỉnh cao cũng nhường Murray chức vô địch ở Cincy (bỏ cuộc giữa trận chung kết) để rồi anh vô địch US Open thuyết phục trong trạng thái dư sức.
Thượng Hải với lịch sử non trẻ (bắt đầu nằm trong hệ thống Masters 1000 từ 2009) cùng với Paris Masters tổ chức vào cuối mùa, trong khi Nadal chưa khi nào lấy điểm rơi cho những giải diễn ra sau US Open, như một sự thả lỏng sau quãng thời gian liên tục gắng sức để chơi ba Grand Slam trong ba tháng và là người sớm nhất trong số các ngôi sao chuẩn bị cho mùa giải năm sau.
Chỉ có Miami là từng chứng kiến Nadal nhiều lần bung hết sức, ba lần vào tới chung kết nhưng vẫn thua, rồi mới đây anh đã chính thức buông giải đấu này để chuẩn bị cho mùa đất nện then chốt.
Khi Nadal sợ hãi sân cứng
Tháng năm năm nay, Nadal nói lại một điều anh đã luôn đề cập trước đó, rằng ATP đang tổ chức quá nhiều các giải đấu trên mặt sân cứng, một điều không có lợi cho sức khỏe của nhiều tay vợt.
Với chúng ta nói riêng hay châu Á nói chung, thậm chí với cả người Mỹ, nơi tennis đồng nghĩa với sân cứng, đó là chỉ trích phi lý. Nhưng với châu Âu, nơi khi chúng ta băng qua những cánh rừng xanh hoặc công viên bát ngát sẽ thấy rất nhiều những ô đất hình chữ nhật màu đỏ rải rác khắp nơi, đó lại là đòi hỏi có cơ sở.
Murray phải dè chừng Nadal nếu muốn bảo vệ chức vô địch US Open
Mặt khác, hệ thống các giải trẻ trên thế giới giờ đây ngày càng đổ về châu Âu nhiều hơn, và giải tennis dành cho các ngôi sao tương lai danh giá nhất ở Mỹ, Orange Bowl vào cuối năm ngoái cũng được tổ chức trên mặt sân đất nện kiểu Mỹ (Har-tru clay).
Nhưng ngay cả khi chỉ trích nói trên hoàn toàn chỉ là do và cho mỗi bản thân anh, nó cũng nói lên một điều hiển nhiên: Nadal không phải lúc nào cũng dồn hết sức và khát vọng của anh cho mặt sân cứng. Thậm chí, với cái đầu gối đã nhiều lần phải nhờ bác sĩ can thiệp và trước trận đấu nào hầu như cũng cần phải tiêm thẳng vào đó, nó là một nỗi sợ hãi.
Cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Djokovic trong gần ba năm qua đã khiến Nadal bị đối thủ đánh bại sau cả bốn lần gặp nhau trên sân cứng.
Nadal đã thua rất sâu trước Djokovic trong trận chung kết US Open 2011 và thua đầy tiếc nuối trong trận chung kết Australian Open 2012 diễn ra chỉ vài tháng sau đó. Ở hai trận chung kết Masters 1000 khác, Indian Wells và Miami, Nadal thua sau khi anh đều thắng trước trong set một.
Nhưng, khi quá trình hồi phục từ chấn thương đầu gối trở nên tích cực hơn, Nadal lại có thể chứng tỏ anh đủ khả năng thách thức mọi đối thủ trên mặt sân cứng, như đã làm trong quá khứ.
Trận thắng Djokovic và phong độ ấn tượng trong cả Rogers Cup (bao gồm trận chung kết thắng dễ Raonic) cũng không phải là sự đột phá mới mẻ về lối đánh, chiến thuật hay cú quả. Đơn thuần là Nadal đã tìm lại được chính anh với cảm hứng, sự tự tin để lôi lại những bài cũ ra sử dụng.
7 cú ace và chỉ một lỗi giao bóng kép trước Djokovic (trong khi đối thủ là 8-7), 4 cú ace hoàn hảo trước Raonic (đối thủ là 4-3) gợi nhớ lại màn trình diễn của Nadal ở US Open 2010.
Ở trận chung kết năm ấy với Djokovic, Nadal thường xuyên giao bóng với tốc độ khoảng trên 120 dặm/giờ (khoảng 200 km/h). Anh cũng không gò bó vào nguyên tắc khi đứng ô số 1 phải giao bóng vào góc chữ T, còn khi đứng ô số 2 anh giao bóng ra mang. Sự linh hoạt chủ động này khiến Nadal khó bị bắt bài và khó bị bẻ giao bóng hơn.
Cũng ở trận đấu ấy, người phải đứng lùi sâu ở cuối sân là Djokovic khi Nadal đứng ôm sân tấn công và sẵn sàng tràn vào trong để dứt điểm sớm.
Trong suốt gần ba năm qua, sự toàn diện và cực kỳ ổn định của Djokovic đã tự biến anh gần như một chuẩn mực. Anh được chơi thứ tennis của mình, còn các đối thủ khác buộc phải thay đổi đặng mở ra cánh cửa chiến thắng. Như có lúc, Nadal cả trận chỉ cố gắng thực hiện cú body serve (giao bóng đúng vị trí người chờ trả giao bóng), thì mới có cơ may chiến thắng. Nhưng giờ đây, Nadal không còn phải cố gắng tìm ra một phương thức nào nữa, có thể chơi tự ngẫu hứng hơn hòa trộn giữa cú thuận tay dọc dây với chéo sân cũng như tự tin giao bóng gây sức ép cả khi giao bóng hai với sức nặng đáng kể.
Vì thế, Djokovic đã bị đẩy vào tình thế mà chính anh đã dồn Nadal trong năm 2011 vào chân tường: Luôn phải thực hiện các cú đánh cực khó mới có cơ hội giành điểm, hoặc phải giao bóng hai rất hiểm mới không bị tấn công tức thì. Đó chính là lý do dẫn tới một Djokovic vừa mắc lỗi kép nhiều và tự đánh hỏng ở cuối sân cũng không ít (44 lỗi so với Nadal 33).
Một ứng viên thực sự của US Open
Sự trở lại của Nadal trên mặt sân cứng đáng khâm phục không chỉ bởi anh đánh bại được Djokovic. Chuỗi thành tích mười trận bất bại trên sân cứng hiện tại của Nadal bao gồm cả màn trình diễn của anh ở Indian Wells chưa xa với việc đánh bại Del Potro, Berdych và Federer (những chuyên gia sân cứng). Không có bằng chứng và thống kê nào thuyết phục hơn những chiến thắng ấy.
Nadal trong giai đoạn này chỉ chưa gặp Murray, người giờ đây đang nắm chức vô địch US Open trong tay và đã vào tới trận chung kết Australian Open 2013 - những thành tích cũng đủ để coi anh là một đối trọng thực sự với bất cứ ai trên sân cứng.
Nhưng chẳng cần gặp Murray mới là dịp để Nadal có lửa thử vàng. Ngược lại có lẽ còn đúng hơn!
No comments: