Kỳ Duyên: Bạn bè iu quí gửi cho bài viết này. Xin đăng lên để thấy một thời, một ông chủ tịch (huyện) cũng biết cảm thông và thương dân thế nào :D
—————
Những năm kháng chiến chống Pháp, tôi làm chủ tịch huyện Gò Quao trong vùng giải phóng. Cơ quan thường ở cùng nhà dân, dựa vào dân. Một hôm, tôi đang ngồi làm việc ở phòng phía trong thì nghe bên ngoài có tiếng lao xao. Mải mê đọc công văn, tôi không để ý lắm đến chuyện gì đang xảy ra bên ngoài vì đã có các cô cậu văn phòng, văn thư lo rồi. Đột nhiên, có người vén tấm vải che ngăn cách phòng tôi đi ào vào.
Tranh minh họa của họa sĩ Khều. |
Tôi vừa kịp ngẩng đầu lên thì nhìn thấy một người đàn bà khoảng ngoài ba mươi tuổi, da đen đúa, gầy gò, hình như là người Khmer. Chị ta trông thấy tôi, ánh mắt sáng lên nửa như mừng nửa như giận. Bất thình lình chị ta dùng hai tay nắm hai vạt áo giật mạnh đánh soạt một cái, bứt hết các khuy cúc. Rồi chị ta xông thẳng đến bên tôi, hai tay nâng hai bầu vú teo tóp, chìa sát mặt tôi và nói:
“Ông chủ tịch bóp vú tôi đi! Ông chủ tịch bóp vú tôi đi!”.
Tôi hoảng hồn, né mặt qua một bên, chưa biết chuyện gì xảy ra. Tại sao chị ta lại dám đến văn phòng Ủy ban huyện trong giờ làm việc với bộ đáng như vậy và miệng thì kêu: “Ông chủ tịch bóp vú tôi đi!”.
Tôi nghiêm mặt nói: “Chị ngồi xuống, khép vạt áo lại rồi có chuyện gì thì từ từ nói. Không thì tôi kêu người đuổi chị ra ngay”.
Nghe vậy, chị ta liền ngồi xuống, rơm rớm nước mắt: “Ông chủ tịch à, ông không cho tôi bán heo, bán lúa ra thành để mua sữa cho con tôi, nó đói quá nó khóc tắt tiếng rồi… Du kích bắt tôi, nói tôi làm bộ thiếu sữa đế mang heo, mang lúa tiếp tế cho Tây. Tôi thiếu sữa thiệt mà, ông chủ tịch bóp vú tôi đi, coi tôi nói thiệt hay tôi nói láo (dối)”.
Vậy 1à rõ rồi. Nhưng trong vùng giải phóng của ta lúc đó, đâu có chỗ nào sản xuất sữa hộp, đâu có chỗ nào bán sữa tươi. Không cho bán heo lúa ra thành thì chị ta không có bạc xanh (tiền Đông dương) để mua sữa hộp cho con, còn nếu cho phép chị bán thì trái chủ trương của cấp trên lúc đó. Xin nói thêm là cuối những năm 40, ta có chủ trương “bao vây kinh tế địch”, tức là cấm dân vùng giải phóng bán sản phẩm nông nghiệp ra thành (vùng tạm bị địch chiếm). Tôi làm chủ tịch huyện, không thể không thực hiện chủ trương ở trên, cũng không thể ngồi nhìn trẻ sơ sinh thiếu sữa. Làm sao đây? Tôi nói: “Thôi chị cứ về đi. Chiều đến đây tôi giải quyết”.
Chị ta đứng lên bước đi, nhưng lại quay mặt lại, vẻ chưa hết lo lắng: “Ông chủ tịch không tịch thâu hàng của tôi chớ…”.
Tôi phải gắt: “Tôi nói giải quyết chớ tôi có nói tịch thâu đâu”.
Chiều hôm đó, chị ta lại vào chỗ tôi, vẫn với chiếc áo mất hết cả cúc, nhưng hai tay chị túm vạt áo kín lại và khoanh trước ngực, hình như cả buổi trưa chị vẫn loanh quanh đâu gần đây chứ không về nhà vì ở xa… Tôi lấy hai hộp sữa từ trong hộc ra, đặt trên bàn làm việc:
“Chị cầm hai hộp sữa này về cho cháu. Nhớ thêm nước cơm nước cháo. Sữa bây giờ hiếm lắm…”.
Chị vồ lấy hai hộp sữa, ôm chặt vào chiếc ngực lép, dùng hai vạt áo đứt cúc túm chặt lại, miệng rối rít: “Cảm ơn ông chủ tịch, cảm ơn ông chủ tịch”.
Tôi nói: “Chị cảm ơn lục cả ở chùa thì hơn. Sữa của chùa, không phải sữa của tôi. Còn hàng của chị, chị cứ mang về”.
Chị bước ra, miệng vẫn cảm ơn, nhưng mắt vẫn chưa hết vẻ lo lắng.
“Nhưng mà hết hai hộp sữa này thì…”
– “Thì lúc đó tính sau…”
Xin nói cho rõ thêm: trưa hôm đó tôi đến ngôi chùa của người Khmer trong vùng, vì tôi biết nhà chùa không bị buộc phải thực hiện “bao vây kinh tế địch”, vài lần đến chùa công tác, tôi đã được mời uống cà phê sữa. Nghe tôi kể, lục cả gửi tôi mang về cho chị hai hộp sữa…
Còn chủ trương “bao vây kinh tế địch” thì tôi đấu mạnh với cấp trên, vì “bao vây kinh tế địch” trong khi kinh tế ta còn yếu kém quá cũng bằng… “bóp cổ kinh tế ta”. Ai có kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ đều nhớ khoảng mấy năm sau 1952 – 1954 gì đó – ta “cởi mở” hơn, vùng giải phóng chẳng những có sữa cho trẻ em mà còn có bàn chài đánh răng cho người lớn… và cán bộ thì có thể mua đèn pin hộp Wonder ở chợ ngã ba Đồng Cùng để tiện đi công tác đêm hôm… Trong sự thay đổi chủ trương kịp thời này, tôi tin là có phần đóng góp của câu chuyện “Ông chủ tịch bóp vú tôi đi” mà tôi đã nhiều lần kể cho các anh ở Xứ ủy và Trung ương nghe…
Thanh Giao
(Theo lời kể của đ/c Phạm Sơn Khai,
nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ)
(Blog Kỳ Duyên)
————
No comments: