Ngay khi Infonet đưa tin về việc “ông Chấn sẽ được bồi thường 7,2 tỉ đồng, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi: Tiền lấy ở đâu? và "thắc mắc" hộ ông Chấn rằng: Có phải nộp thuế cho khoản tiền 7,2 tỉ không?
Để giải đáp câu hỏi này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm về vấn đề này.
Thưa ông, là người theo dõi rất sát vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan về tội giết người cướp của, chiều nay đọc tin ông Chấn đã chấp nhận bồi thường 7,2 tỉ đồng. Cảm giác của ông thế nào?
Ngày xưa, Bác Hồ từng phát biểu một câu trước hội nghị của ngành tư pháp nghe qua dễ ngộ nhận nhưng tôi cho rằng, rất thâm thúy: “Các đồng chí xét xử đúng thì tốt, nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Nếu ngày nay, việc ông Chấn và Tòa Phúc thẩm TAND tối cao không thỏa thuận được mức bồi thường phải kéo nhau ra Tòa án để tranh tụng thì kết quả dù đúng hay sai thế nào đi chăng nữa cũng không thể bằng việc hai bên, giữa ông Chấn với Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, là cơ quan tố tụng cấp cuối cùng đã xử oan ông Chấn thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường mà ông Chấn hài lòng, phía bị bồi thường cũng cảm thấy hợp lý. Như vậy theo tôi, tranh chấp này không phải xét xử là kết quả tốt nhất. Mặc dù quyền tự do về thân thể là quyền con người, không có giá trị vật chất nào có thể bù đắp nổi bằng những năm tháng tù đày từng giết chết tuổi xuân có giới hạn của một con người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được thả về
Ông đánh giá thế nào về số tiền bồi thường kể trên?
Trước hết, nói về thiệt hại do tổn thất về tinh thần thì theo quy định của pháp luật, trong trường hợp bị buộc phải chấp hành hình phạt tù oan thì mức bồi thường được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị chấp hành hình phạt tù oan đó.
Đây là quy định mang tính cào bằng thân phận của mỗi con người mà không tính đúng tính đủ về vị trí xã hội hoặc hoàn cảnh sống của từng người bị tù oan nên việc bồi thường đó có khi sẽ không thỏa đáng. Nói về thiệt hại do thu nhập thực tế bị giảm sút thì pháp luật quy định trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Do đó, nếu ông Chấn thuộc trường hợp này thì ông Chấn phải gánh chịu khoản bồi thường vừa “tối thiểu”, lại vừa bị áp dụng như đối với người làm việc ở cơ quan nhà nước vốn bị xem là mức lương không đủ sống.
Nói về thiệt hại về sức khỏe thì theo pháp luật quy định những khung bồi thường cho từng tổn thất đều buộc người bị oan phải chứng minh về sự tổn thất của mình. Nhưng sức khỏe là vàng. Nó có thể là tổn hại phía bên ngoài hay phần thẩm mỹ của con người, nhưng đa phần những người tù oan lại bị tổn hại từ bên trong nội tạng do những cuộc bức cung, nhục hình nhưng không để lại dấu vết thì không thể có quy định khung nào tính toán một cách tương xứng với những tổn thất về nội tạng của họ được. Nói thế để thấy, đó là những khiếm khuyết của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Từ đó có thể thấy việc bồi thường hoàn toàn bất lợi cho phía người bị tù oan. Nhưng dù sao, ông Chấn cũng chấp nhận mức bồi thường mà ngay cả ông cũng không thể chứng minh được các thiệt hại của mình để biến sự tổn thất vô hình thành hữu hình, thì tôi cho rằng, đó là thắng lợi không chỉ của riêng ông, mà cũng là thắng lợi của phía cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
Số tiền đó, theo quy định của pháp luật sẽ được lấy từ đâu, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật thì số tiền bồi thường cho ông Chấn sẽ được lấy từ ngân sách trung ương. Sau đó, Hội đồng xét xử cấp Phúc thẩm lần hai đã tuyên bản an oan ông Chấn phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước 7 tỷ 2 đồng mà Nhà nước đã bồi thường cho ông Chấn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền bằng tiền và tài sản của cá nhân Hội đồng xét xử ấy.
Điều 52. Kinh phí bồi thường
1. Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.
2. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.
Điều 56. Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ
1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
(Trích Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước)
Theo quy định của pháp luật, số tiền kia có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không thưa ông?
Riêng khoản thiệt hại do thu nhập cá nhân bị tổn hại thì người được bồi thường vẫn có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập của người bị oan thuộc loại thu nhập cao, thuộc trách nhiệm phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Còn các tổn hại khác như tổn hại về sức khỏe, tổn hại về tài sản… thì không phải chịu thuế.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên (thực hiện)
(Infonet)
No comments: