ĐT U23 Việt Nam bị cho là quá thiếu những sự lựa chọn khả dĩ ở cả 3 tuyến. "Chúng tôi không có nhiều các cầu thủ ngôi sao, những người có khả năng giải quyết trận đấu", HLV Hoàng Văn Phúc luôn nói thế, ngay từ những ngày đầu đội bóng tập trung.
"Nghệ nhân" lớn nhất của U23 Việt Nam chỉ là Văn Quyết, đội trưởng đội bóng, trong khi chúng ta thậm chí còn thiếu cả những "công nhân".
Thầy thiếu linh hoạt
Cơ chế sắp xếp nhân sự và tính năng hoạt động của một đội bóng không khác gì một dàn nhạc là mấy. Có những người kéo violon, thổi sáo hay chơi piano, hẳn phải có những tay trống. Trên sân khấu, khu vực dành cho các tay trống luôn biệt lập, có lẽ bởi thứ âm thanh chát chúa mà loại nhạc cụ này phát ra. Trong bóng đá cũng thế, thường bạn chỉ sở hữu cầu thủ nhanh và khỏe về cơ bắp, hoặc những cầu thủ giàu kỹ thuật, chứ hiếm khi có "2 trong 1".
ADVERTISEMENT
Theo sự phân công, bắt đầu từ đẳng cấp chơi bóng được xác lập trước đó, những Mạnh Dũng, Văn Quyết và Vũ Minh Tuấn, được đánh giá là những nghệ nhân hiếm hoi trong lòng ĐT U23 Việt Nam vào lúc này.
Chúng ta đang yếu và thiếu đều từ tuyến đầu cho đến tuyến thấp nhất, nên HLV Hoàng Văn Phúc sẽ phải "liệu cơm gắp mắm". Ảnh: Quang Nhựt
Gán ghép hay nâng tầm họ trở thành các nghệ nhân đá bóng, e hơi quá, song rõ ràng đây sẽ là những nhân tố được kỳ vọng có thể giải quyết trận đấu và kết liễu đối thủ. Trong đó, Quyết và Dũng luôn rất linh hoạt vị trí và luôn sẵn sàng bùng nổ.
Bóng đá theo sự phát triển có logic với từng giai đoạn lịch sử khác nhau thì kể rất khó đòi hỏi hay cầu toàn. Người ta tính rằng, phải mất một chu kỳ ước chừng 10 năm, nền bóng đá mới có thể sản sinh ra "một cầu thủ ở đẳng cấp khác" như Hồng Sơn (thời thế hệ vàng) hay Minh Phương (nhà vô địch AFF Cup 2008). U23 Việt Nam hiện không có sẵn mẫu nhạc trưởng này và bù lại, HLV Hoàng Văn Phúc kỳ vọng nhiều vào sự cơ động của người trẻ trên sân.
Vũ Minh Tuấn, Văn Quyết, Mạnh Dũng và thi thoảng cả Văn Thắng đều đã rất nỗ lực, nhưng công việc không phải lúc nào cũng hanh thông. Sự bế tắc trong các phương án tiếp cận cầu môn đối thủ đang trở thành một nỗi ám ảnh rất thường trực. Không đơn giản để "chuyền một phát ăn ngay", nếu trung phong cắm không chiếm lĩnh được không gian hay ít nhất, chỉ là chọn được hướng di chuyển thuận lợi. Đó là lý do U23 Việt Nam thường xuyên phải đem bóng ra biên.
Thợ non tay nghề
Với việc loại Xuân Hùng, HLV Hoàng Văn Phúc sẽ chỉ còn 3 hậu vệ biên thuần túy là Quang Hùng, Ngọc Đức và Đình Hoàng. Mất Hoàng Thịnh, còn có thể vắng luôn Huy Hùng ở những trận đầu tiên, trong tay ông Phúc còn mỗi Thanh Hiền có thể chơi tiền vệ phòng ngự.
Đây đều là những vị trí cực kỳ quan trọng, những người đánh trống trong một ban nhạc. Họ luôn sẵn sàng làm thay rất nhiều các công đoạn trên sân, để đảm bảo tỷ lệ bóng và cố gắng để đội bóng không thua bàn.
Trong bóng đá, sự vắng mặt của người này sẽ tạo động lực và tạo các cơ hội thể hiện mình không thể tuyệt vời hơn cho người ở lại. Tuy nhiên, như thể thao & Văn hóa từng đề cập, Thanh Hiền chưa bao giờ là sự lựa chọn tối ưu của ĐT U23 Việt Nam, nếu chúng ta không mất quân.
Quang Hùng và Ngọc Đức có thể tạo sự yên tâm phần nào trong tấn công, nhưng phòng ngự thì chưa. Đấy là chưa kể, nhiều khả năng trung vệ tốt nhất Dương Thanh Hào vẫn chưa thể tập luyện trở lại.
Ai cũng biết triết lý bóng đá với việc xây dựng lối chơi luôn khởi thủy từ hàng phòng ngự. Đến ngày những đội bóng có hàng công hùng mạnh bậc nhất, họ cũng chưa bao giờ dám xem nhẹ vai trò của những "công nhân đá bóng".
Chúng ta đang yếu và thiếu đều từ tuyến đầu cho đến tuyến thấp nhất, nên HLV Hoàng Văn Phúc sẽ phải "liệu cơm gắp mắm". Tất-lẽ-dĩ-ngẫu phải thế, vấn đề là, ông Phúc sẽ "gắp mắm" bằng cách nào?!
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
No comments: