vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Đồng Phụng Việt - Hãy để Hiến pháp… nghỉ ngơi

Ảnh minh họa: Dân Làm Báo.
Hồi xưa, mình có một thằng bạn, cứ mở miệng là Đ.M rồi mới nói. Tuy chẳng lịch thiệp hơn vì… cũng hay chửi thề nhưng tụi mình đỡ hơn nó… một chút, mỗi khi chửi thề, tụi mình còn nhìn trước, ngó sau, xem nơi chốn và người đối diện. Riêng nó thì… bất chấp!

Một lần, khi cùng đến thăm một người quen lớn tuổi, thằng bạn mình vẫn Đ.M trước khi bắt đầu nói. Dù thấy bất nhã song tụi mình không cản bởi có cản thì cũng thế. Khác với sự lo ngại của tụi mình, vị lớn tuổi rất thản nhiên, không hề tỏ vẻ khó chịu. Một lúc sau, khi thằng bạn mình vừa buột miệng Đ.M, ông ta đột nhiên đưa tay tuồng như can thằng bạn mình rồi nói: Có lẽ cụ đã mệt, cậu nên để cụ nghỉ ngơi!..

Chẳng phải thằng bạn mình mà ngay cả tụi mình cũng ngớ ra, không hiểu tại sao. Phải mất cả phút, lúc đã “ngộ”, tụi mình bò ra cười, còn mặt thằng bạn thì đỏ như gấc. Nó im lặng, không nói thêm câu nào cho đến khi đứng dậy ra về.

Cũng kể từ đó, thằng bạn mình ít nói hơn, mỗi lần nói đều chừng mực hơn và bớt hẳn chửi thề. Riêng tụi mình, ở chỗ riêng tư, mỗi khi có thằng nào buột miệng Đ.M mà muốn xỏ nó thì có thẳng lại vung tay can rồi bảo: Có lẽ cụ đã mệt, nên để cụ nghỉ ngơi!..

***

Không phải tự nhiên mà người ta bảo Hiến pháp là luật mẹ. Đã thượng tôn luật pháp thì trước hết phải tôn trọng Hiến pháp.

Tuy còn nhiều điểm cần phải bàn thảo nhưng Hiến pháp 2013 vẫn là “mẹ” của hệ thống luật pháp hiện hành.

Tại Chương 2, từ điều 14 đến điều 49, minh định các quyền căn bản của con người, các quyền và nghĩa vụ căn bản của công dân.

Trong số các quyền căn bản, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1, Điều 20).

Hiến pháp hiện hành còn quy định, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 1, Điều 31).

Bởi Hiến pháp minh định như vậy nên Luật Tố tụng hình sự qui định như vầy: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (Điều 10). Nói cách khác, chuyện chứng minh ai đó có tội hay không là nghĩa vụ của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ đó và tất nhiên chẳng phải làm gì cả.

Nhìn một cách tổng quát thì những điều mà Hiến pháp Việt Nam minh định và Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam qui định như vừa kể, chẳng khác gì luật pháp của nhiều quốc gia khác.

Nó là nền của hệ thống pháp luật hình sự và là lõi trong hoạt động của các hệ thống tư pháp văn minh.

Đó cũng là lý do tại sao lại có “quyền im lặng”!

Xét cho đến cùng thì “quyền im lặng” chỉ là sự đòi buộc hệ thống tư pháp phải nhắc nhở các bị can về những quyền đã được hiến định mà đương sự có quyền dùng hay không.

Thế thôi!      

*** 

Hôm 27 tháng 5, tờ Tuổi Trẻ tường thuật, khi Quốc hội tổ chức thảo luận về việc sửa Luật Tố tụng Hình sự hiện hành, các ông tướng của ngành Công an và hiện là đại biểu Quốc hội đều không muốn đưa “quyền im lặng” vào Luật Tố tụng Hình sự mới (1).

Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, ông Đặng Văn Hiếu, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, chống “quyền im lặng” vì “luật cần bảo đảm dân chủ” nhưng “cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không thì sẽ bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”.

Ông Trịnh Xuyên, Thiếu tướng, Giám đốc Công an Thanh Hóa, khẳng định: “Người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật”.

Ông Xuyên nói thêm, “quyền im lặng rất vô lý, không thể chấp nhận được, trong trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta như vậy thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp”.

Ông Lê Đông Phong, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, bảo là “đừng bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo”. Cũng theo ông Phong thì “đừng nhìn vào một số vụ oan sai mà đảo lộn tất cả”.

***

Trong thực tế, đúng là “quyền im lặng” gây nhiều khó khăn cho hệ thống tư pháp trong tiến trình điều tra – truy tố – xét xử nhưng cho đến giờ, dù không ra rả tuyên bố “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, cũng chẳng kêu gào “Xây dựng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh”, song chưa thấy viên chức tư pháp nào ở các quốc gia đang duy trì “quyền im lặng” phản đối việc luật pháp cho phép tất cả các công dân của họ sử dụng quyền này.

Vì sao vậy? Vì những khó khăn mà hệ thống tư pháp gặp phải khi thừa nhận “quyền im lặng” được xem là tất nhiên và vì đối tượng của hệ thống tư pháp là con người, không phải súc vật!

Muốn làm tròn vai trò luật định, hệ thống tư pháp chỉ còn một cách, phải tự hoàn thiện cả về trí lẫn lực.

Còn tại Việt Nam?

Khoan bàn đến sự tàn bạo của hệ thống tư pháp khi dung dưỡng chuyện tra tấn, ép người ta nhận những tội mà họ không hề thực hiện, rồi thản nhiên kết án, giam cầm, bất chấp những lời kêu oan, phá nát nhiều gia đình, hủy diệt tương lai của nhiều cá nhân, chỉ đối chiếu với Hiến pháp mà các ông nghị là tướng của ngành Công an đã từng bỏ phiếu thông qua thì cũng đủ để thấy, những tuyên bố của các ông chẳng khác gì Đ.M Hiến pháp!

Không lẽ là tướng Công an kiêm Đại biểu Quốc hội thì nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng chẳng sao?

Hiến pháp mà còn công khai bị Đ.M như vậy thì Luật Tố tụng Hình sự cũng chỉ là một miếng giẻ rách! Đã thế còn bày ra trò thảo luận làm gì cho tốn ngân sách?

Tuy được trả lương để thực thi pháp luật, nhân danh luật pháp nhưng mình không tin các ông, các bà trong ngành công an, kiểm sát, tòa án, “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Mình muốn nhắn riêng với các ông, các bà là tướng Công an, Kiểm sát viên, Thẩm phán đang ngồi trong nghị trường rằng, dẫu cho “quyền im lặng” có được đưa vào Luật Tố tụng Hình sự mới thì các ông, các bà vẫn có thể “ăn ngon, ngủ kỹ”.

Nếu hệ thống tư pháp vẫn được điều hành và vận hành theo kiểu như từ trước đến nay thì dù “quyền im lặng” có được đưa vào Luật Tố tụng Hình sự mới mà xảy ra một ngàn vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng không đụng đến ai nhưng vẫn cúi đầu nhận tội “giết người” thì các ông, các bà cũng chẳng phải chịu trách nhiệm.

Thực tế đã… tuyệt vời như vậy thì Đ.M Hiến pháp làm gì, dù sao Hiến pháp cũng là… luật mẹ, hãy để Hiến pháp… nghỉ ngơi! 


Đồng Phụng Việt

(Blog Đồng Phụng Việt)

No comments:

Sâu Ciu Blog