(Ảnh: Jonathan McIntosh)
Ở Trung Quốc, hệ thống Người anh Cả (Big Brother) đang theo dõi người dân, và tại Bắc Kinh, hệ thống này còn lắp thêm những con mắt để mở rộng tầm nhìn. Theo một báo cáo ngày 25/5 của tờ báo nhà nước Tin tức Bắc Kinh, lực lượng cảnh sát của thủ đô nước này đã lắp đặt 30.000 camera an ninh mới, trên bề mặt là để trấn áp các hoạt động tội phạm.
Được xây dựng trên hàng trăm nghìn camera đã sẵn sàng hoạt động, hệ thống mới này có mục đích thiết lập một “mạng lưới kiểm soát và phòng ngừa vững chắc,” theo tuyên bố của Sở Công an thành phố Bắc Kinh.
Trước năm 2010, chính quyền Bắc Kinh đã có hơn 400.000 camera cung cấp “100% độ bao phủ” những khu vực công cộng, huyết mạch giao thông và các vị trí chiến lược chủ yếu, cùng với 70% các khu vực dân cư, theo báo cáo trước đây của truyền thông nhà nước.
Những camera trong lần lắp đặt mới đây nhất có ba mức độ giám sát – theo dõi 24/24 giờ các quận quan trọng, các đường phố đông đúc, trường học, các trung tâm buôn bán… và giám sát theo giờ những tuyến đường ít quan trọng hơn, tờ Tin tức Bắc Kinh cho hay.
“Các video giám sát trước kia chỉ có nhiệm vụ ghi lại bằng chứng, nhưng giờ chúng ta có thể chủ động xác định và chiến đấu chống lại các hoạt động phi pháp,” Sở Công an thành phố Bắc Kinh nói trong một bài phát biểu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã sử dụng giám sát công cộng để theo dõi và đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và các tổ chức dân sự mà ĐCSTQ xem là phản động. Do dịp kỷ niệm 26 năm cuộc thảm sát và biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6 đang đến gần nên mạng lưới an ninh được nâng cấp ở Bắc Kinh dường như là để phục vụ cho một mục đích chuyên chế cụ thể.
Nhà bình luận chính trị Tang Jingyuan trong lúc nói chuyện với Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh đã chỉ ra rằng hệ thống giám sát được tăng cường ở Bắc Kinh có lẽ là nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động biểu tình có thể diễn ra trong dịp tưởng niệm ngày 4/6 sắp tới.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã sử dụng hệ thống giám sát để theo dõi và đàn áp các học viên Pháp Luân Công, một nhóm tu luyện tinh thần bị bức hại bởi ĐCSTQ từ tháng 7 năm 1999, theo Minghui.org, trang website thông tin của Pháp Luân Công ở nước ngoài.
Các học viên có nguy cơ bị giam giữ, tra tấn và bị chết trong tù dưới bàn tay của chính quyền vì cố gắng lan truyền thông tin về Pháp Luân Công và chiến dịch tiêu diệt diễn ra suốt 16 năm này. Họ đã báo cáo về việc bị cảnh sát lén theo dõi qua camera, bên cạnh việc điện thoại của họ bị nghe lén và nhà của họ bị theo dõi trực tiếp.
Theo các báo cáo của Minghui (Minh Huệ), các trạm xe lửa ở Bắc Kinh được trang bị công nghệ giám sát có khả năng nhận dạng khuôn mặt của các học viên Pháp Luân Công trong danh sách theo dõi của Sở Công an.
Lu Chen, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
An Bình biên dịch
No comments: