Facebook đang là mối nguy hiểm của giới trẻ |
“Nghiện” Face book: Thói quen nguy hiểm…
Phải thừa nhận rằng, FB đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị (chơi game, nghe nhạc, xem phim…). Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ. Tuy nhiên, khi bước vào thế giới của FB, rất nhiều người đã không cưỡng nỗi sự lôi cuốn như mê hoặc của nó. Vào FB vì thế thành một thói quen không thể từ bỏ, một hội chứng “nghiện”…
Lướt FB của nhiều bạn trẻ không khó tìm gặp những status (trạng thái) - những “tuyên ngôn” bản thân gây bất ngờ như: “Một ngày không vào FB cứ thấy bứt rứt, “nhớ” FB quá!!!” hay “Ăn mì tôm sống qua ngày nhưng được vào FB là OK hết!”… Rất nhiều học sinh, sinh viên nếu ngày nào không vào FB thì thấy “ngứa ngáy không chịu được”, họ có thể thức thâu đêm để cập nhật status (tình trạng), comment (bình luận), like ảnh hay các link, page… thử các ứng dụng, gia nhập các hội nhóm…. ; một số “nghiện” đến mức online chỉ vì một mục đích duy nhất là để vào…Facebook!!!
Bạn T, lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “Em biết dùng FB từ khi chưa có máy tính, thấy bạn bè chơi nên cũng vào cho biết, rồi giờ nghiện hẳn, không vào là cứ bứt rứt không yên. Em mê FB tới mức chỉ muốn được ngồi lì trước máy tính để tán gẫu, xem, đọc rồi like những page mình thích”. Cũng một trường hợp tương tự, bạn T.L - Sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Cứ hễ bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc gì đó thì mình lại bị cuốn vào FB, hết xem ảnh của mấy đứa bạn lại qua comment đi comment lại. Mỗi mùa thi, ngồi ôm quyển sách đọc được năm ba câu thì ghé qua FB đến cả tiếng đồng hồ. Khổ nỗi, cứ đọc sách là buồn ngủ mà vào FB cả đêm lại thấy tỉnh táo như thường (cười). "
Khác với những “con nghiện” vô tư này, có nhiều bạn nhận ra những rắc rối do nghiện FB và trăn trở tìm cách “cai” bằng nhiều biện pháp khác nhau: xóa phần mềm FB trong điện thoại; cài phần mềm khác thay thế hoặc có bạn còn dán khẩu hiệu “một ngày lên FB 1 lần” khắp phòng học… Đã có người cai được, nhưng không ít thì đâu vẫn vào đó. FB quả thực là thói quen dễ nghiện nhưng khó bỏ!
... Những hệ lụy
Bên cạnh với những lợi ích mà facebook đem lại thì việc lạm dụng nó đã làm cho người dùng bị ảnh hưởng rất nhiều về thời gian, sức khỏe cũng như công việc. Chị H.T.T - đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh có con đang học THPT tâm sự: “Con tôi chuẩn bị sang năm là thi đại học rồi mà cứ có thời gian là cháu lại truy cập FB để tán chuyện với bạn bè. Tôi nói thế nào cũng không chịu nghe, kiểm soát bằng máy tính bàn thì cháu vào bằng máy điện thoại. Thu máy điện thoại thì cháu ra quán net để giải tỏa nhu cầu vào FB. Tôi và nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này”. Hội chứng “nghiện” FB khiến nhiều bạn trẻ tiêu tốn thời gian, sức khỏe dẫn đến chểnh mảng học hành, kết quả học tập sa sút.
Mất tập trung cho việc học tập đã đành, các em học sinh, sinh viên có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu bởi các mối quan hệ trên FB vì ở độ tuổi này các em chưa có nhận thức chín chắn nên dễ bị lôi kéo và ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thế giới “ảo”. Không ít bạn sử dụng lời lẽ thiếu văn hóa thậm chí văng tục, chửi bậy nhau trên FB; chia sẻ những hình ảnh, thông tin thiếu lành mạnh hoặc thành lập những hội nhóm vô bổ: “Hội phát cuồng vì trai xinh, gái đẹp trường…”; “Hội phát cuồng vì sự cute của couple…”; “Hội những người phát tởm vì em…..”; “Hội phát tởm vì sự xinh đẹp giả tạo của….”. Trên FB của nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh, xuất hiện câu cửa miệng kỳ quặc kiểu như: “GATO” (gen ăn tức ở), “Đậu xanh rau má”, tự kỷ… “ném đá” chỗ này rồi “chém gió” chỗ kia. Vậy mới thấy, tính năng chia sẻ, kết nối thông tin của FB quả như một “con dao hai lưỡi”, thông tin bổ ích cũng có nhiều song thông tin tiêu cực thật khó để kiểm soát.
Hội chứng “nghiện” FB đang trở thành thực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nghiện hay không nghiện FB căn bản vẫn là ở nhận thức của người sử dụng. Điều đó đòi hỏi các bạn trẻ phải biết sắp xếp hợp lý thời gian học tập và vui chơi giải trí; biết cách chia sẻ, yêu thương và học hỏi những điều hay từ bạn bè. Bên cạnh đó, để ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần kịp thời tuyên truyền, giáo dục, tăng cường quản lý học sinh, sinh viên đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy lùi những tư tưởng tiêu cực, độc hại đang lây lan trong giới trẻ thông qua mạng xã hội Facebook.
No comments: