Nhớ cái tết năm 1968 ấy
Ngày Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến rồi, Đường phố Hà Nội đã đỏ rực hoa đào và những cây quất “xếp hàng” trên một số vỉa hè đang khoe sắc những chùm quả vàng óng ả. Không khí Tết càng đậm đà bởi những tờ báo nhiều màu được bày bán trên mấy cái sạp nơi đường phố đông người. Thời ấy, Hà Nội dẫu còn nghèo, nhưng vốn là đất hào hoa, thanh lịch, nên những người từ xa về Thủ đô vẫn còn thấy cái nét đặc sắc của vùng đất “nghìn năm văn hiến”.
Đã là ngày 27 tháng Chạp rồi. Chỉ còn có ba ngày nữa là Tết sẽ đến – cái tết năm 1968. Đây là ngày khai mạc Đại hội Anh hùng chống Mỹ, cứu nước. Rất nhiều đại biểu ưu tú ở khắp nơi về dự Đại hội này. Anh Dương Chí Uyển – chiến sĩ Phòng không, người đã tham gia trận đánh máy bay, bị thương vỡ xương hông, sau khi chữa lành vết thương. Anh từ khu Bốn ra Thủ đô dự Đại hội này.
Bác Hồ chúc Tết năm Canh Tý 1960
Trong hội trường rộng lớn, anh Uyển, Thái Văn A và Trần Thị Lý được xếp ngồi ở hàng ghế phía trước. Anh cũng như các đại biểu đều mong gặp Bác, vì đây là một vinh dự lớn, có khi trong đời chỉ được một lần. Đại hội đã sắp đến giờ khai mạc. Và Bác đã xuất hiện trên hàng ghế Đoàn Chủ tịch.
Anh Uyển ngước nhìn Bác và Bác đã từ chỗ ngồi của Đoàn Chủ tịch bước xuống hàng ghế các đại biểu. Bác cầm hai bó hoa tươi, Bác tặng cho em Suốt – người chèo đò ở Bảo Ninh và mẹ Phấn, quê ở Cao Bằng, bà mẹ có sáu người con đang chiến đấu nơi chiến trường, trong đó, một người đã hy sinh.
Tặng hoa cho hai bà mẹ xong, Bác đến chỗ anh Uyển. Bác đặt bàn tay lên vai anh hỏi:
- Chú là Dương Chí Uyển, chiến đấu ở trận Rú Nài phải không?
- Dạ, thưa Bác: phải ạ!
- Thế vết thương của chú đã khỏi hẳn chưa?
- Dạ, thưa Bác: vết thương đã lành.
Anh trả lời Bác trong nghẹn ngào xúc động. Thật không ngờ, Bác biết cả vết thương của anh, biết cả trận chiến đấu ở Rú Nài – một trận “đọ lửa” giữa trận địa pháo của ta và máy bay Mỹ rất quyết liệt. Tại Đại hội này, anh Dương Chí Uyển cùng một số đồng chí khác được thưởng huân chương.
Nhưng có một phần thưởng rất lớn, anh cũng như các đại biểu dự Đại hội nhớ đến suốt đời không quên. Đó là vào một buổi sáng Mồng một Tết năm 1968, các đại biểu được vào dự chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Anh Uyển kể: “Sang mồng Một tết năm ấy, thật là một diễm phúc lớn đối với chúng tôi. Hôm ấy, trông Bác hồng hào, khỏe mạnh và rất vui. Bác mặc quần áo ka ki và đi đôi dép cao su giản dị, Bác ngồi giữa đoàn con cháu vây quanh. Bác nói: “Trung ương đang còn nghèo, hôm nay có kẹo và thuốc lá chiêu đãi các cô, các chú. Bác cho phép các chú vừa ăn kẹo vừa nói chuyện, ai muốn nói gì thì cứ tự nhiên…”.
Anh Uyển muốn thưa với Bác về sự tiến bộ của gia đình và sự trưởng thành của bản thân. Anh, một người mù chữ, vào bội được học hành, luyện tập, nay đã sử dụng thành thạo các cỗ pháo hiện đại. Nhưng anh chưa dám đứng dậy để thưa chuyện với Bác. Ngồi bên anh, chị Trần Thị Lý đứng dậy. Chí nói xong, anh Uyển đứng dậy thưa với Bác những điều anh đã chuẩn bị. Anh nói trong rưng rưng nước mắt.
Bác nhìn mọi người và nói:
- Các cô, các chú vừa chúc Bác mạnh khỏe. Nếu các cô, các chú làm việc tốt hơn thì Bác càng khỏe hơn.
Chuyện của anh hùng Dương Chí Uyển kể, góp thêm một nét đẹp về sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Bác Hồ với cựu chiến binh Việt Nam, NXB Đà Nẵng
Mời quý độc giả đọc thêm bài viết về quê hương xã Thạch Hội qua bài: Tinh xảo nghề làm trống Bắc Thai
No comments: