Dù TQ ngang ngược, song châu Á có nhiều cơ chế để ngăn chặn thảm họa chiến tranh.
Trong thời gian gần đây, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới vô cùng lo ngại trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.
Tham vọng độc chiếm Biển Đông đã khiến Trung Quốc ngày càng có những hành động liều lĩnh hơn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp sự phản đối của các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh và sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Để làm rõ hơn về âm mưu và tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc cũng như những hành động mà các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể thực hiện để kiềm chế Trung Quốc và khả năng nổ ra xung đột tại khu vực, tờ DW của Đức đã có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ William Choong, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore.
DW: Tâm điểm trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông là gì?
Tiến sĩ William Choong: Nhìn chung, chúng ta thấy rằng Trung Quốc luôn khăng khăng rằng khu vực rộng lớn ở biển Hoa Đông và Biển Đông thuộc chủ quyền của mình. Người Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố rằng họ không cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi đề cập đến các tuyên bố chủ quyền đó.
Tiến sĩ William Choong, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore
Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình về giấc mơ Trung Hoa dựa trên ý tưởng rằng Trung Quốc phải khôi phục lại danh dự của một đất nước từng bị nhiều quốc gia "hạ nhục" vào cuối thế kỷ 19. Bởi vậy Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu lùi bước trong các cuộc căng thẳng hay xung đột. Thông điệp mà họ muốn phát đi rằng Trung Quốc là một cường quốc phải được công nhận và họ có quyền tuyên bố chủ quyền trong các vấn đề tranh chấp.
Các quốc gia láng giềng sẽ chấp nhận sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc như thế nào?
Các nước láng giềng đã thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, và rằng Trung Quốc xứng đáng có vị thế trên thế giới. Trung Quốc có chân trong các diễn đàn lớn của khu vực, và điều đó chứng tỏ các nước đều chấp nhận rằng Trung Quốc là một cường quốc của khu vực.
Tuy nhiên, điều mà các nước láng giềng không thể chấp nhận được chính là việc Trung Quốc không bao giờ chịu chấp nhận cách hành xử theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như nhiều quốc gia ASEAN tin rằng Trung Quốc đang phản bội lại tinh thần của Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002.
Tuyên bố này quy định các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, điều đã bị Trung Quốc phá vỡ khi hung hăng huy động một lực lượng hơn 100 tàu chiến và tàu hải giám tấn công, đâm va tàu công vụ của Việt Nam.
Trung Quốc nhiều lần hành xử không theo thông lệ quốc tế
Nhiều nước cũng cho rằng Trung Quốc đang không tôn trọng các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia. Điều này thể hiện rất rõ trong hành vi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các quốc gia nhỏ hơn như Philippines và Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình trước mối đe dọa từ cường quốc đang lên như Trung Quốc?
Trong hoàn cảnh hiện nay, các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực không có nhiều lựa chọn trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc. Chẳng hạn như về phương diện quân sự, người Philippines chỉ có thể dựa vào đồng minh lớn của mình là Mỹ. Còn về phương diện pháp lý, các quốc gia Đông Nam Á có thể khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Tuy nhiên nếu họ có thắng kiện thì đây cũng chỉ có thể coi là thắng lợi về mặt tinh thần, bởi phán quyết của tòa án quốc tế rất khó có thể thay đổi được gì trên thực địa bởi thái độ và cách hành xử cố chấp của Trugn Quốc.
Trung Quốc sẽ không chấm dứt chính sách "ngoại giao giàn khoan" hay ngừng các hoạt động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Phương án tốt nhất của Manila và Hà Nội bây giờ là chờ đến lúc Trung Quốc tìm cách làm rõ về tuyên bố "đường chín đoạn" của họ trên Biển Đông để phản công và đưa ra những lập luận sắc bén dựa trên các nguyên tắc của UNCLOS để phản bác về tính pháp lý của đường biên giới biển phi lý này.
Bắc Kinh đang tìm cách gây sức ép bằng chính sách "ngoại giao giàn khoan"
Về nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, đến nay nhiều người vẫn không thể hiểu được tại sao tình hình Trung-Nhật lại căng thẳng đến vậy chỉ vì những hòn đảo đá nhỏ bé không người. Bản chất của tranh chấp này là gì?
Khi nói về tranh chấp Trung-Nhật trên nhóm đảo Senkaku, chúng ta không chỉ nói về những đảo đá vô tri vô giác trên biển Hoa Đông, mà nó là tổng hợp của ba thứ mà sử gia Hy Lạp từng nói "nỗi sợ hãi, danh dự và lợi ích".
Thứ nhất, đó là cuộc tranh cãi về những gì mà Nhật Bản đã làm với Trung Quốc trong cuộc xâm lược từ năm 1895 đến 1945. Thứ hai, đó là cách mà Nhật Bản hiện đang đối đầu với Trung Quốc với sự hậu thuẫn của siêu cường Mỹ. Và cuối cùng, đó là tranh chấp về cơ chế quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó cả hai nước đều muốn đứng lên chiếm ngôi đầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đã tái khẳng định chính sách "xoay trục" châu Á trong chuyến thăm tới khu vực này. Vậy Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong các tranh chấp chủ quyền ở khu vực?
Washington đang tìm cách thể hiện vai trò tích cực hơn trong các vấn đề tranh chấp, khi họ tuyên bố rằng Trung Quốc cần phải đưa ra được luận chứng hợp pháp dựa trên các nguyên tắc của UNCLOS để bảo vệ cho "đường chín đoạn" của mình.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, Mỹ có thể đóng vai trò là người trung gian hòa giải, nhưng tôi nghĩ khả năng này ít xảy ra. Lý do là Mỹ đang lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan" và buộc phải đi trên một lằn ranh rất mỏng manh giữa ngoại giao và răn đe.
Nói cách khác, Mỹ cần phải thể hiện được rằng mình sẽ giữ lời trong việc cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Philippines trước nguy cơ đến từ Trung Quốc, tuy nhiên họ cũng ý thức được rằng hành động đó sẽ hủy hoại quan hệ với Trung Quốc, đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.
Với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, bành trướng quân sự và các giọng điệu hung hăng, liệu châu Á của thế kỷ 21 có trở thành châu Âu của thế kỷ 20 hay không?
Tôi không cho rằng một cuộc chiến tranh quy mô lớn giống như Thế chiến I sẽ bùng nổ ở châu Á, bởi khu vực này có nhiều cơ chế giữ ổn định tự động. Mặc dù các nước có một số giọng điệu hung hăng với nhau, song họ vẫn bị ràng buộc chặt chẽ với nhau về kinh tế và thương mại, và điều đó có thể ngăn cản chiến tranh xảy ra.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên "hòa nhập" với các diễn đàn khu vực, và mặc dù các diễn đàn này vẫn còn đang non trẻ, song chúng có khả năng kiềm chế các thành viên đưa ra những biện pháp khó lường có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa.
Ngoài ra, một cơ chế giúp duy trì hòa bình, ổn định khác trong khu vực chính là vai trò của Mỹ trong việc răn đe tất cả các bên có liên quan không đưa ra những hành động phiêu lưu. Thế nên mặc dù một tính toán sai lầm có thể dẫn đến cuộc đối đầu lớn trong khu vực, nhưng khả năng xảy ra điều đó là vô cùng thấp trong hoàn cảnh hiện nay.
Nguồn: http://24h.com.vn/
No comments: