Sau chiến thắng của U23 Việt Nam, trong sự phấn khích cao độ, hàng nghìn người hâm mộ Hà Nội đã xuống đường tỏ nỗi vui mừng ngày 3 tháng 6, 2015
Có những dịp đông đảo người Việt tràn ra đường để bày tỏ cảm xúc hay ý kiến riêng được chính quyền để diễn ra một cách tự do, thoải mái. Trong khi đó có những nhóm người dân tập trung lại bị cơ quan chức năng thẳng tay giải tán.
Tại sao lại có tình trạng như thế?
Đám đông tự do ăn mừng thắng lợi bóng đá!
Nhiều ngưởi hâm mộ bóng đá Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn vào tối ngày 2 tháng 6 vừa qua lại được dịp đổ xô xuống đường với cờ xí, băng rôn, giải đeo trên đầu … để ăn mừng thắng lợi của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam 5-1 trước đội Malaysia trong trận tranh chiếc vé vào vòng bán kết Sea Games 28.
Vào những đêm ăn mừng chiến thắng của bóng đá như thế, các fan cuồng thường được thỏa thích phóng xe máy theo từng tốp mà không bị cảnh sát giao thông phạt vi phạm. Rồi những hoạt động gây ách tắc giao thông, làm náo động thành phố… cũng đều được lực lượng chức năng nhắm mắt làm ngơ để người hâm mộ được dịp bày tỏ sự sung sướng tột độ về chiến thắng mà những cầu thủ đội nhà đem đến cho họ. Đối với nhiều người đó cũng là một niềm ‘tự hào dân tộc’ vì thành tích vẻ vang trước đội mang ‘màu cờ, sắc áo’ của một quốc gia khác.
Thực lực đội nhà!
Để có được chiến thắng làm nức lòng người, nhiều nước đã phải đầu tư lâu dài cho các thế hệ cầu thủ từ khi còn nhỏ. Tiếp đó trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi được tuyển chọn để đi thi đấu, ngân sách quốc gia cũng phải được chi ra cho việc rèn luyện, bồi dưỡng, thuê huấn luyện viên… với mục tiêu giành chức vô địch trước nước khác để mang vinh quang về cho nước nhà.
Một thành viên của CLB bóng đá No-U FC tại Hà Nội, anh Lã Việt Dũng nói về thắng lợi mà đội U23 Việt Nam đạt được vừa qua:
“Tôi thấy thắng lợi cũa đội U23 Việt Nam không phải đùng một cái họ thắng mà là một quá trình. Tất nhiên nó xuất phát từ việc đào tạo cầu thủ trẻ của Việt Nam, đặc biệt là Hoàng Anh Gia Lai, Học viện Hoàng Anh Gia Lai họ cũng đào tạo ra được một lứa cầu thủ bài bản. Nhưng theo tôi thấy về vấn đề chuyên môn thuần túy thì đó vẫn chưa là bền vững. Bởi vì Việt Nam còn đang trong vùng trũng của Đông Nam Á, mà Đông Nam Á còn là vùng trũng của thế giới nữa. Cho nên chiến thắng đối với đối thủ trong vùng chưa là gì cả so với thế giới. Thứ hai về phát triển của bóng đá Việt Nam thì chúng tôi chưa thấy có ‘chiều sâu và chiều rộng’ vì những đội bóng, doanh nghiệp làm được như Hoàng Anh- Gia Lai rất ít.
Vào những đêm ăn mừng chiến thắng của bóng đá như thế, các fan cuồng thường được thỏa thích phóng xe máy theo từng tốp mà không bị cảnh sát giao thông phạt vi phạm. Rồi những hoạt động gây ách tắc giao thông, làm náo động thành phố… cũng đều được lực lượng chức năng nhắm mắt làm ngơ
Theo tôi nghĩ vấn đề ở đây là kinh tế Việt Nam chưa được phát triển; và bản thân các doanh nghiệp tư nhân chưa có điều kiện để đầu tư vào bóng đá.
Các môn thể thao khác còn tệ hơn bóng đá. Mặc dù Sea Games đang diễn ra, có thể Việt Nam giành được khá nhiều huy chương vàng. Ngoại trừ bơi lội và những môn điền kinh cơ bản ra ( mà không được nhiều lắm) thì những môn như bi sắt, đấu kiếm không phải là những môn thể thao mang tính cơ bản của người Việt Nam. Nền thể thao Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều. Đó chưa phải gì là thành công cả!”
Cuộc biểu tình phản đối chính quyền TP Hà Nội chặt hạ 6.700 cây hồi tháng 4 vừa qua đã nhanh chóng bị công an đàn áp dã man
Cuộc biểu tình phản đối chính quyền TP Hà Nội chặt hạ 6.700 cây hồi tháng 4 vừa qua đã nhanh chóng bị công an đàn áp dã man |
Cùng chia xẻ ý kiến của anh Lã Việt Dũng, nhiều người Việt Nam cũng thừa nhận việc chạm đến chiếc cúp vàng bóng đá trong khu vực vẫn còn là niềm mơ ước của họ. Có lúc tưởng chừng gần chạm vào lại bị vuột mất!
Trong lần tham gia Sea Games 28 do Singapore đăng cai năm nay, Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu lọt vào nhóm các nước đứng đầu như trình bày của ông Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á đồng thời là phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympyc Việt Nam sau đây:
“Việt Nam căn cứ vào khả năng của mình ở những môn trọng điểm đầu tư. Người ta tổ chức 36 môn, Việt Nam chỉ tham gia 26 môn thôi và mục tiêu cũng chỉ đạt tốp đầu!”
Sách lược khi cấm, khi thả!
Theo nhiều người thì việc bày tỏ vui mừng trước thắng lợi của đội bóng đá nước nhà như một niềm tự hào dân tộc thì không có gì là qúa đáng và đây là tình cảm tự nhiên của con người. Dân chúng những nước khác cũng hành xử tương tự khi đội đại diện cho quốc gia họ giành được những thành tích thể thao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo những người luôn đau đáu với tình hình đất nước hiện nay tại Việt Nam, còn có những ưu tiên khác cần phải để cho dân chúng bày tỏ ý kiến một cách công khai như phải cùng nhau xuống đường để lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động ức hiếp Việt Nam. Một nhà hoạt động tại Việt Nam, anh Nguyễn Lân Thắng bày tỏ ý kiến về thắng lợi của đội tuyển U23 Việt Nam và đưa ra nhận định về hành xử của chính quyền trước việc để cho người hâm mộ bóng đá được thoải mái có những hành vi bộc phát ăn mừng chiến thắng; trong khi lại mạnh tay đối với những nhóm tập trung lên tiếng vì bất công xã hội, vì đât nước lâm nguy:
“ Trước hết tôi cũng thấy rất vui khi đội tuyển bóng đá Việt Nam có một chiến thắng giòn giã trước Malaysia. Nhưng nhìn xa hơn một chút, những chiến thắng này chỉ trong lĩnh vực thể thao; cái điều mà theo tôi nghĩ người dân Việt Nam cần hơn là chiến thắng trong cuộc sống, chiến thắng trong lao động, trong chính những điều cần thiết hơn rất nhiều ở trong cuộc sống.
Tất cả những hoạt động lễ hội, những hoạt động bóng đá rồi thể thao có số đông quần chúng tham gia thì họ không bao giờ can thiệp. Thế nhưng hễ như có hoạt động dù nhỏ thôi mà có sự phản kháng, phản đối của người dân đối với những chính sách, đến những đòi hỏi quyền lợi dân sinh rất bình thường thì người ta ngăn chặn một cách quyết liệt
anh Nguyễn Lân Thắng
Thế còn việc Nhà nước để cho những hoạt động ăn mừng chiến thắng, rồi đổ ra đường, rồi chạy xe cả đêm… Vấn đề đó ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn vậy: tất cả những hoạt động lễ hội, những hoạt động bóng đá rồi thể thao có số đông quần chúng tham gia thì họ không bao giờ can thiệp. Thế nhưng hễ như có hoạt động dù nhỏ thôi mà có sự phản kháng, phản đối của người dân đối với những chính sách, đến những đòi hỏi quyền lợi dân sinh rất bình thường thì người ta ngăn chặn một cách quyết liệt.”
Anh Lã Việt Dũng cũng có ý kiến về điểm này:
“Không những Nhà nước cho những hoạt động như vậy, mà họ còn mong và chờ những cơ hội như vậy để họ cải thiện hình ảnh. Ví dụ như trận bóng đá giữa Việt Nam và Malaysia vừa rồi tôi thấy có cả ca sĩ Phương Thanh rồi hoa hậu, á hậu được họ tài trợ sang. Những ai theo dõi bóng đá Việt Nam gần đây thì thấy có những câu lạc bộ cổ động viên mà tôi có cảm giác như là dư luận viên để đánh bóng thành công nhất thời của thể thao Việt Nam để người dân họ có thể quên đi những cái bất cập xã hội khác. Và cũng rất logic khi có một sự kiện chiến thắng thể thao như vậy, thì chính quyền bật đèn xanh, cổ vũ mọi người ăn mừng làm như Việt Nam ta đây cũng rất là giỏi, cũng rất yêu nước; trong khi những sự việc xảy ra mà những người có tâm tư, có quan tâm đến tình hình đất nước hơn một chút họ rất lo lắng như tình hình về Biển Đông, tình hình về kinh tế- chính trị- xã hội thì chính quyền Việt Nam lờ đi và thậm chí ngăn cản người dân bày tỏ ý kiến.”
Thực tế vào năm ngoái cho thấy ngay cả trong lúc tình hình căng thẳng giàn khoan 981 của Trung Quốc được ngang nhiên cho hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; có những cuộc biểu tình ‘phản đối’ được cơ quan chức năng tổ chức trong trụ sở cơ quan, trong khi đó những cuộc tuần hành của người dân đã bị ngăn trở và cuối cùng bị dẹp.
Gia Minh
(RFA)
No comments: